Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Chân Dung LÝ PHƯƠNG LIÊN Trích Ngang / Bài viết Phạm Đình Ân

KHỞI ĐĂNG VĂN BẠN VĂN 1
TOÀN TẬP
Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.2013

Chân Dung
LÝ PHƯƠNG LIÊN, trích ngang


Viết bởi: Hoàng Trung Thông/ Phạm Đình Ân/ Trần Vân Hạc/ Hoàng Xuân Họa/ Nguyễn Văn Hòa/ Nguyễn Anh Tuấn/ Triệu Xuân/

VÀI HỒI ỨC VỀ
HIỆN TƯỢNG THƠ LÝ PHƯƠNG LIÊN
Phạm Đình Ân

Từ lâu tôi đã muốn viết về hiện tượng thơ Lý Phương Liên, nhưng khi phải cầm bút thực hiện bài này một cách khẩn trương cho kịp việc tái bản tập thơ "Ca bình minh" (in lần đầu năm 2011) thì lại bị vướng vào một hoàn cảnh sức khỏe không thuận lợi. Và điều đó cũng không cho phép tôi lục lọi trên ngăn tủ cao bề bộn tài liệu để tìm ra bản chép tay của chính tác giả và bản thảo chưa in có nhan đề "Lời ru của mẹ" do nhà thơ Huyền Kiêu để lại hơn bốn mươi năm trước. Tôi cũng chưa kịp đến thư viện đọc lại báo Nhân Dân những tháng đầu năm 1970. Tôi cũng chưa có dịp hỏi chuyện tác giả...
Vì những lý do đó, bài viết chắc chắn còn sơ sài và có thể đôi chỗ thiếu chính xác. Rất mong được nhà thơ Lý Phương Liên và bạn đọc góp ý; tôi sẽ đính chính và bổ sung ở một bài viết khác vào dịp gần nhất.
1. Cuối năm1969, vừa ra trường, tôi về báo Nhân Dân nhận việc. Chỉ sau đó mấy tháng, bước sang năm 1970, thơ Lý Phương Liên gây xôn xao dư luận trong giới văn chương và khá đông đảo người đọc. Hình như tất cả bắt đầu từ sự kiện báo Nhân Dân đăng thơ Lý Phương Liên - một nữ tác giả là công nhân, tuổi lứa hai mươi, với nhiều bài và chiếm diện tích rộng trên trang báo. Sự kiện như thế rất ít khi xảy ra trên tờ báo lớn này. Hồi ấy, đăng được trên báo Nhân Dân một bài thơ trữ tình ngắn thôi là điều khiến không ít tác giả ao ước. Tôi, dù trước đó chưa lâu, năm 1968, khi còn học năm thứ ba đại học lần đầu tiên đã được in thơ trên báo Văn nghệ (cùng trang với bạn cùng lớp là Hồ Thành Công- nhà thơ Thanh Thảo hiện nay) thế mà vẫn thấy gần như sửng sốt ngỡ ngàng trước hiện tượng thơ Lý Phương Liên, đôi khi chợt nhận thấy thơ mình còn sơ sài non nớt lắm. Những bài thơ Ca bình minh, Lời ru trong đêm, Lời ru với anh, Chờ anh dưới cột đồng hồ, Từ lời ru của mẹ và nhất là Trò chuyện với Thúy Kiều.. Lý Phương Liên đã khiến tôi say mê đến ngẩn ngơ và thường hay đọc thầm, cảm thấy lòng mình êm dịu, lại có phần xót xa, day dứt rồi ao ước một điều gì đó sáng trong, vừa cụ thể vừa mơ hồ...
Tôi còn nhớ trong cơ quan, mọi người thông báo cho nhau là chính Tổng Biên tập, nhà báo tài danh Hoàng Tùng, khi ấy là Ủy viên dự khuyết Trng ương, đã trực tiếp cho giới thiệu và đăng thơ của Lý Phương Liên. Khi đó, tôi không làm việc ở ban Văn nghệ cho nên không tường tận đường đi nước bước của thơ Lý Phương Liên đến với báo như thế nào, nhưng cũng tò mò tìm hiểu thì được biết thơ Liên không phải do ban Văn nghệ đưa lên. Báo Nhân Dân, dưới sự chỉ đạo của Tổng bên tập Hoàng Tùng khi đó, trước đó và cả sau này rất quan tâm đến người tài, trong đó có giới văn nghệ. Ngay sau đó, Lý Phương Liên được bố trí về làm việc ở ban Văn nghệ của báo Nhân Dân, với tư cách nhân viên giúp việc về chuyên môn. Rồi cũng không lâu, chị được chuyển sang nhà in báo Nhân Dân ( Trụ sở đặt tại phố Tràng Tiền, nay đã chuyển đi từ lâu).

Do Lý Phương Liên đến và đi quá nhanh, rồi mấy năm sau, gia đình chị lại chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh định cư, thành thử tôi chưa một lần được gặp. Mãi đến mới đây, vợ chồng chị ra Hà Nội gặp bạn bè, hẹn nhau tại CLB Thanh Niên hồ Thuyền Quang, tôi mới được gặp chị. Còn anh Nguyễn Nguyên Bảy- chàng trai tài hoa lãng tử, thơ hay, những năm 1970-1971 đáng nhớ ấy, đâu như anh làm bên đài Phát thanh tiếng nói VN, tôi có được tiếp cận nhưng cũng chỉ thoáng qua. Buổi ấy, bạn bè đông, tôi không thể tâm sự riêng rằng tôi còn giữ được những tư liệu mà theo tôi là khá quý giá về thơ chị...

Năm 1970, thơ Lý Phương Liên thoắt trở nên một hiện tượng: hiện tượng thơ Lý Phương Liên với chùm bài thơ hay viết về gia đình, thân phận con người, tình yêu. Ngay sau đó là hiện tượng kép khi bài thơ Trò chuyện với Thúy Kiều gây nên dư luận trái chiều sâu sắc. Về mặt công khai thì ý kiến ngại ngần, khó cảm thông về bài thơ đó nhiều hơn. Rằng tác giả mượn xưa nói nay, nhìn cuộc sống đen tối. Rằng giữa lúc toàn dân đang kề vai sát cánh nỗ lực lao động, nâng cao tinh thần chiến đấu, tất cả cho tiền tuyến, thì sự có mặt của bài thơ là bất ổn...Tuy nhiên, trong đáy lòng nhiều người viết và nhiều người đọc, hoặc khi nhỏ to đây đó, thì bài thơ vẫn được coi không những là đúng mà còn là hay, rất hay nữa.
Lý Phương Liên dừng hẳn sáng tác, dừng hẳn công bố thơ ngay từ sau những năm ấy, có thể do hoặc là cảm hứng sáng tạo quá sôi trào đã phải tạm dừng lại đúng vào lúc xảy ra sự kiện bài thơ Trò chuyện với Thúy Kiều khiến tác giả bị hụt hẫng nặng, hoặc gia cảnh rất khó khăn, con đầu vừa sinh, khi chuyển nơi cư trú thì lại bận bịu tổ chức cuộc sống trong một hoàn cảnh mới lạ, v.v.

2. Có thể ai đó phát hiện ra thơ Lý Phương Liên rồi giới thiệu cho báo Nhân Dân, và như vậy báo Nhân Dân là nơi công bố gần như đầu tiên. Hoặc thơ chị đã được đăng ở đâu rồi, nhưng chắc chắn chưa lâu bởi vì sự xuất hiện của thơ Lý Phương Liên được xem là rất đột ngột.
Trong thời gian ấy, nhà thơ Huyền Kiêu công tác ở Hội Văn nghệ Hà Nội đã soạn và chuẩn bị đưa in tập thơ của Lý Phương Liên. Phải chăng chính ông đã giới thiệu tác giả này cho báo Nhân Dân? Tập bản thảo hơi dày, được đánh máy trên giấy pơ luya khổ rộng, ngoài bìa ghi tên tác giả, nhan đề tập thơ: "Lời ru của mẹ", phía cuối trang bìa ghi: "Hội Văn nghệ Hà Nội xuất bản", chữ viết tay chắc là của nhà thơ Huyền Kiêu. Tuy nhiên, do sự cố về bài thơ đã nêu, bản thảo tập thơ chìm vào quên lãng.
Tôi không còn nhớ một phiên bản đánh máy tại sao tôi lại có được.
Vài ba năm sau, khi mọi sự đã trở lại cân bằng, thơ Lý Phương Liên lại xuất hiện bằng lối đi vào sách. Đầu tiên là tập thơ Ca bình minh nhiều tác giả, NXB Văn học, tháng 10-1973, in lần thứ nhất 5200 cuốn, khổ 12x18,8. Ngoài Lý Phương Liên, còn có 10 tác giả khác. Phần thơ của Lý Phương Liên có 5 bài: 1.Tâm sự của bác thợ in 2. Ca bình minh 3. Về người cha đã khuất 4. Ý nghĩ bình minh 5. Lời ru trong đêm. Tại tập thơ xuất bản năm 2011, bài thứ nhất và thứ tư đã bị loại. Sau đó là tập "Thơ Việt Anh- Mỹ Hạnh- Lý Phương Liên- Hồng Ngát", Hội Văn nghệ Hà Nội xuất bản, tháng 5-1975, in 1500 cuốn. Biên tập sách là nhà thơ Hoài Anh Có thể xem đây là một tập thơ ghép ( Tập thơ trong tập thơ) vì mỗi tác giả đều có só số lượng bài nhiều, và đều đặt tên riêng cho phần thơ của mình. Phần thơ ( tập thơ) của Lý Phương Liên mang tên Hát về nhà máy, gồm 17 bài. So tập Ca bình minh xuất bản năm 2011 với tập này, bài Trả lời một bạn gái lớn tuổi được đổi thành Em vẫn sống như hồi còn có mẹ, và các bài Bài thơ gửi anh, Mấy phút gặp em bé dũng sĩ, Hát về nhà máy của chúng ta, Thợ nguội bị loại ra.
Như vậy, nếu những năm qua Lý Phương Liên không cho đăng Trò chuyện với Thúy Kiều thì kể từ năm 1970, bài thơ này mới xuất hiện trở lại trong tập thơ mới nhất của tác giả.

Ca bình minh (2011) trùng nhan đề với tập in chung (1973). Thế là Lý Phương Liên đã có tập thơ đầu tiên được in riêng, in đẹp, có sự góp sức, góp tình yêu thương và tài năng của cô con gái yêu Nguyễn Lý Phương Ngọc- thể hiện ở phần mỹ thuật và tranh phụ bản. Tập thơ nằng nặng tay không chỉ do giấy và bìa tốt mà chính là chất lượng tài hoa suy ngẫm sáng tạo thi ca- nghệ thuật của hai mẹ con; phía sau là niềm tin cậy, chở che, giúp đỡ hết lòng của người chồng, người cha- nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy.
Rất tiếc là tôi chưa lục tìm được tập bản thảo Lời ru trong đêm để so sánh xem những bài nào được xử dụng hoặc không ở cả ba lần xuất bản. Chỉ thấy rất vui là cả bốn mươi sáu bài in lần này đầu cuốn hút tôi, làm thức dậy trong tôi một thời tươi đẹp. Rất vui nữa là được gặp lại đôi vợ chồng nhà thơ mà tôi từng ngưỡng mộ và quý trọng. Lần xuất bản này, Lý Phương Liên gửi đến người đọc 27 bài thơ tình. Bạn đọc đã nhận ra một gương mặt thơ tình Lý Phương Liên. Thơ tình của chị không da diết, nóng bỏng, giận hờn, nghi hoặc, thất vọng, mà hồn nhiên, dịu dàng, tha thiết, tin cậy, ao ước, độ lượng... Đến với người yêu, Lý Phương Liên rũ bỏ hết buồn đau, bươn chải, để rồi như lại hoàn nguyên tâm hồn thiếu nữ. Nhịp thơ tình Lý Phương Liên nhiều khi như nhịp hát thầm. Thêm nữa, thơ tình của Lý Phương Liên cho thấy rõ nét hình ảnh con người thể chất của người con trai mình yêu (chứ không chỉ tinh thần,tâm hồn), trong khi nhiều cây bút nữ ít để ý đến điều này.Chị thương anh:
Mồ hôi trễ tròng kính cận
Anh xốc vác như một người khỏe mạnh
Ngực lép gầy tiếng hát vẫn bay cao

(Vàng yêu)
Và thương anh hơn nữa:
Anh ấy cao cao
....
Vẻ thông minh thu vào đôi mắt
Nốt ruồi cửa miệng làm duyên
Anh đến với con choáng ngợp phút đầu tiên
Là đôi mắt say và nụ cười như mới

(Xin phép mẹ đi lấy chồng)
Về ngôn ngữ thơ, hẳn không ai không dừng lại chú ý đến những câu, cụm câu xúc động và tinh tế như thế này:
- Đường ra biển có thể dài năm tháng
Mất mát nhiều hơn gian khổ cũng nhiều hơn
Nhưng một điều chắc chắn phi thường
Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp...
- Giữa biển lớn thuyền chúng ta lướt bến
Sáng toàn thân ánh sáng của con người

(Trò chuyện với Thúy Kiều)
- Khóc lóc bao nhiêu cũng chỉ là nước mắt
 

( Trò chuyện với sông Hồng)
- Ạ ơi những lời ru cũ
Cánh cò chít trắng tang mây
- Em đơn chiếc một cánh cò
Mà trời bao la quá

(Để thương để nhớ)
Cách nay hơn bốn mươi năm, thơ Lý Phương Liên đã mới, đã lạ. Đến hôm nay, vẫn những bài thơ ấy mà vẫn không cũ. Không hề cũ về ý nghĩa nhân văn, về xúc cảm nghệ thuật và nghề thơ.


Hà Nội, 20-10-2012

Phạm Đình Ân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét