Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

VÌ VUI QUÁ ĐỘ NÊN THÀNH RA ĐIÊN



VÌ VUI QUÁ ĐỘ NÊN THÀNH RA ĐIÊN
Lê Minh Quốc


Trong tập tiểu luận Ngày tháng ngao du (Nxb An Tiêm 1971), Bùi Giáng viết: “Nó điên? Nhưng điên một cách vui vẻ. Bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát của con. Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên, thì trước hết phải đặt câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy”. Ông không điên, ông chỉ là một tâm trạng bi đát của một người bị hồn thơ bủa vây một cách khốc liệt. Trong lời tựa Tư tưởng hiện đại của mình, Bùi Giáng viết: “Sử dụng chi ngôn ngụ ngôn trùng ngôn phản ngữ hầu mong đạt tới cõi vô ngôn trong lời”, hoặc ông tự thú một cách rất tỉnh táo: “Tôi làm thơ chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm giông bão một lúc một thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu, chuồn chuồn mang trên hai đôi cánh mỏng bay bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu”. Có thể xem đây là một quan niệm về sáng tác rất độc đáo của Bùi Giáng? Thiết tưởng, trong vài ngàn trang tiểu luận về thơ và thơ của Bùi Giáng, chúng ta choáng ngợp trước những tiếng nói tỉnh táo dị thường: “Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy đuổi theo mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào để thể hội rằng lục bát Việt Nam là một cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba sông bảy hồ” . Chính vì ý thức được như vậy, bằng tài năng tót vời của mình, Bùi Giáng đã trở thành một hiện tượng ngôn ngữ trong nguồn thơ lục bát. Ít có ai sử dụng từ ngữ, vần, nhịp nhuần nhuyễn, hiện đại, dân dã mà đầy tính triết học như thế trong thể thơ lục bát như Bùi Giáng. Ông không điên. Ông chỉ là một tâm trạng tuyệt vọng nhằm nỗ lực giải quyết những vấn đề tư tưởng đặt ra trong thời đại ông: “Hãy mang tôi tới bất ngờ/ Giết tôi ngẫu nhĩ trong giờ ngẫu nhiên”. Không ai hiểu Bùi Giáng hơn Bùi Giáng, ông đã từng hoảng hốt kêu lên: “Chán chường thi ca mà vẫn cứ làm thơ hoài là đạo vậy”. Trong “đạo thơ” thì ông là một người đã “đốn ngộ”. Mọi sự lý giải đều không đứng vững trước hai câu lục bát bất tuyệt của ông: “Ông vua kỳ vĩ thập thành/ Vì vui quá độ nên thành ra điên ” .
Đơn giản vậy thôi. Vậy mà từ tập thơ đầu tay Mưa nguồn (1962) đến nay, chưa ai có thể hiểu trọn vẹn về hiện tượng Bùi Giáng trong thi ca Việt Nam hiện đại. Tôi chỉ biết chắc chắn rằng, chưa một nhà thơ Việt Nam nào tự đặt và được thiên hạ đặt cho nhiều tên trào lộng như Bùi Giáng. Có lúc ông tự nhận là: Trung Niên Thi Sĩ, Brigitte Giáng, Brigitte Giáng Bardot, Giáng Monroe, Đười Ươi Thi Sĩ, hoặc Bùi Bê Bối, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Giúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê... Và tôi đã nghe thiên hạ gọi ông là Bùi Hiền Sĩ, Bùi Tiên Sinh, Bùi Chân Không, Bang Chủ Cái Bang, Quái Vật Linh Thiêng, Bùi Giáng Chủ, Bùi Số Dách... Điều đó cho thấy ngay bản thân ông, sự tồn tại của ông cũng là một hiện tượng cà rỡn không kém. Và khi ông điên cũng là một sự cà rỡn mà chính ông là người duy nhất đã thấu thị.

Tâm sự ông vua điên
Kiến thức ngày nay số 95, 1/1/1992.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét