BA BIẾN KHÚC VĂN CAO
NGUYỄN TRỌNG TẠO
1. Người gọi ông là “ba đỉnh núi sương mù”. Người gọi ông là “Dòng sông ba nhánh”. Người gọi ông là “Nghệ sĩ đa tài”. Người gọi ông là “Bậc tài danh thế kỷ”… Khi tôi gặp ông thì ông đã 57 tuổi, chòm râu dài phất phơ ngả bạc như tiên lão bảy mươi. Ông ngồi một mình trên đi – văng đệm vải cũ càng, mắt nhìn vào chén rượu gạo bình dân như chẳng chờ đợi một điều gì. Có lẽ ông đã ngồi như mấy chục năm liền. Những chai rượu đầy vơi vơi đầy không nhớ đã bao lần.
Cũng không nhớ đã bao lần
trên đất nước này và cả những nước khác, người ta đã hát vang bài ca của ông,
bài Quốc ca Việt Nam mang
hồn thiêng sông núi: Đoàn quân Việt Nam đi chung
lòng cứu quốc. Bước chân dòn vang trên dường gập ghềnh xa.
Khi nghe Phan Lạc Hoa giới
thiệu tôi, mắt và miệng ông ánh lên nụ cười gần gũi, bình dị: “À, cái anh Nghệ
nhận Quan Họ làm quê đây!”. Ông với tay kệ tủ lấy thêm ly, và Nguyễn Thụy Kha
rót rượu. Ông đối với bọn trẻ chúng tôi như với bạn. Khi thân mật rồi, hầu như
chẳng còn khoảng cách tuổi tác. Có lẽ vì thế mà ông luôn luôn mới. Chúng tôi rủ
ông đến quán lòng lợn tiết canh đầu chợ Đuổi, ông đồng ý ngay, nhưng nhắc là
nên mua rượu ở quán cạnh bến xe Kim Liên, loại rượu gạo ông thường uống. Quán đông
quá, chúng tôi mượn một cái chiếu trải vào túp lều tranh bỏ trống bên cạnh. Cứ
ngồi xếp bằng mà uống rượu và hút thuốc lào như ở làng ở xã. Người ra vào chợ
đông đúc, ồn ào, hình như cũng không ai biết ông già ngồi quán bình dân này là
tác giả Quốc ca. Còn chúng tôi, lần đầu tiên được biết những bài thơ ông làm để
rồi cất lại trong lòng, không đưa in đâu cả, mà dù có đưa in in người ta cũng
chẳng in cho. Mấy chục năm nay, ông chỉ làm bìa sách, vẽ hình minh họa cho báo
và làm nhạc… không lời. Những bài thơ của ông khiến chúng tôi nổi cả da gà,
kinh ngạc vì thán phục. Thơ ông đẹp một cách quyết liệt. Thơ của ông thật đến siêu
thực. Thơ của ông mới bất ngờ như mầm cây vừa đội đất trồi lên.
Buổi sáng nay
cả phố phường như mở hội.
Mọi con người
đeo mạt nạ đi chơi.
Vui lên cành
non
Lá bàng trên
phố xanh màu ngọc
…
Những mặt nạ
gặp nhau chào hỏi
…
Ô kìa
Nước mắt mồ hôi
Sao chảy ra
trên từng mặt nạ
Đến giờ, tôi vẫn nhớ giọng
vang trong của ông đọc thơ trong quán rượu. Bài thơ Năm Buổi
sáng không có
trong sự thật ông làm năm 1960 mà tôi
tưởng ông vừa làm trong quán rượu năm 1980 này. Chúng tôi nghe như nuốt từng
lời thơ của ông vào tâm khảm. Khi ngấm rượu, ông nói hay đến nỗi tôi tưởng là
đang nghe ông trong giáo đường chứ không phải giữa chợ. Vì thế mà chúng tôi đều
thuộc bài thơ ngắn Không đề ông làm năm 1967. Bài thơ như một cuốn phim cực ngắn chứa đầy âm nhạc và
treo lơ lửng một câu hỏi trước cuộc đời:
Con thuyền đi
qua
Để lại sóng
Đoàn tàu đi qua
Để lại tiếng
Đoàn người đi
qua
Để lại bóng
Tôi không đi
qua tôi
Để lại gì?
Hơn 20 mươi năm “im lặng”
về thơ lại chính là thời gian ông làm thơ nhiều nhất. Những bài thơ chi chít
trong cuốn sổ tay nhỏ xíu úa màu thời gian vàng vọt. Những bài thơ viết trên vỏ
bao thuốc lá nhặt được trong quán rượu. Có bài thơ được ghi lại không phải chữ
của ông mà là chữ của vợ ông, bà sợ ông quên đi mất nên bắt ông đọc lại để bà
chép lại. Năm 1987, Nguyễn Thụy Kha đã lần mò chép lại những bài thơ trong tập
bản thảo nhòe mờ ấy của ông rồi đưa cho tôi đọc. Giữa quá nhiều bất trắc cuộc đời,
tiếng thơ Văn Cao chẳng bao giờ đổi giọng. Chữ nghĩa của ông như được viết ra
từ ngòi bút kim cương chứ không phải bút lông bút sắt. Và khi tiến hành chọn
bản thảo tập thơ Lá, Văn
Cao rất vui lòng ủy thác cho Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo và tôi tuyển chọn. Hầu
như ông hoàn toàn yên tâm về việc đó. Ông nói: “Ba thằng mày bảo được là
được!”. Dù là trong thời kì “đổi mới” rất mạnh mẽ, chúng tôi vẫn thấy ông có một
bài thơ mà nhà xuất bản khó lòng chấp nhận, đấy là bài Đồng chí
của tôi viết năm cải cách ruộng đất
(1956). Bài thơ tràn đầy lòng tin vào chủ nghĩa xã hội mà cảnh tỉnh những sai
lầm của hiện tại, nó là tiếng lòng thống thiết của người cộng sản bị xử bắn oan
gửi tới các đồng chí của mình. Không trung thực với Đảng, không có lòng can đảm
của một đảng viên, không chan chứa một trái tim nhân đạo… không thể viết được
một bài thơ rớm máu như thế. Nhưng 30 năm và hơn thế nữa, nó vẫn chỉ là bài thơ
của riêng ông. Chúng tôi biết điều đó, và đề nghị ông “để lại”, ông đồng ý
ngay. Đầu năm 1995 này, tôi nhắc lại với ông bài thơ ấy, và thấy đã đến “thời”
bài thơ có thể in được rồi, nhưng ông nói sau khi nhấp một ngụm rượu: “Thôi, cứ
để sau khi mình chết rồi in cũng chưa muộn”. Ngày ông qua đời, tôi bỗng mở sổ
tay xem lại bài thơ ấy, và tôi đã khóc.
Người ta các
đồng chí của tôi
Treo tôi lên
một cái cây
Đợi một loạt
đạn nổ
Tôi sẽ dẫy như
một con nai con
Ở đầu sợi dây
Giống như một
nữ đồng chí
Một anh hùng
của Hà Tĩnh
Tôi sẽ phải kêu
lên
Như mọi chiến
sĩ bị địch bắn
Đảng Lao động
Việt Nam
muôn năm
Cho mọi người
hiểu khi tôi chết
Vẫn còn là một
đảng viên
Cho mọi người
hiểu khi tôi chết
Máu của tôi vẫn
còn là máu của Việt Nam
Ở dưới gốc cây
có các cụ già các bà mẹ
đã nuôi cách
mạng
Các em nhỏ từ
ba tuổi đứng nhìn tôi
dẫy chết
Có mẹ tôi
Ba lần mang cơm
đến nhà tù
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng
chí bắn tôi
Tôi sợ các cụ
già không sống được
Bao năm nữa
Để nhìn thấy xã
hội chủ nghĩa
Của chúng ta.
Chết đi mang
theo hình đứa con
Bị bắn
Tôi sợ các em
còn nhỏ quá
Sẽ nhớ đến bao
giờ
Đến bao giờ các
em hết nhớ
Hình ảnh tôi bị
treo trên cây
Bị bắn
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng
chí bắn tôi…
Nước mắt lúc
này vì Đảng nhỏ xuống
Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Đảng Lao động
Việt Nam
muôn năm
Đảng Lao động…
(1956)
Tập thơ Lá của ông được in ra không đúng như chúng tôi đã chọn dưới sự ủy thác của ông,
5 bài thơ ông tâm đắc bị bỏ ra, và thay vào mấy bài thơ ông in báo hồi kháng
chiến chín năm. Tuy không được hài lòng lắm, nhưng ông cũng mỉm cười sau 30 năm
trở lại thi đàn. Ông lại tiếp tục viết những bài thơ mới. Vẫn là Văn Cao tươi
ròng, không tuổi.
Tôi đẻ ra trần
truồng
được nhưng lót
tã
là của cải…
2. Sao tôi lại nhớ sinh nhật
60 tuổi của ông? 15 – 11 – 1983. Chiều trong căn phòng gác hai số nhà 51 Trần
Hưng Đạo, nơi Bảo Đại từng ở sau cách mạng tháng Tám, nơi mà một phần tư thế kỷ
trước Văn Cao thường xuất hiện cùng bạn bè đồng nghiệp văn nghệ sĩ. Lâu quá rồi
ông mới xuất hiện chính thức thức trở lại nơi này, và là nhân vật chính của
buổi lễ sinh nhật 60 tuổi do Hội Nhạc sĩ tổ chức. Hoa và rượu. Những lời chúc
tụng, những bài hát của ông vang lên mừng tuổi ông. Có cả Thiên Thai, Trương Chi hơn 30
năm vắng bóng trở về, khiến cả hội trường lặng phắc, ân hận và khâm phục, Chiếc
dương cầm Đặng Thái Sơn tặng Hội Nhạc sĩ sau lần đăng quang, vang lên những bản
nhạc không lời Văn Cao. Những bản nhạc ông viết sau cuộc chiến tranh chống nhóm
Nhân văn – Giai phẩm kết thúc, sau cái đêm trắng đi cùng với Hữu Loan quanh hồ
Ha – le ngột ngạt, u ám, không biết nói gì trước khi chia tay nhau để tác giả Màu tím hoa sim trở về
Thanh Hóa làm một “Lão nông tri điền”. Những bản nhạc chứa đầy nỗi
đau chia cắt cùng với khát vọng thống nhất cháy bỏng. Đấy
là các bản Hàng dừa xa, Sông tuyến và Biển đêm. Rồi đến
lượt Văn Cao xuất hiện trước cây dương cầm. Im lặng. Chờ đợi. Ông cứ ngồi im
trước cây đàn đến mấy phút liền. Một bàn tay của ông đã bị chấn thương trước đó
10 năm, khi ông đang đi bách bộ trên hè đường và bị một chiếc xe com – măng –
ca không số từ dưới đường tạt lên chèn ngã. Ông sẽ chơi đàn thế nào đây? Bỗng
bàn tay ông nắm lại thành một nắm đấm. Ông bất ngờ đấm vào những phím đàn, vang
lên hợp âm chói gắt như bom nổ. Thêm một nắm đấm nữa. Hai nắm đấm của ông cùng
với cả cùi tay vào trút bão táp vào cây đàn, hết lời này đến lời khác. Chuỗi âm
thanh ghê gớm ấy bỗng lặng đi đột ngột. Mọi người như nín thở. Ông dùng ngón
tay trỏ chầm chậm mổ nhẹ vào một phím đàn, từng tiếng, từng tiếng một vang lên
rành rọt, chậm dần, nhỏ dần cho đến khi ông thu bàn tay lại, trong tiếng vỗ tay
ào lên không dứt của mọi người.
Trước Văn Cao, chưa thấy ai
chơi đàn như thế. Chính vì thế mà ông luôn là ông, không giống ai, và nếu ai
muốn giống ông thì cũng khó mà giống được.
Tối hôm đó, ông hẹn mấy
người về nhà ông uống rượu. Tôi và Kha tới thì đã thấy Văn Cao đang ngồi cùng
Trịnh Công Sơn và Cao Xuân Hạo. Ông nhờ tôi sang gọi Trần Dần bên kia đường Vũ
Lợi. Ông bảo: “Có thêm Trần Dần nữa mới vui”. Tôi đến nhà Trần Dần thì ông đang
bên nhà hàng xóm. Trong lúc đợi vợ ông đi gọi ông về, tôi nhìn vào bức tường và
thấy hiện rõ một hình nhân. Đấy là nơi Trần Dần tựa lưng suốt mấy chục năm qua.
Tôi rùng mình hình dung ra cái bóng đang động cựa như một con người thật. Vừa
lúc Trần Dần về trong bộ quần áo pirama ngả màu cháo lòng, ông gầy yếu quá, gầy
yếu hơn cả cái bóng của chính mình trên tường nhà.
- Anh Văn mời anh sang nhà
uống rượu – Tôi nói – Hôm nay sinh nhật anh ấy. Sáu mươi rồi.
- Thế à? Những
ai?
Tôi kể tên mấy người. Trần
Dần mỉm cười:
- Thế thì sang.
Vợ ông nhắc ông thay quần
áo. Nhưng bộ quần áo mới cũng đã cũ lắm rồi. Ông kém Văn Cao ba tuổi, nhưng
trông già nua và chậm chạp như một ông lão khổ hạnh. Chỉ có đôi mắt là lúc nào
cũng có lửa. Cái ngọn lửa đó đã rực cháy trong nhiều tác phẩm văn thơ của ông
dọc các nẻo đường kháng chiến: Cách mạng tháng Tám, Trường ca
Việt Bắc, Nhất định thắng, Người người lớp lớp… và hàng loạt tác phẩm còn nằm trong bản thảo như tiểu thuyết Cổng Tỉnh,
Mùa sạch, Ngã tư những cột đèn, v. v…
Văn Cao với tay lên kệ tủ
lấy thêm một cái ly thủy tinh đặt trước mắt Trần Dần. Trong khi tôi rót rượu,
ông dặn tôi: “Dần sức yếu, dễ say đấy”. Nhưng sau khi cụng ly, chỉ riêng Trần
Dần là uống cạn.
Chuyện trò, đọc thơ, và
hát. Cao Xuân Hạo nhớ nhiều những kỷ niệm thời kháng chiến chống Pháp, về những
bài hát thời bấy giờ của Văn Cao mà anh đã hát. Văn Cao cũng nhắc lại vài bài
hát của Cao Xuân Hạo mà ông đặt nhiều hy vọng. Cao Xuân Hạo có một giọng hát
thật vang trong, bay bổng, đã ở tuổi 53. Chúng tôi ngạc nhiên khi nghe bài hát
thuở xưa của anh. Văn Cao nói rằng, ngày ấy nếu Hạo đi hẳn vào nhạc, chắc chắn
sẽ thành đạt, dù sau này là một dịch giả nổi tiếng về Lép Tônstôi, Đôxtôiepski,
Aitmatốp… Trần Dần chỉ lặng im uống và nghe, dù là nghe chính những câu thơ lấp
lánh, táo bạo của ông do Nguyễn Thụy Kha hay Văn Cao đọc lên. Chỉ đến khi nghe
Trịnh Công Sơn hát, ông mới nheo mắt cười cười, buột ra mấy tiếng: “Tiểu quỷ!
Mày là tiểu quỷ!”, rồi cũng chẳng giải thích gì thêm. Cứ thế mà cuộc rượu kéo
dài tới nửa đêm, mặc cho bà Băng nhắc nhở về thời gian, và ép người này người
khác ăn các món do chính tay bà nấu.
Khi chúng tôi chia tay vợ
chồng Văn Cao bước xuống cầu thang, chuông đồng hồ nhà bên điểm 12 tiếng. Thế
là trọn ngày sinh nhật của ông. Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng, cuộc đời đã bắt
đầu bước vào một ngày mới.
3 Hai mươi năm cuối đời, Văn
Cao chỉ viết vài ba bài hát, đấy là bài Mùa xuân đầu tiên (1976)
và bài Tình ca Trung du (1984). Bài mùa xuân đầu tiên
ông viết sau ngày nước nhà thống nhất, khi cảm xúc trào lên ào ạt ở những người
khác, thì cảm xúc của ông lắng lại, bình thản sau quá nhiều xáo trộn cuộc đời.
Ông nhìn thấy “mùa xuân dặt dìu theo én về”, ông lắng nghe tiếng “gà đang gáy
trưa bên sông”, và ông khẳng định rằng cái “mùa bình thường” đã về: “Từ đây
người biết quê người – Từ đây người biết thương người – Từ đây người biết yêu
người”. Âm nhạc của ông vẫn đẹp, ấm và sang trọng, thoát hẳn ra ngoài những bài
hát reo vui đại thắng lúc bấy giờ. Đó là bí mật tài hoa của riêng ông. Bài hát
liền sau đó được dịch và in ở Liên Xô. Chỉ tiếc rằng, hầu như nó chẳng được phổ
biến trong đất nước của mình. Có lẽ ông ít viết bài hát ở giai đoạn sau là vì
thế. Rồi mùa thu 1984, tôi đi cùng ông trong tốp nhạc sĩ lên Vĩnh Phú theo lời
mời của bộ tư lệnh Thông tin. Có lẽ lâu lắm rồi, ông mới có dịp “đi sáng tác
tập thể” như lần này. Chúng tôi về một nhà máy thông tin dưới chân núi Thắm,
tiếp xúc với những người lính thợ, nghe thành tích của họ, xem họ làm việc và
nói chuyện, đọc thơ, hát cho họ nghe. Văn Cao kể lại những kỷ niệm xưa bên dòng
sông Lô đã giúp ông viết nên bản Trường ca Sông Lô bất hủ.
Trên đường về, gặp nhà thơ Bút Tre, hai ông hôn nhau xúc động chảy nước mắt.
Nguyễn Thụy Kha gọi Văn Cao và Bút Tre là tiêu biểu cho hai “trường phái thơ
hiện đại Việt Nam”.
Các ông được xếp “đồng hạng” với nhau, lấy làm thích thú lắm. Sau chuyến đi ấy,
chúng tôi đều viết về bộ đội thông tin, chỉ riêng Văn Cao là viết tình ca. Bài Tình ca Trung du giai
điệu sáng láng, lời ca đẹp như thơ. Một cánh tay sông Hồng. Một cánh tay sông Lô.
Hai cánh tay như ôm trung du. Và ở đoạn kết là lời hẹn hò trở
lại thật bâng khuâng: “Hẹn trở về bên núi Thắm, vào một ngày mùa thu sáng láng…
nắng trên đồi như trôi trên sông”.
Càng ngày, sức khỏe Văn Cao
càng giảm. Huyết áp thường bị tụt. Phổi bị khô. Cột sống bị thoái hóa, có giai
đoạn phải mặc “áo giáp” để đỡ cột sống. Nhưng ngồi với ông, lúc nào cũng vui.
Tháng tư 1985, Thanh Thảo ra Hà Nội tổ chức cho Văn Cao, Nguyễn Thụy Kha và tôi
vào thăm Nghĩa Bình theo lời mời của Tỉnh. Ông mừng lắm, thậm chí còn nói rằng,
có thể đây là chuyến đi cuối cùng về phía nam. Đang chuẩn bị thì ông bị đau,
may mà qua nhanh được. Thanh Thảo lấy thêm vé máy bay cho vợ ông, vì
nếu thiếu bà thì chuyến đi sẽ dễ gặp bất trắc, bà còn là “bác sĩ
riêng” của ông. Cả tỉnh Nghĩa Bình mừng vui đón ông, chỉ thiếu dựng cổng chào.
Tôi nói vui như thế, vì ở đâu ông cũng được quần chúng hâm mộ và kính trọng như
đối với một nhân vật đặc biệt của đất nước. Còn ông thì đối với ai cũng bình
dị, gần gũi. Đêm ghé vào khách sạn Sa Huỳnh, cả khách sạn mời ông ở lại trọn
đêm. Ông gọi những người ở đây bằng em và bảo họ cứ gọi ông là anh. Và ông tự
giới thiệu: “Anh chỉ hai mươi thôi – rồi ông chỉ vào vợ – còn đây là bồ của
anh”. Chính tâm hồn trẻ đẹp của ông đã xóa đi sự ngăn cách về tuổi tác, về sự
mặc cảm giữa con người.
Trong chuyến đi này, ông
“phát hiện” ra rượu Bàu Đá, một loại rượu trắng được nấu từ các lò rượu làng
Bàu Đá, cách thành Bình Định tám chín cây số. Văn Cao cho rằng trong đất nước
này, chỉ có rượu Bàu Đá mới có thể sánh được với rượu Làng Vân nổi tiếng, ông
nhấp rượu Bàu Đá và nhận xét: “Rượu Vân mỏng, rượu Bàu Đá dày”. Xe đi tới đâu cũng trở theo rượu Bàu Đá, vì ông không hợp với bia. Đến
huyện Mộ Đức, trong bữa tiệc chiêu đãi, thấy ông mang rượu trắng ra uống, người
ta liền mang ra mấy chai Napoléon thật đặc biệt: vỏ chai xùi bởi những con sò
biển đã bám chặt từ bao giờ. Đấy là rượu huyện vừa vớt được từ dưới đáy biển Ngang.
Chả là hồi 1976, một con tàu chở rượu từ Sài Gòn ra Hà Nội phục vụ đại hội Đảng
đã bị đắm ở đây. Ôi, rượu Napoléon dưới đáy biển cả chục năm trời, thế gian này
đã mấy ai được uống? Thế mà Văn Cao và chúng tôi đã gặp may mắn bất ngờ.
Mấy ngày sau, Văn Cao viết
được hai bài thơ Qui Nhơn 2 và Quy Nhơn 3 khép
lại chùm thơ Qui Nhơn độc đáo mà bài Qui Nhơn 1 ông đã viết ở Hà Nội. Khuya lắm rồi, ông gõ cửa phòng tôi, gọi tôi sang phòng
ông uống rượu, và nghe thơ mới làm. Tôi giật mình khâm phục bài thơ và sức sáng
tạo của ông. Chúng tôi, ai mà chẳng nhìn thấy những tháp Chàm đơn côi dọc miền
Trung, nhưng cái nhìn của ông thật lạ lùng:
Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp
Chàm
Tôi đọc kỹ hai bài thơ mới
của ông, và xin ông sửa một chữ trong đoạn kết bài Qui Nhơn 2: “bỗng một ngày bà mẹ Qui Nhơn – nói với tôi một lời – một tiếng – chào
con!”. Theo tôi không nên dùng chữ chào, bà mẹ mà chào con thì khách sáo thế nào ấy, nên dùng chữ à con, nó vừa tự nhiên, vừa tình cảm. Văn Cao khoái lắm, ông khen tôi: “Mày đúng
là thằng Nghệ”. Và ông nhờ tôi lấy bút sửa vào bản thảo giùm ông. Trong nghệ
thuật, Văn Cao là một người biết lắng nghe. Chính vì thế mà ông trở thành tầm
cỡ.
Mỗi lần ra Hà Nội, tôi
thường cùng Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo hoặc Hoàng Phủ Ngọc Tường ghé thăm ông
ở căn nhà 108 Yết Kiêu. Lần nào cũng được ông dành cho chai rượu ngon. Những
chai rượu người ta tặng ông. Lần cuối cùng gặp ông ở Đại hội Nhạc sĩ, ông lại
bảo: “Tao dành chai rượu, trước khi về, mày đến mà mở”. Nhưng tôi đã lỡ hẹn với
ông. Ngày Hà Nội đưa tang ông, tôi ở Huế buồn quá, đến nhà Mai Khắc Ứng uống
rượu, cùng nhau tưởng nhớ ông. Tôi uống gần hết bình rượu mà Mai Khắc Ứng không
dám ngăn, vì sợ tôi buồn. Mãi ngày sau tôi mới biết, đấy là bình rượu nhung hươu
bạc triệu của ông bạn họ Mai. Trong cõi Thiên Thu, giá mà biết chuyện này, chắc
Văn Cao sẽ cả cười…
Huế, tháng Bảy, 1995
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét