Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Dòng thơ trẻ cần mang những tình cảm và tâm hồn của thời đại


40 năm trước, Báo Nhân Dân ngày 29/12/1970 đăng bài Dòng thơ trẻ cần mang những tình cảm và tâm hồn của thời đại của Nhà thơ Hoàng Trung Thông phê bình thơ Lý Phương Liên và Việt Phương, xin đăng lại như một tư liệu tham khảo.
D
òng thơ trẻ
cần mang những tình cảm
và tâm hồn của thời đại

.
Hoàng Trung Thông
 

Báo Nhân Dân, Thứ Ba, 29/ 12/ 1970
 .
Trong dòng thơ trẻ trên miền Bắc hiện nay, xuất hiện nhiều cây bút có triển vọng, phần đông gắn bó với cuộc sống, xông xáo trên mặt trận sản xuất và chiến đấu, kết hợp tâm hồn mình với tâm hồn thời đại trong sáng, cao đẹp và rộng lớn. Họ có những đóng góp đáng khuyến khích cho phong trào thơ, nhưng đồng thời cũng có những mặt non yếu về tư tưởng và cuộc sống mà chúng ta cần quan tâm.
Những bài thơ của Lý Phương Liên lần đầu tiên được đăng báo Nhân Dân và các báo khác đã được đông đảo bạn đọc chú ý. Thơ Lý Phương Liên đến thẳng với trái tim người đọc bằng những hình ảnh xúc động, bằng cách nói trực tiếp và không kém phần sâu sắc. Từ một cảnh ngộ cụ thể làm ra, những bài thơ hay của Lý Phương Liên mang bản sắc riêng, khá cụ thể, khá sinh động, không trộn lẫn với những người khác mà rất gần gũi với chúng ta. Từ hình ảnh người cha "khi mắc dây thường hay thổi sáo" và có "đôi tay săn như gọng kìm", người mẹ "lặn lội thân cò nơi phố chợ ven sông" đến người yêu "chim bằng chẳng thề quanh ra quẩn vào", thơ của Lý Phương Liên không phải là cuộc sống vụn vặt, không đáng để ý. Từ những sự việc bình thường đó, người làm thơ đã nâng lên thành những cảm xúc thơ, trong sáng, và có khi đạt đến ý nghĩ rộng lớn của đời sống. Ca đêm là một ca mất ngủ, mệt nhọc, mà một người công nhân bình thường lại nhìn thấy đó là một "ca bình minh" với sáng tạo, sinh sôi, và thắng lợi:
Em gọi ca ba là ca bình minhÝ nghĩ ấy gặp em như một sự vô tìnhĐêm ca ba đi dọc đường Nam BộTay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng CỏĐưa bộ đội lên đườngCác anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trườngĐón bình minh đất nước...
Lời ru trong đêm là một bài thơ khá độc đáo, tác giả đã mượn tiếng ru khi ngủ để nói lên thái độ làm hết sức mình khi lao động.
Trong những bài thơ này, Lý Phương Liên đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống lao động hằng ngày trong xã hội chúng ta.
Ai cũng muốn mỗi ngày cuộc đời là một ngày sống đẹp
Bức tranh xã hội trong thơ Lý Phương Liên chưa thật giàu có, nhiều vẻ, nhưng đôi lúc Lý Phương Liên đã nói được những vấn đề lớn của dân tộc. Em mơ có một phiên tòa là một bài thơ thể hiện được tình cảm đó. Ở đây, niềm đau riêng đã hòa vàotrong cuộc đấu tranh chung của dân tộc, tiếng nói căm thù ngắn gọn đã trở thành lời buộc tội đanh thép của những người đang chiến thắng. Đoạn đầu của bài thơ thật cảm động: Một phiên tòa với sự có mặt của các đồng bào khu phố, các đồng chí công an hộ tịch và "Năm chị em ngồi sát bên nhau". Rồi sự xuất hiện của người mẹ đã mất:
Và sau làn hương trầm thoáng nhẹMẹ em vềMẹ em vềMẹ em về làm một người minh chứng
Những đoạn sau của bài thơ là cả "bầy giặc lái cúi đầu im lặng" trước sự thực của những lời buộc tội chắc nịch. Bài thơ còn thiếu sự cô đọng cần thiết, nhưng đã có sức truyền cảm khá mạnh. Bài thơ còn có sự lẫn lộn khi đặt ngang hàng cả chúng nó và chúng ta đều cầm súng, nhưng nói chung, là một bài thơ đạt.
Thơ Lý Phương Liên vốn hồn nhiên, giản dị, xúc động như vậy, và một số t/t bài đăng báo đã tạo cho tác giả một dáng dấp riêng, một cách nói mới. Song bài thơ Nghĩ về Thúy Kiều đăng trên báo Văn nghệ lại làm cho người đọc ngạc nhiên về một giọng thơ khác hẳn: Rắc rối, cầu kỳ trong diễn tả, yếu đuối, sướt mướt trong tình cảm, bi quan, tăm tối trong tư tưởng. Lý Phương Liên hình như cũng muốn từ một cảnh ngộ riêng mà vươn đến sự trong sáng. Nhưng những gian nan, mất mát đè nặng trên người cứ được tô đậm lên mãi trong thơ, càng làm cho bài thơ chìm đắm trong xót xa, trong tiếng kêu rên, và nếu như tác giả muốn "thét lên", thét lên nữa thì đó cũng chỉ là tiếng thét của sự bất lực. Tự minh vận cho hoàn cảnh Thúy Kiều đã là một chuyện không nên về lạc lõng, đặt vấn đề "định mệnh" ra để chống định mệnh lại là một tư tưởng lỗi thời. Tác giả nói "Tuổi hai mươi không tin vào định mệnh. Định mệnh là đối thủ tiến công". Nhưng thực ra thì tư tưởng định mệnh đã như sợi dây vô hình trói chặt lấy người mình và tác giả cứ phải giãy giụa kêu lên thảm thiết với nhữnh nào "gõ cửa cuộc đời" (Cuộc đời nào?), những nào " tự mình giải phóng", "tự cứu", với thứ triết lý vu vơ "không ngọt êm mới là hạnh phúc" (!). Hình như tác giả đã đặt nhầm nơi và không thấy rõ hết bản chất chế độ ta. Một vài bài thơ khác cũng còn rơi rớt một số chữ, số câu mang tư tưởng, tình cảm nặng nề như thế.
Nghĩ về Thúy Kiều có một khoảng cách khá xa về tư tưởng và tình cảm với những bài trong sáng khác của Lý Phương Liên. Đó là một dòng đục đã chảy lẫn vào dòng suối thơ trong trẻo tươi mát của tác giả. Lý Phương Liên, qua bài Nghĩ về Thúy Kiều, chưa đặt mình trong hoàn cảnh chung của nhân dân và dân tộc, mà nâng mình lên tầm cao của cách mạng. Cái đau khổ riêng của cá nhân dẫu sao cũng chỉ là rất nhỏ so với sự hy sinh vĩ đại và sự anh hùng cao cả của nhân dân và dân tộc. Chỉ ngồi than thở với cảnh ngộ cá nhân thực tế là đã tự hạ thấp mình xuống.
Lý Phương Liên còn rất trẻ và có năng khiếu khá rõ. Sống thực thà và gắn bó sâu sắc với cuộc sống mới, thấm nhuần lý tưởng cao đẹp của thời đại, Lý Phương Liên có thể mở rộng hồn thơ của mình ra ngoài xã hội rộng lớn để đi xa hơn nữa về thơ, và để có những đóng góp tốt trong dòng thơ trẻ hiện nay.
*****
Việt Phương không phải còn quá trẻ. Nhưng Cửa Mở của anh lại là một tập thơ đầu. Thực ra đây là một tập gồm nhiều bài thơ anh viết trong nhiều năm. Việt Phương làm thơ thiên về cảm xúc trí tuệ. Những bài thơ anh viết ít khi từ một cuộc sống, một con người cụ thể, mà thường là một sự tổng hợp nào đó mà anh bắt nắm được bằng sự thông minh và cả bằng cảm xúc của mình. Bài thơ Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương viết vào lúc Bác qua đời có những câu hay, làm cho người đọc chú ý. Trong bài thơ này, Việt Phương không phải ngồi suy tưởng mà thực sự anh xúc động và đã truyền được sự xúc động của mình đến người đọc. Mặc dù còn những chữ, những câu chưa hoàn chỉnh, bài thơ đã có một sự rung động chân thành và được gợi lên bằng nhiều chi tiết sống. Bài Năm xưa, buổi lên đường trước kia, và bài Âm vang gần đây cũng là những bài viết lên từ cảm xúc trước cuộc sống cụ thể. Ở đây ta gặp một Việt Phương hồn thơ chân chất, sáng trong, tình cảm hồn nhiên, tươi thắm:
Một tâm hồn cởi mở rất hồn nhiênCười vui đổi má thoáng đồng tiềnO dân quân hát trên đồi ấyCó phải anh hùng cũng chính em
Nhưng những bài thơ như thế không nhiều trong tập thơ Cửa mở. Nhiều bài thơ khác của anh thiên về sự suy tưởng. Suy tưởng là một yếu tố cần thiết trong thơ, và chính chúng ta cũng thường nói thơ ta còn thiếu những cảm xúc trí tuệ. Việt Phương có đưa được chất trí tuệ vào trong thơ, và thơ anh không phải không có những câu suy nghĩ sâu sắc. Nhưng thường thì anh đẩy sự suy tưởng ấy đến chỗ trừu tượng, thuần lý. Thơ anh vì thế dễ mang tính chất tư biện. Câu thơ của anh có cái dáng dấp cao sâu mà thiếu sức nặng của một sự sống giàu có bên trong. Anh phải mượn đến tri thức có khi còn chưa nhuyễn, để bù đắp vào cảm xúc thiếu thốn của mình. Bài thơ của anh thường còn xộc xệch vì thiếu mối liên hệ bên trong thật chặt chẽ, thiếu sự cụ thể về không gian, thời gian, và có sự gò ép, cường điệu trong suy nghĩ. Thêm vào đó, vì muốn làm cho câu thơ mới lạ, nhiều lúc anh đã lạm dụng ngôn từ, đầy bài thơ đến cầu kỳ, rắc rối, khó hiểu và xa lạ với quần chúng. Một vài bài thơ, đoạn thơ đã đi đến bí hiểm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho những suy nghĩ vốn chưa đủ chín chắn của anh dẫn đến những chỗ lệch đáng tiếc.
Việt Phương qua tập thơ Cửa mở muốn nói lên những ý nghĩ và tình cảm chân thành của mình đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân dân ta, đối với Đảng, với Bác và cả đối với những vấn đề của nhân loại. Anh nói về Bác bằng những lời tha thiết:
Ta sẽ nói một lời tha thiết nhấtVề Người đi soi sáng chất con ngườiVề vết mòn hằn trên đôi dép lốpChiếc áo bông quen mặc vá ngang vai
Anh cũng đã cố gắng để viết về nhân dân ta anh hùng đánh Mỹ với tư thế của những người chiến thắng. Nhưng tại sao trong nhiều bài thơ và câu thơ của anh, ta bỗng thấy niềm tự hào xen lẫn tự kiêu, nỗi vui vừa cất lên đã bị nỗi đau thắt lại, và vẻ hào hùng bên ngoài chứa đựng cả sữ yếu ớt bên trong. Đó là vì có những điều anh chưa cân nhắc đầy đủ mà đã vội nói ra, anh nhận thức chưa đúng mà đã vội khẳng định để có những sơ hở, lệch lạc. Đó là vì cách nhìn, cách nghĩ của anh vẫn còn vướng vất những gì chưa ổn, chưa đúng. Trong bài Cây sấu quê hương không phải không có những đoạn anh nhìn hiện thực tối tăm, mặc dù cả bài thơ là muốn nói "những chồi dậy biếc niềm vui". Ta nhìn trời đêm nay và ta đọc là một bài thơ anh để vào đấy nhiều suy tưởng của mình về chiều rộng và chiều sâu của lịch sử. Tôi không muốn nói đến cách phá chữ "NGƯỜI" cầu kỳ của anh. Cách nhìn của anh về xã hội tư bản có gì chưa biện chứng; ở đây, anh chỉ thấy có bóc lột, dối lừa, và sự tha hóa con người, anh chỉ nhìn thấy những kẻ "chán chường muốn mửa cuộc đời ra" và những người "đánh đi cả niềm tin". Nhưng anh không nói được ở đó cuộc đấu tranh giai cấp cũng đang quyết liệt diễn ra với nhiều nhân tố lành mạnh và tiến bộ. Nay ở nơi đã "NGƯỜI" rồi mà anh ca ngợi, anh vẫn còn trĩu nặng tâm tư. Một xã hội tốt đẹp đến đâu cũng vẫn chưa hết người xấu. Nhưng khi anh viết: "Ta đã thấy trong con người ôi biết bao bẩn thỉu", thì trong câu thơ khái quát về con người đó mang khá rõ mầu sắc của chủ nghĩa hư vô, mặc dù anh sẽ nói: "Sức người vươn cao đến triệu lần hơn".
Anh nói quá nhiều đến nỗi đau, một nỗi đau không cụ thể.
Chúng ta không rõ hết nỗi đau đây là nỗi đau gì? Rất có thể viết về nỗi đau lắm chứ, nhưng nỗi đau đó phải xuất phát từ đâu, phải từ những thực tế gì cụ thể và phải nói cho đúng lập trường và quan điểm cách mạng. Thực ra cũng không nên thi vị hóa nỗi đau quá đáng, nếu không ta sẽ rơi vào hạng người "không bệnh cũng kêu rên". Hình như anh có "một nỗi đau người" canh cánh bên lòng như anh đã viết trong bài Nỗi đau trái đất. Ở đây nỗi đau quá lớn. Cho đến khi con người đã cất cánh bay lên mà "nỗi đau người" vẫn "trùm lên cõi vô biên". Anh muốn lấy nỗi đau để miêu tả niềm vui của con người, "Ôi cuộc đời người vui cả đến khi đau", nhưng bài thơi lại làm cho nỗi đau "không sao chuyển thành vui được". Anh hay nói đến tình yêu thương và con người nhưng đôi khi anh chưa vượt qua nổi giới hạn của chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng. Anh viết:
"Ta thắng Mỹ cho ngàn vạn năm đời sắp tớiCho cả thời cháu con ta sẽ hỏiVì đâuNgày xa xưa trước năm 2000Người ta giết nhau mạng người như hòn sỏi"
Tại sao lại "người ta"? Phải chăng "người ta" đây là bao hàm cả chúng ta trong đó? Không thể và không nên lẫn lộn như vậy. Không những chúng ta bây giờ không được lẫn lộn, mà con cháu ngàn đời sau cũng không được lẫn lộn như vậy. Nếu có hỏi thì nên hỏi: Vì đâu cha ông ta trước năm 2.000 đã có sức mạnh kỳ diệu đánh thắng nổi giặc Mỹ, bọn quỷ xâm lăng chỉ thèm chém giết?
Anh lại viết:
"Niềm vui đánh Mỹ này cuối cùng cũng như cánh cửaTa mở để đi vào nhà taNơi ấy ta có quyền quên đi chẳng nhớnhững oán thù trĩu nặng mỗi nhành hoa"
Tại sao đánh Mỹ xong rồi lại có quyền quên đi những oán thù? Mà việc gì phải đòi cái quyền ấy. Đáng lẽ nói ta phải nhớ mà nhân loại cũng cần phải nhớ chứ. Nhớ lấy, phải nhớ lấy mãi để đừng quên đấu tranh, đừng ngủ trên giường êm của chủ nghĩa hòa bình mới được.
Những ý nghĩ chân thành của anh về Đảng cũng còn thiếu cơ sở thật sâu về giai cấp, dân tột và cách mạng. Đôi lúc anh cũng bị rơi vào những định nghĩa chơi vơi, trừu tượng và không đúng.
Anh chế giễu niềm tin ngây thơ nhưng lại từ sự thiếu một niềm tin vững chắc của mình.
Anh có cái nhìn tự hào về dân tộc mình và đi đến tự kiêu, nhưng lại thiếu tấm lòng tôn trọng đúng mức các dân tộc khác.
Chính cái nhìn còn đượm mầu sắc hư vô và hoài nghi, bi quan còn rơi rớt chủ nghĩa nhân đạo chung chung đã ảnh hưởng đến nhiều câu, nhiều đoạn trong tập thơ Cửa mở của anh.
Việt Phương biết khá nhiều sự kiện của đời sống, nhưng anh chưa có được những cuộc sống thật cụ thể. Anh muốn ca ngợi hiện thực của cách mạng và nói đến nhiều mặt phức tạp của hiện thực, nhưng anh thiếu một sự suy nghĩ thật chín chắn, thiếu một sự hiểu biết thật toàn diện. Anh suy tưởng mà thiếu sống. Anh thích nói những vấn đề to tát mà chưa đủ sức để nói tậht đúng. Anh táo bạo mà chưa chắc, lại còn thêm cái giọng kênh kiệu chen vào. Anh tìm tòi mà đang chuệnh choạng chưa có hướng đi thật vững vàng.
Anh chị em trẻ đem đến cho thơ những cách cảm xúc mới, những cách nói mới và những nét mới của tâm hồn. Nhưng không phải không có một số anh chị em trẻ quan tâm quá nhiều đến cách nói. Có anh chị em còn lẫn lộn cái độc đáo với cái lập dị, lẫn lộn cái mới, sâu với sự rắc rối, cầu kỳ, cái hiện đại với việc cắt đứt truyền thống dân tộc, lẫn lộn cá tính với những trăn trở, dằn vặt, suy tính cá nhân tách rời quần chúng, lẫn lộn tính chân thực cách mạng với tính "chân thực" tiểu tư sản. Không tìm tòi cái mới kể cả trong hình thức của câu thơ là sai lầm, nhưng chỉ quan tâm đến cái mới hình thức, thậm chí cái mới vay mượn thì lại càng nguy hiểm. Sống, sống thực sự và sống say mê với lý tưởng lớn của thời đại và của thanh niên, để sáng tác nên những vần thơ giàu sức sống, giàu tâm huyết, mang những tình cảm và tâm hồn của thời đại, đó vẫn là vấn đề hàng đầu của dòng thơ trẻ chúng ta hiện nay.

Hoàng Trung Thông
Báo Nhân Dân, Thứ Ba, 29/ 12/ 1970

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét