Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

THƠ LÀ GÌ VÀ THƠ CẦN CHO AI ?

THƠ LÀ GÌ VÀ THƠ CẦN CHO AI ?


“ Làm sao để đỡ sợ thơ/dễ thôi/ hãy đứng hàng giờ lặng im..”
 ( Làm sao để đỡ sợ - Nguyễn Thế Hoàng Linh)

Dương Thắng

Baudelaire đã nói câu bất hủ sau :“ Một người tử tế có thể có thể bỏ qua việc ăn uống trong hai ngày, nhưng không thể không đọc thơ trong hai ngày”. Thế nhưng giờ đây thời kỳ vàng son rực rỡ của thơ ca dường như đã là chuyện của quá khứ, các nhà thơ bị coi như những kẻ lạc lõng với thời cuộc, nhiều người nghĩ rằng thơ ca là một loại “sản phẩm bí hiểm”, phải có một kiến thức hay một năng khiếu đặc biệt mới có khả năng viết ra hay thưởng thức nó... Câu hỏi như một vấn nạn muôn thủa : Thơ là gì và Thơ cần cho ai ?Có lẽ chìa khóa duy nhất để hiểu được và yêu mến được thơ ca đó chính là bản thân thơ ca. Trong sâu thẳm, mỗi chúng ta đều mang nặng một hồn thơ: trước một phong cảnh hay một vẻ đẹp nào đó, chúng ta đều cảm thấy dâng lên một cảm giác ngạc nhiên / thán phục, một cảm xúc lâng lâng “nên thơ”
“ Giật mình từ tận con tim/ Bắt gập ban mai thực thế/Thực thế một cô gái nhỏ/ phẳng phiu áo quần cắp cặp/ bước bước trong veo thẳng tắp.
..” (Cô Gái – Ban Mai. Hoàng Cường Long)

Nhưng đáng tiếc không phải lúc nào chúng ta cũng có may mắn gặp những hình ảnh, sống trong những trạng thái mang tới cảm xúc đủ mạnh để làm thức dậy cái năng khiếu thi ca, và chính các nhà thơ, bằng tài năng của họ sẽ giúp chúng ta làm điều đó. Bởi vì, như Gaston Bachelard (nhà triết học Pháp,1884-1962) đã viết : “ Nhà thơ là những kẻ có khả năng đánh thức những xúc cảm thi ca đang ngủ yên trong tâm hồn người đọc”. Còn Paul  Éluard thì khẳng định “ Nhà thơ đúng nghĩa phải là người truyền cảm hứng chứ không phải là người đợi được truyền cảm hứng”.  Một tác phẩm mang “tính thơ” vì vậy phải có được khả năng khơi gợi và tạo ra những cảm xúc thăng hoa nơi người đọc. Không cần phải đi vòng qua ngả đường khó khăn của nhận thức lý tính, không cần phải cố công mở cho được những cánh của nặng nề của lâu đài kiến thức, một bài thơ hay luôn dễ dàng tiếp cận với “hồn thơ” đang trú ngụ trong mỗi chúng ta.
Các nhà thơ vì thế sẽ có “ nhiệm vụ” khơi gợi lại và khắc sâu hơn những cảm xúc đã hình thành ở những thời khắc quan trọng mà chúng ta đã “thực sự sống”, những cảm xúc sâu lắng và mênh mang mà chúng ta đã trải qua khi “ ngộ” ra được một vẻ đẹp nào đó đang tồn tại xung quanh chúng ta.

Con có nghĩ : ắt là phải thế/Một đôi lần con ghì siết hai tay?ng thơ đẹp của trần gian ứa lệ/bảo con rằng: hãy nhớ phút giây này”(Phụng Hiến- Bùi Giáng )

Họ- các nhà thơ, thực hiện điều đó bằng những ngôn từ tỏa sáng hay được chiếu rọi theo những cách rất riêng của họ để cấu thành nên một hệ thống những hình ảnh phong phú và gợi cảm. Khi đánh thức được cái hồn thơ đang yên ngủ, các nhà thơ cũng đã giúp người đọc khôi phục lại cái khả năng tri giác về vẻ đẹp của thế giới. Và cái đẹp thì luôn là một “ suối nguồn thuần khiết”. chữa lành các vết thương, truyền nghị lực  để đi tiếp cuộc hành trình trong cõi đời này.

“Ðỉnh núi căng Xuân /Cây đâm sướt vòm Trời /…Thân cỏ hoang oằnbật bứ nhựa đồng thanh từng cơn tràorạp/ Khói ấm ườn mình vươn lên /Cái nhớ quẩn chân như con suối nhỏ” ( Đỉnh Hoa- Phương Lan)

Thơ ca luôn là một cuộc chơi của ngôn ngữ. Để biểu đạt cái Đẹp, nhà thơ phải sử dụng đến các từ ngữ, các âm sắc, các vần điệu. Họ vui đùa hay sáng tạo với những thanh âm. Và như thế, một cách vô thức, nhà thơ đã tìm lại được một niềm vui đã bị quên lãng: cảm xúc với những âm thanh. Ngay từ khi nằm trong nôi, một đứa trẻ sơ sinh cũng sẽ nhận ra mỗi bộ phận cơ thể mình đều có khả năng sinh ra các thanh âm, các tiếng động. Rồi đứa trẻ bước vào giai đoạn tập nói, nó sẽ cảm thấy ngạc nhiên và thích thú lắng nghe những âm thanh từ miệng mình thốt ra khi bập bẹ thốt ra những từ ngữ đầu tiên. Năng khiếu thi ca sẽ hình thành trong thời thơ ấu khi đứa trẻ làm quen với các từ ngữ các vần điệu trong những bài hát đồng dao, hay khi tìm cách thay đổi vị trí / ý nghĩa của các từ để hình thành những câu mới và mang đến những xúc cảm khác lạ. Giống như những đứa trẻ, các nhà thơ cũng bị lôi cuốn bởi các âm tiết và nhịp điệu của các vần thơ. Và cũng giống như những đứa trẻ khi đối thoại với thế giới bên ngoài, trong sáng tác, nhà thơ phải chiết xuất ra những cảm xúc nhiều gấp bội phần so với những kiến thức hay trí tuệ mà họ có , Paul Éluard đã từng nói : “ một nhà thơ - đó phải là một “giáo sư” về những cảm xúc”. Đọc một bài thơ “ có tính thơ đích thực” là chúng ta đang học cách để có được một tâm hồn nhậy cảm và giầu có về cảm xúc. Một bài thơ sẽ chẳng cho chúng ta biết gì nhiều về trí tuệ hay học vấn của người viết, nhưng với vài từ chứa đựng trong một vần thơ , chúng ta- những người đọc- cũng có khả năng nhận biết tác giả đang hạnh phúc tột cùng hay chất chứa trong mình một nỗi buồn thăm thẳm.

“Ðổi bất an này lấy một bất an khác
/ Chống chênh này lấy một chống chênh khác” (Đỉnh Hoa-`Phương Lan)

Ngược với những định kiến tồn tại bấy lâu nay, các nhà thơ không phải là những kẻ sống “trên mây trên gió”, hơn ai hết họ là những người có những liên hệ “máu thịt” nhất với đời sống xã hội. Suy tưởng và cảm xúc  của họ về những gì đã, đang và sẽ xẩy ra trong thế giới mà họ đang sống luôn luôn mãnh liệt và sống động hơn so với những người khác.Trong các tác phẩm của mình, các nhà thơ lớn luôn băn khoăn day dứt với những câu hỏi về cuộc sống và về cái chết. Nhà thơ Đức, Achim Von đã nói :” Nhà thơ, đó là kẻ có được chìa khóa của một lối vào ở thế giới khác”. Một người có khả năng viết ra được những vần thơ tuyệt diệu phải là người biết đánh thức những ký ức trong tiềm thức không chỉ của chính mình mà còn của những ai đọc thơ của họ. Theo Gérard de Nerval :”Duy nhất các nhà thơ là những kẻ có thể vượt qua cái ngưỡng chia tách cuộc đời thực anh ta đã sống với những cuộc đời khác.” Victor Hugo, Beaudelaire, Mallarmé- những nhà thơ vĩ đại - đều nhắc tới cái khả năng thấu thị, cái khả năng nhìn xuyên thấu ấy của các nhà thơ.Nhưng Rimbaud là người khẳng định rõ ràng và dứt khoát nhất về điều này : “ tôi nói rằng nhà thơ phải là một kẻ tiên tri, phải là người có con mắt nhìn xuyên thấu qua mọi sự vật của thế gian này”.
Khái niệm hiện đại trong thơ ca thực sự là một cái gì đó rất mong manh và không quá quan trọng? Bởi lẽ những bài thơ ngày hôm nay đang được tung hô và xưng tụng là “hiện đại” hay “ hậu hiện đại” gì đó ngày mai có thể sẽ bị  thay thế bằng những bài thơ khác.( Giống như những bài thơ từng được gọi là Thơ Mới với tuổi đời giờ đây đã ngót nghét một trăm năm!). Nhưng có lẽ giờ đây một bài thơ được xem là có tính “hiện đại” phải có khả năng “kể” được bằng những hình ảnh. Hình ảnh trong thơ hôm nay không còn là sự sao chụp thô thiển hiện thực, đó là một sáng tạo thuần khiết của cảm hứng, vụt hiện ra từ những thế giới siêu thực.Trong quá trình hình thành bài thơ, hình ảnh bao giờ cũng là cái vọt đến trước, bỏ lại ở phía sau những “suy nghĩ” hay những “cân nhắc” duy lý. Những bài thơ giờ đây thường được viết ra trong mối liên hệ với “con người nội tâm” của nhà thơ, đầy bí ẩn, sâu lắng và bất ngờ.Sự bất ngờ lan tỏa từ những cảm xúc nhiều hơn là từ chất trí tuệ của bài thơ. Các hình ảnh ở đây được tạo ra từ việc ghép nối hay xích lại gần nhau của những thứ hiện thực rất xa nhau, một sự kết hợp gây kinh ngạc nhưng lại luôn chính xác kỳ lạ. Độ chính xác càng cao, khoảng cách ( theo quan niệm thông thường) của hai hiện tượng càng xa nhau thì càng tạo ra sức mạnh và sự quyến rũ của bài thơ. Khi làm thơ, nhà thơ thường phải bỏ qua các quy tắc ngữ pháp và logic thông thường để diễn tả cảm xúc và nhất là không để nó bị nhạt nhòa đi trong cái đơn điệu của một câu nói thông thường.Những bài thơ hiện đại phải là những bài thơ chỉ ra cho chúng ta thấy được những “hình ảnh nguyên thủy” và những “ cảm xúc nguyên thủy” của lần bắt gập đầu tiên về các sự vật trước khi chúng trở nên vô vị, nhạt nhẽo và tầm thường bởi thói quen lặp đi lặp lại khi nhìn chúng sau đó . Ví dụ như trong câu thơ “Tôi nhìn thấy cổ của mặt trời bị cắt” Paul Valéry không giải thích cho chúng ta rằng mặt trời được so sánh giống như một cái đầu bị cắt cổ. Đơn giản ông chỉ nói lên chính xác cái mà ông đã “trông thấy”.Trong thơ ca hiện đại, không nhất thiết phải hiểu cặn kẽ mọi ngữ nghĩa để có được cảm xúc. Và những cảm xúc gợi ra từ bài thơ chính là chìa khóa để người đọc tiếp tục tự mình khám phá. Những cảm xúc đó sẽ lớn dần lên, vượt qua cả cái biên giới hạn hẹp của những nghĩa quen thuộc sáo mòn của từ ngữ và làm sống dậy từ đáy sâu trong mỗi người đọc những khả năng thăng hoa của tâm hồn , từ lâu đã bị chôn vùi bởi sự ô nhiễm của môi trường sống.


“ Tôi bắc một cây cầu/Giữa biển mênh mông/Cây cầu chỉ có một chân/
Chạy đi đâu một mình ngơ ngác ..”.
“ Giấc mơ- Giáng Vân”


Có một thực tế là chúng ta luôn dễ dành chấp nhận tính đa nghĩa hay tính siêu thực của những hình ảnh xuất hiện trong một giấc mơ nhưng lại vô cùng khó khăn để chấp nhận khi bắt gặp chúng trong một bài thơ nào đó. Sẽ dễ dàng để hiểu thơ ca hiện đại hơn nếu chúng ta tiếp cận chúng cũng giống như chúng ta đã tiếp cận với những giấc mơ. Theo Freud thơ ca và những giấc mơ đều là kết quả của một quá trình hoạt động của vô thức, của cái “tôi” bên trong, đều sử dụng những nguồn năng lượng phóng khoáng vô tận của tiềm thức để xây dựng những hình ảnh Mỗi hình ảnh sẽ là sự đan xen, sự giao thoa của rất nhiều suy nghĩ và những ký ức của những thời kỳ hay những hoàn cảnh rẩt xa nhau, càng đa nghĩa, càng có nhiều lớp ngữ nghĩa xếp chồng chéo, đan xen vào nhau, những hình ảnh ấy càng có khả năng làm sống dậy nơi người đọc nhiều cảm xúc phong phú.
Vào buổi sáng khi chúng ta ôn lại những hình ảnh đã xuất hiện trong giấc mơ đêm hôm qua, chúng ta luôn có một ham muốn mạnh mẽ được gỡ rối, được làm sáng tỏ các chuỗi mắt xích đã liên kết các hình ảnh, các câu chuyện xẩy đến trong mơ. Chúng ta đã xây dựng giấc mơ của mình từ chất liệu có ý thức cũng như từ cõi vô thức đầy bí ẩn bên trong chúng ta. Ở đây sẽ gặp lại những gì vừa mới trải qua hòa trộn lẫn với những gì đã xẩy ra từ rất lâu, gần như đã bị lãnh quên trong ta, nhưng cái cách thức đan xen và hòa trộn của chúng với nhau luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Đôi khi lại xuất hiện những hình ảnh hoàn toàn mới, chưa từng xẩy ra , như một điều dự báo cho tương lai.Theo Freud thơ ca cũng là những lời cất lên từ những bản năng bị kìm hãm trong mỗi chúng ta, từ những ký ức của “con người thơ” đang ẩn náu trong mỗi chúng ta, cái ký ức bị chôn vùi trong những góc sâu nhất của tâm hồn, bị che khuất bởi bao nhiều những sự kiện vụn vặt của những quãng đời đã trải qua.Tình trạng đó giống  như giấc mơ cứ sống luẩn quất trong trí não của một người đang ngủ.Nhưng điều khác biệt quan trọng ở đây là một người khi ngủ mơ thì hoàn toàn không có liên hệ với cuộc sống hiện thực, trong khi một nhà thơ khi sáng tác lại sống sát kề với hiện thực và phải biết tạo ra được một mối liên hệ chặt chẽ giữa con người bên trong và bên ngoài của mình.
Như vậy một phương pháp đúng đắn và hiệu quả để cảm thụ thơ ca là xem một bài thơ như một “giấc mơ” sâu sắc về hiện thực sống. Nhà thơ như một người mộng mơ, một người “mộng mơ tinh tế và sáng suốt”, người đã cho cấp chúng ta một cái nhìn chính xác hơn về thế giới thông qua những hình ảnh (theo cách riêng của tác giả) đã từng tồn tại ở đó. Một nền giáo dục cẩu thả, nhồi nhét và áp đặt những khuôn mẫu cứng nhắc về cách cảm xúc khi cảm thụ văn chương cho lứa tuổi học trò , một cuộc sống quay cuồng trong những lo toan vật chất của lớp người đã trưởng thành ...tất cả những điều đó hiện nay đang góp phần hủy diệt đi cái khả năng cảm nhận trung thực về thế giới và càng ngày hiện thực sẽ càng bị che khuất khỏi tầm quan sát của chúng ta. Chúng ta sẽ không còn khả năng nhìn  thấy mọi sự vật như nó vốn có mà chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy sự vật theo cách mà chúng ta muốn quan niệm chúng là như thế. Cái đó thực sự nguy hiểm và đáng báo động giống như hoàn cảnh một người tự bịt mắt mình rồi đi băng qua ngang đường vào giữa giờ cao điểm.Trong bối cảnh đó, Thơ Ca là một trong những cứu cánh có thể giúp chúng ta tìm lại được cái nhìn trong sáng hồn nhiên không định kiến để nhìn nhận thế giới. Một “bài thơ hay” đó là một sự chia sẻ giữa con người với con người, đó cũng là một thông điệp mang tính nhân văn vừa nhẹ nhàng thanh thoát vừa trĩu nặng cảm xúc,vừa chân tình gần gũi vừa rộng lớn bao la ,một bài thơ hay phải vượt thoát được ra khỏi những phạm vị hạn hẹp (về phương diện ngữ nghĩa) của những từ ngữ và quan trọng nhất đó là người đọc phải cảm nhận được ngay tất cả vẻ đẹp của nó không cẫn đến bất cứ sự diễn giải dài dòng nào từ bên ngoài.

Dương Thắng 
Bài đăng báo Văn Nghệ Trẻ số 08(24/2/2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét