Bình Nguyên Trang giọt giọt huê tình
.
HOÀNG VIỆT HẰNG
.
Bình Nguyên Trang có một tuổi thơ sớm biết buồn, một nơi đi về heo hút ở thị trấn nhỏ Yên Định, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nơi đó phủ đầy ký ức mờ sương trong hồ nước, những nóc nhà thờ tĩnh lặng thinh không, những tiếng chuông ngân trong không gian cuối chiểu mùa đông ảm đạm. Mười tuổi Trang đã phải xa nhà để đi học trường nội trú. Sớm rời xa vòng tay mẹ nên Trang đã viết được những câu thơ thế này “Con lạc mẹ đã bao nhiêu năm/mỗi thiếu thốn dài 365 ngày sống”(Tích tắc thời gian). 365 ngày của một năm, chọn hai từ “thiếu thốn” thật đúng chỗ, thật đắt tâm trạng để diễn tả thời gian sống, không gian sống tính bằng năm của một đứa con xa nhà. Lối diễn đạt giản dị của Bình Nguyên Trang trong bài thơ khiến người đọc dường như phải đọc cầm chừng, để thương cảm tình mẫu tử trong câu thơ dồn nén. Chỉ những ai thiếu vắng hơi mẹ từ thủa nhỏ mới thấm thía điều này. Trang làm thơ về sự ở trọ của mình, với rất nhiều trở trăn lớn hơn tuổi mình: “Em lớn khôn từ những ngôi nhà trọ/với lo âu điện nước sách đèn/với bạn bè những đêm đói lả” (Ở trọ)….để học trên đường “những bài học nhỏ”, và cả để tìm kiếm tình yêu viết hoa trong cuộc đời này.
Với tình yêu, gần mười năm về trước, ở tập thơ: “Chỉ em và chiếc bình pha lên biết”, Bình NguyênTrang đã thú nhận rằng: “Em chẳng biết vì sao em yêu anh”. Đó là lần thú nhận rất thành khẩn, không ngụy biện không rào đón, dù cho “Chỉ có bông hoa cất từ nước mắt/ nở trong lòng em hai chữ vô tình”. Khi đó Bình Nguyên Trang còn rất trẻ, hai mươi lăm tuổi, đã viết được câu thơ thức ngộ thế này: “Chiếc bình pha lê/ gìn giữ nó khó khăn như giữ gìn hạnh phúc/ Nếu rớt xuống nó sẽ vỡ thành trăm giọt nước mắt…” (Chỉ em và chiếc bình pha lê biết).
Thứ tình yêu trái đắng, hẳn là chị đã nếm trải và tận hưởng, để viết câu thơ gan ruột: “Em đã tưới hoa bằng nước mắt của em”. Cũng từ lúc thú nhận thành khẩn về tình yêu đó, cách nhìn đêm của Bình Nguyên Trang khác lạ: “Vực dậy một ngày đã chết trong ta”. Nghĩ ngợi nhiều hơn cần thiết ở độ tuổi này, những đêm tình yêu của Trang chất đầy tâm trạng: “Em nhìn đâu cũng giống cánh đồng không”….
Từ góc nhìn tình yêu chuyển sang góc nhìn đời sống, Bình Nguyên Trang đã nhìn nhẩn nha những thân phận cuộc đời nghèo khó. Tôi tin rằng, để có thể biết chia sẻ thương cảm từ rất sớm với cuộc đời, với số phận con người, trái tim nhà thơ phải lớn hơn cuộc đời này. Hãy nhìn khung cảnh phố huyện nghèo trong tâm trạng của kẻ đi xa ngày trở về, thật buồn: “Phố huyện mình đêm mùa đông rất đắng/ lam lũ những cuộc đời hằn vết bánh xe” (Phố huyện). Về quê, người làm thơ cúi xuống nhìn đất đai nơi nuôi mình khôn lớn: “Về quê đi em mà rõ hình hài /mà hoang sơ một tình yêu mặt đất/mà buồn tênh một gương mặt thật/ một bàn chân tõe ngón ruộng đồng…” (Về quê).
Nhớ nhung của đứa con xa nhà, khi nào cũng đắng chát vị chè xanh. Riêng nỗi nhớ tình yêu lại tràn ra mắt ướt: “Mắt em ướt suốt cả thời con gái/khi anh đi em thành loài hoa dại”. Ở một lúc khác, tình yêu làm chị không “sắp xếp nổi mình”: “Em yêu anh không cần nhớ ra mình nữa/ngay cả tiếng cười cũng vỡ vào anh”. Tôi ngạc nhiên khi trong “Bài ca về người đàn bà” Bình Nguyên Trang viết: “Mẹ sẽ tập cho con cách bảo hành cuộc sống”. Đời người- mỗi chúng ta chỉ bảo hành được những hiện vật như đồng hồ, máy tính, ti vi …, duy chỉ có trái tim người mẹ là có thể dạy con “cách bảo hành” cuộc sống. Cách bảo hành ấy có ý nghĩa ra sao, tùy thuộc vào chính tình yêu và trái tim người đàn bà, người mẹ ở cõi nhân gian này. Ở một “đối diện” khác, trong bài “Soi gương”, chị lại nhìn: “Thấy đằng sau mình còn trái tim mười bảy/thấy phía trước mình một câu hát bay đi”. (Soi gương). Soi gương để nhận diện mình, và quan trọng là để thể hiện một “chính kiến”: phủ nhận chiếc gương hay là để chiếc gương lừa dối mình.
Nhớ nhung của đứa con xa nhà, khi nào cũng đắng chát vị chè xanh. Riêng nỗi nhớ tình yêu lại tràn ra mắt ướt: “Mắt em ướt suốt cả thời con gái/khi anh đi em thành loài hoa dại”. Ở một lúc khác, tình yêu làm chị không “sắp xếp nổi mình”: “Em yêu anh không cần nhớ ra mình nữa/ngay cả tiếng cười cũng vỡ vào anh”. Tôi ngạc nhiên khi trong “Bài ca về người đàn bà” Bình Nguyên Trang viết: “Mẹ sẽ tập cho con cách bảo hành cuộc sống”. Đời người- mỗi chúng ta chỉ bảo hành được những hiện vật như đồng hồ, máy tính, ti vi …, duy chỉ có trái tim người mẹ là có thể dạy con “cách bảo hành” cuộc sống. Cách bảo hành ấy có ý nghĩa ra sao, tùy thuộc vào chính tình yêu và trái tim người đàn bà, người mẹ ở cõi nhân gian này. Ở một “đối diện” khác, trong bài “Soi gương”, chị lại nhìn: “Thấy đằng sau mình còn trái tim mười bảy/thấy phía trước mình một câu hát bay đi”. (Soi gương). Soi gương để nhận diện mình, và quan trọng là để thể hiện một “chính kiến”: phủ nhận chiếc gương hay là để chiếc gương lừa dối mình.
Nhan sắc có thể là một tài sản của người phụ nữ độ tuổi thanh xuân. Tuy nhiên, thời gian hóa thạch thì nỗi lo âu tuổi già ập đến. Nhìn trực diện hay tự lừa dối mình, chia sẻ với gương, chia sẻ với son phấn, câu hỏi ấy, tâm trạng ấy rất đàn bà, rất nữ nhi. Dù là nhìn màu son của thiếu phụ “Nghe trong hư vô lời trối trăng của lá/nhạt dần những vết son tươi” (Người đàn bà trên toa tàu trễ giờ) hay đôi mắt lặng im của người mẹ Tây Nguyên, Bình Nguyên Trang đều có một cảm nhận rất riêng về thân phận đàn bà. Lối cảm của một tâm hồn giàu tính nữ mới có thể viết câu thơ này: “Nơi bầu vú của triệu ngày đã cũ/nở bao nhiêu gương mặt hoa quỳ”(Bà mẹ Tây Nguyên).
Có một lần quay về chùa Hương Tích, người làm thơ Bình Nguyên Trang không xin gì Đức Phật, thánh Mẫu cả. Không xin gì vì chị đã ngộ: “Không cầu xin Đức Phật/trên xứ hoa mơ này/em đây và anh đấy/tay đang nằm trong tay” (Ở chùa Hương). Sự thản nhiên ấy khiến ta nghĩ, dường như nhà thơ đã nhìn thấy bông hoa tình yêu nở giữa đời.
Có một lần quay về chùa Hương Tích, người làm thơ Bình Nguyên Trang không xin gì Đức Phật, thánh Mẫu cả. Không xin gì vì chị đã ngộ: “Không cầu xin Đức Phật/trên xứ hoa mơ này/em đây và anh đấy/tay đang nằm trong tay” (Ở chùa Hương). Sự thản nhiên ấy khiến ta nghĩ, dường như nhà thơ đã nhìn thấy bông hoa tình yêu nở giữa đời.
Ở trong nhiều bài thơ tỏ rõ sự chắc tay trong nghề của mình, Bình Nguyên Trang luôn cúi xuống phận mỏng người tài, bài thơ viết về nghệ nhân hát xẩm HàThị Cầu thật hay. “Từ những ngón tay gầy guộc/từ đôi bàn chân tõe ngón/từ nơi nào mưa sa xuống/trên thân cây nhị mơ hồ”... Và “thuộc” người nghệ nhân già như “thuộc” mẹ của ta vậy. Bình Nguyên Trang đặc tả lý lịch bà Cầu giản đơn mà xúc tích: “Con thì đem gửi cho người/chồng xa cách mười tấc đất/còn lại ưu phiền chất ngất”. Phận đàn bà, lại là đàn bà hát rong, có biết bao nỗi niềm làm ta rơi lệ, và nhà thơ thì chỉ biết ngầm chia sẻ: “Đàn bà như thế thì thôi/ rượu uống vào say lại tỉnh” (Một giọt huê tình)... Sau những lời xẩm xoan kia, là giông bão, là mưa gió, là “bơ vơ mấy nẻo đất trời” mà Bình Nguyên Trang cảm nhận được…Đọc bài thơ này, tôi không chỉ thấy Bình Nguyên Trang nhìn ra “một giọt huê tình”, mà giọt giọt huê tình trong đời bà Cầu hát xẩm, những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thập kỷ thứ nhất của thế kỷ 21 này. Không mấy ai thấu nông nỗi bà Cầu, hay chính là thấu nông nỗi cô độc của đàn bà viết hoa như chị!.
Ở chùa Hương Tích không thấy Bình Nguyên Trang cầu xin gì, nhưng giờ đứng đối diện với bà Cầu nghèo khó, hát hay như dứt thịt da, thì Trang “xin hai hàng nước mắt/ đừng như mưa trong chiều này”... Phải quay quắt trong dằn vặt má hồng lắm nhà thơ mới viết như vậy. Đặt sự mềm yếu cô liêu vào nước mắt, xin xỏ nước mắt từ tim mình đừng tứa ra như mưa, tâm trạng ấy chỉ có chiều nắng vàng trước hiên nhà bà Cầu biết, chỉ có đất Nam Định biết. Và có thể ngay cả bà Cầu cũng không hay đời mình có thơ người viết tặng. Nhưng riêng nỗi đau thương cảm của một nhà thơ với số phận người đàn bà là mãi còn nghẹn ngào. Nỗi đau này, tôi trộm nghĩ, là hệ số nhân cho nhân dân cần lao. Và dường như, đó cũng chính là điểm tựa cuối cùng của người viết hóa thân vào thi ca.
Cùng một cách nhìn nỗi đau chìm đi, nhưng khác biệt -trong một “triển lãm hạnh phúc” được sắp đặt, được diễn để mọi người chiêm ngưỡng, Bình Nguyên Trang lại nhìn thân phận người đàn bà với một tâm thức khác. Bài thơ “Trong triển lãm có tên Hạnh Phúc” là một bài thơ hay, bố cục chặt, tứ thơ dấu kín, thể hiện một tâm thức nổi loạn rất lặng im, rất khốc liệt, và cũng rất đàn bà trong cá tính thơ Bình Nguyên Trang: “Chị đập vỡ chiếc khung/ trượt khỏi giấc- mơ –treo- tường/ căn phòng lã chã/vết bàn chân lội qua giông gió”. Nỗi đau được nhìn nghiêng rồi được thả lên trời: “Ôi khuôn mặt nhìn nghiêng/như không ngừng dấu hỏi/ Người đàn bà đứng trong triển lãm/ Phơi bày một niềm vui/ mà nỗi buồn đã bảo tàng/ vĩnh viễn” (Trong triển lãm có tên Hạnh Phúc).
Không có gì mới, khi người từng trải hiểu rất rõ hạnh phúc là mong manh dễ vỡ. Còn Bình Nguyên Trang lại nhìn nhận nỗi buồn, trong chính mỗi bảo- tàng- lịch- sử -đời -người. Chỉ có người phụ nữ đã từng, đã dám, đã biết đi qua đau khổ, vật vã mới nhìn ra được góc khuất này. Bài thơ cũng có góc khuất, góc sáng. Nó gieo vào ta câu hỏi : Liệu hạnh phúc có thật không, trên cõi nhân gian này? Và câu trả lời là, hạnh phúc có hay không nằm trong chính sự tìm kiếm của người cầm bút, tìm kiếm sự sáng tạo tứ thơ, những bài thơ ngắn không vần.
Đọc Bình Nguyên Trang khó có thể gặp một bài thơ lục bát, một câu thơ phiêu lãng. Đọc chị như đi trên đường gập ghềnh, khi dốc đèo Sa Pa, khi nghe hát xẩm ở nhà bà Cầu ở Ninh Bình đầy ắp vựa lúa, bụng no mà vẫn nghẹn ngào. Đọc Trang có lúc chợt giật mình, nhớ ra ,ta đang ở trong nhà ta, nhưng ta cũng đang ở trọ trong cõi tạm nhân gian này. Không khác kẻ vô gia cư là bao, rồi ta thấm bao nỗi niềm cơ cực của người nông dân trên cánh đồng, bao kẻ đói cơm rách áo như ta. Và hiểu ra rằng trong ngờm ngợp bon chen của đời sống phù du này, muốn có thơ hay, ngay cả người cầm bút cũng cần phải biết tĩnh tâm lại: “Một ngày qua trầm tích một ngày”.
Thơ Bình Nguyên Trang đã đi qua thời gian để “trầm tích” trong nỗi niềm của chính người cầm bút, và của độc giả. Chị còn trẻ, còn thời gian để đi, để phát hiện, để viết, và quan trọng là để vượt lên nỗi buồn riêng, khi đã chọn đứng trong ngôi Đền lớn – đó là hạnh phúc của nhân dân, đau khổ của nhân dân. Ngay cả nỗi buồn nhân loại cũng đã từng được thử thách trước thời gian và gió bão. Rồi ngay cả trong gió bão, con người vẫn luôn tính đến sự vượt lên. Thơ hay cũng cần vượt lên mình. Thơ Bình Nguyên Trang, tất nhiên, rất cần vượt- qua- mình. Không dễ- nhưng với những gì tôi đã đọc, đã thấy trên tóc mây, trên bờ vai trẻ của chị- mà tuổi trẻ thì có thể làm được những điều kỳ diệu, nhất là với thơ ca và sự sẻ chia- tôi có quyền hy vọng ở chị. Những người đàn bà cầm bút!
.
.
Hoàng Việt Hằng
Lethieunhon.com
Lethieunhon.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét