Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Những vần thơ lục bát đa mang

Những vần thơ lục bát đa mang

Nguyễn Thanh Mừng

Trần Hoàng Nhân từng thử sức trên nhiều thể loại thơ. Giờ đây anh chọn lục bát để giải trình 'cuộc nhập cư' một niềm thơ từ lòng mình đến lòng người... Anh nhẹ nhàng nhặt lấy cái tĩnh giữa cái động, nét dại khờ giữa cuộc khôn ngoan.

Trần Hoàng Nhân từ nắng gió duyên hải miền Trung đã chọn Sài Gòn - thành phố hào phóng làm nơi lập thân với nghiệp chữ nghĩa. Nghiệp chữ nghĩa của Nhân, như nhiều cây bút Việt, song hành cuộc xông xáo báo chí là tiềm ẩn một ám ảnh văn chương.
Nhà thơ Trần Hoàng Nhân.
Nhà thơ Trần Hoàng Nhân.
Ai cũng biết, sự nhập cuộc và phân thân, bổ sung và loại trừ giữa hai lĩnh vực hoạt động này trong một con người, thật nghiệt ngã. Nhưng thôi, ấy là câu chuyện dằng dặc của cuộc sống và khát vọng, nếu đẩy lên tận cùng bờ cõi của nó, có người khái quát thành chuyện "đời" và "đạo". Có một tâm hồn thi sĩ, vừa rắn rỏi kiên quyết vừa mong manh đa cảm trong con người bộc trực và nhiệt thành này. Trước khi hứng thú trình làng 39 bài lục bát mang tựa đề Người mong khoảng cách để mà nhớ thương hôm nay, hẳn người đọc còn nhớ Nằm im đợi nắng thức của Trần Hoàng Nhân sáu năm trước với những trăn trở giữa những khốc liệt của cuộc mưu sinh mà anh đã thầm nhủ: "Anh tự cứu mình bằng kháng sinh thơ".
Tôi đọc suốt tập thơ thuần những dòng sáu tám của Trần Hoàng Nhân, như đi vào một cung đường đa mang của tuổi trẻ. Nhân đã có hơn mười năm khởi nghiệp và thời gian ấy nằm gọn trong lòng thế kỷ 21 mới mẻ. Con đường của thế hệ Nhân có gì khác với tâm thế của thế hệ trước, “Có không không có thắng thua / Phờ râu mỏi mệt mà xua nỗi đời / Chống thiền trượng đứng chửi trời / Lời mình nói cũng là lời mình nghe”. Nhân nhìn nhận sự cô đơn trong hành trình sáng tạo: “Anh ngồi nhai hết thời gian / Thương mình trở lại thiên đàng mồ côi”.
Con người thơ ấy hãy còn hồn nhiên lắm: “Khóc òa như thuở còn thơ / Tay ôm hạnh phúc mà ngờ nỗi đau”. Nhưng vui hóm ý thức phản tỉnh: “Huyên thuyên toàn chuyện trên trời / Sống như lá mục mà đòi lộc non”. Với niềm ân cần thanh lọc: “Giữ lành giọt ngọt trên môi /. Để không ngậm đắng những lời rỗng không”.
Sài Gòn thế kỷ 21 của Trần Hoàng Nhân đương nhiên khác những năm tháng đã qua của những thế hệ từng khởi nghiệp và thành danh, nhưng những nỗi niềm thiên di và tụ cư, hồi niệm gốc tích và mặc cảm tha hương vẫn có mẫu số chung: “Uống đi rượu đắng tha hương / Giang hồ có lúc về nương cửa chùa”. Tôi hiểu, những từ cổ “tha hương”, “giang hồ”, “cửa chùa” mà Nhân dùng, ở một tâm thế linh hoạt hơn nội hàm nó dung chứa, đã có nghĩa mới hơn.
Quê nhà đã nối mạch thơ Trần Hoàng Nhân bằng những giọt rượu đầy tâm cảm như thế, khi ngoái lại xa kia, đâu đó trong thế kỷ 20 Nhân còn lưu giữ kỷ niệm những trái ổi, đồi sim, cuộc chăn bò ngày hè, phiên chợ Tết, cảnh hát bội sân đình, cậu học trò vương vấn nợ thi ca cùng bạn bè nối kết nhau trong một “bút nhóm” mà những hương sắc lay động đầu đời vẫn không thể phai tàn trong ký ức. Ở đó có người mẹ: “Bóng người ngồi lẫn bóng mây / Tiếng ru thơ ấu rơi ngay bóng mình”. Ở đó có bóng dáng cha: “Giấc mơ vẫn những giấc mơ / Riêng cha chọn kiếp chèo đò trên non”. Và như muôn đời, người con trai ra đi với nợ công danh, dù ẩn giữa một cách nói kiêu bạc, rất Trần Hoàng Nhân: “Nhập cư vai khoác túi nghèo / Hai tay cầm chữ đi gieo nỗi buồn / Xác thân hành khất linh hồn / Câu thơ tuyệt thực vẫn còn vần thơ”. Để cụ thể hơn trong những vòng xe nôn nao ngày giáp Tết: “Cuối năm chuyển bánh xe đò / Mười hai thương nhớ tự cho là nhiều”.
Bìa cuốn thơ lục bát "Người mong khoảng cách để mà nhớ thương".
Như nhiều nhà thơ, tiếp “nhiên liệu” cho nghiệp chữ nghĩa của Trần Hoàng Nhân là những chuyến đi. Nhân đi nhiều, với cái hăm hở và tận tâm của một người trẻ tuổi đam mê. Tôi gặp Nhân dọc nẻo đường Trung - Nam - Bắc, trong cát bụi thiên lý hoặc giữa các hội nghị hội thảo văn chương, sau đó là những đêm rượu lữ thứ thơ ca và âm nhạc, soi vào mắt anh em bạn bè đồng nghiệp tứ chiếng, để rồi: “Tôi về nhặt lấy bóng tôi / Gặp người đi đứng nằm ngồi dưới trăng”. Người làm thơ đương nhiên phải biết “tiêu hóa” cuộc hành trình, phải “ngàn trùng hóa” những khoảnh khắc bất chợt, nói theo cách của Nhân là: “Nhắm nhìn khói, mở nhìn hương / Từ trong vô thức mình tương tư mình”. Cái hiện thực tâm tưởng, Nhân gửi vào những vần lục bát êm dịu mà xác xao: “Ngoài kia lá rụng xuống đường / Như đang gởi nỗi tha hương cho mùa / Người đi đã khẽ khàng chưa / Kẻo làm vỡ tiếng chuông chùa mỏng manh”.
Trở lại với những năm của Nằm im đợi nắng thức, với: “ Đành nằm im ảo vọng / Giấc mơ này đối trọng giấc mơ kia / Những giấc mơ sự sống / Thức giùm tôi lồng lộng nắng trời”, Trần Hoàng Nhân từng tâm sự trong một cuộc phỏng vấn rằng khi nào có hứng thú là viết, in sách tặng bạn bè, chứ mình không làm thơ “chuyên nghiệp”.
Thực ra, cái từ “chuyên nghiệp” hay “nghiệp dư” có vẻ hơi dị ứng với nhiều nhà thơ, không riêng gì Trần Hoàng Nhân. Với Nhân, thơ cũng như mây trời, tình yêu, niềm nhớ thương dọc hành trình đời người, gắn vào nó những từ “chuyên nghiệp” hay “nghiệp dư” đều có vẻ lủng củng. Ta chỉ cần biết, Trần Hoàng Nhân đã sống thực lòng với thơ: “ Tận tâm gió thổi hết chiều / Dốc lòng cây ngã nghiêng theo bóng hình”. Và không cần phân định nhà thơ nhặt nhạnh từ sàn diễn hiện thực đời sống hay nhặt nhạnh từ đời sống hiện thực sàn diễn: “Mặt đen mặt trắng mặt người / Tan nước trong lửa, tan cười trong đau”. Và lắng lòng với sự trở đi trở lại nhiều lần trong con người sôi nổi một lời tự thú: “Thì em vẫn cứ là em / Anh về một bóng ngọn đèn sương rơi”.
Quê hương cũ và cuộc nhập cư mới của nhà thơ đâu chỉ hàm nghĩa từ Phú Yên đến Sài Gòn. Nó diễn ra thường hằng trong nhịp điệu trái tim thi sĩ, bất chợt tự vấn: “Ngóng tìm như thể đường xa / Một hôm mây trắng nhớ nhà về đâu?”, thảng hoặc đặt ra tình huống: “Ở nhà lại tưởng xa nhà / Người mong khoảng cách để mà nhớ thương”. Có phải những giả định ấy sẽ là bóng cây nhỏ, nhịp cầu đơn sơ trên con đường thơ nhiều suối lắm đèo và dằng dặc những nắng mưa? Có một quê hương trừu tượng của nhà thơ là xứ thơ, nơi khởi nguồn và hoàn mỹ những cảm xúc, nhịp điệu của cội rễ và của hương hoa. Trần Hoàng Nhân đã từng thử sức trên nhiều thể loại thơ và giờ đây đã chọn tuyền lục bát để giải trình “cuộc nhập cư” một niềm thơ từ lòng mình đến lòng người. Và theo mong ước khiêm nhường của Nhân, trình làng một tập thơ để tìm những đồng cảm trước tiên trong phạm vi anh em bè bạn, những người thân yêu.
Về để mà đi, đi để mà về là một phương trình nhiều ẩn số của nhà thơ, trong đó có Trần Hoàng Nhân. Với thơ, đôi khi cái mơ hồ nằm ở sự rạch ròi và cái rạch ròi nằm ngay ở sự mơ hồ mà mỗi nhà thơ có cách kiến trúc riêng, phát lộ riêng. Những tác phẩm sẽ tự nói về nó và mỗi độc giả sẽ có cách cảm nhận riêng với cuộc “Nhập cư cả bóng lẫn hình / Bén như dao cắt cuộc tình tha hương” của Trần Hoàng Nhân.
Tôi lặng lẽ dõi theo con đường ấy, bóng một nhà thơ đã và đang để lại trong tôi nhiều sự cảm mến. Một gương mặt trẻ có ấn tượng trong dòng chảy thơ ca hôm nay. Trần Hoàng Nhân nhẹ nhàng nhặt lấy những cái tĩnh giữa cái động, nét dại khờ giữa cuộc khôn ngoan, chút trong trẻo giữa bụi đường mờ mịt… và “Sẵn sàng cho một cuộc chơi / Cơm chay giữa chợ mời người tĩnh tâm”. Tôi cơ hồ chưa nói hết những gì cần phải nói về lục bát Trần Hoàng Nhân. Với bản lĩnh ấy, tôi tin sự lan tỏa sẽ không hề ngưng nghỉ.

Nguồn: eVan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét