Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Bài 1/ Quê mình Hà Nội

QUÊ MÌNH HÀ NỘI (1)
văn ngắn nguyễn nguyên bảy

Nhà hộ sinh Cây Đa Nhà Bò, căn nhà ngói nhỏ dốc Thọ Lão, vượt lên chừng hai mươi thước dốc là phố Lò Đúc thuộc bàng Cò, ngược lên là chợ Hôm, phố Huế, Vân Hồ…xuôi xuống là cửa ô Đông Mác, làng Thanh Nhàn, trường Lương Yên, xa nữa là Lò Lợn, là đê, là sông Cái…Tôi đã sống và lớn lên quanh quẩn vùng đất với những tên ký ức vừa nhắc thức, tính đến ngày rời Hà Nội, 1976, là gần ba mươi lăm năm. Cuộc ly hương trên chính quê hương mình nào ngờ dài quá, lâu quá, sau 30 năm, nửa đời người, tôi mới trở lại thăm quê lần nhất. Loạt bài viết dưới đây, chép lại cảm nhận tôi sau những lần trở về quê, như một chuộc lỗi vội vã, khi thấy tuổi tác đã đến hối thúc chân chậm chạp bước về nguồn cội đời người. Loạt bài này đã đăng từ 2010, năm nay, 2013, lại về quê ăn Tết, đăng lại thay lời chào quê, chào thân yêu ruột thịt, chào anh em bầu bạn. Mời đọc để cùng nhau yêu quê mình, Hà Nội
1. Sau Ba Mươi Năm, Trở Về…             
Tựa của Bài tạp văn này viết đầy đủ là Sau Ba Mươi Năm, có một người trai Hànội, trở về quê mình - Kinh Thành Cổ Tích
Cớ chi lâu vậy, người trai? Sài gòn Hà Nội nào có xa gì mà tha hương ba chục năm hôm nay mới một lần quay về? Cớ chi người trai không thưa lời, lại khóc
Tôi là người trai ấy. Rời Hànội vào Sài gòn lúc tuổi ngoài ba mươi tóc còn xanh mướt, nay tóc dẫu nhuộm vẫn trắng gầy. Tôi tháo kính mắt, dang tay hít một hơi dài cái gió còn lạnh Bân của Nội Bài Hànội. Gió lạ mà quen hay gió quen mà lạ? Không biết. Chỉ biết, ngày ra đi nơi này, Nội Bài, chỉ là những cánh đồng ngô lúa, mà nay đã là một sân bay, tuy chưa hùng vĩ như sân bay Bắc Kinh hay Seattle nhưng cũng đáng mặt con gái nước mình đi dự thi hoa hậu hoàn vũ vậy. Tôi lên xe bus, bảo là xe của hàng không, về Hànội thu vé ba mươi ngàn đồng. Rẻ thuận. Xe vào đường cao tốc. Bác tài tuổi chừng tuổi ngày tôi xa Hànội. Tôi nhìn bác, bỗng thấy gần, thấy mến, vì chẳng hiểu ngẫu nhiên gì bác lại mở băng nhạc dân ca đồng quê Bắc Bộ, ru đưa tôi về Kinh Thành Cổ tích :

Nơi ấy

Tôi là đứa trẻ đẻ rơi

Mẹ dệt lụa
trên cầu giải yếm
Các bà tiên chuyền tay nhau bú mớm

Chuyền tay nhau hát hò

Chày Yên Thái tôi nghe

Trái bàng rơi tôi nhặt

Gạo Làng Gióng tôi ăn

Sông Cái lắm thủy thần

Rằm Mồng Một dâng hoa chùa Bộc...

 
Lúc nãy trên xe người trai cười thầm khi nghe bác tài nói ngọng. Dân Hải Dương, Hải Phòng đây. Nhưng khi bước xuống xe trên đất nội ô. Đàn xe ôm chạy lại. Như Sàigòn thôi, không lạ. Nhưng lạ quá âm thanh chào mời. Lày chú, lày bác, nên xe em lào. Âm thành ơi là âm thanh, líu lo gì ngọng vậy?
Tôi định lên xe ôm anh chàng da trắng, mặc bảnh, đeo mắt kính, nói ngọng nhưng biết tránh ngọng bằng từ đồng nghĩa. Nghĩ sao lại thôi, chọn cách tung tăng thả bộ. Phố vẫn tên cũ, Hàng Bồ, Hàng Da, nhưng mặt phố không sao nhận ra, sáng lóa, tươi nhuần, tân tiến. Nhìn ngắm thoáng qua. Thoáng qua nhìn ngắm. Một cô gái da mặt trắng hồng, trắng hồng hơn cả con gái Đà Lạt, ăn mặc khá mốt, mốt ngày se lạnh Sài Gòn không mấy khi có, giá cô đừng lớn tiếng qua cái alô cầm tay, thì tôi đã tưởng mình gặp lại tiên nữ trong thơ ngày nào. Sao cứ phải alô lớn tiếng thế? Giận dữ thế và ngọng ngịu thế ? Khổ tai anh quá em ơi. Đôi ba cô gái nữa đi qua. Lại đôi ba cô gái khác đi qua. Đẹp. Rất thời trang. Đẹp không chê vào đâu được. Chỉ có điều khi miệng các cô bật ra ngôn ngữ thì sắc đẹp dường như phai đôi phần. Ngày xưa bảo là thanh sắc, thanh đứng trước sắc, có lẽ bây giờ sắc đứng trước thanh, bảo là sắc thanh chăng ? Mình già mất rồi, tôi ơi.

Tôi mắc chứng bệnh nhớ nhà. Ngủ lạ nhà một đêm khó được. Nếu bảo Mệnh là từ 1-30 tuổi, thì ba mươi năm Mệnh, quê tôi là Hànội. Nếu bảo Thân là từ 31-60 tuổi, thì ba chục năm Thân, quê tôi là Sài Gòn. Giờ đây đã qua tuổi Mệnh Thân, ắt sẽ là Sài Gòn Hà Nội ra ra vào vào. Chuyến đầu tiên này 3 ngày nhé. Cho tôi quen lại Hà Nội, quen dần với phong, với thủy mà chữa bệnh nhớ nhà. Xin ruột thịt gần xa, xin cố nhân, bằng hữu tha cho lỗi vội vàng này của người đang bệnh. Hẹn lần sau, sẽ rất gần, thăm hỏi đủ khắp.
Thay vì thắp một nén nhang nhớ về nguồn cội, tôi đã vay một ban mai, ngồi tưởng trên ghế đá Bờ Hồ. Ghế đá nơi ngồi quen lắm, dù sau lưng không còn ga xe điện, tai tôi vẫn nghe tiếng leng keng, bởi trước mặt vẫn xanh trong mặt hồ ngàn tuổi. Con nhớ mẹ biết bao. Con không nhớ bóng lưng còng lam lũ của mẹ. Vì sinh tồn, sinh lý làm người, thời nào thời chẳng lam lũ, đời nào đời chẳng lam lũ. Con chỉ nhớ nụ cười của mẹ thôi. Nụ cười như một ban mai cuối Bân vào Hạ. Nụ cười thoang thoang như gió trên cầu Thê Húc. Nụ cười thơm như hoa hồng gói lá chuối các cô gái làng hoa bán gánh Hồ Gươm. Nụ cười ấy có tên là hạnh phúc. Tôi thầm cười, mặt rạng. Một tiên nữ lạ quen nào đó, ngồi xuống bên tôi. Tôi cười chào. Tiên nữ hỏi: Thầy ở sàigòn ra? Sao biết? Tiên nữ cười, giọng thật nhẹ. Cháu đoán thế. Thầy giống ông ngoại cháu lắm, từ cốt cách đến giọng nói. Ông ngoại cháu người Hà Nội gốc, vào Sài Gòn sinh sống lâu rồi. Tôi cười đầy mặt. Tiên nữ cúi chào tôi rồi bay lên Cầu Đỏ. Ở đấy nhiều tiên nữ lắm,múa hát từ Tháp Bút dọc cầu vào hút đền xanh Núi Ngọc. Tôi muốn lên đấy lắm, lên chiếc cầu sơn đỏ,nhưng tôi không dám,vì tôi sợ mình lại khóc, bởi:

Nơi ấy lẽ Càn Khôn

Các bà tiên lần lượt về mây trắng
Con đưa mẹ đến đầu cầu giải yếm
Mẹ trắng vào mây
Mẹ tan vào gió
Mẹ đi trảy hội Tiên Rồng...

Thân chủ của tôi là một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu và vợ, con nhờ tôi giúp thiết kế một căn nhà phong thủy. Khu đất xây cất căn nhà này thân thuộc với tuổi thơ tôi. Trước mặt ao rau muống, sau lưng ao rau muống. Tôi đã từng lần mò bờ ao câu lươn, câu ếch. Tôi đã từng bắt đầy giỏ cá rô cờ, rô don, cá trê, cá quả ngày hồ hanh khô, để mẹ kho om lá gừng, ăn nhớ đến chết. Khu đất ấy giờ đã biến mất. Đường ven ao đã bê tông hóa, nhà cửa hai bên, sau trước, trước sau đã hai ba tầng, mái bằng, ngói đỏ, lan can nhấp nhô nở xòa xanh xanh đỏ lá hoa. Vuông đất nhà cấp bốn của người sĩ quan nghỉ hưu vừa phá, méo mó, thấp cao hiện ra trong mắt tôi sẽ là căn phố lầu sau cùng trong căn hẻm tuổi thơ tôi. Nhà mười mười, trăm mét vuông sàn trồng bốn tấm đang hiện ra trong tâm trí phong thủy tôi. Sẽ cát tường, như đời anh hơn sáu mươi năm cát tường đời tranh đấu, giờ sẽ cát tường đời hạnh phúc vợ con. Vợ anh ít cười. Chị là bà tiên lam làm, tận tụy. Nhưng con gái anh và cháu ngoại anh thì như vườn nắng đỏ vài luống hoa. Anh thanh thản, hồn nhiên giao việc xây cất ngôi nhà cho người con rể. Anh nói cười, tương lai thuộc về chúng, chúng phải gây dựng lấy, phải không mình? Anh hỏi bà tiên vợ và nháy mắt rất lão ngoan đồng, nhìn tôi.
Hà Nội ấm áp dưới mỗi mái nhà. Không nhớ ai đã nói với tôi câu nói ấy. Câu nói có âm sắc văn chương giờ bỗng cháy trong tôi như lửa, ánh lửa tình mầu sắc làng quê, mầu sắc Kinh Thành Cổ Tích,mà người trai tha hương khát nhớ mơ về...

Người trai ấy đã ngủ ngon lành ở Kinh Thành Cổ Tích một đêm. Rét se se bảo là rét nàng Bân. Sách vở văn chương ta hầu như chưa nói gì về nàng Bân nhỉ? Nàng Bân xưa ở đâu và giờ ở đâu? Người trai choàng nhẹ tấm áo vợ mua mà như ôm vào lòng nàng Bân của mình. Ai trong đời chẳng có một nàng Bân?
Tôi là một người trai không bình thường. Sinh ra đã không bình thường. Tôi là đứa trẻ đẻ rơi/ Mẹ dệt lụa trên cầu giải yếm. Lớn lên cũng không bình thường. Hư hỏng trong cuồng vọng. Tham lam trong ái tình. Mơ hồ trong đời sống. Xấu trai và lười biếng. Kiêu ngạo và hay cáu kỉnh. Tật hư nhiều như thể hỏi rằng ai chịu nổi. Chỉ có nàng Bân, nàng Bân vị tha, nàng Bân hiền dịu, chỉ có nàng Bân mới dám yêu tôi, chung thủy cùng tôi. Nào chỉ rét về nàng đan áo ấm, mà một giỗi hờn tôi, nàng hát, một cáu kỉnh tôi nàng ru, một phân bụng tôi nở béo, nàng tinh mơ thái tai cây sắc thuốc. Nàng yêu tôi biết bao và tôi hiểu rằng tôi đã nợ nàng nhiểu biết bao, nợ một đời không trả được, dỗ dành, kiếp sau luân hồi tôi làm vợ, nàng làm chồng, may ra nợ mới trả xong. Ước sao có một thiên tài viết lời về nàng Bân nhỉ? Nàng Bân vợ của mỗi người trai Hà Nội. Con gái Hà Nội tuyệt vời lắm, được làm chồng họ, mình thành người Hà Nội bản sắc đấy. Không trộn em vào đâu mà lẫn được Bân. Cảm ơn vợ đã yêu anh để hôm nay anh tâm thành viết lời ân này cảm ơn quê mình Hà Nội.
Nàng Bân ơi, rét tháng Ba tôi về quê cùng rét. Hình như nàng gọi tôi về, nàng bảo tôi về, vì những mùa tháng Ba sau các nàng Bân phải đan nhiều áo ấm cho chồng lắm. Hànội đang luận bàn việc mở rộng hoành tráng Kinh Thành Cổ Tích.
Kinh Thành Cổ Tích, phương Bắc là Hà Bắc, phương Nam là Hà Nam, phương Tây là Hà Tây, phương Đông là Hà Đông, từ bao đời nay đã là vậy nhỉ? Mừng lo lẫn lộn. Mừng là mừng Kinh Thành Cổ Tích sẽ lớn rộng xứng tầm nước non. Lo là lo Kinh Thành Cổ Tích không còn là Kinh Thành Cổ Tích. Theo các kênh truyền thông, Hànội mở rộng ôm hết Hà Đông, Hà Tây cộng thêm vài huyện Hòa Bình, ôm thêm vài huyện Vĩnh Phú. Quá sức bao la, quá sức vĩ đại, vĩ đại như mơ. Tôi thăng hoa kinh thành mở rộng trên ma trận bát quái, thấy rằng kinh thành vượng thế bối sơn, diện thủy, cân bằng tam cương, được số 2, số 4 phía lưng, số 1 số 6 trước mặt. Thầm vui. Những người hoạch định mở rộng kinh thành xem ra cũng tài tình phong thủy lắm. Số 2 thuộc Hôn Nhân, số 4 thuộc Phú Quí, số 1 thuộc Sự Nghiệp, số 6 thuộc Quí Nhân. Xem như sự nghiệp đời người được hôn nhân phú quí dựa lưng, quí nhân tiếp rước thì sự nghiệp nào chẳng Địa/Phong Thăng. Một căn nhà, một khu dân cư, một làng quê, một kinh thành cũng vậy, được số 2, số 4, số 6 hưng cát ước gì hơn.
Đang nói về Kinh Thành mở rộng, chợt nhớ Phở Vuông, bèn liên tưởng đến sự thống nhất của phong thủy giữa nội dung và hình thức.Phở ơi, món ăn quốc hồn quốc túy, ngọt ở nước, dẻo mềm ở bánh, chất ở thịt dù tái nạm gầu hay tái gân, tái chín, thơm ở ớt ở hành, và cái ngây ngất dâng hương khi rưới vào phở đôi ba giọt nước mắm lúc làn khói phở lên hoa. Phở là vậy,phở Nam Định, phở Hà Nội, hay phở Sài Gòn, cho dẫu ở đâu phở cũng phải là phở. Nói phở trước rồi nói đến quán, đến mời chào, đến xuân hạ thu đông mỗi mùa một hương phở khác, rồi thì đũa bát, Sài Gòn gọi là tô, gọi gì thì gọi vẫn là phở. Cho nên có phở bát tròn tất có phở tô vuông. Hà Nội có phở thương hiệu Vuông. Phải ăn mới biết Phở Vuông thế nào.
Cầu Trời kinh thành cổ tích mở rộng hoành tráng cỡ nào xin vẫn là Kinh Thành Cổ Tích. Tôi hằng tin và đã hành theo đức tin ấy. Tôi vẫn tin và lắng nghe đức tin ấy. Bởi Hà Nội là Quê tôi

Nơi ấy

Hoa đào nở chấn Cửa Đông
Áo trấn thủ phủ rêu Cửa Bắc
Kèn tầu hừng hực Cửa Nam
Quốc ca hát đỏ sông Hồng
Nơi ấy là kinh thành cổ tích
Nơi ấy là đời tôi...
Người trai ấy theo rét Bân về làng nghề gốm,rồi theo rét Bân về làng lụa. Kinh thành cổ tích mình, những năm xưa đâu chẳng làng nghề?
Nói thật lòng, những kỷ niệm tuổi thơ về quê hương của tôi nghèo lắm, cơ cực lắm, mẹ khóc nhiều hơn cười, cha cắm mặt xuống đất nhiều hơn ngẩng mặt, tôi bữa đói nhiều hơn bữa no, Bà gọi tên Re thân đau cây mía quắt, chính vì cơ cực thế nên tôi nhớ mãi nụ cười của mẹ, tôi thăng hoa đời bà, đời mẹ thành tiên, tôi ủ tình tôi vào Sân Chèo Gió Cuốn Lá Đa, vào Giếng Trăng, vào Bánh Trôi Nước,vào Thị Mầu Lên Chùa,vào Mưa Hến.Hình tiếng lung linh như chiều trở gió cuốn mây ngũ sắc cầu vồng quê hương thành Kinh Thành Cổ Tích? Không có những thanh hình, sắc tiếng ấy làm sao thế hệ chúng tôi có thể sống dâng mình cho non nước? Một đời cha tôi, một nửa đời tôi, là sống vậy biết vậy, quê hương gần như lam lũ không có gì đổi khác. Khác chăng là lẽ sống ngày càng đời thường hơn, tự nhiên như tự nhiên phải được, được sống đủ cơm ăn, áo mặc, có nhà để ở, có đường để đi, có nước sạch để uống, có điện để sáng mắt, cho xí tắm để không như gia súc.
Tôi đang đi trên đường vào làng trải nhựa,đường trong làng bê tông, nhà hai bên san sát, nhà thấp nhất cũng ngói đỏ hoa vàng, nhà cao hơn đã đôi ba tấm. Cô tiên cấy lúa đấy ư? Sao hôm nay chưa ra đồng còn thong thưa đứng trên ban công nhìn khách?
Rẽ vào quán nhỏ gọi tô bún riêu. Bún riêu là món khoái khẩu tuyệt vời của tuổi thơ tôi. Cô chủ quán liếng mắt cười, lắc đầu. Sao lắc đầu? Chẳng lẽ bún riêu làng mình giờ khác? Thưa vâng, bún riêu như ngày thầy còn ở làng bây giờ hiếm lắm, phải vào chợ quê mới có. Bún riêu phố thị bây giờ dù nhiều riêu hay ít riêu mà không có chả quế, giò thăn, sườn non, thì cứ gọi là...vợ nấu chồng ăn. Tôi gật đầu. Gật đầu. Vừa ăn bún riêu làng cổ vừa tự trách mình, già mất rồi, tôi ơi. Rét Bân không dỗ dành hẳn tôi đã không ăn hết tô bún. Chẳng phải bún không ngon, mà chỉ bởi bún trong tâm tưởng tôi là bún Kinh Thành Cổ Tích. Chợt hỏi nàng Bân: Ngày xưa nàng đan áo ấm cho chồng sao lâu thế, suốt mùa đông không xong, để đến nỗi tháng Ba còn xin Trời làm rét? Nàng không có sợi hay nàng vụng về? Nàng Bân không đáp.Tôi hiểu, thi nhân xưa trọng cái tình. Thi nhân nay cũng trọng cái tình, nhưng phải là cái tình hợp lý. Nên thi nhân nay chẳng ai chép chữ, tạc hình nàng Bân, phải vậy chăng ?
Bát Tràng bây giờ mới thực Bát Tràng. Vạn Phúc bây giờ mới thực Vạn Phúc. Hai câu cảm thán này nói thay lòng tôi. Một làng nghề như trong cổ tích. Tuy nhiên, làng nghề mình còn chưa được tự tin. Có nhất thiết phải bầy chen gốm Cảnh Đức Chấn với gốm Bát Tràng? Có nhất thiết phải may lụa Hàng Châu dán mác hiệu làng lụa Vạn Phúc? Lâu rồi thì phải, đựơc xem bộ phim về làng tranh Đông Hồ. Rớt nước mắt. Những người làng Tranh giã dó cối không để giữ nghề cha ông, để cạnh tranh với tranh tầu Thượng Hải. Tôi đã từng đi ngoài biên giới, đã từng thấy gốm Bát Tràng, thấy lụa Vạn Phúc nơi xứ người, rớt nước mắt tự hào. Mong sao các làng nghề người Việt tự tin bước ra ngoài kinh thành cổ tích.
Tôi đi trong rét Bân lan man làng Vạn nghe tiếng thoi ru tíu tít, đi lan man làng Bát thơm nồng hương gốm ra lò. Chợt nghe rét hỏi: Nếu áo đan xong sớm liệu trời còn cho rét tháng Ba? Đáp, Trời đã cho rồi Trời đâu đòi lại, rét Bân mãi còn. Áo vợ đan xong kịp chớm gió đông, chồng được mặc phùn qua Tết, qua Bân, chẳng là ấm lòng sung sướng hơn sao. Tủm tìm rét Bân cười se se tim tôi...

Còn đêm nay nữa,đêm thứ ba ngủ cùng rét Bân, sáng mai người trai sẽ bay về Sài gòn. Đêm bay ra cũng mất ngủ đêm bay vào cũng mất ngủ là sao? Bảo là bồn chồn trước đi xa. Ôi cái sự đi về này lạ thật,đi cũng là về cũng một nghĩa về nhà. Vì cái sự về nhà ấy mà nghĩ ngợi mang mang.
Nhớ cái lần bay từ một nơi rất xa về Sài Gòn, mấy đêm không ngủ được chỉ vì chưa giải được ý một nữ sinh người Mỹ, nghiên cứu văn hóa phương đông, cắc cớ hỏi: Nhược điểm về tính tình tính cách và nhược điểm về hình thể của người Việt Nam? Nhìn thầy ngắc ngứ, trò tự trả lời : Về đặc điểm tính cách, người Việt Nam chưa biết cười. Về đặc điểm hình thể, người Việt Nam mông lép. Trời ơi là trời, nghiên cứu chi lạ thế? Câu hỏi thức trong đầu tôi có lẽ vài đêm, bỗng bật dậy, khi bay tới Đài Bắc, và hiện rõ mồn một khi bước ra sảnh sân bay Tân Sơn Nhất trong mừng đón vợ con. Người Việt Nam mình chưa biết cười thật, mông quả là lép thật. Xứ người ta cười thấy hoan lạc, nhìn thấy rạng rỡ mặt mày, không gian như có hương hoa. Còn cười xứ ta tắt rất nhanh và sau cười là ưu tư lo lắng, là thấy chuyện phải làm, là thấy lam lũ cần lao trên từng thớ mặt. Còn chuyện mông lép, có phải vì bà ta, mẹ ta, vợ ta, con gái ta, nhiều đời nhỉ, ngủ trên giường cứng và ngồi trên ghế cứng? Hông thuộc phú quí, bảo rằng hông lép mà nghèo.
Nhớ lần bay về từ phương Bắc, cậu phiên dịch cứ ngao ngao thuyết trình về sức mạnh kỳ diệu của con Kỳ Hưu, linh vật mới của người Trung Hoa. Nào là Kỳ Hưu xuất hiện từ những năm 300 trước công nguyên trên đồng cỏ Nội Mông. Nào là Kỳ Hưu là con thứ 6 hay 7 gì đó của Long Vương. Nào là Kỳ Hưu giải được họa, giáng được phúc, cầu được quan, được lộc. Nín. Định quát cậu phiên dịch như thế, nhưng không biết chữ nín tiếng Hoa, đành cười mà khâm phục người Trung Hoa, đã thật tài tình tạo ra linh vật Kỳ Hưu, thổi vào nó một huyền thoại và quảng bá huyền thoại ấy như là chuyện thật. Mọi chốn, mọi nơi, khắp nước Trung Hoa, Kỳ Hưu khắc đá, chạm đồng, nạm vàng, chuốt ngọc bán như bánh bao, người người mua về không để ăn mà để cầu xin tốt đẹp. Tôi cũng thỉnh về một cặp Kỳ Hưu, người bán bảo là ngọc, ở Đại Tiền Môn. Nhớ lại chuyện này làm gì nhỉ? Hình như trong thổn thức tôi tiếng ru thoi Vạn Phúc, tiếng lửa gốm Bát Tràng. Hình ảnh sau cuối tôi lang thang nhìn là cây cầu Long Biên.

Sông Hồng thướt tha như tóc người con gái

Cầu Long Biên đẹp tựa chiếc nơ cài.
Viết là viết vậy,nhưng trong Kinh Thành Cổ tích,cầu là Cầu Gió đấy.

Gió vẫn gió nhưng gió ngày đó

Hình như giữa Hạ
Sợ mồ hôi mặn cỏ
Gió đứng một chân
Gió vẽ
Khúc sông xưa gió vẽ cây cầu.

Cây cầu ấy hình như bây giờ đang trôi vào quá khứ, trôi vào kỷ niệm, bởi đã có cầu Thăng Long, Chương Dương làm thay công việc của cầu Long Biên. Và sớm thôi, nhiều cây cầu khác sắp vắt qua sông Hồng…
Tôi muốn mời cô gái phục vụ cà phê quán vỉa hè đường Trần Huy Liệu lại ngồi trò truyện. Nhưng thấy mắt cô nhìn lạ lẫm, lại thôi. Rét Bân ơi, Bây giờ thì tôi đã hiểu, các thi nhân không phải không ngợi ca, mà ngợi ca bằng cách thương cảm, không buông lời phê phán. Sao vậy? Nàng xin Trời ban rét tháng Ba cho chồng mặc áo nàng đan, nhưng còn biết bao người chết rét vì không có áo. Rét Tháng Ba Bà Già Chết Cóng. Ai bảo rét Tháng Ba quay lại nàng Bân không có lỗi? Rét Bân hình như giận giữ, lùa gió lạnh đắng ngực tôi và buông lời: Vớ Vẩn...
Quá khứ là quá khứ, có đẹp, có xấu, có lành, có dữ,có Tấm, có Cám, có Lý Thông, Thạch Sanh. Quá khứ là kỷ niệm, là nỗi nhớ, không chữa đựơc, không thay được và tất nhiên không thể sống mãi cùng quá khứ. Hiện tại, đó là điều quan trọng nhất. Hiện tại hôm nay sẽ là quá khứ ngày mai. Cô gái mốt hôm nay, kinh thành mở rộng hôm nay sẽ là tiên nữ trong kinh thành cổ tích ngày mai. Giật mình. Tôi đang chép vội cổ tích chạy đua với thời gian…

(Còn tiếp)
Nguyễn Nguyên Bảy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét