Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Nhà văn Bùi Bình Thi Tạp cảm về "Đứt dải yếm"



"Đứt dải yếm", thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà


Bùi Bình Thi

Tôi cầm trong tay tập thơ có cái tên là lạ mà lại thật là quen:“Đứt dải yếm.” Tôi bỗng nhớ một câu ca dao đã đọc từ hồi còn trẻ ranh, nhưng mãi đến tận bây giờ mỗi khi đọc thầm lại, vẫn còn thấy sướng; “ Nõn nường là nõn nường ơi! Chắp tay con lạy ông giời thương con.” Thật tuyệt vời, chả là khi cô gái đứt dải yếm, vạt yếm phất phơ trước gió, còn anh ta nhìn trộm được đôi nõn nường của nàng. ( Hoặc cô gái ấy muốn kín đáo khoe, biết đâu mà lường được lòng dạ con gái ?! ) Anh ta cảm thấy như có lỗi, và tiếng thương ở đây là xin ông giời tha thứ. Nhưng cũng biết đâu được vì quá mê đôi nõn nường tuyệt vời của em mà chàng trai cầu giời thương cho hai đứa được chắp mối tơ duyên. Tôi nghiêng qua ý sau,  nhân đây tôi cũng xin nói luôn rằng, tôi rất ghét chiếc coóc sê bây giờ, bởi nó là công cụ che đậy, đã thế lại còn bọc cho cái giả dối tồn tại…?! Tôi nhớ tại Châu Âu, một hãng coóc sê đã quảng cáo như thế này: “ Tôi Coócsê nâng đỡ những kẻ yếu, đàn áp cho vào khuôn phép những kẻ mạnh, đưa về những kẻ lạc đường.” (Ý nói bà nào cô nào có loại vú mướp đấy.) Cái yếm của các cô gái ta xưa hơn gấp tỉ lần, ấy là cái thật tha hồ mà thách thức, rất đáng thách thức, vì nó đầy đầy vì nó căng tròn, vì nó mòng mọng, vì nó mơn mởn đôi đầu nõn nường đỏ chon chót. Giời đât, ấy vậy mà chỉ cần che qua cho gọi là, chỉ một vạt vải hoặc lụa, thì có chết người ta không cơ chứ! Giời ơi là giời!
 Đứt dải yếm mà đem đặt tên cho một tập thơ thì Nguyễn Thị Ngọc Hà “ thật to gan.” Khi đọc xong ngẫm ngợi khá lâu, tôi thấy Ngọc Hà  “ to gan’’ cũng đáng lắm, vì cả tập thơ  36 bài mà có những 22 bài hay và rất hay. Ngay trang đầu  đã gặp một bài thơ rất hay. “ Miền ấu thơ” xuyên suốt bài thơ này câu chữ thật hồn nhiên, cái hồn nhiên rất thiếu nữ.
 “Thôi đừng gọi chị bằng em/ để lời mưa gió ướt đêm hội làng / Thôi đừng “lối dọc tinh ngang”/ để cho hờn dỗi đa mang dỗi hờn / chị ôm đầy ắp trăng tròn / chờ đến mỏi mòn em có lớn đâu / ngày chị buộc phải làm dâu / mắt em…một thoáng…chị đau cả đời / ngược xuôi trên cánh đồng Người / cái thuở chín mười ấm ngọt khó quên / trước xưa thầm sáng ánh đèn / rưng rưng chị gục xuống miền ấu thơ / cầm bằng… / ngõ vắng ngập mưa/ đường trơn /  em có dám đưa chị về / rũ đi muôn nỗi bộn bề / lại trinh nguyên bước trẻ quê độ nào.”Cái hay của bài thơ này, là nó thấm đẫm cái chất chân quê. Chân quê. Vâng! Mãi mãi còn một nền văn hoá chân quê. Đấy là nền văn hoá làm nên một tộc Việt, để không hề lẫn với bất cứ tộc nào, nền văn hoá đó đáng chiêm bái, ngưỡng mộ và gìn giữ đời đời. Cô gái phải đi làm dâu thôi, ( đang thì mà, ) còn tình yêu ư, cái thuở yêu ư, cái thuở họ xoắn xuýt lấy nhau ư, làm sao mà quên được. Thế mà được tác giả tả bằng hai câu thật giản dị, vì giản dị nên rất gợi cảm. “ Ngược xuôi trên cánh đồng Người / cái thuở chín mười ấm ngọt khó quên.” Ngúng nguẩy đấy, hờn dỗi đấy mà vẫn đắm say lắm. Quả thật thơ là ngôn ngữ, không thể loại nào bắc bậc cho được.
 
Trong bài: Trong một giấc mơ:
  “ Trường Sơn mưa nẵng vẫn u hoài / hun hút bóng người…đi không trở lại / chỉ còn dấu chân hoá trầm mạch núi…” ( là trầm tích đấy) “… Hình như mỗi khi trái gió trở trời / cây rùng mình nghiêng chiều lá đổ / đá rùng mình lạnh vã mồ hôi…” và rồi tác giả đưa người đọc đến một khổ thơ đầy chất điệp khúc, vun vút lên tới tận đỉnh của hồn người:“ …Phải chăng đau nỗi đau Người / nên rừng chẳng bao giờ cạn gió / mặc tiếng vọng réo trong nỗi nhớ / váng vất đêm ngày / váng vất suối khe / để giọt nước mắt …rơi từ năm ấy / đến hôm nay vẫn cứ ướt về…/con đường rêu trơn / kỉ niệm trườn về trượt ngã / chợt thảng thốt giấc mơ trắng xoá.” “ Chợt thảng thốt giấc mơ trắng xoá.” đọc câu thơ này mà thấy điếng người, lòng quặn thắt. Phải rồi, cái gì dẫu có nặng lòng đến đâu rồi cũng có lúc quên thôi. Thật là một lời cảnh báo quý báu. 
   Một bài thơ hay, đương nhiên có những khổ thơ hay, như khổ này trong bài “Đợi” “chẳng hạn : “ Vốn mẹ cho dần vợi / như giếng cạn soi trời / buông dây gầu chạm đáy / múc lên toàn tiếng rơi.” Còn nước đâu mà múc, cái rất thực về cuộc đời đã được tác giả hoá thành thơ như thế đấy.
   “ Nước mắt đàn ông.” Bài này chẳng những có tứ hay mà các câu đều có giá lắm. “  từ ngày thành thiếu phụ / tôi đã dỗ nước mắt chảy chìm / để phấn hương thả nổi / dỗ tiếng khóc núp sau tiếng cười…/  để sống…” Thể hiện tính chịu đựng của người đàn bà mà lại rất thơ, tài quá! Và đây nữa:
   “ Chợt / có giọt nước mắt đàn ông rơi vào khu vườn tôi / ướt từng ngọn gió / hình như nó nặng hơn / mặn hơn /chát hơn mọi giọt nước mắt ở đời.” Trời đất! nói đến nước mắt của đàn ông ( nó nặng hơn, nó mặn hơn, nó chát hơn)  thì quả thật người đàn bà này đã hiểu đàn ông đến lạ kì. Bởi đối với đàn ông,  làm cho  “chúng nó” khóc được là khó đấy, chứ không bỡn đâu nhá. Và cũng chỉ có ba chữ “ nặng, mặn, chát” mà thấy cái tận của một nỗi yêu, yêu đến vậy cũng là tận rồi.
  Tôi là người tôn sùng thơ Vũ Hoàng Chương. Giời ơi! say được như thơ anh, trong cái say đến đảo điên, ấy vậy mà vẫn cảm được cái hôi hổi của sự cao sang, cao thượng và vị tha. Đây là một khổ thơ rất hay của Nguyễn Thị Ngọc Hà trong bài “ Phía ngoài cánh cửa” đọc lên khá thú vị, bởi đó là một tứ thơ say, nó gợi cho ta một thời quá vãng.  “ Mở cánh cửa / gặp lại ngày chưa xa lắm / tôi trong tôi lấm láp bước chân trần/ men đất trời buông thả / hoá tôi thành mùa xuân.” Trong mọi sự phóng đãng, thì phóng đãng của thơ đáng nâng niu biết nhường nào. “ men đất trời buông thả / hoá tôi thành mùa xuân. ” Vừa đọc đến đây lòng dạ bỗng mở bung ra, chả phóng đãng còn là gì nữa nào?  Cũng còn một tính cách nữa, chỉ có thơ mới hàm chứa được. Khi ấy nó làm cho người đọc bỗng cảm tình, yêu mến cuộc đời và say trong thú vị, cái thú vị đó là sự phát hiện ra bài Ví bằng : “ Ví bằng… gửi thiếu cho thừa / gửi ngày nắng hạn cho mưa ngập đồng / gửi bình yên cho bão giông / để từng ngang trái chẳng mong lối về / ví bằng…dìm tỉnh vào mê / để ta quên hết những gì khó quên /  ví bằng…đến gõ cửa thiền / mượn nâu sồng gói ưu phiền trả ai / để cho muôn tiếng thở dài / chỉ như cơn gió thoảng ngoài bóng mây.” Đọc xong cả bài thơ, làm cho ta nhớ đến sự tai quái của một khổ ca dao.” Hùm nằm cho lợn liếm lông/ một chục quả hồng nuốt lão tám mươi/ nắm xôi nuốt trẻ lên mười/ con gà be rượu nuốt người lao đao.”
 
    Ở đời, thiếu đi những câu ca dao như thế thì còn ý nghĩa gì nữa cơ chứ! Vì vậy bài thơ “ Ví bằng”  mỗi lần đọc lên lại thấy lòng dạ cứ sướng râm ran, và sau cảm xúc thăng hoa đó là tận cùng của sự vô vi. Ấy là, dẫu có đến một triệu con số  thì cũng vẫn chỉ bằng không.
   Con người ta ai cũng dễ rơi vào cô đơn. Có người thích cô đơn, và nhiều người sợ cô đơn, thì mặc họ. Thương thay, khi chính mình lại rơi vào cái nỗi quạnh hiu ấy. Bài thơ “ảo” đã nói về nỗi cô đơn của con người. Thơ nói về cô đơn thì khối. Nhưng nói về cô đơn mà nói được như thế này, xin có lời khen :“ Người gieo chi ảo cho nhau / đợi trầm hoá núi / chờ nhàu sương rơi / trông lên nắng đã nghiêng trời / quanh tôi chỉ một bóng tôi đổ về / cố vùng vẫy khỏi cơn mê / mới hay phương ấy có gì mà mong / chỉ là mây gió hư không / tôi còn lạc giữa mênh mông gọi Người.” Đã rơi vào cô đơn , bao giờ cũng thấy bốn bề là thinh không, hay tĩnh lặng. Đằng này đọc xong 8 câu thơ trên lại thấy người thiếu phụ này đã rơi vào cô đơn rồi, mà thân phận đa đoan vẫn còn đuổi theo bám nhằng nhẵng, tiếp tục dày vò thì có khốn khổ không cơ chứ.
  “ Sau bão” cũng là bài thơ tôi thich. Trong bài có câu rung động quá.” …Ôm vào mình cái thuở nắng mai / chạm con sông nghiêng chiều cò lả / chạm lời ru tận nơi có mẹ / vọng từ đâu mà ấm đến vô cùng.”
Trong tập thơ “Đứt dải yếm” N.T.Ngọc.Hà hay nói đến nỗi đa đoan, nỗi oan khuất, chia ly, cô đơn và cả nỗi mê đắm, nhưng lại vô thường của những thân phận đàn bà, họ buồn đau đấy mà không bi luỵ, vẫn luôn hướng về phía tươi sáng nhất. Phải thôi, chị ở trong họ mà, chị cất tiếng, cất giọng, dẫu tiếng thế nào, giọng gì, trầm hay bổng, đơn khúc hay đa khúc, hết thẩy đều thực. Một sự thực không thể cãi lại được với tác giả. Chính vì thế làm cho 36 bài, trong đó có 22 bài khá hay 14 bài còn lại, nếu đọc kĩ vẫn nhặt ra được những câu thơ đắc ý lắm.
    Trước khi nói về bài thơ có tên là “ Sóng luân hồi”  một bài thơ theo tôi là rất hay, hay đến mức hoàn toàn khuất phục người đọc. Cho tôi xin phép nói về một bài thơ khác có tên là”Một lời” tôi xin chép hết để bạn đọc cùng thưởng thức. “ Một lời…ném đục vào trong / đổ mưa ngập nắng thả đông buốt hè / Một lời…dìm tỉnh đến mê / ngày ôm bóng ảo đêm về ngất ngây / Một lời…nấm dại mọc đầy / mặc hồn trái ngọt khóc tay người trồng / Một lời… gieo gío giữa đồng / Trách trời thấy bão lại không bắt đền / Một lời, thật khó đặt tên .” Nào, đã thấy cái tai quái hết cỡ chưa? Và sau rốt là nỗi đa đoan, một sự gian truân,  một hờn giận, một vô cớ mà bị giăng mắc, bị sa vào lưới trời khôn thoát. Hết thảy mọi oan trái của thân phận đàn bà đâu phải từ nguồn cơn to tát ghê gớm gì cho cam. Thế nhưng, có thế mới là cuộc đời chứ ! Có thế người đời mới láy đi láy lại : “ Thân em như hạt mưa sa…”Giời ạ, thân phận đàn bà mà chỉ ví như hạt mưa sa. Bởi vậy bài “ Một lời” là bài tôi xếp vào những bài thơ hay trong tập đấy.
   Chẳng rõ tôi nghĩ có đúng không, rằng, cấu trúc cho được một tập thơ hết sức khó, khó vô cùng. Tôi thấy có nhiều người làm thơ, khi đọc cũng chỉ thấy từng bài ở mức đường được. Có lần, một nhà thơ hẳn hoi, cũng có danh trong một hội văn nghệ to to chứ không bỡn đâu, và anh ấy còn làm trong một cơ quan ngôn luận, cơ quan ấy cũng quyết định đến vô khối số phận những người cầm bút đấy. Có một lần anh ấy hỏi tôi: “ Bài thơ nào của tôi in trên báo ông đều đọc cả, có lần ông còn thuộc đôi ba câu. Vậy tôi có nên cho xuất bản một tập thơ không? tập dày đấy, ít nhât cũng hơn 400 trăm trang, nào ông nói đi ?” Tôi trả lời ngay, không cần cân nhắc: “ Thơ của ông nhiều thật, nhưng không thể vào một tập được ! ” Anh nhà thơ ấy nhảy dựng lên, hỏi lại rất gay gắt:“ Vì sao? Vì sao chứ. Cả mấy trăm bài của tôi gộp vào, có gì mà không được nhỉ ? ” Nghe anh nhà thơ ấy nói xong, đã đến lúc phải cho anh ấy một liều thuốc đắng, cho rã cái thói ngông. Tôi nói: “ Trong một tập thơ dẫu bao nhiêu bài cũng được, nhưng khi đọc cả tập nó phải như sóng biển đang cồn ấy. Con sóng, có hõm sóng, có ngọn sóng, nó nhấp nhô trùng trùng điệp điệp. Còn thơ của ông tất cả các bài cứ phẳng lặng như mặt hồ thì vào tập làm gì cho phí tiền, phí giấy.” Anh nhà thơ ấy im lặng, từ đó anh ta cũng cạch cái mặt tôi.
   Xin trở lại với tập Đứt dải yếm của N.T.Ngọc.Hà. Như trên đã nói, tôi đã đọc kĩ, rất kĩ 36 bài , chọn ra 22 bài thơ hay của tác giả. Riêng bài Sóng luân hồi tôi đọc không rõ mấy lần, lần nào đọc xong, hai mi mắt tôi cũng rơm rớm.( Tôi rất yêu mẹ, bà cũng rất yêu và thương tôi, mặc dầu dưới tôi còn bảy em nữa.) Đọc bài  Sóng luân hồi  tôi luôn tự hỏi làm thế nào mà chị lại có thể làm được một bài thơ hay đến thế nhỉ. Bài thơ nói về người mẹ đã khuất của chị. Toàn bài tách từng chữ thì bình thường, nhưng khi nó được gắn kết trong câu rồi, thì câu ấy lại đầy ắp thơ. Nỗi thương cảm về người mẹ thật sâu sắc. Tôi xin dẫn cả bài  thơ để làm phần kết cho bài tạp cảm này của tôi.
  “  Mẹ giờ khuất ở phương nào / Chỉ còn tiếng lá rụng vào thinh không / Con huơ tay đến tận cùng / Chạm đâu cũng mẹ mà không thấy Người / Hai vai vừa gánh khóc cười / đã rưng rưng nén nhang rơi tàn về / ước gì ở cõi xa kia / Chẳng còn cơ cực sớm khuya nhọc nhằn / Chẳng còn cái nợ hồng nhan/ Phấn hương thả nổi đa đoan buộc chìm / vớt lên từ đáy nỗi niềm / Mới hay cay đắng mẹ dìm thật sâu / Một mình / thầm một mình đau / Vẫn lo con dại bể dâu nẻo đời / Đôi bờ sóng cuộn luân hồi / Mẹ dành bên lở / bên bồi nhường con.
Đọc xong bài thơ này của N.T.Ngọc Hà, tôi càng yêu thêm tiếng Việt của ta. Thật kì diệu, tiếng Việt qua thơ chị giầu lên biết bao. Còn những bài thơ hay khác nữa trong tập Đứt dải yếm tôi chưa dẫn dụ hết  như: Đỉnh Côn Sơn, Hoa dại, Dĩ vãng, Cây và Người, Khúc trầm, Mưa ngâu, v… v.
   Đương nhiên sẽ có người nói rằng, làm thơ về mẹ bao giờ mà chẳng hay. Tôi xin cãi, không có chuyện ấy đâu. Đương nhiên ai chẳng có cảm xúc về người mẹ. Bởi tình yêu cha mẹ là trời bể mà. Nhưng khi đi tìm một đại lộ cho cảm xúc, để cảm xúc đó biến thành con chữ, mỗi con chữ ấy lại nằm lòng trong mỗi câu thơ thì thật khó, khó lắm. Cho nên càng quý và trân trọng bài thơ Sóng luân hồi của N. T. Ngọc Hà. Cảm ơn tác giả đã cho tôi được đọc và được biết thế nào là một bài thơ hay. Tập thơ Đứt dải yếm có cái tên tuy “ chua” một tí “đong đưa” một tí, cả ngúng nguẩy một tí nữa. Nhưng toàn tập là một nền văn hoá chân quê trong tâm hồn Việt của tác giả./.
B.B.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét