Nhà thơ Vân Long
Trong sáng tạo thơ có 2 hiện tượng khá
phổ biến: 1/ Có nhà thơ xuất hiện sáng chói như sao băng rồi vụt tắt. 2/
Có nhà thơ xuất hiện lặng lẽ như ngôi sao nhỏ nhấp nháy bên trời, rồi
càng ngày càng tỏa sáng.
Vân Long thuộc dạng nhà thơ thứ 2.
Anh làm thơ từ năm 20 tuổi, và đến nay
đã vào tuổi bát thập, vẫn viết đều, viết khỏe. Anh không chỉ viết thơ,
mà còn viết báo, viết chân dung văn nghệ sĩ, viết tiểu luận văn chương.
Với 30 đầu sách đã xuất bản, ta thấy ở anh một sức làm việc kiên trì
liên tục thật đáng nể trọng.
Nhìn lại 60 năm thơ Vân Long, tôi tự
hỏi, làm sao mà anh lại có được một chặng thơ dài đến thế. Một chặng thơ
không mệt mỏi, một hành trình thơ sánh bước cùng nhiều thế hệ với những
nỗ lực sáng tạo từ hồn nhiên đến nghiệm sinh, từ bản năng đến vượt
thoát để hồi sinh những tế bào thơ đúng như một câu thơ anh viết về cây
lim xanh: Lặng lẽ xanh ngàn tuổi.
Làm sao giữ được tâm hồn mãi xanh tươi?
Đó là bí quyết của nhà sáng tạo, bí quyết của sự sống. Nói như Huy Cận
là phải biết “giữ vệ sinh tâm hồn”. Có lẽ Vân Long cũng đã làm được điều
đó, anh biết giữ cho mình một tâm hồn sạch. Đó là lối sống giản dị và
nhân hậu với người, với đời. Đó là sự trân quý văn chương nghệ thuật. Đó
là cái tâm luôn chia sẻ tài năng của bạn bè, thi hữu… Nhờ thế mà Vân
Long đã lọc được ra từ đời sống bụi bặm, lầm than những câu thơ sạch,
những câu thơ run rẩy xúc cảm về cái đẹp.
Ngay từ tập thơ đầu tiên, tập Tia nắng
(1954-1962) anh đã để lại cho người đọc ấn tượng khó quên với 2 bài thơ
ngắn làm xao xuyến tâm hồn tuổi trẻ. Đó là bài “Qua mưa” và bài “Lầm”.
Hai bài thơ này chỉ đọc một lần là thuộc, bởi nó có cái tứ ngồ ngộ, có
cái tình trong trẻo, trẻ trung, và thông minh một cách dễ thương. Ai đã
viết về thơ Vân Long cũng đều dẫn hai bài thơ này. Bởi nó lay động lòng
người. Bởi nó nói thay tiếng lòng của những kẻ đang yêu:
Qua dải sân mưa tôi ngắm emMàn mưa nhòa những nét thân quen
Tình yêu mới nở sao mà đẹp
Một thoáng nhìn nhau, mưa cũng ghen!
“Qua mưa”
Gần nhau non buổi chiều
ngẩn ngơ tròn buổi tối
đường về quên mất lối
rẽ lầm tới… nhà em.
ngẩn ngơ tròn buổi tối
đường về quên mất lối
rẽ lầm tới… nhà em.
“Lầm”.
Hai bài thơ ấy không chỉ nằm trong sổ
tay của nhiều bạn trẻ thời bấy giờ, mà nó còn theo những người lính ra
trận, hay nằm trong những lá thư người ta gửi cho nhau. Nó sống đã hơn
nửa thế kỷ qua, và còn tiếp tục đời sống kỳ diệu mà chỉ có thơ mới có.
Hôm nay cũng có người vừa khoe với tôi là họ đã từng “mượn” thơ Vân Long
để tán gái… Đó cũng là hạnh phúc của nhà thơ khi thơ anh được chép,
được thuộc hay được “mượn”.
Sau tập thơ đầu tay đó, Vân Long rời Hà
Nội nhập cuộc với nhóm thơ Hải Phòng đất cảng trong những ngày chiến
tranh ác liệt. Không khí công nghiệp và chiến tranh với thủy lôi, bom
đạn và những con tàu, những người bốc vác cần lao trên bến cảng đã ập
vào thơ Thanh Tùng, Đào Cảng, Trịnh Hoài Giang, Thi Hoàng, Đào Trọng
Khánh… và cả Vân Long nữa. Thơ các anh vạm vỡ, phá mở theo chiều kích
công nghiệp hiện đại, nó tạo nên những tần số xung động mới. Dù không có
tuyên ngôn hay chủ trương cách tân nghệ thuật, nhưng nhóm thơ Hải Phòng
đã tạo dựng được gương mặt thơ mới của thời mình đang sống. Tuy vẫn
chưa thoát khỏi được dòng mạch tự sự kể lể trong thơ, nhưng các anh cũng
đã cất lên được những tiếng nói hào sảng, thô ráp chứa đầy sự sống thời
đại. “Thành phố như một con tàu chở đầy thuốc nổ/ Cuốn đi số phận mỗi con người” (Đào Trọng Khánh). Hiền lành như Vân Long cũng như muốn thét lên: Một tiếng bom rung phòng triển lãm/ Những ô cửa chì than trương mày phẫn nộ. Ở
đây, cách tân như một nhu cầu tự thân của sáng tạo, nó khác với nhóm
“Sáng tạo” có tuyên ngôn nghệ thuật ở Sài Gòn thời bấy giờ, nhưng nhìn
chung đều có những đóng góp đáng kể cho tiến trình đổi mới của thơ Việt
những năm 60 của thế kỷ trước.
Người ta nói tình yêu không có tuổi, thơ
không có tuổi, nhà thơ không có tuổi… là nói cải bản chất hồn nhiên, tự
nhiên nhi nhiên của hồn cốt sự vật. Nhưng một người sáng tạo thơ lâu
dài thì phải trải qua tích lũy. Tích lũy năng lượng sống. Tích lũy kinh
nghiệm sống. Tích lũy văn hóa sống, văn hóa đọc và văn hóa viết. Nếu một
bình acqui không được tích đầy điện năng thì làm sao có thể phát sáng
được. Vân Long rời Hải Phòng sau chiến tranh trở về với Hà Nội thấu hiểu
điều đó. Anh lại hòa vào những người bạn văn chương của thủ đô để tích
lũy nghề. Anh đi đây đi đó để thâu nạp hiện thực và mở rộng biên độ cảm
xúc, mở rộng câu thơ. Anh để lại thơ trên nhiều địa danh với nhiều suy
ngẫm sâu sắc. Anh thổi tư tưởng vào cảm xúc, và nhiều khi, khám phá ra
tư tưởng nhân sinh và tư tưởng thẩm mỹ qua chân dung cuộc đời những
người bạn.
Cày ta cày hết sức
Uống ta uống cật lực
Uống nghiêng trời đất Mường Khương
… Bửa đời mình ra bán lẻ…
Uống ta uống cật lực
Uống nghiêng trời đất Mường Khương
… Bửa đời mình ra bán lẻ…
(Với nhà thơ Pờ Sảo Mìn)
Không thể hình dung
Một Nguyên Hồng không có Hải Phòng
Một Nguyên Hồng không có Hải Phòng
… Nhưng không ông
Không trọn vẹn
Hải Phòng!
Không trọn vẹn
Hải Phòng!
(Nhớ Nguyên Hồng)
Rốt cuộc thì Vân Long nghiệm sinh được
gì cho thơ? Thơ không phải là cứ kéo dài ra mà phải là nén lại. Nén chặt
chữ lại, nén chặt cảm xúc lại, nén chặt thời gian không gian lại thì
sức nổ của thơ mới thành nguyên tử. Đấy là khi anh nhận ra anh không
thuộc tạng viết thơ dài. Cũng không phải tạng viết thơ diêm dúa, kiểu
cách. Và nhịp thơ của thuở ban đầu đã trở lại với anh với một độ nén hàm
súc mang chứa tư tưởng, triết lý cuộc đời. Và hình như Vân Long thật
thành công ở những bài thơ ngắn.
Tôi sững sờ trước hai câu thơ với sự phát hiện lạ lùng về loài chim bay trên bầu trời lại mang hình chữ “nhân”:
Viết chữ nhân lên nền trời
Bầy chim trách người trườn mặt đất
Bầy chim trách người trườn mặt đất
Theo tôi thì hai câu thơ ấy đã là một bài thơ lớn.
Tôi thú vị khi thấy anh phát hiện ra sự lớn lên của đứa trẻ trong khi ngủ:
Bé vừa ngủ vừa cười
Vừa ngủ vừa lớn lên…
Vừa ngủ vừa lớn lên…
Và đặc biệt là bài thơ “Không chiến trường” với tứ thơ nhân văn độc đáo bất ngờ, chỉ có ở Vân Long:
Đất nước im súng bom
Lòng lại bày trận mạc
Tươi tắn thế, chả lẽ em là giặc?
Bất chợt mình chưa đánh đã mong thua.
Lòng lại bày trận mạc
Tươi tắn thế, chả lẽ em là giặc?
Bất chợt mình chưa đánh đã mong thua.
Phải trải qua mấy cuộc chiến tranh, mấy
núi quặng chữ mới đúc ra được một bài thơ 26 từ như thế. Thơ ấy như vàng
ròng, như hương thơm, như lá xanh không bao giờ rụng xuống. Thơ ấy là
máu huyết, là tâm hồn tươi trẻ của nhà thơ. Đó là thơ hay. Thơ hay không
bao giờ cũ.
60 năm thơ và 80 tuổi đời của một nhà
thơ thật chả có gì đáng nói nếu anh không có những bài thơ đi lại, sẻ
chia, chung sống với bạn đọc. Tôi thích và nhớ những bài thơ ngắn của
Vân Long thời anh 20 tuổi, và giờ đây thơ ở tuổi 80 của anh vẫn còn lay
động không chỉ riêng tôi. Và tôi tin, có những bài thơ của anh sẽ trường
thọ hơn chính tác giả của nó. Đó chính là hạnh phúc đích thực của nhà
thơ – hạnh phúc của một tâm hồn lặng lẽ xanh trên suốt hành trình sáng
tạo có tên là Vân Long.
Hà Nội, 20.2.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét