Núi và lục bát hiên sông (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2012)
của Trần Thế Vinh không hẳn là
tập thơ xuất sắc, vẫn có những bài bình thường, nhưng cũng không khó để người
đọc tìm ra những bài thơ hay, câu thơ hay và những tứ thơ lạ. Cả tập gồm 72 bài
và được chia làm 2 phần:
Phần 1: Núi (gồm 51 bài thơ, chủ yếu là thơ tự do)
Phần 2: Lục bát hiên sông (gồm 21 bài thơ lục bát)
So với thơ tự do và các thể thơ khác thì số lượng thơ
lục bát chỉ chiếm khoảng 1/3. Nhưng tôi đánh giá cao những bài thơ lục bát của
anh, bởi lối viết uyển chuyển, sáng tạo và có sự cách tân.
Tôi rất tâm đắc với quan niệm về thơ của Trần Thế Vinh:
“Thơ là sóng
trên mặt ao
Vỗ vào vách nứt xôn
xao lòng hồ”
Quan niệm ấy của anh mới nghe qua tưởng chừng như giản
đơn nhưng ngẫm lại nó vô cùng sâu sắc và giàu ý nghĩa. Phải chăng, Trần Thế
Vinh đã rất thành thật với quan niệm cầm bút của mình. Anh cũng
không phải một nhà thơ dễ dãi chỉ cần có độc giả thôi là đủ. Với
anh cuộc đời là mãi đi lên theo chiều hướng vận động, phát triển không
ngừng. Người làm thơ cũng phải đặt mình trong guồng quay này của
cuộc sống để cảm nhận cũng như sáng tác. Những người làm nghệ
thuật nói chung, làm thơ nói riêng hơn bao giờ hết cần tư duy nhạy
bén và tầm tư tưởng tiến bộ để thơ mình hôm nay không lặp lại hôm
qua. Trần Thế Vinh hiểu sâu sắc điều cấm kị của lao động nghệ thuật
là lặp lại chính mình hay rập khuôn máy móc. Anh không chấp nhận sự
lặp lại nhàm chán mà cần sự linh hoạt, nhạy bén theo quy luật của
cuộc sống, theo sự phát triển của thời đại.
Đọc thơ Trần Thế Vinh chúng ta nhận thấy
sự thể hiện đặc điểm của thơ ca hiện đại, có sự kế thừa và phát triển thơ ca
truyền thống, có sự phát huy sáng tạo cái mới về hình thức và nội dung.
Thơ anh chủ yếu là thơ của cảm xúc, thổ lộ nỗi lòng của
mình và kiểu kết cấu tự sự thiên về phản ánh, kể chuyện. Mỗi bài thơ như một
câu chuyện kể, được dồn nén trong một số lượng ngôn từ ít ỏi. Những vần thơ
hướng nội, chắt lắng cuộc đời mình thành những chiêm nghiệm suy tư: Đâu phải bình minh lên/ là hết nỗi buồn/ số
phận móng chân tưa mép hôm qua/ theo chín dấu/ mỗi mùa…(Văng vẳng lời ru mở
đất).
Khảo sát 51 bài thơ trong tập Núi và lục bát hiên
sông có đến 196 lần nhà thơ sử dụng dấu ba chấm, 54 lần sử dụng dấu
chấm than và 43 lần dùng dấu chấm hỏi. Tần số xuất hiện dày đặc dấu ba chấm,
dấu chấm than và dấu chấm hỏi như vậy làm cho thơ Trần Thế Vinh đầy ắp tâm
trạng. Nó thể hiện được đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc, sự băn khoăn ray rứt, những
lo âu, trăn trở, niềm tin và cả những nỗi mất mát, đợi chờ.
Những địa danh, những vùng đất mà anh đã qua đều để lại
trong anh những nỗi niềm, những dấu ấn, những kỷ niệm. Trong tập thơ Núi
và lục bát hiên sông rất nhiều tên đất, tên làng, tên sông, tên núi…
được Trần Thế Vinh nhắc đến với một tình cảm tha thiết, mặn nồng gợi lên cho
người đọc bao suy ngẫm. Một Ăngko với: Tháp Bayon trầm tư/ Nhìn bồ tát khất
thực bốn phương có đủ; một Hoàng Liên Sơn với: Mưa trắng núi đồi ngược dốc mây/ Sương
giăng tơ, tím chiều cô độc; một Thác Bản Giốc: Liền rừng/ Liền suối/ Đất
và nước liền đá liền cây…; một đất mũi Cà Mau gợi lên trong lòng nhà thơ
bao xúc cảm thân thương, trìu mến, niềm hy vọng và có cả những mơ ước, đợi chờ:
Phà Đầm Cùng
Nghe nói sắp có cầu
bắc qua
Chiếc phà cũ nhìn
anh trong ký ức
Nơi 104 độ kinh
Đông… đang rạo rực
Ngày ta về hò hẹn bến Năm Căn
………………………………….
Đêm chiêm bao
Ta bắt gặp hạt cát từ em cứ trườn dài ra biển
Cuốn lấy mặt trời
Vươn cánh Cà Mau…
Bài Câu thơ gửi Trường Sa lại đem đến cho người đọc
ý thức về chủ quyền, niềm tự hào dân tộc; có cả sự biết ơn những thế hệ cha anh
của ngày hôm qua và cả những con người người hôm nay đang ngày đêm gìn giữ cột
mốc chủ quyền cho đất nước:
Cây cỏ Trường Sa
mới mọc
đã thấm đậm màu da dân tộc
xanh xanh ngọn lúa
đồng bằng Cửu Long…
……………………………………..
Hạt sỏi Trường Sa/
dính từng giọt mồ hôi trai gái Việt/ sấm sét bão giông ở Trường Sa/ triệu triệu
con tim/ trông ngóng…
Câu thơ này/ Xin gửi vào cột mốc Trường Sa!
(Câu thơ gởi Trường Sa)
Phú Yên- một tỉnh nghèo thuộc duyên hải
miền Trung, nơi có phong cảnh hữu tình, có núi, có sông, có biển; vùng đất gắn liền
với những chiến tích oai hùng và những dấu xưa huyền thoại cũng được Trần Thế
Vinh dành cho mảnh đất này những tình cảm ưu ái đặc biệt. Hầu như những địa
danh nổi tiếng trên đất Phú Yên đều được nhà thơ nhắc đến: một Vũng Rô huyền
thoại nơi tập kết những chuyến tàu không số trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu
nước; một Đồi Thơm một thời là cánh rừng chiến trận nay là một khu du lịch sinh
thái; một Đèo Cả; một núi Đá Bia, một dòng sông Ba thơ mộng hiền hòa nơi có cây
cầu Đà Rằng bắc qua; một La Hai sáng tháng tư mù sương, xứ sở của mía đường và
nổi tiếng có nhiều gái đẹp…
Đứng trước Tháp Nhạn vào buổi chiều, Trần Thế Vinh chạnh lòng nghĩ về
quá khứ đã qua và hiện lên trong tâm trí anh bao câu hỏi chứa đựng sự nghẹn
ngào day dứt:
Tháp Nhạn chiều/
Thôi thúc chim nhạn bay đi biền biệt/ Hồn Chàm xưa cũng biền biệt nơi nào?
Tháp Nhạn buồn/ Dấu xưa huyền thoại loài người/ Còn ta và em phế tích ngàn
năm/ Linga tìm trời cao để hỏi/ Yoni yên thường đợi chờ ai?
Còn rất nhiều địa danh khác như Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn,
Phú Quốc, Khâu Vai, Si Ma Cai… được Trần Thế Vinh nhắc đến với một tình cảm
thân thương. Nhưng có lẽ miền đất mà anh nói đến nhiều nhất đó là An Giang. An
Giang là miền đất quê hương nơi Trần Thế Vinh sinh ra và lớn lên nên anh có sự
gắn bó thân thiết đặc biệt. Đó là nơi in đậm dấu ấn tuổi thơ, nơi cội nguồn
nuôi dưỡng tâm hồn mình. Vì vậy, anh đã có những dòng thơ viết về mảnh đất này
bằng tình cảm chân thành, nồng ấm của một người con quê nhà.
Trên mảnh đất phù sa đỏ nặng ấy, mảnh đất nghĩa tình
gắn với bao ký ức niềm thương, mọi biến cố của cuộc đời dâu bể, của những năm
tháng chiến tranh, của những cơn bão lũ, những trận mưa giông… lần lượt đi vào
thơ anh nằng nặng nỗi niềm thương nhớ và có cả sự đau xót ngậm ngùi.
Trần Thế Vinh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước không bình
thường:
Tôi lọt lòng mẹ./
Từ khi/ Đá trở mình, gió rừng kẽo kẹt/ Mưa đầy ngọn dốc núi Dài cây xanh, trái
chín/ Ngày mở mắt/ Tâm hồn trẻ thơ nằm góc khuất hang sâu/ Như cánh buồm mắc
lưới/ Gọi má ơi!
Tôi lớn dần. Từ khi/ Rừng xanh, tháng ngày thành đá trụi/ Chim hớt hải quơ
cánh đỏ mặt trời chiều/ Sấm chớp. Bom rung. Lửa na-pan… xém bờ/ vai má/ Che hốc
đá làm chái bếp u uất…
(Ký ức núi)
Những năm tháng sống trong khói lửa chiến tranh, được Trần Thế Vinh gợi
lại vô cùng cảm động. Đó là những hy sinh, mất mát, vất vả lo toan của biết bao
nhiêu lớp người. Trong số đó, có những người thân yêu nhất của gia đình mình:
Dồ đá Miễu nhô ra/ Nơi má tôi thời xuân xanh trèo lên, tuột xuống/ Đá xước
ngón chân con gái dậy thì/ Ông nội tôi may nóp ra đi/ Vạt ngọn tầm vông đánh
Tây xâm lược/ Chưa đón nắng thanh bình ông đã qua đời trước/ rồi ông ngoại tôi
cũng xế bóng dưới dồ này…
Má cắt tranh/ Ba
dựng nhà ven triền núi/ Đầu năm sáu mươi/ Chống Mỹ- Diệm dân nhà cháy, sập mấy
lần/ Nhờ vào hang đá, tựa thân/ Chiếc nóp và tuổi thơ tôi gắn liền từ đó/ Đêm
đông, ngọn gió bấc xoáy tròn cơn gió/ Những chiếc lá xanh rơi rụng trái mùa/
Trước hồn núi vọng khua/ Ba tôi cúi đầu về bốn hướng, tám phương van vái…/ Rồi
mùa khô sau/ Máy bay dội bom xăng, núi Dài bốc cháy/ Che chở con, má tôi lửa
xém thân hình/ Ba chôn cất những người hy sinh/ Chị em tôi thất thanh tán loạn/
Chiều ấy…
Năm bảy lăm- thanh bình/ Về xóm Thúng má cắt tranh/ Ba lại dựng
nhà ven núi/ Cây ớt hiểm sau hè giờ hai mươi tuổi/ Trong vòm lá xanh, trái chín
đỏ màu cờ/ Tôi nghỉ học, xếp lại tuổi thơ/ Theo chú Mười làm cách mạng…
(Núi Dài và tôi)
Có lẽ, những ngọn núi quê hương trong chiến tranh cũng
phải gánh chịu những nỗi đau giống như con người. Nó là người bạn tốt chở che
con người, vừa là chứng nhân lịch sử với bao biến thiên của cuộc sống, của đời
người. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Trần Thế Vinh nói nhiều về núi, nhắc
nhiều về núi với một niềm thành kính thiêng liêng, cả sự biết ơn chân thành
nhất. Những đau thương, những đổi thay của gia đình, của quê hương, làng xóm
đều gắn liền với núi:
Ba mươi năm ngọt
đắng riêng mình/ Núi và tôi bấy nhiêu lần chia tay, gặp gỡ/ Để hôm nay tôi nhớ…
/ Năm chín mươi. Má mất/ Trước khi núi Dài có dòng điện giăng ngang.
Đọc thơ anh, người ta thấy ngôn ngữ sử dụng một cách tự
nhiên, không nặng về kỹ thuật, kỹ xảo như những nhà thơ hiện đại khác. Nhưng có
những chỗ anh dùng những từ ngữ, hình ảnh vô cùng sáng tạo và độc đáo:
Nước đồng cắt mặt
trời xanh/ Chênh vênh bóng núi. Chòng chành bóng trăng
(Trăng mùa lũ)
Mưa Giêng bụi nước
đầm đìa son phấn/ Trẩy hội xuân loang lổ trăng ngày/ Nhân tình đâu nữa chờ chia
tay/ Tóc thề đâu nữa hong ly biệt/ Mưa trái mùa tắt nắng yêu thương.
(Mưa Giêng phương Nam)
Nhìn cổ thụ yên
thế/ Trong núi/ Mưa rả rích kéo mây về trụ/ Lửa âm ỉ phát dục/ Cây chừng như
bốc cháy đời mình.
(Tâm ngộ)
Ở thể thơ lục bát, cái mới của Trần Thế
Vinh đó là sáng tạo trong cách ngắt dòng, chuyển dòng, ngắt nhịp, chấm câu, phá
vỡ cấu trúc và những quy phạm của thơ lục bát truyền thống đem lại một hình thức
thơ năng động, hiện đại. Vì vậy những vần thơ lục bát của anh không chỉ hồn hậu
mà còn có khả năng biểu đạt những tâm thức sâu thẳm, diễn tả được những cung
bậc trạng thái cảm xúc mới mẻ của con người thời đại.
Dọc đường. Ta gõ chữ buồn
E-mail xuất hiện một luồng thi ca
Có chi… đây chuyện như là
Nhân sinh ra đã nhà nhà, thơ thơ
(Dọc đường thơ)
Má tôi dặn nói: Biết ngừng
Dặn đi phải lúc
Trông chừng gai khô
Quê mình núi đá nhấp nhô
Lên non. Xuống nước
Chọn bờ chọn hang!
(Lời dặn trăm năm)
Đêm vờn đuổi sóng
lăn tăn
Nửa soi mặt lũ, nửa hằn vết mây
(Trăng mùa lũ)
Ngôn ngữ là phương tiện hình thức để biểu đạt văn hóa.
Tài năng sử dụng ngôn ngữ của Trần Thế Vinh đã chứng tỏ rằng anh đã tiếp thu có
sáng tạo vốn văn hóa dân tộc. Chất hiện đại và truyền thống được nhà thơ kết
hợp hài hòa tạo nên những câu thơ lục bát tài hoa, độc đáo.
Trong thơ lục bát của Trần Thế Vinh ta thấy có một số dạng vắt dòng:
- Câu lục vắt thành 2 dòng, theo nhịp 2/4:
Neo lòng,/
trước biển hoàng hôn
(Thơ
đề trên biển hoàng hôn)
- Câu lục vắt thành 2 dòng theo nhịp 3/3:
Ta giỡn sóng.
Nên lạc đàn
(Lời dặn trăm năm)
- Câu lục vắt thành 2 dòng, theo nhịp 1/1/2/2:
Xuống./ Lên
hai chuyến/ dở dang
(Hà Nội ga Hàng Cỏ và tôi)
- Câu lục vắt thành 3 dòng, theo nhịp 2/1/3:
Thất Sơn
Dựng
Một cánh buồm
(Với cánh chim lẻ đàn)
- Câu bát vắt thành 2 dòng, theo nhịp 3/3/2:
Uống giùm ta/ ngụm nước trời
Ngàn năm…
(Uống rượu ở Bãi Sao- Phú Quốc)
Trai như ba
Đã trọn hàng thần dân
(Khóc trước mùa sông vơi)
- Câu bát vắt thành 3 dòng, theo nhịp 2/2/2/2:
Đêm mưa
Sao rụng
Trắng dòng thơ xưa…
(Khóc trước mùa sông vơi)
Một đặc điểm khác nữa của thơ lục bát Trần Thế Vinh là
sử dụng nhiều câu hỏi tu từ, vừa tạo điểm nhấn ngữ điệu vừa có tác dụng chống
lại sự bão hòa và tự động hóa cảm xúc thẩm mỹ ở người đọc.
Se sắt lòng. Gọi
chị tôi
Sao rơi một đốm,
tối trời trăng suông
Đất này, chị gửi
nắm xương
Chờ ai đoạn khói
tàn hương. Lần về?
(Hai mươi lăm năm giỗ chị)
Chợ đời. Lẩn khuất
xác hoa/ Mây bay về xứ hay là tầm hương?
(Đà Lạt và em)
Ráng chiều thôi
thúc ý thơ
Liễu tơ còn rũ bên
bờ hồ Gươm?
(Hà Nội ga Hàng Cỏ và tôi)
Hay trong bài Về lại kinh đô Đại La, Trần
Thế Vinh đã 3 lần sử dụng câu hỏi tu từ:
Hồn tiền nhân ở đâu
đây
Ai cùng chứng kiến
cuộc xây Hoàng Thành?
Đại tiệc. Ngàn năm
xôn xao
Hồn binh sĩ. Ai đếm
bao nhiêu người?
Chợt nghe tiếng
vọng xa khơi
Ai là chủ. Trên ghế
ngồi ngàn năm?
Những câu hỏi nó hàm chứa sự biết ơn các bậc tiền nhân,
gợi lên bao điều suy ngẫm và nhắc nhớ ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của những
con người đang sống hôm nay.
Người ta yêu thơ trước tiên là vì thơ có chất trữ tình
có thể dung hòa lòng người trong lúc buồn vui nhưng càng thú vị hơn khi người
ta bắt gặp trong thơ những triết lý nhân sinh và thế sự, bởi đó chính là lúc họ
đang nhìn thấy họ và tìm thấy những điều mình cần.
Cái đáng quý và đáng trân trọng ở Trần Thế Vinh là anh
đã tìm cho mình một lối thơ riêng với cách viết vừa quen vừa lạ, vừa giản dị
nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Có lẽ vì thế mà tôi thích đọc thơ anh, đọc với niềm
say mê, thích thú.
Trong tập thơ Núi và lục bát hiên sông, không khó
để người đọc tìm ra những bài thơ hay, câu thơ hay. Có những bài, những câu thơ
tác giả viết rất thành công, để lại ấn tượng cho người đọc. Có thể kể tên một
số bài thơ tiêu biểu: Núi Dài và tôi, Trước bia Tiến sĩ, Chim bói
cá phát tin, Tặng con vào Đại học, Lụt lên, Ký ức chiều…Trong một
tập thơ mà có chừng ấy bài hay, được người đọc nhớ, và yêu thích thì đó là niềm
hạnh phúc lớn của nhà thơ.
Trong tình hình xuất bản sách ồ ạt như hiện nay, giữa
bạt ngàn rừng sách, tìm cho mình tập thơ có chất lượng để đọc là điều vô cùng
cần thiết. Nhưng tôi tin rằng Núi và lục bát hiên sông là một tập
thơ đáng để đọc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét