Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

"Chiều Phố Vọng" và nhà thơ Nguyễn Khôi





Hoàng Xuân Họa, giới thiệu

.
Nguyễn Khôi, chàng trai làng Đình Bảng sau khi học xong trường đại học nông nghiệp; một buổi  «Trưa rừng ấy» anh «gửi» mình tận «...mường bản xa xăm» (tên hai tập thơ của Nguyên Khôi) nơi biên giới miền tây của Tổ quốc tròn 21 năm để lập nghiệp, lập thân với bao nhiêu thử thách cam go của một đời người. Ai nói gì thì nói, phong tặng cho mình những điều hay tiếng tốt lên tận mây xanh thì hai thập kỉ 60 – 70, thế kỷ trước mà phải đi Tây Bắc, Việt Bắc công tác thì có khác gì vượt Trường Sơn vào miền Nam chiếu đấu. Chỉ vì mấy câu thơ của một anh nhà thơ trẻ phổi bò ngồi ở Hà Nội: «Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy/ Thì gian nan gấp mấy cũng lên đường/ Lòng ở đây nhưng dạ ở muôn phương…» làm bao người hoắng lên đâm đơn tình nguyện đến những nơi tổ quốc cần! Nhưng không phải tất cả đều như vậy. Nhiều trường hợp, nếu anh không đi thì mời anh học xong ra kia ngồi chơi xơi nước! Kẻ viết những dòng này, những năm ấy cũng đã từng trong hoàn cảnh tương tự. Thôi thì cũng đành nhắm đưa chân, «yên tâm vững bước mà đi», lên đấy thử thách dăm năm, công tác tốt sẽ được về xuôi... công tác sau: «Tuổi trẻ cần phải thử thách ở nơi đầu sóng ngọn gió mới là tuổi trẻ»! Năm năm kéo căng dây cao su thành 20 năm, có người 30 năm! Chuyện ngày xưa ấy, xưa rồi... «Lượm ơi», không bàn thêm nữa.

Nguyễn Khôi

Nhà thơ Nguyễn Khôi

21 năm Nguyên Khôi lăn lộn với núi rừng Tây Bắc. May mà anh có vôn kiến thức chuyên môn khá, vả lại công việc chuyên môn của một kỹ sư nông nghiệp ở đó người ta cần anh, cả người vợ đẹp xứ Thái như bông hoa Ban, hoa "phặc phiền" huyền diệu  níu chân anh ở lại với rừng đèo heo hút gió... Anh lại có khiếu năng thiên bẩm về văn chương, thêm cuộc sống nội tâm phong phú nữa nên dù đi bất cứ nơi đâu anh vẫn sống khoẻ; sống và cống hiến cho đời, cho văn chương. Làm con rể Sơn La - Tây Bắc, làm "cán bộ cắm bản" nên anh phải nhanh chóng học tiếng Thái để hội nhập với «Ải Êm pi noọng». Từ đó anh được chìm mình giữa cái nôi văn hoá Thái bập bùng đêm đêm trên nhà sàn bếp lửa, bên sàn Hạn Khuống cùng trai gái nơi thôn bản sinh hoạt cộng đồng như tham gia lễ hội, ma chay cưới xin, lễ xuống đồng, lễ lên nhà mới cùng nhẩy sạp, ném còn, uống lẩu xiêu(rượu cất) bằng bát, vít cần uống rượu rót sừng trâu; nghe và hát "khắp" những câu dân ca Thái «Sống Chụ Son Sao»... Cả một nền Văn hoá Thái cứ thế ngấm dần vào từng sợi tế bào cơ thể, trải rộng suốt tâm hồn vốn mênh mang thi sĩ của anh: 

«Chai rượu ngất ngư bên bếp lửa
Được chết trong say đắm mắt nàng».
(Lên Mai Châu ngủ nhà sàn)
 
«Chiều phố Vọng» là tập thơ thứ tư của Nguyễn Khôi. Hình như đây là tập thơ anh in để trả nợ những vùng đất anh đã từng đặt dấu chân qua. Mỗi bài thơ hiện về một tên đất, tên người, dòng sông bến nước: 

«Ơi Tha La, xóm Dừa em có nhớ?
Mấy mươi năm ly khách biệt phương trời
Mấy mươi năm vầng trăng nào có ngủ
Đợi người về... tóc bạc giãi trăng soi...».

(Gửi Tha La)

Haixuanhxh xin được giới thiệu một chùm thơ của Nguyễn Khôi, in trong tập «Chiều phố Vọng - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 2011».
    

SDC10604.JPG

            
CHIỀU PHỐ VỌNG
“Người ta vọng chức quên tình
Tôi nay phố Vọng một mình Vọng Em”


Nắng óng ả xanh cao chiều phố Vọng
Hoa sữa vương hương cốm đầu mùa
Em xuất hiện như thiên thần lồng lộng
Rất diệu kỳ mà lại rất thơ

Đâu có phải bờ sông Lô hoang vắng
Gió dập dờn mây trắng ngút ngàn lau
Sông cứ chảy vờn sau tà áo trắng
Mặc thời gian như nước chảy qua cầu…

Ai mơ tưởng từ lâu câu chuyện cũ
Mối duyên thơ như trời đã đặt bày
Em cứ nói lòng mình qua hơi thở
Để cho anh uống cả tứ thơ say

Thật mộng ảo đâu đây chiều phố Vọng
Em có duyên rạng rỡ lạ kỳ
Anh trẻ lại với tình thơ sống động
Sông Lô hời…
ai đó gọi trên kia.

Phố Vọng, Hà Nội 2-9-2000
.

AO LÀNG

Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang

Bỗng dưng lại thấy nhớ ao làng

Cái đêm hè ấy ai ra tắm
Để cả bầu trời phải tắt trăng.
 
GỬI TUYÊN QUANG
.
Ừ có hẹn cũng chưa về Tuyên được
Bếp lửa nhen ai đó sưởt riêng lòng
Đêm Hà Nội đã nhạt mùi hoa sữa
Tưởng tóc ai phảng phất hương rừng
Xa để nhớ một khúc thành sót lại
Một đoạn đường cát bụi tím bằng lăng
Một bến thuyền bắc cầu trong mong đợi
Một đêm thơ ai đọc lệ rơi thầm.
Để ai đấy ở lại cùng thành cổ
Mỗi sớm mai xuống chợ thả xuôi dòng
Ngồi thư viện xem chừng chưa ấm chỗ
Nghe gió mùa xao xác suốt triền sông.
Từ thượng nguồn ai trông về cuối bãi
Để ai kia khắc khoải những mong chờ
Thôi, cứ thế cho thời gian gió thổi
Gieo vào lòng một chút sóng sông Lô.

ĐI CHỢ NỔI «CÁI RĂNG» 
Tặng Vũ Quang Tần.
.
 
«Cái Răng, Vàng Xáng, Xà No
Thương em đóng một con đò đón anh »
(Ca dao Nam Bộ)  
Trên sóng nước nghe thuyền về họp chợ
Ơi Cái Răng, xăng xải mái chèo khua
Cứ như thể cả xứ mình là biển
Để miết vườn chìm trong nỗi âu lo?
Anh đi chợ chẳng bán mua gì cả
Người Thăng Long tìm kiếm chất Nam Kỳ
Ngồi giỡn sóng say đàn ca tài tử
Mà chị hai Quan Họ đã từng mê.
Thuyền Cái Răng bập bếnh chen họp chợ
Quả sầu riêng anh cắn ngập buồn riêng
Thật xởi lởi tấm lòng người Nam Bộ
Sớm mai ngày mang về bến Long Biên.
(Viết trên sông Càn Thơ, sáng 29 – 11- 2010)
-------------------------
(*) : Tên gốc khmer= k’ran, là nơi hội tụ nhiều ghe thuyền dân bản địa xưa về họp chợ bán loại bếp lò « Cái Răng»...  

BẢN CHIỀNG LY
(Tặng T.H)

Bản Chiềng Ly chưa đi đã nhớ
Phố chênh vênh bên núi bên hồ
Gái bản từ lâu quen chợ búa
Trai Thuận Châu bao bạn nằm mơ.

Người Chiềng Ly hay đi đây đó
Mùa hoa Ban về dự hội làng
Quả Còn lửa bay ngang trời phố nhỏ
Trái tim hồng thiếu nữ đón xuân sang.

Tôi say đắm yêu cô nàng như thế
Cha mẹ thương cho về ở Kinh Kỳ
Không ở rể mà vẫn là rể quý
Để mỗi năm lại lên Tết Chiềng Ly.


Thuận Châu, hè 1993
    
Nguồn: Haixuanhxh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét