Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Cập nhật Sách Văn Bạn Văn 2/ Văn Đò Đưa VĂN GIÁ

KHỞI ĐĂNG VĂN BẠN VĂN 1
TOÀN TẬP
Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.2013

Văn Đò Đưa
VĂN GIÁ  

NHỮNG CÂU THƠ THẮP SÁNG ĐỦ MẶT NGƯỜI
(Đọc hai tập thơ “Nghe gió về cậy cửa” và “Dưới vòm hương tinh khiết của Đàm Khánh Phương, NXB HNV, 2011)

Chẳng biết Đàm Khánh Phương “ăn ở với chúng sinh” như thế nào mà bao giờ cũng vậy, anh cho rằng anh là người mang nợ cõi nhân gian này nhiều lắm. Vâng, anh nợ với trời đất, với con người, với chốn quê, với bạn bè, với những loài hoa - thực ra là với những người đàn bà đi qua đời anh… Tất thảy, anh cứ nghĩ anh là người được nhận ân hưởng hào phóng từ cõi đời này. Ý  nghĩ ấy như một ám ảnh trong tâm hồn nhà thơ. Một người luôn tự biết mình là vậy, nên cũng tự xác định cho mình một ứng xử tương ứng: trước hết không dám đòi hỏi, vòi vĩnh gì ở đời nhiều, sau nữa, mỗi dịp có thể, anh đều nói lên niềm cảm tạ với đời. Đi suốt mấy tập thơ, Đàm Khánh Phương cứ vân vi một nỗi tình đời tình người ân nghĩa ấy.


Cảm tạ cuộc đời
Trong suốt mấy chục năm cầm bút, Đàm Khánh Phương được dịp đi nhiều, thấy nhiều, biết nhiều và sống nhiều với cuộc đời này. Nên trong thơ anh có nhiều tên đất tên người cụ thể. Mỗi một nơi anh sống, mỗi một người anh hạnh ngộ là mỗi bận lòng.
Người ta bảo anh vượng cung bằng hữu cũng chẳng sai. Trong đời thực, anh là người có cái thú giao du, vui bạn vui bè bất tận. Chỉ nội việc có được bạn bè là anh đã cảm thấy như một niềm ân hưởng. Ai chơi với anh, vẫn nghe anh thường nói, anh nhiều khi túng bấn cả bạn bè. Nói là nói vậy, chứ anh đâu có thế, ngược lại, anh là kẻ phong lưu giầu có bạn bè. Nào là bạn văn một thưở, nào là bạn đồng hương, bạn lính tráng, bạn đó đây giăng mắc ở những miền quê khác…Anh có những vần thơ viết về các bạn văn thật hay: Có một chiều Ninh Hiệp/ Cất vào làm của riêng / Gửi bạn bè trong ấy/ Tiêu chung Nguyễn Vũ Tiềm (Có một chiều Ninh Hiệp); Quên sao được làm sao mà quên được/ Hà Nội thời “gác xép” của chúng tôi/ Điểm lại lứa bạn bè non thất thập/ Những câu thơ thắp sáng đủ mặt người (Hà Nội thời “gác xép” của chúng tôi). Nói về nỗi nhớ bạn bè, theo cách của Đàm Khánh Phương cũng là một lối nói thật lạ, độc đáo: Từ những ngày xa trong ấy/ Chiêm bao ta bạn lẻn vào (Gửi chàng trai Hàng Bạc)…Đọc thơ Đàm Khánh Phương, số lượng thơ tặng những tên người cụ thể khá nhiều, trong số đó đa phần là bè bạn. Những vần thơ đó bao giờ cũng tôn vinh những tấm lòng bạn bè trong suốt, không gợn một chút riêng tây so bì nào.
Tình bạn trong những trường hợp này, thường có ý nghĩa an ủi, nâng đỡ mỗi người trên đường đời vốn rất nhiều khó nhọc.Có lần, trong cuộc gặp mặt bạn đồng hương, cùng với tiệc tùng và chúc tụng, nhà thơ đã nghe thấy rất sâu từ đâu đó, trong mơ hồ vẳng lại âm vọng quê hương: Dẫu thi thoảng còn vọng vào đắng buốt/ Tiếng em bé đánh giầy quánh- đặc- giọng- làng- ta (Đồng hương 2). Cả bài thơ diễn tả một niềm vui náo nhiệt, có phần ồn ào đúng như bữa tiệc đám đông vẫn vậy. Nếu thế cũng chẳng có gì đáng nói. Niềm vui thường dễ tán, dễ bay. Bỗng nhiên, câu thơ kết làm cho bài thơ đằm xuống, trĩu nặng một tấm tình. Tiếng em bé đánh giầy chính là nông nỗi quê hương, hồn vía quê hương. Kết bài thơ như thế thật già dặn tay nghề.
Nhà thơ Đàm Khánh Phương còn khá nhiều những bài thơ viết về thầy giáo cũ, về bạn cũ, có cả những bài thơ khóc bạn, lắm khi anh còn viết cho cả bạn bè của con mình. Thơ anh hay quy về những ân tình. Có một bài thơ thật nhẹ nhõm, trong sáng, rất đỗi đời thường, ánh lên vẻ đẹp tình người bình dị mà đẹp đẽ: Những bà mẹ chợ Đồng Xuân mừng con vào Đại học. Nghe tin con của bạn hàng đỗ vào Đại học, thế là mấy bạn hàng rủ nhau làm tiệc tại giữa chợ, nhân tiện bữa trưa, chẳng cao lương mỹ vị gì, mà chỉ với bún đậu, nem cua, nước ngọt. Thế cũng đủ vui, mừng cho con bạn thành đạt. Niềm vui của người lớn dành cho con trẻ, và dành cả cho nhau. Thơ của Đàm Khánh Phương không ngại  “ăn ở với chúng sinh” là vậy. Đọc thấy vui lây, và cảm động.
Tôi muốn nói đến một vệt thơ của Đàm Khánh Phương viết về những người thân trong gia đình, cho vợ cho con. Chạm vào gia đình là chạm vào chốn thiêng liêng. Được biết gia cảnh của nhà thơ này cũng lắm nỗi truân chuyên, và không phải lúc nào cũng như mong đợi. Nhưng cho dù thế nào, nhà thơ vẫn nâng niu, trân trọng, vẫn đằm thắm tình người, vẫn ấm lên những vầng sáng nhân bản. Những bài thơ  Nhà tôi, Con xin mẹ hãy, Viết cho em đêm trừ tịch thật ấm áp, nhiều thương cảm. Tôi đặc biệt ấn tượng bài Có một chiều như thế. Bài thơ kể về đứa con của mình chiều nào tan học cũng khoe bố đủ thứ với bao niềm ngây thơ trong trắng, Nhưng có buổi chiều nay/ Có buổi chiều nay tôi không thể giấu mình đã khóc/ Khi con tôi rưng ngấn lệ về nhà/ Cô con bảo: mai đến sớm cô cho con đi cắt tóc/ Ngước bàn thờ, nhìn ảnh vợ…xót xa. Bài thơ đã gợi lên bao nông nỗi của những gia đình đơn thân đơn chiếc, rất đỗi ngậm ngùi…

Cảm tạ trước hoa
Đàm Khánh Phương có một bài thơ mang tên Tạ nghĩa trước hoa. Trong bài thơ, anh liệt kê ra rất nhiều thứ hoa mà anh từng gặp, từng biết trong cuộc đời. Nhưng cuối cùng, hóa ra anh muốn dùng hình ảnh hoa với cái nghĩa trừu tượng (loài hoa, kiếp hoa) để chỉ những bóng hình phụ nữ: Và sẽ hiểu vì sao trên những chặng đường ta qua/ Bao nhiêu là thứ giặc/ Hoa che chở và mùi hương cứ theo đi thầm nhắc/ Những dấu chân yên lành. Ví hoa với người phụ nữ thì không có gì lạ cả. Nhưng với Đàm Khánh Phương, hơi lạ là ở chỗ, mật độ các loài hoa và hình ảnh bông hoa nói chung đi vào trong thơ với mật độ tràn lan, dầy đặc, công khai, không giấu diếm. Có khi là các loài hoa cụ thể: hoa hồng, hoa cúc, hoa lan, hoa huệ, hoa sấu, hoa phượng, hoa bích hợp, hoa mai…và đi liền với nó là hương cùng nhụy. Nhưng nhiều khi đó là những bông hoa ẩn giấu những bóng người, thậm chí những kiếp người. Xin được dừng lại nói về loài hoa huệ. Cùng là huệ, nhưng trong thơ Đàm Khánh Phương mang hai dáng vẻ khác nhau: huệ chính là người mình đang yêu với vẻ đẹp thanh xuân, rực rỡ: Mà em cứ là hoa bé bỏng/ Đứng mong manh nơi vườn hẹp cỗi cằn  (Thức cùng huệ trắng), Anh bảo rằng bông Huệ ấy/ Là đồng vàng cuối của anh (Ghép những dòng tin nhắn); và huệ còn là người vợ đã khuất xa: Em thành huệ- anh thương màu trắng lạnh (Viết cho em đêm trừ tịch). Dù thế nào thì các loài hoa vẫn là những ẩn dụ về phụ nữ. Chính vì thế, thơ Đàm Khánh Phương hay nói về hoa với biết bao cung bậc của tâm tình và cảm xúc. Có đôi lúc là cảm xúc ân nghĩa (Tạ từ những bông hoa Hà Nội), còn phần lớn là cảm xúc yêu đương. Đã yêu đương tức là lâm vào những tình thế vô cùng phức tạp, ở đấy có nhớ nhung, hờn giận, trách móc, tha thứ, cầu mong…Câu thơ Xin trú lại dưới vòm hương tinh khiết (Khất) không phải ngẫu nhiên được chọn làm tựa cho tập thơ, nó là tiếng nói tự nhủ lòng, tự ru vỗ chính mình, tự thức nhận về giá trị của tình yêu, trong đó có cả nỗi hàm ơn.
Cũng vẫn cái mạch thơ tình ấy, với đầy rẫy hương/hoa ấy, Đàm Khánh Phương sáng tạo ra một hình ảnh thật khác người: nọc hoa. Ô, thế ra hoa cũng có nọc ư? Bảo là hoa có gai, có hương dị hương độc thì đã nhiều người nói. Nhưng bảo là hoa có nọc thì chỉ thấy mỗi Đàm Khánh Phương. Anh viết 2 bài Nọc hoa 1 và Nọc hoa 2. Cả hai bài đều nói về nỗi thất vọng của người đem lòng yêu đặt vào nhầm chỗ, hoặc nỗi thất vọng, hoang mang nào đó khi ướm thử một cuộc tình.
Nói là cảm tạ trước hoa thực ra chính là cảm tạ trước những người tình. Người tình làm hồi sinh sự sống, người tình làm sống lại hồn thơ. Trong thơ Đàm Khánh Phương, nhiều câu thơ ngời lên quyền năng của tình yêu mầu nhiệm: Em đã đặt vào lòng tay tôi héo úa/ Những ngón im như chuyển nhựa sang cành (Khất). Câu thơ thật tinh tế và nhiều sức gợi. Bài thơ Chạm sát vách bẩy mươi chất chứa bao vẻ đẹp của cảm xúc yêu đương thanh tân, hân hoan, và nỗi chịu ơn thầm kín: Và em…/ Em đã cho ta hái nổi được thơ tình khi cuộc đời đang chạm vách bẩy mươi.

“Không bao giờ thơ chịu nước bán rao”
Trên một trăm bài thơ của Đàm Khánh Phương không phải lúc nào cũng giữ được phong độ liên tục, đều tay. Tất nhiên, ai cũng vậy. Như một người đứng trước câu hỏi thật không dễ trả lời nhưng vẫn phải trả lời: Nếu chỉ được chọn 10, hoặc 5, hoặc 3 tác phẩm đỉnh cao của nhà thơ ấy thì đó là những bài nào? Điều này không chỉ khó đối với một nhà phê bình, mà còn khó ngay với chính nhà thơ. Thông thường các nhà thơ hay chọn cách trả lời mà không trả lời theo kiểu: làm cha mẹ ai nỡ so bì những đứa con mình. Nhưng khổ một nỗi, nhan sắc của mỗi nhà thơ chỉ nằm ở những bài/câu thơ hay mà thôi. Có thể khẳng định rằng đi vào thế giới thơ Đàm Khánh Phương, người đọc được mang về những món quà khá nặng tay.
Tôi rất thích những câu thơ như thế này: Cái ngọn lửa bập bùng trong đêm tối /Lại chập chờn như đuôi mắt rưng rưng (Tự khúc); hay: Nào ngờ thất lạc vào em/ Để cho sỏi đá cũng mềm trước hoa (Ướm thử với rừng); hay đây nữa: Nhưng lòng anh vẫn sớm tối đi về/ Theo gió vào cậy cửa (Mùa thu tím)…
Về đơn vị bài, liệu tôi có nên làm cái công việc dại dột đi tìm 5 bài thơ được xem là hay nhất của Đàm Khánh Phương không nhỉ? Thôi thì cũng cứ xin thử một lần xem. Thường thì chọn con số 10 sẽ dễ hơn, chọn càng ít càng khó. Tôi xin dừng lại con số 5, con số của ngũ phúc an lành, đó là các bài: Nhà tôi, Con xin mẹ hãy, Có một chiều Ninh Hiệp,  Những bà mẹ chợ Đồng Xuân mừng con vào Đại học, Chạm sát vách bẩy mươi. Quả thật, khi đưa ra kết quả này, như mọi giám khảo viên tử tế, vẫn thấy lòng còn nhiều tiếc nuối rằng lẽ ra danh sách này phải được nối dài thêm nữa…Tại sao lại không phải là Khất, Có một chiều như thế, Những câu thơ bán lẻ, Đồng hương 2, Hà Nội thời gác xép của chúng tôi…cơ chứ?!
Nhìn vào bảng danh sách dừng lại con số 5 kia, nhận ra một điều thật thú vị: 2/5 thuộc về thơ lục bát: Nhà tôi viết 1983, Con xin mẹ hãy viết năm 1998. Có nghĩa là đã lâu thi sĩ họ Đàm không làm thơ sáu tám. Hai bài thơ sáu tám này rất nhuần nhuyễn, dung dị, chạm vào những tâm tình thường nhật mà vẫn muôn thuở kiếp người, đằm thắm chất nhân văn cao quý. Đi vào những vần thơ hương hỏa thuần Việt này, Đàm Khánh Phương có đất thể hiện những cảm xúc của mình theo cách  lặng lẽ lắng sâu. Hai bài thơ như một giọng trầm đáng quý trong suốt hai tập thơ của anh.
Đàm Khánh Phương nhìn lại quãng đời đã qua của mình, có lúc anh tự thấy đời mình Hóa chỉ còn là những chuyến tiêu hoang. Âu cũng chỉ là cách nói. Trên thực tế, anh cũng được “lãi” nhiều lắm. Có lẽ món lãi lớn nhất là thơ - những câu thơ mang tư thế Không bao giờ thơ chịu nước bán rao. Tôi xin mượn mấy câu thơ của chính thi sĩ họ Đàm để kết thúc bài viết nhỏ này:

Ơn đồng bãi mang về cho lúa gạo
Bạn bè nhen củi lửa cũng nhiều
Duy một thứ may mà còn có sẵn
Trái tim này- không vơi cạn tình yêu
(Những câu thơ bán lẻ)

Với niềm ân nghĩa mặn mòi như thế, với trái tim nồng nàn tình yêu như thế, tin rằng nhà thơ “chạm sát vách 70” Đàm Khánh Phương vẫn đem đến cho đời sống này Những câu thơ thắp sáng đủ mặt người trong dáng vóc đẹp đẽ thanh tân.

Mùa hoa loa kèn nở 2011.
Bài Văn Giá/ Tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét