Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Trần Vân Hạc viết về thơ Ca Bình Minh


 CA BÌNH MINH

Trần Vân Hạc


Nhân dịp đôi vợ chồng thi sĩ Lý Phương Liên & Nguyễn Nguyên Bảy ra Hà Nội đón tết Nhâm Thìn. 4g chiều ngày mồng chín Tết – thứ Ba, 31/1/2012 tại Trung tâm văn hóa Đông Tây, số N11A Trần Quí Kiên, quận Cầu Giấy, hai vợ chồng thi sĩ gặp mặt bạn văn thơ giới thiệu tập thơ “Ca Bình Minh” của thi sĩ Lý Phương Liên và tiểu thuyết “Ma Trận Tình” của thi sĩ, nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy, trang vanhac.org trân trọng giới thiệu giới thiệu bài viết của Vân Hạc về tập thơ Ca bình minh của thi sĩ Lý Phương Liên, những cảm nhận đầu tiên:

Đấy là tên tập thơ của chị Lý Phương Liên tặng gia đình tôi đúng vào ngày 28 tết. Anh Nguyễn Nguyên Bảy cùng chị Lý Phương Liên và cô con gái út Nguyễn Lý Phương Ngọc, một họa sĩ trẻ đầy tài năng, từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội ăn tết, nơi mà trước đây anh chị đã nhiều năm công tác tại Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam và đã từng nổi đình đám với những vần thơ lạ. Cuốn sách được in rất trang trọng và đẹp mắt, ngoài 46 bài thơ trong trẻo, thấm đẫm tình người và tình đời chị sáng tác từ khi còn rất trẻ, là các bức tranh đầy chất sáng tạo và trẻ trung của họa sĩ Nguyễn Lý Phương Ngọc. Cầm cuốn sách dầy dặn in trên giấy tốt và bìa cứng, đã biết tác giả trân trọng công sức sáng tạo của mình và tôn trọng bạn đọc đến nhường nào.
Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần lời nói đầu với cái tên giản dị: “Lý Phương Liên mở lòng”. Có ai ngờ được cuộc sống của anh chị lại lắm thác ghềnh đến thế, chị tâm sự: “Năm 1971 thơ xuôi dòng thơ bỗng dưng gặp thác thơ, thác thơ dữ quá, vợ ôm con, chồng ôm vợ, khóc nhìn trăng mà vùng quẫy, mà chiến tranh cùng sóng gió, mà thề rằng: chết thì cả nhà cùng chết, bằng sống thì nhất định không để đắm thuyền thơ”. Ôi! Có mấy ai trên đời này yêu thơ, yêu cuộc sống đến như vậy không? và có mấy ai người tri âm tri kỷ cùng sống chết có nhau vì cuộc sống và vì thơ như vậy chăng? Thế rồi người thơ ấy vượt lên tất cả: “Chúng tôi Lý Phương liên và Nguyễn Nguyên Bảy lại bồng con xuống thuyền thơ xuôi sông trẩy hội đời”. Lời tâm sự tưởng nhẹ như không ấy lại là cả một quá trình vật vã đấu tranh với sóng gió để giữ vững tay chèo cho con thuyền đời và con thuyền thơ vững vàng trong vòng xoáy bể khổ. Với anh chị, thơ là đời và đời không thể thiếu được thơ, như linh hồn không thể tách rời thể xác. Anh chị nhận thức rất rõ qui luật của tạo hóa, cái nghiệt ngã tất yếu của cuộc sống nên nương tựa vào nhau vượt lên số phận. Chị dành cho anh những lời đầy ân tình mà bất kỳ người đàn ông chân chính nào cũng khao khát được người vợ yêu quí của mình bộc bạch: “Người liên quan đến thơ tôi và chịu nhiều cay đắng oan ức vì thơ tôi, là Nguyễn Nguyên Bảy, tình yêu của tôi, chồng tôi, người thầy duy nhất dạy tôi làm thơ và cùng tôi tu thân làm người tử tế… nếu trời cho em sống cùng lúc hai cuộc đời em cũng chưa đủ trả cái nghĩa yêu và cái ơn tình mà anh đã dành cho đời em và cho thơ em”.

Tôi biết anh chưa lâu nhưng cũng đủ hiểu về anh chị, hôm nay mới được gặp chị và cháu nhưng bằng nhiều nguồn thông tin, tôi biết chắc rằng anh chị và các con cháu là những người tử tế, chưa nói rằng là người tử tế hơn nhiều người tử tế. Chỉ riêng chuyện chị không hề than trách số phận, không hề trách ai đã làm cho con thuyền thơ của anh chị “gặp thác thơ”: “Tôi nín lặng với thơ suốt bốn mươi năm nay vì lời nguyền bỏ thơ của chính tôi, không vì bất cứ sự đe dọa, trù dập hay bất cứ áp lực nào khác. Mọi hệ lụy xô đẩy chúng tôi đến bần hàn và cơ cực không liên quan đến bất kỳ cá nhân nào, quyền lực nào. Mọi ảo thực, tốt xấu tôi tự mình chịu trách nhiệm, không than oán bất kỳ ai, về bất cứ điều gì” đã nói lên đầy đủ điều đó rồi.

Tôi ngẫu nhiên tìm đọc bài thơ: “Ca bình minh”, bởi bài được đặt tên cho cả tập nhiều khi mang cái hồn cốt của cả tập thơ. Thật bất ngờ vì bài thơ chị làm cách đây bốn mươi năm mà ý tứ mới lạ, cách thể hiện đầy sáng tạo. Đề tài tưởng chừng không mới kia “đi làm ca ba” ngày ấy có gì mà lạ, đất nước đang còn khó khăn, làm ca ba để hoàn thành công việc, để có nhiều sản phẩm hơn cho đất nước, đặc biệt lúc đó miền Bắc là hậu phương lớn của miền Nam, lại chuyên chở những ý tưởng mới lạ, đầy sáng tạo và lạc quan chắp cánh cho tứ thơ bay lên.

CA BÌNH MINH

Em đi làm ca ba Đêm buông đầyđường phố
Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ
 Em đi giữa lòng đường Hát khẽ…
Tuổi ca ba rất trẻ
Đêm ca ba lại dài
Mười tám, đôi mươi
Tuổi như em khỏe ăn khỏe ngủ
Bạn bè em có nhiều ý lạ
Khi nói tới ca ba
Ca của những đêm hè trời đầy sao hoa
Ca của những đêm đông bập bùng ánh lửa
Còn em với niềm vui bé nhỏ
Em gọi ca ba là ca bình minh
Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình
Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ
Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ
Đưa bộ đội lên đường
Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường
Đón bình minh đất nước
Và một đêm ca ba hôm trước
Chị hàng xóm nhà em trở dạ đầu lòng
Nước mắt lưng tròng
Ôm bụng đau quằn quại
Miệng lẩm bẩm những điều sợ hãi
Em dìu chị đến nhà hộ sinh
Sáng hôm sau gió cao trời xanh
Chị hàng xóm đón em tiếng oa oa con khóc
Ai cũng muốn mỗi ngày đời là một ngày sống đẹp
Đêm thao thức cho ngày
Ơi ca ba!
Ca ba em đi vào hôm nay
Đã thấy bình minh trước mặt

Khổ thơ đầu mới đọc chỉ như một lời tự sự nhưng khi gặp ý thơ: “Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ” thì đã thấy cái chất thơ đích thực, hứa hẹn gợi mở những ý thơ độc đáo. Lúc đó chị cùng các bạn còn trẻ lắm, vô tư, yêu đời nên mới: “Em đi giữa lòng đường/ Hát khẽ…”. Hát bởi tin yêu vào cuộc sống, hát bởi sức trẻ phơi phới tin yêu. Câu thơ trẻ trung và trong sáng sưởi ấm cho các chị trong đêm. Hai câu thơ “Tuổi ca ba rất trẻ/ Đêm ca ba lại dài” như hai vế của một câu đối, rất hiện thực và cái cách thay đổi kết cấu ấy làm cho khổ thơ chở đầy suy tư với câu hỏi: tại sao “tuổi ca ba thì rất trẻ”, còn “đêm ca ba lại dài”. Những ai đã từng đi ca ba trong điều kiện đất nước lúc đó mới có thể hiểu được ý tứ sâu xa qua câu thơ tưởng chừng đơn sơ ấy.
Bài thơ đưa người đọc đến với những ý tưởng lạ lẫm, vô tư, bay bổng của tuổi trẻ. Các bạn của chị coi đấy là: “Ca của những đêm hè trời đầy sao hoa/ Ca của những đêm đông bập bùng ánh lửa”. Tuổi trẻ đầy mơ mộng và viễn cảnh về cuộc sống mới tốt đẹp làm sao. Còn chị: “Em gọi ca ba là ca bình minh”. Từ cái rất thực là mỗi khi tan ca về gặp bình minh mai sớm đã được thi vị hóa thành một hình tượng thơ đắc địa. “Ca bình minh”, của một ngày mới, của một chân trời mới, của mỗi người và đất nước. Chị ý tứ: “Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình” nhưng đâu có “vô tình” mà có được hình tượng thơ đẹp và sâu sắc đến như vậy, chị đã từng bao đêm đi ca ba, bao lần: “Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ/ Đưa bộ đội lên đường/ Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường”. Ngày ấy đất nước còn bị chia cắt, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Các chị đi ca ba hay các anh bộ đội “thẳng tới chiến trường” để một ngày không xa được: “Đón bình minh đất nước”. “Ca bình minh” mang một tầm cao mới đầy chất sáng tạo với hình tượng thơ: “bình minh đất nước” phơi phới tinh thần lạc quan.

Trong bài thơ cất lên một âm thanh rất lạ, dù lúc đó chị còn rất trẻ nhưng có lẽ cái thiên chức của người phụ nữ và sự nhậy cảm của một hồn thơ dẫn cho mạch thơ của chị đến được âm thanh tuyệt diệu của cuộc sống ấy: “Chị hàng xóm đón em tiếng oa oa con khóc”. Cuộc sống vốn như thế đấy, mãi sinh sôi bất tận bất chấp những nghiệt ngã. Cái tiếng oa oa của đứa trẻ mới chào đời trong “gió cao trời xanh” ấy hứa hẹn một mùa xanh cho tương lai.
Khổ thơ cuối như một phương châm sống của chị, của những người tử tế: “Ai cũng muốn mỗi ngày đời là một ngày sống đẹp”. Có ước muốn nào đơn sơ và thánh thiện hơn không, nhất là đấy là ước muốn của một thiếu nữ. Song con sông đời kia đâu có phải lúc nào cũng óng ả những lọn sóng ngời lên dưới ánh mặt trời, mà nhiều khi giận dữ, vô cớ cuốn đi tất cả. Bởi vậy muốn có: “mỗi ngày đời là một ngày sống đẹp”, đâu chỉ trông chờ vào tự nhiên, mà hơn thế phải biết: “Đêm thao thức cho ngày”. Bài thơ được đẩy lên một cung bậc mới mang tầm triết lý, sâu sắc và tinh tế: nếu sau mỗi ngày, mỗi con người không nhìn nhận lại mình để ngày mai sống tốt hơn thì đó chỉ là sự tồn tại mà chưa phải là sống và cái phần người tốt đẹp kia đâu đã có nhiều. Tác giả rất tài tình trong việc sử dụng biện pháp tu từ để chuyển tải những tư tưởng, tình cảm của mình. Cao trào của bài thơ chợt căng lên như dây đàn rồi nhẹ nhàng ngân lên giai điệu về tình yêu cuộc sống với điệp từ cùng sự đối lập của hiện tại và tương lai. Cái hiện thực “ca ba” như một điểm tựa để vươn tới: “bình minh”: “Ơi ca ba! Ca ba em đi vào hôm nay/ Đã thấy bình minh trước mặt”. Mấy chục năm rồi, niềm tin vào “ca bình minh” ấy đã thành hiện thực. Đất nước hòa bình thống nhất và gia đình chị hôm nay cùng bao gia đình khác luôn có: “bình minh trước mặt”. Cái ẩn dụ: “ca bình minh” xuyên suốt bài thơ chợt tỏa sáng tươi hồng như ngọn lửa ấm mãi trong mỗi con người.

Đọc bài thơ của chị Lý Phương Liên sáng tác từ bốn mươi năm trước mà vẫn tươi mới trong cuộc sống hôm nay. Ca ba – cái sự phấn đấu ngoài cái thông thường: đêm – ngày, thức – ngủ… kia sẽ đem lại bao điều tốt đẹp. Bởi vậy dù trong: “Lý Phương Liên mở lòng”, chị có khiêm nhường tự nhận thơ mình là: “những bài thơ học trò bình thường” thì đó là bản chất của chị, chưa nói đó là bản lĩnh của một người thơ luôn chung thủy với thơ, biết chắt ra từ cuộc sống đời thường những tinh hoa, nâng lên tầm nghệ thuật. Và tôi tin “Ca bình minh” sẽ sống mãi trong lòng những người tử tế!

Vanhac.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét