Châu Giang, Quỳnh Giang, Chinh Lê, Thắm Poong…
Những nữ họa sĩ tài năng tại Art Vietnam
Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ vừa qua, Art Vietnam đã tôn vinh các nữ họa sỹ tài năng.
Art Vietnam Gallery nhân cơ hội rất đặc biệt, là ngày Quốc tế Phụ nữ,
xin tôn vinh những nghệ sỹ nữ tài năng mà chúng tôi có vinh hạnh được
hợp tác trong những năm vừa qua.
Mỗi họa sỹ, với những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họ, theo những
cách khác nhau, đã khắc họa thế giới nội tâm của phái nữ và những khó
khăn họ phải vượt qua để giữ sự cân bằng trong một thế giới vẫn bị đàn
ông chi phối.
1. Tranh của Nguyễn Thị Châu Giang
thể hiện thế giới bên trong của một phụ nữ Việt. Đó là những khoảng
riêng tư mà hầu như không bao giờ mở cửa với bên ngoài. Ở đó ta thấy
niềm vui lẫn cả những nỗi buồn khó tả, từ việc sinh con và vì thế mất đi
cái tôi của họ, những phức tạp về văn hóa, khó khăn trong cuộc sống với
chồng và mẹ chồng. Một số tranh lụa gần đây của cô thể hiện nỗi thất
vọng xuất phát từ việc mơ ước quá nhiều, bốn trong loạt tranh này đã
được bảo tàng Nghệ thuật Singapore sưu tập.
Loạt tác phẩm Khiêu vũ với Mặt nạ gần đây khắc họa sự khó
khăn và vất vả của một người nữ trong thế giới của phái mạnh, sự đấu
tranh giành lấy thân phận và cái tôi của mình.
Cô là một trong bảy họa sỹ nữ của Việt Nam có tranh trưng bày tại các bảo tàng trong triển lãm quốc tế Thay đổi thân phận: Các tác phẩm gần đây của họa sỹ nữ Việt Nam.
Còn là một nhà văn thành công, Châu Giang đã xuất bản và nhận được
nhiều giải thưởng văn học cũng như hội họa và được đánh giá là một trong
những phụ nữ tài năng hàng đầu của Việt Nam.
2. Lý Trần Quỳnh Giang là một trong
những họa sỹ nữ đặc biệt nhất ở Việt Nam và là một tài năng đầy hứa
hẹn. Giũ bỏ hết quy tắc, Giang luôn theo đuổi một phong cách riêng độc
đáo trên một con đường cô độc. Vốn được đào tạo về in tranh khắc gỗ, cô
đã từ bỏ nó ngay sau khi thực hiện bản in đầu tiên.
Chuyển động sang mảng tranh sơn dầu với gam màu xanh dương, xanh lá
cây trầm, với phong cách gợi nhớ nhiều họa sỹ trường phái ấn tượng châu
Âu, Giang
thấm đẫm tranh của cô một bầu không khí như của một cô gái trẻ Việt Nam
ẩn mình trong thế giới riêng, cái thế giới luôn đối nghịch với cuộc
sống quanh cô. Tranh của Giang đã đi vòng quanh thế giới trong triển lãm “Thay đổi thân phận”
của bảy họa sỹ nữ Việt Nam. Phụ nữ trong tranh Lý Trần Quỳnh Giang ít
khi tuân theo những tiêu chuẩn truyền thống về cái đẹp hay sự tao nhã,
những khuôn đúc cho phụ nữ Á châu. Thay vào đó, Giang chọn cách vẽ từ
cuộc sống nội tâm bên trong cô, sáng tạo những tác phẩm thể hiện mặt trí
tuệ và cảm xúc của nữ giới Việt Nam thế kỷ 21.
Các tác phẩm khắc gỗ gần đây của Giang là những tác phẩm mạnh mẽ nhất
từ trước đến nay. Những bức chân dung được khắc tỉ mỉ nhìn chòng chọc
vào người xem một cách đầy khiêu khích. Những con cú ngậm đầy miệng,
những con ong nhung nhúc bu quanh người tạo ra một ấn tượng mãnh liệt mà
không ai có thể bỏ qua hay trốn chạy. Sử dụng vẻ đẹp phức hợp của cú và
ong cho thấy nghệ sỹ bị cuốn hút mạnh mẽ vào những mâu thuẫn đối nghịch
của cuộc sống. Tối sẫm và nguy hiểm, lo sợ và điên loạn, sự mãnh liệt
của những sinh vật này tạo ra một sự trầm tĩnh trong thế giới riêng của
cô nơi ấy cô có thể ẩn náu.
3. Nguyễn Lan Hương là một phụ nữ
trẻ trầm lặng người thể hiện cảm hứng của mình từ hình ảnh người dân tộc
H’mong miền Bắc Việt Nam. Hương đã sống ở vùng cao với người H’mong
trong nhiều tháng, quan sát cuộc sống hàng ngày và lối sống du cư của
họ. Những tác phẩm sơn mài tuyệt đẹp của cô kể cho ta nghe câu chuyện về
người H’mong và từng ngày của họ đã như thế không đổi hàng trăm nay nay
rồi. Ta sẽ thấy hầu hết đều được bao quanh bằng thức ăn và âm nhạc, một
sự pha trộn đơn giản nhưng đầy ý nghĩa của lao động, sinh tồn và vui
sống.
Hầu hêt các tác phẩm của Hương khắc họa những người phụ nữ như là
trung tâm của cuộc sống bền vững của cộng đồng, trong khi những người
đàn ông chuẩn bị nơi ở mới. Các tác phẩm sống động và đầy màu sắc phản
ánh tình yêu và sự gắn bó của người H’mong với thiên nhiên cũng như lối
sống du cư yên bình của họ.
4. Nguyễn Thị Chinh Lê là một họa
sỹ, nhà điêu khắc và nhà thơ. Cô đã dùng rất nhiều phương pháp khác nhau
để thể hiện sự ôn nhu của tâm hồn mình với những đề tài như thiền, tình
mẫu tử, thế giới tâm linh cũng như chuyện gia đình. Từ tác phẩm của cô
tỏa ra một sự tĩnh lặng lạ thường, cái bình yên tràn ngập những căn
phòng nơi treo tranh của cô. Cô là một trong những họa sỹ truyền thống
nhất trong hội họa đương đại Việt Nam, và một trong những họa sỹ hứa hẹn
nhất. Chinh Lê đến từ một gia đình nghệ sỹ và điều này thấy rõ hơn với
sự đa dạng trong tác phẩm của cô. Tranh lụa, sơn dầu, sơn mài, tượng
đồng, thể hiện sự đa dạng trong tài hoa của cô.
Những tác phẩm gần đây
nhất của Chinh Lê là loạt tượng đồng với đề tài Thiền và Phật học, cuộc
sống thường nhật với những đấu tranh khổ cực để sinh tồn trong thế giới
phức tạp ngày nay. Được khắc họa bằng chất liệu đồng, những nhân vật
của cô trở nên sống động khi họ được bước ra sân khấu của cuộc đời.
5. Maritta Nurmi, một họa sỹ Phần
Lan sống và làm việc tại Hà Nội từ năm 1993, là một trong số những họa
sỹ người nước ngoài của gallery. Được đào tạo như một nhà hóa học trước
khi cô trở thành họa sỹ, tại Hà Nội, cô bắt đầu học kỹ thuật sơn mài
truyền thống Việt nam, điều này thể hiện trên nhiều tác phẩm gần đây của
cô. Nurmi thử nghiệm với các lá đồng và lá bạc, cũng như những màu sắc
acrylic tươi sáng, khiến cho các tác phẩm của cô ẩn hiện những lớp kim
loại mỏng như giấy. Bằng việc sử dụng các lá vàng, đồng và bạc, tranh
của Maritta có một năng lượng mạnh mẽ, bùng phát tỏa sáng từ mặt toan
vẽ. Nguồn năng lượng này xuất phát từ những mảng vẽ mạnh mẽ, được cân
bằng bởi sự kết hợp của những lá bạc đặt bên trên sơn dầu, đây như một
bước tạo đà cho cuộc hành trình của cô bay cao lên những đỉnh núi để đến
với các vị thần.
Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội mới đây đã đề cử Maritta Nurmi là
“Con người Sáng tạo của năm” trong chương trình văn hóa kỷ niệm 40 năm
quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Nurmi đã sống và làm việc tại Việt Nam 18
năm và đã có gần 20 triển lãm cá nhân tại Phần Lan, Việt Nam, Thái Lan,
Thụy Điển và Mỹ.
6. Đinh Thị Thắm Poong “Đơn giản là tôi không thấy có gì khác biệt giữa một con người và một con cá.”
Tranh của Thắm Poong
tươi sáng và chân thật, gợi cho người xem những cảm giác kinh ngạc và
tự hỏi vì sao con người có thể tồn tại trong những điều kiện khắc
nghiệt, kinh ngạc với tình yêu vốn ở quanh ta, kinh ngạc khi chiêm
nghiệm sự tĩnh lặng tuyệt đối. Thắm Poong nói, “Đối với tôi, mọi thứ
đều có hai nửa tách biệt. Như một con cá, là nửa động vật, nửa thực
vật. Với con người, cũng thế. Mọi thứ đều chứa đựng nhau, bao bọc nhau
và kết hợp với nhau.” Chính là suy nghĩ này về sự hai mặt của thế
giới tự nhiên và sự kết nối không ngưng nghỉ của nó đã được thể hiện
trong các tác phẩm của Thắm Poong. Cô đã kết hợp những hình ảnh thừa kế
từ dòng máu Mường/Thái trắng của mình với một quang cảnh siêu thực – cả
về hình thái và cảm xúc – với chất lượng nghệ thuật thực sự độc đáo. Sự
bay bổng thuần khiết của trí tưởng tượng với những hình ảnh chi tiết về
cuộc sống thường nhật đã tạo nên những tác phẩm bay lượn trong miền đất
siêu thực của tâm hồn.
*
Nguồn: Hanoi Grapevine
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét