TUY HÒA
Cả đời đăm đắm với thi ca, nhưng Đỗ Nam Cao chưa bao giờ được tỏa sáng bằng những lời khen nức nở trên văn đàn. Nổi danh cũng phải tùy duyên, Đỗ Nam Cao không có cái may mắn rạng danh như nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa. Cái rủi ấy khiến Đỗ Nam Cao không tốn thời gian để làm dáng. Thơ ông lặng lẽ tồn tại, lặng lẽ ươm mầm, lặng lẽ trỗi dậy, lẵng lẽ thăng hoa.
Sau khi tốt nghiệp khoa Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đỗ Nam Cao khoác ba lô vào chiến trường miền Nam ngay khi cuộc đấu tranh chống Mỹ bỏng rát nhất. Khoảnh khắc ấy được chính Đỗ Nam Cao ghi lại: “Chính em và mùa thu đưa anh đi. Những chiếc lá bàng rơi màu đỏ thắm. Gian khổ đấy, bàn tay em nhỏ nhắn. Anh cầm mà không thể buông ra. Nỗi xa này thử thách cả hai ta”. Đôi chân người lính Đỗ Nam Cao lội qua từng trận địa khốc liệt Lộc Ninh, Tháp Mười, Bến Cát, Trảng Bàng, Củ Chi… với trái tim thi sĩ và ý chí bộ đội: “Đừng tưởng lầm, xin chớ tưởng lầm. Trong mây mù vụt lòe tin chớp trắng. Đất nước này khi ngặt nghèo cay đắng. Con người nuốt tro làm nên muối mặn”.
Non sông thống nhất, Đỗ Nam Cao bắt đầu cuộc sống một công chức hạnh phúc với người vợ xinh đẹp và giỏi giang. Thế nhưng, oái oăm thay, khi người vợ của ông vừa chuyển về làm lãnh đạo Công ty Lương thực TPHCM thì mắc vào một vụ án kinh tế. Không chịu nỗi cú sốc, người vợ phát bệnh tâm thần. Hơn mười năm ròng rã, Đỗ Nam Cao vừa chữa chạy thuốc men vừa tìm đường giải oan cho người vợ. Thơ vốn không nuôi được ai, mà có lúc thơ cưu mang cho hai số phận “đời sống động bỗng thấy đời phát sợ”.Tâm hồn yếu mềm của Đỗ Nam Cao luôn gắn bó với đồng quê trẻ dại. Cánh cò cứ bay trong thơ ông như một niềm riêng bịn rịn. Đó là “những cánh cò lửa” trước giờ xung kích: “Ơi con cò của lòng người. Nghìn năm quen lại khiến đời xôn xao. Xuồng đi mây ửng ngọn sào. Tôi mang đôi cánh lửa vào tiền phương”. Đó là cánh cò vụt theo ngọn gió mùa màng xanh thẳm: “Mắt chợt sẫm khi cánh cò bay lả. Đậu dịu dàng lên nắng những hàng tre”. Đó là cánh cò run rẩy ý thức hướng về nơi chôn nhau cắt rốn: “Mờ xa lã sã cánh cò. Bóng cô cắt cỏ lò dò trong mưa. Tôi ngồi ngẫm dưới sao thưa. Lập lòa đom đóm hiểu chưa thấu làng”.
Như một dự báo định mệnh, trước khi vĩnh biệt dương gian bởi cơn bạo bệnh, Đỗ Nam Cao rong ruổi thăm lại từng dòng sông, từng bờ đê, từng vạt cỏ mang dấu vết lời ru thăng trầm ngày tháng xa xôi. Đỗ Nam Cao ứng dụng khéo léo và mềm mại ca dao, tục ngữ vào thơ: “Cực xinh cái núm đồng tiền. Hỡi cô cắt cỏ trăng liềm của ai. Cười lên trăng đã hoa nhài. Yếm em nõn thế lược cài vào đâu”. Tháng 11-2011, Đỗ Nam Cao trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 64 tại TPHCM, trong niềm tiếc thương của bạn bè. Nhân dịp 100 ngày mất của ông, tuyển tập thơ Đỗ Nam Cao được NXB Hội Nhà Văn ấn hành. Đọc lại thơ Đỗ Nam Cao, ngoài trường ca “Hỡi cô cắt cỏ” đắm đuối hứng khởi dân gian và tràn đầy mỹ cảm nông thôn: “Thằng cuội ngồi gốc cây đa. Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời. Sao không gọi mẹ cuội ơi. Sao không gọi cái yếm sồi xửa xưa. Mẹ còn ăn bát riêu cua. Thì còn sữa lạ nuôi vua mọi thời”, vẫn thấy dòng chảy chủ đạo thao thức cội nguồn: “Cổng làng như lá bùa mê. Chợt kinh hoảng sợ. Chợt tê tái buồn. Làng ơi cúi lạy thành hoàng. Cho con được phép khẽ khàng vào quê”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét