Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Bạn thơ kỷ niệm 100 ngày mất Đỗ Nam Cao

Nhạc sĩ Thế Hiển ôm đàn hát nghêu ngao, nhà thơ Thanh Tùng cảm tác tiễn người đã mất... là khoảnh khắc xúc động trong buổi gặp gỡ giữa các văn nghệ sĩ nhân 100 ngày Đỗ Nam Cao qua đời.

Sáng 19/2, nhiều bạn văn nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc hội ngộ ở căn phòng nhỏ đầy tranh của họa sĩ Lê Quân tại quận Phú Nhuận, TP HCM, ôn lại kỷ niệm về cố nhà thơ Đỗ Nam Cao. Anh mất ngày 8/11/2011 sau một thời gian mắc bệnh gan.
Cuộc gặp là bữa giỗ nhỏ, ấm cúng, có rượu, thức ăn ngon... Nhưng ấm cúng nhất có lẽ là không khí hội ngộ văn thơ hồn nhiên, cảm xúc của những người cầm bút tóc đã điểm bạc.
Nhạc sĩ Lê Nguyên (bố của họa sĩ Lê Thiết Cương) làm ấm bầu không khí hội ngộ khi đứng lên đọc một bài thơ tặng Đỗ Nam Cao với chất giọng trầm trầm của cụ già 85 tuổi. Ông nói, thay vì thắp một nén hương cho người đã mất, ông muốn đọc những vần thơ để nhớ về một nhà thơ luôn sống và viết chan chứa tình người.
Thế Hiển ôm đàn hát bản nhạc 'Hà Nội mùa đông', phổ từ thơ Đỗ Nam Cao.
Thế Hiển ôm đàn hát bản nhạc 'Hà Nội mùa đông', phổ từ thơ Đỗ Nam Cao.
Lần lượt Lê Quân, Nguyễn Thụy Kha, Lê Xuân Đố... đứng lên góp vào buổi gặp mẩu chuyện vui có, buồn có về nhà thơ. Lê Quân nhớ về những ngày mưa phùn Hà Nội, cùng Đỗ Nam Cao đi xe máy dọc sông Nhuệ, sông Hồng... để được lặng người trước vẻ đẹp của thiên nhiên, sông nước. Câu chuyện vui về nhà thơ cũng được kể lại: một lần Đỗ Nam Cao thất hẹn với một người chỉ vì đến nhà người ta, anh thấy khe cửa khép hờ có ánh nắng chiều xuyên qua quá đẹp, đẹp đến nỗi khách không nỡ phá đi khung cảnh mộng mị đó. 

Tuổi cao, sức yếu, nhà thơ Thanh Tùng vẫn đến dự lễ giỗ.
Tuổi cao, sức yếu, nhà thơ Thanh Tùng vẫn đến dự buổi gặp mặt.
"Lão nhà thơ" Lê Xuân Đố cũng run run, ngậm ngùi kể về tình bạn đẹp giữa ông, Đỗ Nam Cao, Nguyễn Thụy Kha, Lê Quân... Với ông, đó là một thứ tình cảm thâm sâu, đau khổ, vật lộn đắng cay, có lúc cùng khóc rồi cùng cười, và "những lúc buồn nhất lại là những lúc làm thơ hay nhất". Những câu thơ của Nam Cao như: "Phố cổ gù lưng cõng mùa thu cốm..." được ngâm nga lại với lời tấm tắc: chỉ có ai say đắm với Hà Nội lắm mới có thể viết về Hà Nội như thế.
Không ít sáng tác của Đỗ Nam Cao được phổ nhạc, và một trong số đó là bài Hà Nội mùa đông anh cảm tác trong một lần gặp Thế Hiển, Nguyễn Thụy Kha tại địa điểm quen thuộc với giới văn nghệ Sài Gòn ở số 81, Trần Quốc Thảo, quận 3. "Người im xe điếu tay cầm. Nuốt vào khói nước trầm trầm trong mưa. Tường rêu góc phố ai chờ. Cành bàng khô những gió mùa lượn quanh...", đọc những dòng đầu của bài thơ, nhạc sĩ Thế Hiển đã hình dung ra giai điệu bài hát trữ tình, da diết, thật hay về thủ đô. Ngày giỗ Nam Cao, Thế Hiển xin đọc thơ rồi ôm đàn hát như một cách để nhớ về thi sĩ tài hoa. 

Bài 'Đau khổ và thơ' được Thanh Tùng sáng tác nhân giỗ 100 ngày của Đỗ Nam Cao. 'Anh đi rồi thơ sẽ bơ vơ. Tôi cứ tin một ngày anh trở lại. Nói rằng thiên đường trên ấy không có thơ. Vì thiên đường có đau khổ bao giờ', Thanh Tùng run run đọc.
"Anh đi rồi thơ sẽ bơ vơ. Tôi cứ tin một ngày anh trở lại. Nói rằng thiên đường trên ấy không có thơ. Vì thiên đường có đau khổ bao giờ", Thanh Tùng run run đọc bài thơ ông vừa sáng tác dành tặng Đỗ Nam Cao.
Cũng nhân 100 ngày Đỗ Nam Cao qua đời, tuyển tập thơ mới nhất của anh được NXB Hội Nhà văn phát hành.
Cuốn sách gồm 105 sáng tác chưa công bố cùng vài tác phẩm đã in rải rác trước đó của anh. Sách còn in nhiều bài viết của các bạn bè chia sẻ những kỷ niệm đầy cảm xúc với nhà thơ. Đó là những cuộc rượu khuya của anh với Nguyễn Thụy Kha, những dự cảm về thân phận cay đắng của người trót "dính" (tên một tập thơ của Đỗ Nam Cao) với văn chương, chữ nghĩa.
Đọc thơ anh, đọc những lời tâm sự của bạn bè, có thể thấy rằng trong thơ anh dự cảm về cái chết, sự ra đi, nhưng vẫn giữ nguyên lời hứa hẹn với thơ, cả ở cõi vĩnh hằng: "Có không trong cõi vĩnh hằng. Có cô cắt cỏ, có trăng lưỡi liềm. Có không trong cõi thần tiên. Rượu ngon lại uống bạn hiền lại chơi. Chỉ còn sờ sợ chút thôi. Có thơ không để tôi rơi xuống trần."
Bạn bè nhận xét, cảm giác bơ vơ là cảm giác thường trực trong thơ Đỗ Nam Cao. Một người kháng chiến cũ như anh, sau hòa bình vẫn làm việc liên tục, làm thơ liên tục nhưng rất ít khi công bố tác phẩm của mình, cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện PR cho bản thân. Khi hay tin bạn mình qua đời, nhà thơ Thanh Thảo từng viết: "Có những người khi họ đã vĩnh viễn xa ta, ta mới nhận ra mình đã mất một cái gì quý giá. Bởi ngày thường, những người ấy vẫn sống lặng lẽ, thậm chí khuất lấp đâu đó giữa dòng đời".
Ảnh: Anh Vân
Theo Evan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét