Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Về sách Văn Bạn Văn 1



MỘT VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC SÁCH VĂN BẠN VĂN 1
(Chủ biên: Nguyễn Nguyên Bảy/ Nhà xuất bản Văn Học)
Hòa Phú Yên


Trong bầu không khí nền văn học nước nhà hiện nay có phần u ám, nhiều xô bồ, nhiễu loạn; người ta đang tự ca tụng những điều viển vong, hư ảo, thậm chí có người lại thờ ơ và quay lưng lại với văn chương; Văn Bạn Văn 1 ra đời trong bối cảnh ấy là một sự kiện thực sự có ý nghĩa, là điều vô cùng đáng quý và đáng trân trọng.

Văn Bạn Văn 1 là tập sách tập hợp 38 bài, bao gồm những bài nhận định, đánh giá, những bài ký, đò đưa, chân dung, truyện ngắn của 34 tác giả đến từ mọi miền của đất nước. Và 1 bài viết hết sức có ý nghĩa “Cửu tụng bạn văn Trần Hoài Dương” thay cho lời mở đầu của Chủ biên Nguyễn Nguyên Bảy. Bài Cửu tụng nói lên được nhiều điều về đức tính, phẩm hạnh, tài năng của Trần Hoài Dương. Nói rộng ra đó là những phẩm chất mà người viết chân chính cần phải có.  Đừng vì lợi ích cá nhân, đừng vì con đường công danh, vị nể, đừng vì những suy nghĩ viễn vong mà làm những điều không đáng…

Sự góp mặt của những tác giả trên với những tác phẩm trong tập sách, ở nhiều thể loại nó đã làm nên sự đa dạng, phong phú của tập sách.

Bên cạnh những nhận định, những bài đò đưa về thơ, về một số tác giả, tác phẩm đã từng ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc một thời còn có những bài ký sự, những truyện ngắn hết sức độc đáo, mang tính thời sự và có giá trị nhân văn. Đánh thức phần lương tri, trách nhiệm của con người trong cuộc sống vốn đa diện, đa chiều của đời sống hiện đại.

Sách Văn Bạn Văn (Tập 1) dày 300 trang, bìa cứng, khổ 20 x 20, Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 1/2013, tập hợp gồm 34 tác giả với 38 tác phẩm. Tác giả góp mặt ít nhất 1 bài, nhiều nhất là 2 bài. Với cách bài trí từ bìa sách đến nội dung từng phần trong sách và nhất là những tác phẩm được chọn, theo cá nhân tôi nhận thấy nó rất bài bản, ấn tượng và chất lượng.  Đặc biệt là cách phân chia và gọi tên từng phần trong sách cũng rất “lạ”. Cách phân chia ấy chứng tỏ chủ biên Nguyễn Nguyên Bảy là một người rất am tường và chuyên nghiệp về văn chương chữ nghĩa. Sự phân chia và gọi tên như thế cho thấy ông là người rất cẩn trọng tỉ mỉ và công phu trong việc đọc chọn, sắp xếp và biên tập. Tôi thích nhất cách mà Nguyễn Nguyên Bảy gọi những bài bình bằng một cái tên khác cách gọi thông thường đó là “Đò đưa”, cách gọi này vừa quen, vừa lạ, vừa giản dị khiêm nhường nhưng nó cũng hàm chứa ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Phải chăng, cuộc đời cầm bút với những trải nghiệm thực tế đã giúp ông đưa ra những cách gọi mới, sát đúng với thực tế như vậy?.

Sách  Văn Bạn Văn (Tập 1) được chia làm 2 phần:

Phần 1: Văn ngắn (Luận, Sự, Ký, Đò đưa, Chân dung…)

Với sự góp mặt của Hoàng Thụy Anh, Phạm Đình Ân, Trần Văn Cung, Văn Giá, Trần Vân Hạc, Nguyễn Văn Hòa, Hoàng Xuân Họa, Nguyên Khôi, Vũ Bình Lục, Nguyễn Khắc Phục, Lê Xuân Quang, Nguyễn Thái Sơn, Hoàng Trung Thông, Hoàng Vũ Thuật, Trần Huy Thuận, Nguyễn Anh Tuấn, Triệu Xuân.

Trong phần 1 này, người đọc sẽ được thưởng thức nhiều bài viết rất ấn tượng và sâu sắc. Điều chắc chắn là sẽ gợi lên cho người đọc bao điều thú vị. Các bài viết mổ xẻ, phân tích, bình giá … trên nhiều phương diện và góc độ khác nhau. Và ở đó, chúng ta sẽ biết thêm được nhiều điều, nhiều kiến thức bổ ích, nhiều tư liệu quý … Một Nguyễn Khoa Điềm với những suy tư, trăn trở, những chiêm nghiệm cuộc đời trong “Cõi lặng” khi trở về- sau cuộc giã từ chính trường, sống cuộc đời tự do, khẳng định bản lĩnh và nhân cách của một tâm hồn thi sĩ đích thực (“Nguyễn Khoa Điềm và chuyện ngược dòng về Cõi lặng”- Hoàng Thụy Anh). Một Văn Cao là Nhạc sĩ- Thi sĩ tài hoa với những thăng trầm và bao biến cố đẩy đưa của cuộc đời (“Văn Cao: Uống rượu say rồi hát Quốc ca”- Lê Xuân Quang). Bài văn luận “Cái tai và văn hóa nghe” của Trần Huy Thuận” cho ta nhiều bài học về lẽ sống, về văn hóa ứng xử, giao tiếp hằng ngày …

Hà Nội mảnh đất hùng thiêng, là trái tim yêu của Tổ quốc, nơi những người con ở chính đất này đi xa ai cũng nhớ về nó với một nỗi nhớ da diết, khôn nguôi; nơi mà những người phương xa khi đến cũng đều có sức quyến rũ họ một cách kỳ lạ, với những người chưa từng đến Hà Nội thì ai cũng khao khát một lần được đặt chân đến mảnh đất  này. Hà Nội có điều gì đặc biệt, Hà Nội có những gì mà có sức cuốn hút kỳ diệu và lạ lùng như thế? Bạn đọc sẽ được thưởng thức qua một bài Tùy bút điện ảnh viết khá đặc sắc với sự hiểu biết uyên thâm của một người từng sống và gắn bó với Hà Nội. Đó là bài “Hà Nội bốn mùa” của Nguyễn Anh Tuấn. Mở đầu bài tùy bút, Nguyễn Anh Tuấn đã có cách giới thiệu ấn tượng: “Đối với rất nhiều người Việt nam ở khắp đất nước và ở khắp các phương trời xa xôi, Hà Nội là nỗi niềm đau đáu nhớ thương … Và Hà Nội cũng trở nên gần gũi thân quen một cách lạ lùng đối với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như đối với không ít vị khách nước ngoài… điều đó có thể lý giải bằng nhiều nguyên cớ- mà nguyên cớ trực tiếp nhất, và cũng sâu xa nhất, chính bởi Hà Nội có bốn mùa thật rõ rệt và đặc sắc, mà người ta có thể cảm nhận được qua da thịt từng sự thay đổi nhỏ bé của hoa lá, mặt sông gương gương hồ, con đường lối ngõ, những gương mặt người…

Đặc biệt, trong phần giới thiệu chân dung, độc giả sẽ được biết cụ thể hơn, rõ hơn về một hồn thơ tài hoa Lý Phương Liên, một tên tuổi từng gây xôn xao dư luận trên thi đàn những năm 70 của thế kỉ trước. Lý Phương Liên xuất hiện như “một ngôi sao băng” rồi vụt tắt, mãi đến năm 2011 công chúng yêu thơ mới biết có một Lý Phương Liên thật, đang hiện hữu trên cuộc đời này. Bạn đọc sẽ được tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời và thơ của bà qua 7 bài viết của các tác giả: Hoàng Trung Thông, Phạm Đình Ân, Trần Vân Hạc, Hoàng Xuân Họa, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Anh Tuấn, Triệu Xuân.

Phần 2: Văn truyện

Với sự góp mặt của 19 tác giả: Tạ Duy Anh, Ngọc Bái, Lê Thế Biên, Văn Chinh, Phùng Thành Chủng, Lê Bá Duy, Nguyễn Hiếu, Hoàng Xuân Họa, Nguyễn Minh Khiêm, Văn Thành Lê, Lại Văn Long, Phùng Gia Lộc, Trần Nhương, Lê Xuân Quang, Bùi Ngọc Tấn, Võ Diệu Thanh, Nhật Tuấn, Triệu Xuân, Phùng Hải Yến.

Trong phần văn truyện, bạn đọc tiếp tục được thưởng thức những tác phẩm của những tác giả đã khá thành danh và khẳng định chỗ đứng trên văn đàn. Những tác phẩm truyện của các tác giả này họ khai thác ở nhiều đề tài, chủ đề khác nhau nhưng chung quy lại vẫn là đề cập đến con người, sự sống và những mối quan hệ xã hội trong đời sống hiện nay. Đọc những tác phẩm ở phần văn truyện chắc hẳn sẽ gợi lên cho người đọc nhiều suy ngẫm về vấn đề đạo và đời trong đời sống con người hiện đại hôm nay.

34 tác giả với  38 bài văn góp mặt ở sách Văn Bạn Văn- Tập 1 thực sự là những tác phẩm đáng để  đọc.

Có lẽ sự thành công của Văn Bạn Văn – Tập 1 nằm ngoài sự mong đợi của của những người thực hiện tập sách. Rất tiếc vì dung lượng Tập sách có hạn nên đành gác lại một số tác giả và tác phẩm khác. Hy vọng rằng những tác phẩm có giá trị chưa được chọn ở tập này sẽ được chọn in ở các tập tiếp theo.

Tôi tin rằng trong rừng sách bạt ngàn như hiện nay thì sách Văn Bạn Văn - Tập 1 sẽ là tập sách mà những người yêu thích văn chương và các em học sinh, sinh viên đọc sẽ thích.


Nguyễn Văn Hòa,
Trường phổ thông cấp 2-3 Xuân Phước, Đồng Xuân, Phú Yên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét