MỘT THU CẢM VÂN LONG
Vũ Bình Lục đò đưa
Mở cửa-Đường thơm hoa sữa gọi
Phải bùng ra phố phải đi thôi
Hà Nội trời xanh màu cốm mới
Tôi nhập vào thu với mọi người
Mùa thu-thu đến từng hơi thở
Thu đến từng thi tứ chín cây
Ai may áo mới cho Hà Nội
Vồng ngực ai căng đợi tỏ bày
Em như con gió thổi qua ngang
Trẻ đến làm đau cả lá vàng
Lá phượng vụng về rơi mái tóc
Lại thành hoa rắc em mang
Như người chưa bao giờ được trẻ
Tôi bâng khuâng với mặt hồ đầy
Bước vào khoảng không em để lại
Một lần thêm trống trải nước mây
Bất giác đưa tay lên hất tóc
Bỏ quên đâu mái tóc xanh dày
Xỏe ra đôi sợi mang màu nắng
Bắt chợt mùa thu vương kẽ tay!
Đò Đưa: Bây giờ thì không phải là “đôi sợi vương màu nắng” nữa, bởi vì bài thơ “Thu cảm” Vân Long viết cách nay đã hai mươi năm có lẻ. Chả biết trái tim ông bây giờ có còn rung lên một cách “dữ dội”, khi bất chợt mùa thu đến, bất chợt “em” đi ngang qua như một “con gió” nữa hay không? Nhưng Thu Hà Nội thì còn mãi, còn trẻ mãi! “Mở cửa- Đường thơm hoa sữa gọi/ Phải bùng ra phố phải đi thôi”… Đã thấy gấp gáp, đã thấy giục giã. Ngoài kia có gì mà hấp dẫn thế, khiến thi nhân phải vội vã “bùng ra phố”, “phải đi ngay”, kẻo trễ? Thì ra là “đường thơm hoa sữa gọi”! Và cả “trời xanh màu cốm mới” nữa chứ! Thế là “chẳng ai đòi ai bắt”, nhà thơ ùa ra phố, theo tiếng gọi của trái tim mà hoà vào dòng chảy, mà “nhập vào thu với mọi người”…
Thi liệu không mới. Thì vẫn là thu Hà Nội, với những đặc trưng tiêu biểu, nhưng hấp dẫn ở cách thể hiện, cho thấy một tâm trạng nao nức, tràn đầy hứng khởi, trẻ trung tươi rói. “Bùng ra” là một động từ, nghe rất “văn xuôi”, nhưng đặt vào đây lại có nội hàm tâm trạng, chân thực và rất tự nhiên.
Khổ thơ thứ hai là nói cái độ “chín”, độ “căng” viên mãn của mùa thu. Hình như trời đất Hà Nội đều nhuốm vẻ thu, đều chín màu thu và rưng rức căng tròn như vồng ngực ai kia, đang “đợi tỏ bày”! Có thể là vồng ngực thu căng tròn trong làn áo mới. Có thể là vồng ngực căng tròn của một yểu điệu giai nhân nào đó, hay là một cảm giác thu được trộn lẫn, xao xuyến, bâng khuâng…
Thì đây:
Em như con gió thổi qua ngang
Trẻ đến làm đau cả lá vàng”
Thế là rõ rồi! “Em” đã trở thành tâm điểm của mùa thu, hay cái yểu điệu thướt tha của bóng giai nhân đã thay “áo mới” cho thu, làm mùa thu trẻ lại? Hay cái rưng rức non tơ của ai kia, đã khiến cái trẻ trung rạo rực trong lòng thi nhân cũng muốn cựa quậy, cũng muốn “bùng ra” ? Câu “trẻ đến làm đau cả lá vàng” là một câu thơ tài hoa, của một người thơ từng trải, trong bụng đã thật nhiều gió nhiều trăng, đang đứng ở bên kia đỉnh dốc cuộc đời, mà tiếc nuối. Một câu thơ hàm súc và nhiều nghĩ ngợi, nhiều ẩn ý, lại còn có cả cái tinh quái của một anh chàng đa tình, trái tim còn nhiều thổn thức, chưa muốn chịu “dừng yêu lại”, chưa muốn chịu già!
Mà cũng chả riêng bác Vân Long nhà ta mới đa tình đến thế! Đến như trời đất cỏ cây cũng còn đa tình đa cảm nữa là! Kia như “Lá phượng vụng về rơi mái tóc / Lại thành hoa rắc em mang”…Chữ “vụng về” thì quá hay rồi, vì nó Người hoá cả câu thơ, làm cho lá phượng cuối thu cũng biết bẽn lẽn, cũng biết ngượng ngùng, cũng biết đa tình mê đắm cái trẻ cái đẹp của mỹ nhân…Nhưng chữ “rơi” thì e rằng chưa thật đắt, bởi nó hơi thụ động. Ví như bác Vân Long mà đặt chữ “gieo” chẳng hạn, thì có lẽ câu thơ sẽ sống động hơn, đa tình hơn nữa!
Ở trên là mượn cảnh mượn vật để gửi gắm tâm trạng. Hai khổ thơ cuối bài, lại là những giãi bày trực cảm. Một chút “bâng khuâng”, một chút cô đơn “trống trải”, khi mà ngọn gió mỹ nhân đã vô tình lướt qua, chỉ còn gieo lại một chút hương thu man mác, trên má, trên môi, và cả trên mái tóc thi sỹ đa tình :
“Bất giác đưa tay lên hất tóc / Bỏ quên đâu mái tóc xanh dày / Xoè ra đôi sợi vương màu nắng /Bắt chợt mùa thu vương kẽ tay”…
Mở ra bằng những xao động hồn nhiên nao nức, với thu Hà Nội, với cái tươi non trong vắt của giai nhân, thấy yêu đời, yêu cuộc sống và những khát khao nhân bản, làm dịu mát tâm hồn. Kết thúc là một tỉnh thức, một tiếng thu sâu thẳm, nao nao buồn, như thể “mùa thu vương kẽ tay”…Vân Long là một nhà thơ viết nhiều. Nhiều thơ và nhiều thể loại văn chương. Ở thể loại nào thì cũng chỉ thấy một Vân Long đằm thắm tình người, khao khát sẻ chia và bao dung đôn hậu. Nhìn chung, thơ Vân Long không nhiều ồn ã tài hoa, nhưng lại chân thực hồn nhiên. Và chính sự hồn nhiên dung dị, đã thăng hoa như một phẩm chất đáng yêu của thơ và hơn thế, phẩm chất của tâm hồn. Với Vân Long, thơ chính là người vậy!
Hà Nội 10-06-2010
Vũ Bình Lục đò đưa thơ Vân LongTác giả gửi bài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét