Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Nỗi đau Đỗ Phủ


Nỗi đau Đỗ Phủ

HỒNG DIỆU

Nhà thơ Khương Hữu Dụng viết trong bài thơ Gửi Đỗ Phủ: "Tôi theo cụ mỏi chân/ Không đi hết những câu thơ/ Dòng dòng như nước mắt". Nhà thơ Phùng Quán thì viết trong bài Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe: "Đỗ Phủ tự Tử Mỹ/ ...Cách ta hơn ngàn năm/ Thơ viết chừng vạn trang/ Người đời sau thu nhặt/ Còn được hơn ngàn bài/ Chỉ hơn ngàn bài thôi/ Nỗi đau đà Thái Sơn/ Nếu còn đủ vạn trang/ Trái đất này e chật!".

Không hẹn mà nên, hai nhà thơ Việt Nam đã cùng nói đến một đặc điểm rõ nhất, lớn nhất, quan trọng nhất được thể hiện một cách sâu sắc nhất trong thơ Đỗ Phủ. Đó là nỗi đau - nỗi đau của bản thân nhà thơ, nỗi đau của nhân dân lao động, nỗi đau của cả xã hội, cả đất nước Trung Hoa một thời.

Không kể những năm tháng thanh niên của Đỗ Phủ là thời mà nhà Đường đang trong hồi thịnh trị, thời mà Đỗ Phủ còn có thể đi du ngoạn nhiều nơi, thời mà Đỗ Phủ bắt đầu thể hiện tài năng xuất chúng của mình bằng những bài thơ như Vọng nhạc, Họa ưng hay Phòng binh Tào Hồ mã; hồi 30 tuổi, đến Trường An, Đỗ Phủ bắt đầu nhận ra bản chất của xã hội phong kiến, mà triều đình nhà Đường lúc này thực chất đã suy yếu nhưng đang được khóac một chiếc áo phồn vinh giả tạo. Và ở ngay đất kinh đô ấy, được làm một chức quan nhỏ, Đỗ Phủ phải sống trong cảnh đói khổ, cũng như đại đa số nhân dân cả nước phải sống trong cảnh đói khổ. Từ đấy, nhà thơ đã viết nhiều bài thơ mà theo tôi, phải dùng từ "kiệt tác" mới nói đúng giá trị của chúng; không biết các nhà nghiên cứu Đỗ Phủ đến từ Trung Quốc có đồng quan điểm với chúng tôi hay không.
Kiệt tác thứ nhất của Đỗ Phủ là bài Binh xa hành. Đó có thể coi là tiếng thét đầu tiên của nhà thơ và cũng là của dân chúng, hay nói một cách khác: nỗi đau riêng của nhà thơ đã gắn với nỗi đau chung của nhân dân, trước cảnh quan quân triều đình vừa thất bại trong trận đánh Nam Chiếu, đang ráo riết bắt lính để tiếp tục đánh nhau, và nhà thơ Đỗ Phủ - tất nhiên - nói lên một cách sinh động hơn nhiều so với những gì sử sách ghi lại.
Mà không chỉ có Binh xa hành, còn rất nhiều bài thơ khác, hay nói cho đúng: phần lớn thơ trong đời thơ Đỗ Phủ là viết về chiến tranh. Thời ông, các cuộc loạn lạc, chém giết xảy ra liên miên, năm này qua năm khác; từ cuộc xâm lăng của Thổ Phồng, Hồi Ngột cho đến cuộc nổi dậy của thủ lĩnh các địa phương, đặc biệt là loạn An - Sử đem lại bao nhiêu tai họa. Hai kiệt tác của Đỗ Phủ viết về loạn An - Sử đã đưa nghệ thuật thơ ca hiện thực bấyu giờ lên đỉnh điểm, đó là Tam biệt và Tam lại (Tam biệt có Tân hôn biệt, Thùy lão biệt và Vô gia biệt. Tam lại có Tân An lại, Đồng Quan lại và Thạch Hào lại). Những câu có điển hình, khái quát, có khả năng bám vào trí nhớ người đọc không rời như:

Thây chết làm hôi tanh cả cỏ cây

Máu chảy nhuộm đỏ cả sông ngòi, đồng ruộng

có thể gặp ở bất cứ bài nào trong hay kiệt tác này.

Ngày nay, cho đến lúc này đây, trên thế gian vẫn còn có những người mơ hồ bởi một thứ chủ nghĩa nhân đạo chung chung, cho cuộc chiến tranh nào cũng đáng lên án cả, mà không nhớ rằng từ hơn 1.300 năm trước, lão Đỗ đã rất rạch ròi, phân minh giữa chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa. Ông đau khổ, ông căm ghét, ông phản đối những cảnh chém giét chắc là không kém bất cứ một nhà thơ nào, nhưng ông vẫn tỉnh táo nhìn ra mặt khác của vấn đề. Bài Tận hôn biệt, Đỗ Phủ mượn lời người con gái mới cưới nói với người chồng phải lên đường đánh giặc, mà cụ Ngô Tất Tố nhà ta đã dịch một cách hồn nhiên, cổ kính và hay:

Chàng nay tới chốn hãi hùng

Nghĩ thôi em những quặn lòng đau thương

Cũng toan quyết chí theo chàng

Chút e tình thế vội vàng chưa yên

Thôi, chàng gác mối tình duyên

Việc binh đã gánh thì nên chuyên cần!

Đàn bà ở đám ba quân

Sợ rằng gươm giáo kém phần xông pha

Rõ ràng Đỗ Phủ đã ủng hộ chiến tranh chính nghĩa, đã cổ vũ, động viên, khích lệ những người tham gia các cuộc chiến tranh ấy. Và tất nhiên, Đỗ Phủ sung sướng tột độ khi những người ấy đánh thắng giặc. Bài Văn quan quân thu Hà Nam Hà Bắc cho thấy điều đó. Phải đọc bằng tiếng Hán mới thấy hết sự sảng khóai của nhà thơ:

Kiếm Ngoại hốt truyền thu Kế Bắc

Sơ văn thế lệ mãn y thường

Khước khan thê tử sầu hà tại

Mạn quyển thi thư hỉ dục cuồng

Bạch nhật phóng ca tu túng tửu


Dịch xuôi:

Ở Kiếm Ngọai chợt biết tin thu phục được Kế Bắc

Mới nghe, nước mắt đã chảy đẫm áo

Lại được thấy vợ con, không buồn đau nữa

Sách vở còn nguyên vẹn, mừng đến phát điên lên

Suốt ngày hát nghêu ngao và uống rượu

Một kiệt tác khác đánh dấu một cái mốc quan trọng trong đời thơ Đỗ Phủ là bài thơ dài Tự kinh phó PhụngTiên huyện vịnh hòai ngũ bách tự. Bài thơ vừa tổng kết mười năm sống đói khổ ở Trường An, vừa cho thấy ông nhận ra rõ hơn những vấn đề bức bối nhất của xã hội. Hai câu thơ, rất hay được người đời nhắc tới, là ở bài thơ này:

Trong cửa sibm sặc mùi rượu thịt

Ở ngòai đường, trơ nắm xương người chết rét

Người đời đã nói về nhiều bài học có từ đời thơ Đỗ Phủ, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Đi sâu vào tâm tư, tình cảm của quần chúng nhân dân, nói lên niềm vui và nhất là nỗi khổ của họ là một cái đích mà thơ phải hướng tới. Người đời cũng đã nói về nhiều điều vĩ đại của Đỗ Phủ. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm một điều: Ảnh hưởng của Đỗ Phủ là vô cùng rộng lớn, không chỉ ở Trung Hoa mà còn vượt ra ngòai biên giới.

Ở ta, nhà thơ Trần Đăng Khoa có lần viết về ông anh - nhà thơ Trần Nhuận Minh - của mình trong câu thơ: "Người bảo bác họ Đỗ", có nghĩa Trần Đăng Khoa thấy bạn đọc, bạn thơ và các nhà phê bình xác nhận: Trần Nhuận Minh đã học theo bút pháp của nhà thơ họ Đỗ. Mà đâu chỉ có một mình Trần Nhuận Minh!

Nhìn từ một phương diện khác, có thể nói: chừng nào trên trái đất này còn đói rét và bệnh tật, còn hạn hán và bão lụt, còn tham quan và ô lại, còn chiến tranh và loạn lạc,... chừng ấy thơ Đỗ Phủ còn nóng hổi - Không, không phải nóng hổi mà nóng bỏng - tính thời sự.

Người viết những dòng này có sống ở đất nước nhà thơ Đỗ Phủ trong một thời gian dài, và may mắn được đặt chân đến nhiều nơi Đỗ Phủ đã từng ở. Tôi nghiệm ra rằng: có đi hết đất nước quá rộng lớn, quá bao la của ông - bằng các phương tiện hiện đại ngày nay - mới hiểu đủ nỗi khổ mà 13 thể kỉ trước, nhà thơ của chúng ta phải lang thang bộ hành từ đông sang tây, từ nam lên bắc, trong cảnh đói rét.

Đến Tây An ở Thiểm Tây, có kinh đô Trường An nổi tiếng, tôi cứ muốn tìm sông Khúc Giang để đến chỗ mà Đỗ Phủ đã viết trong câu thơ đầy nước mắt:

Thiếu Lăng dã lão thôn thanh khốc

Xuân nhật tiềm hành Khúc Giang khúc

tức:

Ông già nhà quê Thiếu Lăng (Đỗ Phủ) nghẹn ngào khóc

Ngày xuân lén đi trên một khuỷu sông Khúc

Đến Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, tôi mơ màng hình dung mấy gian lều cỏ mà bạn hữu đã giúp Đỗ Phủ dựng cạnh một cây sếu bên sông, để nhà thơ trồng khoai, trồng rau, nuôi gà, nuôi vịt...

Đứng bên bờ sông Tương, nhìn dòng nước trong và xanh như chưa có ở đâu trong và xanh đến thế, tôi cứ muốn hỏi ông lão trên đường: chỗ nào là chỗ chếic đò của Đỗ Phủ dừng và ông đã trút hơi thở cuối cùng trong lúc vừa đói, vừa rét, vừa bị bệnh phổi và bệnh phong thấp hành hạ - khi nhà thơ chưa đầy 60 tuổi...

Nghĩ về Đỗ Phủ, tôi thường nhớ tới những cảnh như vậy, và không quên nhà thơ Nguyên Chẩn (779-831) sinh sau Đỗ Phủ 67 năm, mất sau Đỗ Phủ 61 năm. Nguyên Chẩn tập trung những tinh hoa của một loạt thi nhân trứ danh để đánh giá Đỗ Phủ, có chút cực đoan nhưng đúng. Dù các nhà nghiên cứu đã trích dẫn những lời này của Nguyên Chẩn nhiều lần, tôi vẫn muốn nhắc lại một lần nữa để kết thúc những dòng này mà tôi nghĩa là chưa nói đưộc bao nhiêu về nhà đại thi hào của chúng ta. Nguyên Chẩn khẳng định: "Đỗ Tử Mỹ trên thì làm mờ cả Phong Tao, dưới thì kiêm cả Thẩm - Tống; lời thơ vượt cả Tô - Lý; khí thơ nuốt cả Tào - Lưu; che khuất đỉnh cao Nhan - Tạ, nhuộm được cái dòng thắm Từ - Dữu; có được tất cả thể thế của cổ kim, và hết thảy cái đặc sắc của từng thi sĩ. Người làm thơ xưa nay chưa có ai được như Đỗ Tử Mỹ".*


H.D


*Phong Tao: Kinh Thi; Thẩm - Tống: Thẩm Thuyê Kỳ, Tống Chi Vấn; Tô - Lý: Tô Vũ, Lý Lăng; Tào - Lưu: Tào Thực, Lưu Côn; Nhan - Tạ: Nhan Diên Chi, Tạ Linh Vận; Từ - Dữu: Từ Lăng, Dữu Tín.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét