Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Thơ Nguyễn Khôi

3
Thơ Nguyễn Khôi

THƠ LÀ THƠ
(Tặng : BNN & NVH)

Thơ là Thơ
là tâm hồn bay bổng
Là trái tim trong ngục tối tù đày
Là băng đạn vút qua " cửa mở "
Là cái hôn
tay nắm trong tay...

Thơ là Thơ
Là cuộc đời dâu bể
Là khúc ca đứt ruột (đoạn trường)
Là tiếng thét vào bất công - tội ác
không quyền cao - chức trọng
mà SANG...

Thơ là Thơ
Không là lưỡi gươm
đâm vào vầng trăng thơ mộng
Thơ là Thơ
Bổi hổi tối tân hôn..

Ôi, BNN
nếm đủ mùi thế tục
Thơ là Thơ
Vượt trên nỗi điên khùng
Cứ thấm đượm
như mưa mùa nhiệt đới
gieo vào lòng
những hạt nước bâng khuâng...

Hà Nội, rằm tháng ba- Quý Tỵ
Nguyễn Khôi/ Tác giả gửi bài

Nguyễn Văn Hòa viết về thơ Nguyễn Nguyên Bảy

NGUYỄN NGUYEN BẢY, THƠ LÀ THƠ..
Nguyễn Văn Hòa


Tôi không phải nhà văn, nhà thơ. Tôi chỉ là người chép chữ xuôi rồi bảo là văn. Chép chữ vần rồi bảo là thơ. Chép từ hồi tiểu học Lương Yên những năm đầu giải phóng Thủ đô, bạn “lớp chúng mình” gọi đùa Trương Chi. Chép chữ suốt từ ấy đến giờ, ngày nào ít nhiều cũng chép. Tôi là một nghiệp dư thơ. Một nghiệp dư say mê thơ điên cuồng, chép chép ghi ghi và chôn ghi ghi chép chép ấy vào mộ huyệt của im lặng, chỉ thỉnh thoảng, không cưỡng nổi điên khùng, nửa đêm thức giấc, ngửa mặt nhìn trời đọc thơ gửi mây, tặng gió… Thơ là thơ. Vì ba từ của định nghĩa ấy tôi đã suýt xong một đời. Thơ là thơ. Thơ không phải là địa vị của người làm thơ. Mười lăm chữ ấy đủ cho một bản án không tuyên”.
Đây chính là những lời giãi bày gan ruột của Nguyễn Nguyên Bảy về nghiệp cầm bút. Ta có thể coi đó là tuyên ngôn nghệ thuật của ông về thơ. Dù ông không nhận và chưa bao giờ nhận mình là nhà văn, nhà thơ nhưng tôi nghĩ rằng ông xứng đáng để được gọi bằng những danh hiệu cao sang đó.
Nguyễn Nguyên Bảy ý thức sâu sắc rằng: “Thơ ca hiện diện như một chiếc gương, soi vào đấy hiện lên vẹn toàn gương mặt thi nhân. Hồng mặt gương hay xám ngoét mặt gương, thi nhân tự thức”.
Tôi buồn cho ông, buồn cho những người cùng thời với ông vì không gặp thời mà phải lận đận với nghiệp cầm bút. Tôi cũng thực sự khâm phục, kính trọng Nguyễn Nguyên Bảy bởi sự khiêm tốn, thẳng thắn, cương trực; sẵn sàng chịu “phạt” để giữ vững lập trường, để sống và chết với văn chương một cách thanh sạch. Để khỏi phải hổ thẹn với lương tâm và trách nhiệm của một người cầm bút chân chính. “Muốn sống cho thơ, duy nhất một con đường nín lặng mà yêu thơ, mà chép thơ, và chấp nhận một nghiệp dư, mà góp tiếng thơ cho yêu mến đồng bào, cho ngoại sử của non sông”.
Trong bài Tự thuật tội lỗi, nhà thơ kể lại trong sự đau đớn quặn lòng:
/Có một thứ luật pháp/ Chép ra từ miệng quan/ Có một thứ luật pháp/ Không cần xử cần giam/ Có một thứ luật pháp/ Tra khảo bằng phiếu tem/ Có một thứ luật pháp/ Sống là tự chết mòn/

/Tôi phạm tội trẻ con/ Luận Kiều thời chinh chiến/ Biết phận mình ong kiến/ Chẳng dám trách miệng quan/ Cố lùa vào nỗi nhục/ Gối tình ôm sát ngực/ Cố đừng mòn sống ơi…/

Nguyễn Nguyên Bảy là người lặng lẽ sống, lặng lẽ viết, chuyên cần, chăm chỉ khâu gió dệt nắng tưởng như mơ hồ..
Ông là một người am tường chữ nghĩa, người có những hiểu biết sâu sắc về thơ. Tôi thích nhất cách mà Nguyễn Nguyên Bảy gọi những bài bình bằng một cái tên khác cách gọi thông thường đó là “Đò đưa”, cách gọi này vừa quen, vừa lạ, vừa giản dị khiêm nhường nhưng nó cũng hàm chứa ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Phải chăng, cuộc đời cầm bút với những trải nghiệm thực tế đã giúp ông đưa ra những cách gọi mới, sát đúng với thực tế như vậy?..
Đọc những gì Nguyễn Nguyên Bảy viết ta có thể khẳng định những trang thơ của ông chính là những trang đời. Dù ông viết về đề tài, chủ đề gì đi chăng nữa nó cũng thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân ái- “da diết nỗi đời, nỗi người, nỗi nhân tình thế thái.
Cuộc đời ông đã đi và trải qua nhiều thăng trầm, tất cả không sao xóa được, được tạo dựng nên bằng những lớp kỷ niệm. Những kỷ niệm ấy lần lượt sống dậy trong thơ, nó trở thành nỗi nhớ niềm thương và cả những đau xót nghẹn ngào về những tháng năm bần hàn, cơ cực phải làm nhiều nghề để sinh sống. Khi gia đình thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy gặp nạn vì thơ. Họ đành phải rời Hà Nội - mảnh đất mẹ, nơi chôn nhau cắt rốn vào Nam với bao ức uất. Nhưng may mà vợ chồng ông vẫn một mực tin tưởng, yêu đời và nghĩ rằng sẽ có một ngày mai tươi sáng, một ngày nào đó trắng đen sẽ rõ ràng. Tất cả mọi thứ sẽ trở về giá trị thực như nó vốn có. Vợ chồng ông sẽ được minh oan, sẽ sống cuộc đời vui, có ý nghĩa ở những ngày tháng còn lại phía trước. “Niềm tin ấy son sắt lòng tôi và tôi đi theo niềm tin ấy, không sợ cam go, không vướng muộn phiền. Và thơ tôi ra đời như thế, đều đặn, tự nhiên mà sung sướng với đời” (Nguyễn Nguyên Bảy). Dù mấy chục năm xa đất Bắc, xa Hà Nội nhưng trong tâm can vợ chồng ông vẫn luôn hướng về nơi đất Bắc, với một nỗi nhớ cồn cào, da diết. Tất cả cả trở thành máu thịt, niềm yêu thương vô bờ.
Dòng sông thơ mộng, trữ tình mang đậm hồn quê xuất hiện nhiều lần trong thơ Nguyễn Nguyên Bảy. Dòng sông đã in đậm tình yêu quê hương và sự sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ chính là con sông Hồng (sông Cái)- một con sông gắn liền với bao ký ức niềm thương và chở đầy huyền thoại. Phải chăng cũng chính từ con sông Hồng phù sa đỏ nặng này nó tạo nên mạch nguồn cảm xúc dạt dào vô tận cho ông.

/Anh ngụp lặn quẫy đùa thời trai trẻ/ Những chiều sông Cái quê hương/ Nhớ tuần trăng mật chẳng bình thường/ Tình xém chìm trong bể đời nước mắt/ Hỡi quá khứ với bao nhiêu mặn chát/ Ngươi cũng là vị biển của tình yêu
/ (Biển đổ chiều)
/ Sông Hồng sóng vỗ lửa thiêng/ Một con đò đắm mẹ mềm cỏ trôi
/…/ Sông Hồng xác mẹ giạt trôi/ Sông ni dìm chết bao người mẹ ta/ (Qua sông Hiền Lương)
Sau mấy chục năm xa cách, có dịp trở lại con sông này nhà thơ xúc động giãi bày

/Tôi đã yêu một dòng sông/ Năm mươi năm rồi dòng sông có biết?/ Lúc ấy tóc tôi và tóc mình cùng xanh ngọt/ Mà giờ đều trắng hoa lau
/ (Gặp lại dòng sông)
Nỗi buồn miên man chảy trong thơ ông- ông buồn vì nhiều lẽ: buồn vì cuộc sống áo cơm, vì chiến tranh đau thương tang tóc, buồn vì những bất công ngang trái của cuộc đời, buồn vì ước nguyện làm người chưa trọn. Nên thơ ông dày đặc những thanh âm buồn.
Hình ảnh người mẹ, người cha những năm sơ tán được nhà thơ ghi lại trong sự ngậm ngùi:

/Mẹ từ khu sơ tán trở về nhà/ Đi tắt đường ao rau muống/ Trăng hạ tuần lạnh mỏng/ Không soi được bóng mẹ xiêu/ Mấy hôm nay Hà Nội báo động nhiều/ Cha chẳng bao giờ chịu xuống hầm trú ẩn/ Cơm nguội muối rang mặn đắng/ Làm sao nuốt nổi chồng ơi…

/../Súng nhỏ súng to nổ rát phía bờ sông/ Cha thầm thào điều gì mẹ nghe không rõ/ Vài bóng người chạy ngang cửa sổ/ Gọi cha ra đê Sơn Tinh/ Nước lên to đỏ mắt thủy thần/ Nổ một trái bom là đê vỡ/ Mẹ bật hầm chạy ra đê bươn bả/ Bao nhiêu người nằm che thân đê…
/ (Ký ức thư)
Mẹ là thiêng liêng, là kỳ diệu, là tuyệt vời nhất:

Mặt trăng không sinh được con người/ Mặt trời không sinh được con người/ Sinh ra người là mẹ muôn vàn yêu quý của con/ Ai nói lời cảm tạ thần linh/ Chớ quên mẹ muôn vàn yêu quý của con/…/
Hiểu tất cả mọi điều là mẹ/ Đất nghiêng tán lũ vào đồng/ Ở đâu núi chảy ra lửa chết/ Hai bàn tay mẹ làm lành lại hết./ (Nam mô Đất)
Để rồi có lúc thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy bất chợt thấy mẹ hiện về:

/Mẹ lại hiện về lưng còng như trăng
/ Con đâu biết làm gì để lưng mẹ thẳng/ Mẹ bảo đừng cười chua khóc đắng/ Cứ làm thơ trăng cho Hằng vỗ về đời/ (Ký ức còn lại)
Có lẽ dưới nấm mộ sâu, người mẹ cũng thấu hiểu cho nỗi lòng đứa con trai yêu quý đang gặp tai ương, nạn kiếp vì thơ trên cõi trần. Vì ngay từ lúc còn nhỏ, mẹ đã từng ve vuốt: Con cái đứa nào cũng rứt ruột đẻ ra/ Nhưng mẹ thương con nhất/ Thương thằng mộng mị thơ ca. Vốn yêu con, hiểu con nên người mẹ hiện về đã an ủi và căn dặn: “đừng cười chua khóc đắng” mà “Cứ làm thơ trăng cho Hằng vỗ về đời”.

Thi sĩ còn nhớ như in về ngày đưa tang mẹ:

/Đám tang mẹ vắng hai người con trai/ Anh trai trưởng tạ người đến phúng/ Cháu đích tôn tạ người đến phúng/ Người con trai thứ tư ngồi sau quan tài/ Rượu trắng lưng chai/ Nắn nót từng ly mời mẹ/../

Nhà thơ nghẹn ngào, tự trách mình vì chưa làm được gì để giúp mẹ mà chỉ toàn gây bao đau khổ, muộn phiền:

Thời tôi sống đã gây cho mẹ biết bao đau khổ/ Chết rồi mẹ vẫn thương tôi/ Biết bao giờ tôi lại được gặp người/ Để đền đáp yêu thương của mẹ/ Tôi đã sống một đời người hoang phí…

Nhận thức được điều đó, vốn là một người con hiếu nghĩa, nặng tình với mẹ nên Nguyễn Nguyên Bảy đã: Lạy Càn Khôn, tôi nguyện sống tu thân theo mẹ/ Sau trăm tuổi xin cho tôi về làm mùa tứ quí/ Để hầu hạ mẹ tôi… (Mùa tứ quí)
Ước nguyện “làm mùa tứ quí”, đấy là sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà thơ. Ở thế giới bên kia người mẹ cũng cảm thấy ấm lòng vì có đứa con trai tuyệt vời đến vậy!.
Bài thơ dài Lời nghĩa trang là bài thơ tạo nên sự ám ảnh, day dứt, gây thổn thức và cấu véo tâm can người đọc:

/Chúng tôi đã thành cát bụi cả rồi
/  Những người con gái con trai thiết tha yêu đất nước/ Tôi hy sinh mùa thu 45/ Đòn gánh phá kho thóc/ Tôi hy sinh trong chiến dịch Thu Đông/ Áo trấn thủ vợ may sũng máu/ Tôi hy sinh năm 50 Biên Giới/ Trong reo hò đồng đội xung phong/ Tôi hy sinh giữ khúc điệu hào hùng/ Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/ Tôi hy sinh khi nhận thấy ngọn cờ/ Bay phần phật trên nóc hầm Đờ cát/…/
/../Tôi hy sinh những ngày cuồng sát
/ Núi sông chia cắt Hiền Lương/ Tôi hy sinh ngoài địa ngục Côn Sơn/ Lưng chằng chịt lằn roi cá đuối/ Tôi hy sinh những ngày 59 luật 10 máy chém kéo lê/ Tôi hy sinh trong tức nước vỡ bờ/ Cái sống đứng lên Đồng Khởi/.../
/Chúng tôi hy sinh trăm ngàn cách khác nhau
/ Người còn nguyên hài cốt/ Người chỉ là tờ báo tử mầu xanh/ Chúng tôi hy sinh không nhớ thời gian/ Non sông ba chục năm loạn lạc/ Chúng tôi chết khắp mọi miền đất nước/ Rừng dài biển thẳm non cao/ Chúng tôi người vừa tân hôn/ Người trầu cau mới dạm/ Người đã có con dâu con rể/ Cha vượt sóng con băng rừng/ Chúng tôi chết nhớ triền đê/ Chết vọng về đồng bể/ Chết lang thang quay hồn về núi/ Tìm suối chảy ra sông/ Tất cả chúng tôi không thể già hơn/ Mộ đời cỏ mọc xuân sang/ Chúng tôi hy sinh người không lời trăng trối/ Người nói gọi đôi câu/ Có ai mang theo gì đâu/ Ngoài bóng hình đất nước/…/
Đó là lời của những linh hồn đã hy sinh vì sự nghiệp cao cả của cuộc đời này, lời cảm tạ sâu sắc của những người đang sống đối với những người đã ngã xuống cho Tổ quốc đẹp giàu, lời nhắc nhớ về ý thức trách nhiệm của những người đang sống hôm nay. Phải sống chết thế nào cho phải phép. Điệp câu: “Chúng tôi đã thành cát bụi cả rồi/ Những người con gái con trai thiết tha yêu đất nước

“Không làng xã nào không xây dựng nghĩa trang
/ Không thị thành nào không xây dựng nghĩa trang”- Thảm họa của chiến tranh cực kỳ khủng khiếp! Nhưng cái đau khổ nhất mà bão tố chiến tranh đem đến cho con người không chỉ là mất mát, tang thương, điêu tàn mà còn là những vết thương lòng rỉ máu, những ám ảnh kinh hoàng còn mãi trong ký ức, xiết chặt tâm hồn người thời hậu chiến. /Xin người sống nhớ cho/ Chết là điều duy nhất tiếc/ Đừng để chúng tôi tiếc mình chết phí/ Máu nhuôm cờ phải mãi thiêng liêng/..Thơ thực sự đã vỡ òa lời trăng trối.
Nguyễn Nguyên Bảy cũng dành những vần thơ nghe ai oán để nói về Nguyễn Du, về Thúy Kiều, về Đạm Tiên, Hằng Nga, Trương Chi, Từ Thức, Mỵ Nương, về thánh thơ Cao Bá Quát… khơi gợi nơi người đọc bao điều trắc ẩn về lẽ sống, niềm tin, cả những chiêm nghiệm, những suy ngẫm sâu sắc về thế sự nhân sinh…

Nạn ách vì thơ và sự suy ngẫm về một thời đã qua- Trong bài Ru cháu giống ai gợi lên cho người đọc bao nỗi niềm: Cháu đừng giống ông/ Ăn thơ ăn báo/ Cháu đừng giống bà/ Ăn cháo ăn ngô… / Ông cười ướt mắt/ Nhìn trời mênh mông.
Lời trò chuyện, lời căn dặn của ông đối với cháu nghe sao mà xót xa. Ông cười để cho cháu vui nhưng thực ra là ông đang khóc: “Ông cười ướt mắt”. Có lẽ đứa cháu còn quá nhỏ nó chưa hiểu và chưa nhận ra vì sao ông lại dặn cháu như thế. Nhưng tôi tin rằng, vào một ngày khi đứa cháu ấy đã lớn, cháu sẽ hiểu rõ vì sao ông lại dặn những lời gan ruột như vậy.
Có lẽ người mà thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy dành những tình cảm đặc biệt nhất đó là người vợ- người bạn đời- thi sĩ Lý Phương Liên. Người đã cùng ông gánh chịu bao niềm đau, bao ghềnh thác, bão giông của cuộc đời. Có nhiều bài thơ ông viết về bà, nói về bà như là lời biết ơn chân thành và sâu sắc nhất. Nguyễn Nguyên Bảy có hẳn một tập thơ để tặng vợ, đó là tập 99 khúc tặng Liên (Nhà xuất bản Văn học, 2012). Khi đọc tập thơ này, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm nhận định: “Mới. Lạ. Mở. Dạt dào cảm hứng. Ý tứ mênh mang. Chữ như mây vỡ. Rất thực mà ảo. Rất ảo mà thực. Tình chắp cánh cho trí bay lên. Trí làm cho tình găm lòng người ở lại. Ông viết như mê. Ông viết như say. Ông viết như không. Ông viết như chơi. Không khuôn mẫu. Không lặp lại. Biến hóa. Sáng tạo. Sáng tạo mà không cứng. Nhuần nhuyễn. Đầy chất thơ. Đầy chất thi sĩ…
Đọc 99 khúc tặng Liên, bạn đọc sẽ nhận thấy có một thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy rất mực tài hoa, lãng mạn nhưng cũng vô cùng thực tế và sâu sắc.
Nhà thơ cho rằng, việc ông gặp Lý Phương Liên và kết duyên chồng vợ, đó có lẽ là duyên số. Ông ví von: Chúng tôi chỉ là đôi bồ câu/ Không biết véo von chỉ biết gù/ Chim vợ gù giọng thủy/ Chim chồng gù giọng thổ…

Tiếng gù bồ câu không có lời than thở/ Công danh là chuyện mưa rào/ Mưa rào bồ câu không xuống sân nhặt thóc/ Đói khổ là chuyện ngập lụt/ Bồ câu biết lưới cá câu tôm/ Trong tiếng gù bồ câu chỉ có lời tình/ Vợ chồng như đất và nước/ Khắc này là khắc tương sinh/ Anh nguyện yêu em trọn một đời tình
/ (Tiếng gù bồ câu trống)
Trước cuộc đời đầy giông bão, nhiều thăng trầm, chiến tranh loạn lạc, hai con người ấy vẫn một lòng một dạ sống tình nghĩa, thủy chung:

Này bồ câu trống em gọi là chồng/ Giữa thời bom rơi đạn nổ/ Mà anh muốn cưới tình/ Cưới tình thời chiến tranh phải thề không được chết/ Trống mái không con nào được chết/ Trước khi tình đầu bạc răng long
/ (Tiếng gù bồ câu mái)
Tận trong sâu thẳm con tim mình, ông bày tỏ sự biết ơn chân thành nhất đến người con gái họ Lý kia:

Cho anh lạy tạ tình ta
/ Tạ ơn em tiếng oa oa con chào/ Bao nhiêu sung sướng nghẹn ngào/ Đôi ta gieo hạt máu vào nhân gian/ (Thơ tạ)
Đọc thơ ông, người ta sẽ nhận thấy đây là một nhà thơ, một hồn thơ, một giọng thơ có nhiều điều khác biệt. Sở dĩ tôi khẳng định là khác biệt vì nhiều lẽ.Với  Nguyễn Nguyên Bảy thơ đã trở thành lẽ sống, niềm tin bất diệt. Ông đã có thơ từ những năm 60,70 của thế kỉ trước, ông viết nhiều và viết đều đặn. Những bài thơ của ông dù được đăng báo hay không, dù được khen hay chê nhà thơ vẫn coi đó là những đứa con tinh thần của mình dứt ruột đẻ ra. Ông lưu giữ đến ngày hôm nay những sáng tác của những năm tháng khổ đau, đày ải, những năm tháng loạn ly do khói lửa chiến tranh… Nếu không phải là người “dũng cảm”, sẵn sàng sống chết với văn chương, coi văn chương như là đức tin tôn giáo thì chắc chắn vợ chồng ông đã bỏ cuộc. May thay điều đó đã không xảy ra. Bạn đọc hôm nay có được cơ hội để thưởng thức những bài thơ, câu thơ hay của đôi vợ chồng thi sĩ tài hoa này.

Tôi rất thích mấy câu thơ trong bài Gặp mừng, được viết vào mùa xuân năm 1975:

/ Anh đã cùng thơ đi khắp những miền xa
/ Tưởng tượng những địa đàng ẩn nấp/ Anh chẳng dám tin ngày hôm nay có thật/ Giữa Sài Gòn thong thả du ca/
Đó là niềm vui sướng, hân hoan của nhà thơ vì đất nước đã được hoàn toàn giải phóng, Bắc- Nam đã được sum họp một nhà. Cũng từ đây mọi điều sẽ khác, thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy có điều kiện để “thong thả du ca”.
Ngôn ngữ là nguyên liệu duy nhất của nghệ thuật văn chương. Nó là sự chắc lọc tinh khiết tạo nên vẻ đẹp quyến rũ cho tác phẩm nghệ thuật. Trong sáng tác của mình Nguyễn Nguyên Bảy đã vận dụng sáng tạo trong việc lựa chọn và kết hợp từ ngữ tạo nên những hình ảnh thơ độc đáo:

Gái tầm tang da bóc trứng gà
/ Lưng ong cong mềm khung cửi/ (Mười rằm mồng một)
Mở lòng mà đón ban mai
/ Yếm trăng buộc lại thiên thai hẹn chiều/ (Ban mai)
Thả mình phơi trong đỏ biển chiều
/ Anh theo sóng cắn mềm bờ cát/ (Biển đổ chiều)
Con biết ở cõi trời
/ Mẹ muốn khóc cũng không thể khóc/ Vì thế ở cõi người/ Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ ra phơi/ (Mẹ khóc)
Hà Nội rạng đông/ Máu đã chảy lên thành Quả Mặt Trời/ (Quả Mặt Trời)
/…/
Thơ ông giàu có về hình ảnh. Hình ảnh này gọi hình ảnh kia. Hình ảnh chồng lợp lên nhau, giao thoa nhau. Một tầng. Hai tầng. Nhiều tầng. Câu chữ sóng động. Sự biểu cảm phong phú. Đa thanh. Đa sắc… Cách viết của ông không giống ai. Không gồng lên. Không cố tạo khác biệt. Ấy thế mà trộn vào đâu cũng không lẫn…” (Nguyễn Minh Khiêm).

Ngôn ngữ thơ Nguyễn Nguyên Bảy là thứ ngôn ngữ có ma lực. Bởi nhiều từ ngữ ông sử dụng với những giá trị và ngữ nghĩa riêng:

+ Trăng như da ngực trinh tân

Hỏi trăng, trăng đã một lần ai hôn?
+ Gió no thơ phưỡn bụng buồm

Cò đói thơ đứng thả buồn bờ ao
+ Gió kinh thành ngũ sắc hoan ca
+ Bóng đè sông Mê, thuyền neo bến Lú
+ Quốc ca hát đỏ sông Hồng

Nơi ấy là kinh thành cổ tích
+ Phì nhiêu khoan nhặt gù tình…
+ Xóm Hạ Hồi thoang hương sữa lạnh

Hoa từ vú lụa thơm ra
+ Cỏ lau cười lắt lay đầu

Sông lăn tăn sóng thoa bầu vú trăng

...

Khảo sát ngôn ngữ thơ Nguyễn Nguyên Bảy, ta có cách cảm nhận riêng về thơ ông trong sự khám phá thế giới.

Nhìn chung Nguyễn Nguyên Bảy bộc lộ một khả năng tưởng tượng phong phú khi tạo dựng các chiều không gian khác nhau.  Mọi không gian trong thơ ông đều được vĩnh viễn hóa, bất tử hóa trong chiều sâu ký ức. Miền ký ức tuổi thơ và những năm tháng khổ đau, nạn ách lần lượt sống dậy trong những trang thơ của người thi sĩ tài hoa này.

Trả lại hết sướng vui nạn ách. Chuyền tay chữ hát xuống thuyền. Thung thăng ngược bến cỏ non…

Thời gian nghe nặng mưa tuôn/ Giọt xối xả chảy, giọt bồn chồn rơi

Tư tưởng và triết lý Phật Giáo được đưa vào thơ, những từ nói về chùa chiền, về Phật, về tu, về nạn kiếp… được đề cập đến nhiều trong thơ ông. Cho thấy ông là người thấm nhuần và hiểu biết sâu sắc về Phật pháp.

… Bể đời khổ sao bể đời vẫn chật?/ … Trí dũng tát cạn được bể lửa/ Dám dâng thân cứu nạn triệu sinh linh/ Sao không tự cứu được mình/ Trước sông Mê bến Lú

Hóa ra con người cũng dễ bị cám dỗ, dễ bị sập bẫy trước đồng tiền và danh lợi? Bằng cách nói hình ảnh: “Sông Mê, bến Lú” gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

Viết cho người bạn văn quá cố Trần Hoài Dương, thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy đau đáu rằng: / Dẫu dài đời cũng trăm năm/ Sao chẳng trăm năm nương cửa Phật/ Bể đời khổ sao bể đời vẫn chật/ Nào mấy người vào bể Như Lai/ (Vào chùa)

Thủ pháp ẩn dụ, so sánh, nhân hóa… cũng được nhà thơ sử dụng để tạo ra những tứ thơ bất ngờ, mới lạ, đem lại sắc điệu thẩm mỹ mới trong thơ.

- Ngực buồm no gió thuyền say
/ Anh là gió lộng vun đầy thuyền son/ (Hát không đề)
- Em trói sóng lời ru mềm lắm
/ Mơ hồ buồn sóng lặng lẽ về khơi/ (Viết trên giường bệnh)
- Tôi đổ tuổi tác vào nồi ký ức
/ Tóc lau ngồi nín cời than/ (Ký ức còn lại)
- Trăng vàng rơi qua kẽ tay
/ Trôi bồng bềnh rồi rơi vào sóng bạc/ (Ca trù mùa thu)
- Nếu em là hạt mưa xuân
/ Anh là chồi biếc uống chầm chậm em/ (Bốn mùa)
- Ly hương ư? Mắt bà heo may
/ Lưng còng ngồi se sợi gió/ (Tinh tú ngộ duyên)
- Mới hay trăng sáng thì thầm/ Gió ôm trăng nói gió cầm trăng đi/ (Lời tóc cỏ lau)
/…/
Điều đặc biệt, trong thơ Nguyễn Nguyên Bảy tần số sử dụng điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc câu, xuất hiện dày đặc. Phải chăng đây cũng là điểm mạnh của thơ ông.
Thơ Nguyễn Nguyên Bảy giàu ẩn ngữ, mang tính triết luận, nhiều khi gây khó hiểu đối với người tiếp nhận. Vì vậy, đọc thơ ông phải đọc đi đọc lại nhiều lần, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ mới thấy được những chân giá trị và ý đồ nghệ thuật mà nhà thơ muốn gửi gắm. Chẳng hạn: chỉ 4 câu trong bài thơ ngắn Chân hương cũng gợi ra bao nhiêu suy nghĩ và đặt ra những vấn đề mang tính triết lý về lẽ sống và cuộc đời:/ Cháy rồi, cháy hết phần thơm/ Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi/ Rồi mầu phẩm nhuộm phai  đi/ Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương
Thơ Nguyễn Nguyên Bảy là thơ của một con người từng trải, một con người đã từng chứng kiến bao thăng trầm dâu bể của lịch sử dân tộc, gánh chịu bao đau khổ, điều tiếng không tốt, có lúc bị quy kết chuyện này chuyện khác và phải chịu những hệ lụy vì thơ. Tai nạn nghề nghiệp - gặp cơn thác dữ về thơ năm 1970 từ người vợ Lý Phương Liên và những phát ngôn về thơ của ông đã bị đánh “lên bờ xuống ruộng”. Nhưng hai con người ấy, hai tâm hồn ấy, hai thi sĩ ấy vẫn miệt mài, bền bĩ, lặng lẽ “nhả thơ” trong bóng tối của đời mình.

Đọc thơ Nguyễn Nguyên Bảy, nhà thơ Hoàng Xuân Họa cho rằng: “Thế giới thơ Nguyễn Nguyên Bảy là thế giới của cái đẹp, cái đẹp những dòng sông, tình yêu, cuộc sống; nhiều vấn đề của cuộc sống được anh khai thác thả vào thơ để mong người đời hướng thiện”.

Thơ Nguyễn Nguyên Bảy là thơ đáng để đọc. Nhìn trên tổng thể, thơ ông viết có rất nhiều bài, nhiều câu thơ, nhiều hình ảnh thơ đặc sắc. Thơ ông không màu mè, hoa lá nhưng có chỗ ông rất sáng tạo trong việc tạo dựng các hình ảnh, kết hợp và tạo ra nhiều từ ngữ lạ và độc đáo với một trình độ tư duy nghệ thuật mới.

Nguyễn Nguyên Bảy là một nhà thơ lặng lẽ nhưng say mê làm mới và sáng tạo hình thức thơ ca trữ tình hiện đại. Ông đem lại cho ngôn ngữ thơ những tín hiệu thẩm mỹ mới về khả năng dung chứa và phản ánh hiện thực. Ông kế thừa và làm mới thơ trên nhiều phương diện. Vận dụng linh hoạt những thủ pháp nghệ thuật: ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, điệp từ, điệp câu … trong cấu trúc hình thức tác phẩm.

Tôi không dám lạm bàn về thơ Nguyễn Nguyên Bảy. Nhưng với tấm lòng của một người yêu văn chương, yêu thích thơ- với khả năng và sự hiểu biết có hạn tôi chỉ nêu lên vài cảm nhận của riêng mình như thế về thơ ông. Bởi tôi nhận thấy rằng: thơ Nguyễn Nguyên Bảy- đúng như con người của ông và những phát ngôn của ông: Thơ là thơ. Tôi đặc biệt ấn tượng và thích kiểu loại thơ đó. Thơ là đời, là người, là cuộc sống như nó vốn có. Vì thế thơ Nguyễn Nguyên Bảy không cao giọng, không hô hào, không khẩu hiệu… mà nó thật như những gì vốn có của cuộc sống, của cuộc đời. “Đời tự nhiên đã muôn mầu muôn sắc, cớ chi thơ không muôn sắc ngàn mầu. Vấn đề là trước cảnh, trước người, trước sự, trước việc ấy lòng ta buồn hay lòng ta vui? Thành thực với chính mình, thì buồn vui gì cũng tuôn chảy ra vần điệu, và đó chính là thơ… Thành thực với chính mình ắt nhận ra tình yêu, tình thích, tình giận, tình thù và ngay cả những sục sôi phẫn nộ. Muốn vậy, phải cố mà tránh những khuôn mẫu nghĩ, những thói bầy đàn lười biếng, những dụ dỗ của danh tiền tầm thường, để mặc vội vã cho ngôn từ tấm áo “bảo là thơ” để tụng ca minh họa, để trăm bài thơ giống ngàn bài thơ, một giọng, một điệu, thậm chí một vần đều như đúc ra từ một khuôn thơ, thành thứ tân văn vần (không phải văn vần mới, vì văn vần mới hàm chứa một sự sáng tạo)… Thiếu gì những chuyên nghiệp thi sĩ khai sinh một rừng biển thơ toàn những lời hô hào rỗng tuyếch, toàn những lời diễn ca chính sách, toàn những lời tụng ca, những dạy dỗ và tôn vinh những giả dối mọn hèn. Thế nên, thơ của họ làm sao vươn tới tầm vĩ đại của dân tộc đổ máu dằng dặc những năm dài giữ nước, của khổ nghèo nhân dân thắt lưng buộc bụng cho tiền phương giết giặc. Thế nên, thời tôi sống, nào được mấy trang thơ chói lóa trả ơn cho những hy sinh, những đau đớn khổ cực của Mẹ Việt Nam Anh Hùng”. Đó là những lời sẻ chia đầy tâm huyết của thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy.
 
Hãy để thời gian, công chúng thưởng thức và những nhà chuyên môn đánh giá, khai mở những tầng giá trị và ý nghĩa của thơ ông. Riêng tôi, tôi thật sự kính trọng, khâm phục tài năng và phẩm hạnh của một người cầm bút như ông. Nguyễn Nguyên Bảy, Thơ là Thơ…
.
NVH/ Tác giả gửi bài


Đò đưa cùng Lê Duy Phương..

Phạm Thế Quang Huy

KHÚC "ĐIỀM ƠI!"
Nguyễn Nguyên Bảy đò đưa

Thưa bác Phương, em đọc hơn một lần, đọc đi đọc lại, thuộc lúc nào chẳng hay, bức thư thơ bác gửi bác Điềm, rồi ôm bức thư thơ ấy mà ngủ, nhưng trắng đêm luôn, ra khỏi giường lúc 4 giờ ( vợ em làm chứng), học theo bác Điềm hút vặt liền hai em Rô trắng, rồi ôm máy và đánh thư này gửi bác, kỳ mong bác đọc kịp ẩm sớm, tửu chiều..
Thư thơ bác viết tuyệt quá, tuyệt ngay từ hai chữ " Điềm ơi!", em thấy cửa lòng bác mở tung, nụ cười xán lạn nở trên gương mặt chất phác, hiền lành, em thấy như mình được soi gương, ôi " soi gương vui cả mặt gương" và em thấy tiếng gọi Điềm ơi của bác như từ trong gương vui ấy thơm ra..
Khi Điềm còn ở trên cao Cái buồn thế sự đã vào chúng tôi Ối! Em không còn từ nào để thán ùa theo hai câu sáu/ tám tự nhiên lời lòng của bác, giản như ca dao, sâu như ca dao, hai câu thơ như lời ru vỗ về của bà, của mẹ lúc ta trốn học ôm vờ bụng đau, lúc ta chùi môi đến đỏ lự khi vừa húp trộm quả trứng gà còn đang cục tác. Bác buồn thế sự từ khi nào thật em chưa biết, nhưng xin bác ghi nhận cho là em biết buồn ngay sau lưng bác..Chỉ bằng hai câu, bác đã điểm huyệt, nói cách khác, đã khái quát quả chuẩn về cái tứ, cái tình rất mướt của bác Điềm qua bài thơ " Đất nước những tháng năm thật buồn".
Công bằng mà nói, nếu bài thơ " Đất nước những tháng năm thật buồn" của bác Điềm được viết ra vài chục năm trước, khi bác Điềm đang đỉnh ở Huế, hay mươi mười lăm năm sau, đang trưởng Bộ Văn, hay mới đây thôi bác là một trong cửu đỉnh của nước nhà, thì xin tôn vinh bác Điềm mà không sợ lời thị phi phe nhóm bốc thơm, rằng bài thơ " Đất nước những tháng năm thật buồn" của Nguyễn Khoa Điềm là một trong không nhiều bài thơ hay của thi đàn Việt mà em được đọc. Nhưng.. Vợ em đứng sau lưng, chặn đứng dòng viết của em bằng hai câu thư thơ tiếp của bác Phương, giọng sa mạc, lún cát trăm phần trăm, rằng:
Bây giờ ( bây à giờ ) trời đã chiều rồi Ngẫm ra thì muộn khóc cười ( khóc a cười) mà chi..
Em đưa mắt nịnh vợ: Quá hay mình hỉ? Vợ đáp lừ: Lời thơ của anh Phương quá hay! Thật lòng đó, bác Phương ạ, lời thư thơ thật chân tình, ấm áp, hỷ xả. Chữ Nhưng.. em bỏ lửng ở trên, xin được viết đỡ lời bác Phương, lại công bằng mà nói: Bài thơ " Đất nước những tháng năm thật buồn" của bác Điềm, viết ra lúc bác đã vườn, dù mới về, lời tuyên huấn tráng ca của bác chưa tan hết trong không gian, mà bác đã tiếp tuôn những lời than, lời oán, lời buồn, thì e là sức tu thân sám hối của bác muốn vươn lên phi thường cách, lại hóa ra khôn gian cách. Tu thân trước hết là tu sửa bản thân mình, đọc thơ bác Điềm chỉ thấy những hút thuốc vặt, ve sầu lột xác, ly cà phê sáng..Vì thế câu thơ dấu hỏi của bác: Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta/ Trong không gian đầy sợ hãi? Thơ chi nhạt lạnh rứa? Chẳng phải bác Điềm vừa mới nắm vận mệnh cả triệu người đó sao? Chẳng lẽ thời bác nắm vận mệnh người thì thời người sáng đẹp và thời bác vườn thời người mới đen thui ? Bác rũ sạch mình nhanh quá..và thật đáng buồn, khi bác tung dấu hỏi / Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội / Có còn bay trong đêm/ Sớm mai còn giữ được màu đỏ?. Thật bất hạnh cho đức tin của bác khi sụp đổ. Nói thật nhé, Câu thán nào của bác cũng tàng ẩn nỗi tiếc nuối cái thời vua quan bác thụ, nay hết thời, vội chi tung tóe cung bực bổng trầm bất mãn. Trời cho người có mắt, thưa bác.
Cùng bác Phương, em gọi bài thơ " Điềm Ơi!" của bác là bài Thư Thơ. Thư thật lòng, mộc mạc, cụ thể, ấm tình hơn thơ, vì thơ dù muốn hay không vẫn phải nghệ, vẫn phải bồng bềnh hư thực, vẫn phải véo von. Bài " Điềm ơi" là một Thư Thơ xuất sắc. Đột ngột vợ bào: Mình dừng viết lại, em muốn ngâm trọn bài thơ anh Phương trước khi..(cười lệnh).
Khi Điềm còn ở trên cao
Cái buồn thế sự đã vào chúng tôi
Bây giờ trời đã chiều rồi
Ngẫm ra thì muộn khóc cười mà chi
Phố phường vẫn lắm người đi
Hoa vẫn nở chẳng có gì khác đâu
Khác là ở chốn xa sâu
Trẻ em đi học không cầu qua sông
Khác là tận ngoài biển đông
Chủ quyền ta họ nói không lập lờ
Riêng màu đỏ của ngọn cờ
Ở Đại Nội hay biển bờ xa xôi
Vẫn luôn phơi phới đỏ tươi
Nhạt là nhạt ở tình người Điềm ơi
Cùng bác Phương, tài thư thơ của bác còn phải dụng nữa đấy, sau bài thơ của bác Điềm, chả khối các ông quan đương thời hôm nay, về vườn ngày mai lại tung điệu vần sám hối hôm nay. Nếu bác còn có thư thơ dạng này, xin nhớ gọi em đò đưa bác nhé./


NNB

Hai bài thơ đều nên đọc

ĐẤT NƯỚC NHỮNG THÁNG NĂM THẬT BUỒN

Nguyễn Khoa Điềm

Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác
Sao mình thức?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay …

22.4.2013
.


ĐIỀM ƠI ! 

Lê Duy Phương


Khi Điềm còn ở trên cao
Cái buồn thế sự đã vào chúng tôi
Bây giờ trời đã chiều rồi Ngẫm ra thì muộn khóc cười làm chi Phố phường vẫn lắm người đi Hoa vẫn nở chẳng có gì khác đâu Khác là ở chốn xa sâu Trẻ em đi học không cầu qua sông Khác là tận ngoài biển đông Chủ quyền ta họ nói không lâp lờ Riêng màu đỏ của ngọn cờ Ở Đại Nội hay biển bờ xa xôi Vẫn luôn phơi phới đỏ tươi Nhạt là nhạt ở tình người, Điềm ơi !


Copy từ trannhuong.com

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Thơ TRẦN VÂN HẠC


Phạm Thế Quang Huy
Thơ
TRẦN VÂN HẠC


CHIỀU

Hoàng hôn bám ghì dốc nắng
Ập òa ẩn hiện thung mây
Hôi hổi cồn cào gió thở
Kiễng chân
núi bỗng hao gầy

CÓ GÌ BUỒN..
Thân yêu tặng H.N

Có gì buồn thoáng trong mắt em
Từng đám mây chở xuân về quá khứ
Dẫu đôi khi gió lạnh mùa dang dở
Không níu ghì được làn mây thiên di

Có gì buồn thoáng trong mắt Em
Từng giọt thời gian chân chim khóe mắt
Xòe tay gầy đếm những gì được mất
Gió thở dài trong mênh mông chơi vơi

Hoa gạo bên sông thắp lửa chói ngời
Sông mải miết chở bao mùa thương nhớ
Một cánh chim vỗ vào miền gió hú
Chở nỗi buồn về ký ức xa xôi

Có gì buồn em ơi
Nụ cười em gió cài thơm mái tóc
Gọi nắng mới vàng ươm mật ngọt
Tự lúc nào tay ấm trong tay!

Tháng 4.2013Thơ Vân Hạc/ Tác giả gửi bài

Thơ TÂM NHIÊN


Thơ
TÂM NHIÊN


GIỮA CUỘC ĐỜI

Nơi này ai đến ai đi
Sống thì như khói chết thì như sương
Về đây chơi giữa vô thường
Khổ vui còn mất đều thương yêu cười

Tất cả do tâm tạo thôi
Chỉ là biểu hiện cõi đời người ta
Trùng trùng duyên khởi thôi mà
Nên đâu có chuyện sầu hoa héo tàn

Lý và sự bước hòa chan
Ra vào vô ngại dẫu ngàn đục trong
Nghìn phương vẫn một phương lòng
Lòng không muôn việc cũng không chi phiền

TRÀ THƠ

Sớm tinh mơ lặng trầm ngồi độc ẩm
Rót giọt sương đầy ly gió muôn trùng
Trộn lẫn nắng nghìn thu trong một cốc
Trà thi ca ta thưởng thức vài chung

Chiều nguyên vẹn nghe đáy hồn sâu lắng
Chén trà xanh thanh đạm khói vờn hương
Hương vị đó có trời cao biển rộng
Quyện hòa nhau mầu nhiệm quá dị thường

Nhìn thật kỹ khi ấm trà reo lửa
Dưới vầng trăng cô tịch chiếu bình yên
Ta khiêm nhượng bước vào vô lượng thọ
Vô lượng quang sáng rực khắp mọi miền

Một tách trà chứa mười phương vũ trụ
Đủ tương phùng cả sông suối ngàn khơi
Mời em nhé nhẹ nhàng cùng ta uống
Chung trà thơ vi diệu nghĩa không lời


SỐNG CHẾT ĐỀU NHƯ CHƠI

Từ xứ biển viễn hành ca lên núi
Níu mây bay đùa rỡn với ngàn sương
Rỗng rang chẳng trụ vào đâu cả
Làm thơ chơi tặng cây cỏ ven đường

Chuyện nghìn năm có không còn hay mất
Bận lòng chi vì hết thảy như chơi
Chơi giữa bình thường tâm thị đạo
Nhẹ vào ra hòa đây đó mộng đời

Chơi hý lộng tung hoành đủ điệu
Nhảy múa cùng thân ngũ uẩn giai không
Hú vang một tiếng gầm sấm sét
Vỡ bùng tan mê chấp những xanh hồng

Sống là chơi chết cũng là chơi vậy
Nên nghêu ngao dạo khúc hát bây giờ
Chiều thiên thu hỡi trời xanh quá
Lá hoa cười hào sảng giọng cười thơ


Tâm Nhiên/ Dung Thị Vân đọc chọn


Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Thơ BÙI CHÍ VINH


Thơ
BÙI CHÍ VINH

 
ANH NHỚ EM..

Như con nít nhớ cà rem vậy mà
Như con dế trống đi xa
Một hôm nhớ đến quê nhà gáy chơi
Con dế thì gáy một hơi
Còn anh gáy hết một thời con trai…
Cô bé ơi, anh nhớ em
Như má lúm nhớ đồng tiền đúng chưa
Như cà chớn nhớ cà chua
Như da em nhớ da-ua ngọt ngào
Cái nhớ nhảy qua hàng rào
Chẳng thèm đăng ký cứ nhào vô anh
Xô ra thì thấy không đành
Nên anh ôm lấy rồi canh giữ hoài
Con kiến còn nhớ củ khoai
Huống chi tóc ngắn tóc dài nhớ nhau
Nhớ em không biết để đâu
Nếu để trên đầu thì tóc che đi
Để trong túi áo cũng kỳ
Lỡ đi đường rớt lấy gì chứng minh
Thôi thì giả bộ làm thinh
Hét lên “nhớ quá” một mình nghe chơi


BÀN TAY..

Khi tay em trong tay anh
Kẻ nào dị nghị sẽ thành người dưng
Mắc mớ gì phải quan tâm
Miễn sao ta nắm không lầm tay ai
Tay mà đút túi rất gầy
Có đôi chắc chắn bàn tay hồng hào
Tội gì không áp vào nhau
Đợi cho sợi tóc bạc đầu thì buông…

EM VÀ QUÊ HƯƠNG

Em kể về miền Tây em nghe :

“ Trời có mây, dưới nước có ghe”
Khiến cho anh biến thành con cá
Mắc lưới làm sao nhớ lối về

*Em kể về miền Tây anh coi :
“Đất có vườn cây, rẫy có chòi”
Khiến cho anh biến thành con kiến
Bò mỗi ngày được một mét thôi

*Em kể về đâu, anh ở đó
Em nhảy dây, anh nhảy cò cò
Em chơi đánh đũa, anh đánh đáo
Có đất nào không có tuổi thơ

*Có quê nào mà không kỷ niệm
Em hái me chua giấu hộc bàn
Thì anh cũng giống Đơn Hùng Tín
Vô lớp nằm mơ thấy Giảo Kim

*Nhưng mà chuyện đó em quên kể
Con gái bao nhiêu mới lấy chồng ?
Để cho anh tập đờn vọng cổ
Gạo chợ ngồi thương nhớ nước sông

*Nước sông có lúc ròng lúc lớn
Lòng anh đây có sớm có chiều
Hò ơ … sớm lên thị xã mua tấm vải điều
Chiều em ướm thử, hò ơ, đánh liều anh theo …

Thơ Bùi Chí Vinh/ Dung Thị Vân đọc chọn

Thơ Hoàng Xuân Họa

 
Thơ Hoàng Xuân Họa
Nếu
Nếu được ở lại với tháng tư
anh sẽ lấy màu phù sa làm mật
rặng tre xanh làm vị ngọt cho đời
nếu cho anh ở lại với tháng tư
xin cứ để ánh trăng vàng làm chiếu
mãi bờ đê hoa gạo đỏ tươi ngời
Nếu anh ở lại với tháng tư
thì em nhé, nắng hãy vàng thêm nữa
đừng gió mùa đông bắc thổi vu hồi
Nếu được ở lại với tháng tư
anh sẽ thôi những mơ mộng cũ
thôi ước ao đong đếm mây trời
Nếu cho anh ở lại với tháng tư
anh sẽ chính là anh - không cần tính
thẳng cánh cò ra đảo xa khơi
để tháng tư không cấu đau da thịt!

20/4/2013
HXH