Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Hoa cỏ vườn nhà chào xuân

Thơ
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

QUAN HỌ KHÔNG NGOẠI TÌNH
Tôi chỉ là người trai bắc quàng quan họ
Hát quan họ mà thành liền anh

Dù biết luật quan họ

Hát tình tình gửi mây bay
Hát tình tình vương theo gió
Thăng hoa tình chỉ được lúng liếng chữ
Cấm ngặt gửi tình vào môi
Gửi tình vào tay
Gửi tình vào da thịt
Sex phải trong veo
Không trong veo thì không thành liền anh liền chị
Đến hẹn lại lên tình

Khốn khổ thân tôi đa tình

Phạm luật người quan họ
Cõng một cánh bèo giạt trôi
Cánh bèo tôi vốn liền chị con côi
Cha mẹ bay về trời
Bỏ lại một chuồng gà vịt

Cánh bèo rằng quan họ bén duyên tôi
Suốt mưa tháng sáu hát đậu hát cà
Suốt nắng tháng tám hát bưởi hát na
Suốt trăng tháng mười hát cơm gạo mới
Suốt rét tháng chạp hát nướng ngô khoai
Duyên tình ấy lỗi gì mà quan họ phạt tôi?
Cõng cánh bèo trên lưng tôi hát thầm hát oán
Lời giã bạn
Quan họ không ngoại tình

Chúng tôi ngược Lim

Lên rừng cọ đồi chè giao duyên xoan ghẹo
Chùng tôi xuôi đồng bằng
Quan họ chèo trúc thẳng trăng nghiêng
Chúng tôi lên Tây Nguyên
Quan họ nhẹ mềm hòa cùng rock nặng
Chúng tôi vào Quảng
Quan họ hô bài chòi
Chúng tôi cõng nhau vào Chăm
Quan họ hở vai múa bụng
Chúng tôi chống xuồng ngồi ghe
Quan họ hát vọng cổ thâu đêm suốt sáng

Khúc bèo giạt mây trôi hát hoài không chán
Đến đâu cũng bảo ở đừng về

Quan họ còn đó chúng tôi phải về

Người nào chẳng có bến quê

Chuyện tôi cõng cánh bèo bỏ làng quan họ

Xa lắm xa lơ hơn bốn chục năm rồi
Còn lại mấy ai quan họ cùng thời
Liền chị liền anh bây giờ cười câu chuyện cổ

Chúng tôi khiêng về Lim một cỗ thuyền tình

Bốn mươi năm bèo nở thành thuyền đấy
Nan nào nan cũng trúc xinh
Mạn thuyên nào cũng lưng tình quan họ

Chúng tôi thả thuyên tình xuống hồ bán nguyệt
Cánh bèo không chịu xuống thuyền
Cánh bèo trèo lên quán dốc
Tôi vội mây trôi

Mẹ cha ơi, làng xóm đây rồi!


Liền anh cùng thời cười sún răng ô

Liền chị cùng thời cười vàng ngực lụa
Gọi cánh bèo là liền em
Án phạt năm xưa xóa trắng
Quan họ không ngoại tình

Liền anh mới chạy xô nhà tầng

Mặc cho tôi khăn nhiễu áo the xanh
Liền chị mới thẹn thùng xiêm váy
Mặc cho cánh bèo hoa cỏ tứ thân
Rước quan họ ra hồ bán nguyệt

Chúng tôi lên chật một thuyền tình

Mọi người nhường cánh bèo hát
Tôi thầm đừng bèo giạt mây trôi
Cánh bèo cười
Vừa cười bèo đã nở thành sen
Sen hát bài quan họ chung tinh
Khoan thai thuyền đưa nôi
Sen ngào ngạt khắp đất trời quan họ…

(99 khúc tặng Liên)

Thơ ĐƯỜNG VĂN


Thơ
ĐƯỜNG VĂN


HẤP HAY


Thoáng câu lạ, chưa chạm bài hay
Tứ mờ, kết mở, zọng chớm ngây
Tri âm phục bạn bình - phê đắt
Môi run cười, mắt chợt hấp hay...

THÔI XAO

Thôi xao chi lắm hóa tào phào
Thẹn cùng ai vung bút ào ào
Mà văn nhung tuyết, thơ gầm sóng
Giọng đằm, tứ thẳm, ý hùng, cao...

NẤC CỤT

Câu thơ treo giấc mơ
Suốt đời chập chờn, diệu ảo
Câu thơ hoài vọng cả đời,
Hóa cơn nấc cụt nửa vời...lênh phênh!


ĐẦU ĐÔNG

Bỏ lại thu già - hoang hủy gió,
Lơi lả sang đông - đỏ lộc vừng.
Hẹn đầu xuân, cuối năm mới hạ?!
Trách chi mình nhớ cả… người dưng!

TIẾC

Bảy mươi tám tuổi đã già chi?!
Thiên đình chợt lệnh, thoắt vùng đi?!
Thân phàm, thôi thế thành tro bụi,
Hồn vút ngang trời một áng thi!

Thơ Đường Văn/ Tác giả gửi bài

Vân Hạc/ Đọc thơ Trần Nhương

ĐẠI LẢI VUI BUỒN CÙNG THI NHÂN

Vân Hạc

Tập thơ: “Gió làng ta xanh ngát” – NXB Hội nhà văn, 2012 của nhà thơ Trần Nhương gồm nhiều mảng đề tài. Người đọc day dứt, xót xa cùng tác giả với những chiêm nghiệm, cảm thông về phận người, về nhân tình thế thái. Có lẽ khi nhà thơ đã trải qua lửa đạn chiến tranh, đã qua cái tuổi: “Thất thập cổ lai hi”, trải bao bĩ cực nên càng thấm hơn cái đã có cùng tương lai của con người sống trên mảnh đất yêu thương và gian khổ. Ngay ở chùm thơ viết về Đại Lải, những tưởng cảnh đẹp sơn thủy hữu tình nơi đây sẽ làm tác giả nguôi ngoai đi phần nào những nỗi buồn nhân thế. Nhưng không, đằng sau vẻ thơ mộng kia lại là nỗi buồn sâu lắng của một con người biết trân trọng, giữ gìn cái đẹp và luôn mong một ngày mai tươi sáng hơn.

Tập thơ có năm bài viết về Đại Lải, đó là: “Mùa thu lên Đại lải” – trang 5; “Mùa thu này Đại lải một mình anh” – trang 59; “Mưa Đại lải” – trang 63; “Đêm Đại lải” – trang 86; “Khúc yêu” – trang 104. Mỗi bài thơ là một cung bậc cảm xúc, mang một nỗi niềm, một tiếng lòng của tác giả. Đại Lải chỉ là cái cớ để nhà thơ gửi gắm nỗi lòng với con người và quê hương đất nước.
Bài “Mùa thu lên Đại lải” tự nhiên như hơi thở, tự nhiên trong lập tứ lập ngôn cùng những thủ pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ cứ như hòa vào nhau để nâng tầm của bài thơ lên sau mỗi khổ:
“Mùa thu lên Đại lải
Nắng sang cầu Thăng Long
Gặp Xuân Hòa em gái
Nắng tròn vào lưng ong”

Ý thơ trong trẻo quá. Đất, trời, con người như những người bạn tri âm đã đợi từ lâu. Tác giả rất tài hoa sau mỗi đoạn miêu tả lại “hạ” một câu đầy chất suy tư mà không gò ép:
“Chợ chiều chừng sắp vãn
Mẹt ổi bán chưa vơi”

Có một chút xót xa cho phận người ở vùng đất thơ mộng và nghèo khó này chăng. Nhưng cái xa xót ấy không khỏa lấp được cảm xúc của tác giả trước một vùng đất, một vùng người đầy tình nghĩa: “Quả mùa thu viên mãn” kia không nhắc nhở người đọc đã sắp sang đông mà “Thơm tho như một người”, một người trong nhiều người.
Cũng vẫn trong mạch cảm xúc ấy, nhà thơ để tình mình theo bước chân sơn nữ:
“Gái Sán Dìu xinh thế
Mắt nhìn ríu cả chân
Anh thành người được thể
Gom mùa thu vào xuân”

Hình ảnh “nhìn ríu cả chân” thật là độc đáo, đấy không phải là cái nhìn đơn thuần, mà còn gói cả cái tình tinh quái và thật bất ngờ khi nhà thơ mượn cái bối rối ấy để: “Gom thu vào mùa xuân” một cách điệu nghệ. Thì ra xuân lòng đâu có mùa. Nhà thơ như gặp quê hương yêu dấu của mình, Đại Lải trở nên thân thương quá đỗi trong hồn người
“Anh đi trong hương ổi
Ngỡ mình đang vườn nhà”

Để rồi khi “em” rẽ lối, tác giả thảng thốt: “Anh trời trồng ngã ba”.
Giữa trời chiều Đại Lải thơ mộng đầy âm thanh, sắc mầu và chan chứa tình ấy, nhà thơ như kẻ mộng du, kể cả khi “nắng đã về bên ngoại” vẫn: “Tương tư tràn suốt thu”. Bài thơ trong trẻo, ăm ắp tình người, dẫu có chút se buồn man mác.
Ở bài “Mùa thu này Đại lải một mình anh” lại sâu lắng một nỗi buồn cô đơn đến lạnh lòng. Thời gian trôi nhanh quá, nếu con người không nắm bắt được cái đẹp của đất trời và con người mà tận hưởng thì tất cả sẽ trôi qua trong tiếc nuối: “Em vừa đấy đã thành hôm trước”, dẫu:
“Nắng vẫn nắng như cầm thấy được
Đường rơm phơi thơm gió dậy thì”
“Gió dậy thì”
ấy phải chăng như một lời nhắc nhủ đầy tính nhân bản. Đất trời vẫn thế, theo qui luật của muôn đời, chỉ có lòng người… Nhà thơ cô đơn giữa không gian và thời gian khi:
“Người đông thế mà toàn xa lạ
Lối ven hồ sỏi đợi bước chân quen”

Vâng khi cuộc sống còn nhiều kẻ thờ ơ với phận người, thơ ơ với tương lai của quê hương, “xa lạ” với nhân dân thì những nhà thơ chân chính còn xót xa đau cùng nhân thế và phải chăng hình ảnh  “Lối ven hồ sỏi đợi bước chân quen” kia như tấm lòng của bao người đợi một tiếng lòng chân chính, đợi một ngày mới tươi sáng hơn.
Bài “Ngày mưa Đại lải”, ngay từ dòng thơ đầu tiên, nhà thơ đã khéo léo xử dụng những thanh bằng và thanh không để diễn tả nỗi buồn sâu lắng:
“Ngày mưa Đại lải buồn ngang trưa”

Hai hình ảnh đối lập giữa một đôi trai gái yêu nhau nhắn tin cho nhau và một “lão già đầu bạc”, “uống đến tàn đêm chẳng ngớt sầu” thật đắc dụng. Dẫu người đọc có thoáng mỉm cười trước sự hóm hỉnh của tác giả khi đọc những dòng tin nhắn không dấu làm cho người đọc có thể phát triển suy nghĩ theo hướng khác đi nữa thì rồi lại lặng buồn xót xa cùng tác giả.
Bài: “Đêm Đại lải” lại mở ra một không gian thật độc đáo:
“Đêm nay Đại Lải một mình
Hồ im tịnh sóng cây thinh lặng cành
Chỉ còn trăng ngan ngát xanh
Ngậm sương cây cỏ bỗng thành thủy tinh
Vườn khuya cây cỏ một mình
Tiếng kêu gọi bạn xô vành trăng nghiêng”

Hình ảnh: “Ngậm sương cây cỏ bỗng thành thủy tinh” thật đắc địa, thi sĩ đang đắm mình trong vẻ đẹp lung linh huyền diệu của thiên nhiên về đêm mà cảm nhận mà suy tư để xuất thần có những câu thơ tài hoa. Cái giá lạnh của cỏ cây thấm vào hồn người hay cái lạnh của hồn người thấm cả vào cây cỏ?
Bài “khúc yêu” có cấu trúc lạ, đây là bài thơ văn xuôi khá hay. Xuyên suốt bài thơ là tình yêu của nhà thơ với Đại Lải, niềm hạnh phúc khi: “Hồ dâng nước, nước tràn lên bát ngát, biết làm đầy cho những khát khao”. Đây là khao khát không phải chỉ của riêng nhà thơ, cho và nhận, dâng hiến hết mình để “làm đầy cho những khát khao” thì còn gì hơn thế. Trước mênh mông của trời mây non nước, nhà thơ không giấu lòng mình: “Không thể nói điều gi khác được, anh yêu em như định mệnh, như sắp đặt thiên duyên”. Vâng tình yêu chân chính vốn như thế đấy, nó bất chấp mọi nghiệt ngã của số phận, vượt lên tất cả, đơm hoa kết trái dưới ánh mặt trời. Nhà thơ yêu và được yêu, câu thơ chứa lửa ở bên trong làm người đọc say men tình cùng tác giả: “Anh rạo rực và em rạo rực, đốt chiều thu Đại lải cuồng si”. Nhà thơ lặng đi trong niềm hạnh phúc ngọt ngào: “Không thể nói gì, anh nhận lấy mùa xuân từng hơi thở” và không thể không nói lời tri ân với cuộc đời: “Anh cảm ơn người đã cho anh tất cả, để anh yêu như tuổi đôi mươi” đó là một ngày cuối thu chín mọng những dấu yêu không thể cầm lòng . Dẫu nhà thơ hiểu rất rõ thực tại với bao “chớp bể mưa nguồn”, những “vui buồn kiếp người bản thể” dẫu biết rằng “em đang xuân mà anh đã sang thu”… nhưng tình yêu lớn dành cho Đại lải, cho “em” mãi tràn đầy: “Anh chỉ biết yêu em đến khi không thể, nhưng suốt đời anh một nửa là em”.
Mùa thu được tác giả xử dụng như một thủ pháp nghệ thuật chuyển tải dụng ý của tác giả, vương chút se buồn, thấp thoáng phận người hữu hạn trong dòng đời bất tận, làm cho bài thơ ý tại ngôn ngoại và vươn lên tầm phổ quát.
Năm bài thơ, mỗi bài một cung bậc cảm xúc như  rỏ xuống hồn người sự cảm thông, chia sẻ với những phận người và cất lên ngang trời một khát khao khát sống, khát yêu và hạnh phúc.

1.2013
Tác giả gửi bài

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Sách Thơ Bạn Thơ 2/ Thơ Phan Thị Thanh Nhàn.





Ly Phuong Lien đã chia sẻ một video với bạn trên YouTube






Sách Thơ Bạn Thơ 2/ Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên bảy và Lý Phương Liên chủ trương/ NXB Văn học ấn hành 1.2013/ Phần thơ người thơ đương thời/ Thứ tự 41. Thơ Phan Thị Thanh Nhàn..

Hoa cỏ vườn nhà chào xuân



Thơ
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

LỜI CẦU HÔN


Anh là một trang nam nhi
Đủ sức đưa em tới địa đàng
Nếp tẻ rồi đầy đủ cả

Anh không hứa của ngon vật lạ
Mỗi bữa đủ ba lưng cơm
Cá mương sông om với lá gừng

Anh không hứa lụa là gấm vóc
Ngực hồng che yếm nâu non
Quần gai quấn ấm mưa phùn

Anh không hứa lầu cao môn rộng
Một mái nhà đủ che mưa nắng
Trước thềm một mụn hoa

Anh hứa tặng em đôi gối
Thêu quan họ tứ thời trăng
Để mỗi tối gối ru em ngủ

Anh hứa dìu em qua cầu gió
Cõng em qua sông mưa
Đò khẳm tình sam quấn quýt

Anh hứa đôi ta mùa gặt
Nếp cho đời là nếp cái hoa vàng
Tẻ cho đời là tẻ xoan tẻ dự

Anh chỉ xin tình một điều
Chợt đôi lúc anh lạc mê lạc lú
Em hãy là Bồ Tát khoan dung

(99 khúc tặng Liên)


Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Sách Thơ Bạn Thơ 2/ Thơ Bùi Nguyệt





Ly Phuong Lien đã chia sẻ một video với bạn trên YouTube






Sách Thơ Bạn Thơ 2/ Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên bảy và Lý Phương Liên chủ trương/ NXB Văn Học ấn hành 1.2013/ Phần thơ người thơ đương thời/ Thứ tự 40. Thơ Bùi Nguyệt..

Hoa Tết Việt Nam

TRONG MẮT BÁO CHÍ QUỐC T

Hoa Tết, nét văn hóa độc đáo của người Việt, đã không ít lần xuất hiện trên các tờ báo, tạp chí quốc tế. Hãy cùng chiêm ngưỡng hoa Tết ở nhiều vùng miền trên đất nước, qua ống kính của báo chí nước ngoài.
Hoa Tết Việt Nam trong mắt báo chí quốc tế
.

Những cây đào như thế này là niềm vinh dự của người trồng ra nó, đồng thời, nó cũng được coi như một “lì xì” may mắn cho ngày Tết của người nông dân. Nếu trồng được đào đẹp, họ sẽ rất phấn khởi. (Ảnh: Telegraph)
Hoa Tết Việt Nam trong mắt báo chí quốc tế
.
Người nông dân đang chăm sóc cho vườn đào của mình. Cả đất nước Việt Nam trong những ngày này đều đang chuẩn bị cho Tết nguyên đán – ngày Tết quan trọng nhất của cả dân tộc. Nhiều gia đình miền Bắc thích mua hoa đào hoặc cây quất để bày trong nhà, bên cạnh đó những loài hoa đa dạng khác dùng để cắm bình cũng là một phần làm nên phong vị ngày Tết. (Ảnh: NBC News)
Một quân nhân đi chọn mua quất chuẩn bị cho ngày Tết.
.Một quân nhân đi chọn mua quất chuẩn bị cho ngày Tết. (Ảnh NBC News)
Người miền Nam thường chuộng mai vàng.
.Người miền Nam thường chuộng mai vàng. (Ảnh: Flickriver)
Hoa đào, hoa mận trước hiên nhà.
Hoa đào, hoa mận trước hiên nhà. (Ảnh: Diary of Kathya)
Một cô gái trẻ chở hoa đào ra thành phố bán trong khu chợ hoa Tết.
.Một cô gái trẻ chở hoa đào ra thành phố bán trong khu chợ hoa Tết. (Ảnh: Aaron Noel Santos Photo)
.
Hoa mận miền Tây Bắc.
.Hoa mận miền Tây Bắc. (Ảnh: Asia Finest)
.
Vườn trồng hoa cúc – loài hoa thường được trang trọng đặt lên bàn thờ gia tiên.
.Vườn trồng hoa cúc – loài hoa thường được trang trọng đặt lên bàn thờ gia tiên.
.
Hoa mận.
.Hoa mận- Ảnh của phóng viên Phạm Ngọc Bằng báo Lào Cai đăng trên báo nước ngoài
.
Hoa đào Tây Bắc.
.Hoa đào Tây Bắc (Ảnh: Discovery Indochina)
.
Đào rừng.
Đào rừng (Ảnh: Flickriver)

 
Pi Uy
Tổng hợp

Hoa cỏ vườn nhà chào xuân


Thơ
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

RƯỢU LÀNG NHÂN
Tên thực là Rượu Làng Vân, viết dưới bài Đám Cưới Bạc,
sau đồi lại là Rượu Làng Nhân tránh mọi ngộ nhận.


Trai làng Nhân giã gạo đầu trăng
Kỳ lạ giã gạo ngủ gật
Mớ gật bay lên trời giã gạo cùng tiên

Gái làng Nhân tãi gạo phơi trăng
Trộn trăng vào gạo
Trộn tình thanh vắt mầu trăng
Hạt gạo cũng mầu trăng

Trai làng Nhân từ tiên về thức
Bế gạo trăng vào nồi
Gái làng Nhân nhóm lửa vú trinh
Rượu cất

Sàng rơm hương trăng giọt giọt
Tình say lịm lịm
Rượu Nhân

(99 khúc tăng Liên)

Thơ BẰNG VIỆT


Thơ
BẰNG VIỆT


TẢN MẠN VỀ TRÚC LÂM ĐẠI SĨ

Khuôn mặt người hiền
Làm vua cũng vậy, làm sư cũng vậy,
Làm vua khi Nước giục
Làm sư khi thân nhàn.
Tấm lòng người hiền
Làm vua cũng vậy, làm sư cũng vậy,
Biết thương người, rồi mới thương mình.
Thiên hạ trong tay mình. Mình trong tâm thiên hạ.
Nhất cử nhất động đều minh bạch
Toàn vẹn trước Trời - Đất - Người.
Không vơ vét làm gì, vẫn giàu hơn tất cả,
Không ỷ thế nạt ai, vẫn ngời ngợi cao vời.
Làm vua cũng vậy, làm sư cũng vậy,
Bậc minh triết xuề xòa thư thái sống muôn đời !.
Kỷ niệm 704 năm ngày giỗ Phật Hoàng Trần Nhân Tông.


ĐỌC LẠI THƠ THỜI TRẦN

Có chút bùi ngùi không sao cưỡng nổi
Khi đọc lại thơ tám thế kỷ xa rồi :
Người xưa trong hơn ta, tĩnh hơn ta,
Gần bản thể hơn ta
Dầu sống ngắn hơn ta.
“ Xuân vũ vô cao hạ,
Hoa chi hữu đoản trường ” ( 1 )
Mưa xuân thỏa thuê không phân biệt sang hèn
Hoa chỉ cần tỏa hương, ngắn dài ai để ý !
Minh triết chính từ cảm quan dung dị
Người hòa lẫn thiên nhiên trong triết lý đại đồng !
“ Vị minh nhân vọng phân tam giáo,
Liễu đắc để đồng ngộ nhất Tâm ” ( 2 )
Cần gì dựng mọi tín điều hóa những bức thành ?
Cả Nho - Lão - Phật đồng nguyên, hòa chung dòng chảy,
Chỗ điều tiết cao vời lại chính ở trong tâm ,
Tâm sáng thì Đời sáng.
Người xưa hồn hậu hơn ta
Ít chịu ràng buộc vì thế tục,
Thoát nhẹ như không qua lỉnh kỉnh việc đời.
Có là gì - việc vị này mất quyền, vị kia làm tổng thống,
Có là gì - chuyện giá vàng leo thang, chứng khoán tụt sàn !
Ta nhỏ nhen hơn xưa mà đa sự hơn xưa,
Ta tất bật để mà ta tồn tại ! ( 3 )
“ Thiên địa do đàn chỉ,
Sơn xuyên đảng thấu thanh
Tạm thời phong vũ động
Kê hướng ngũ canh minh !”
Ai biết nỗi lo thời nào cao hơn,
Ai biết cái nghĩ thời nào cạn hơn ?
Ai biết con người đã từng thành khổng lồ
Lại có lúc hóa thành sâu kiến ?
(4)
Nhưng thôi ! Tiếng gà canh năm vẫn gáy
Nhưng thôi ! Thời đại vẫn đang rung chuyển
Mưa thu qua, mưa xuân sắp đến rồi !.

( 1 ) “ Mưa xuân không có cao có thấp,
Cành hoa tự có ngắn có dài”
( Thơ của Trần Thái Tông- Khóa hư lục )
( 2 ) “ Chưa đủ sáng thì phân nhầm ra ba giáo lý,
Thấu suốt rồi thì cùng ngộ ra chỉ có một Tâm thôi”
( Câu kệ của Trần Thái Tông – Khóa hư lục)
(3)
Nhại lại câu của Descartes, nhà triết học Pháp:
“Tôi suy nghĩ, vậy thì tôi tồn tại!”.
( 4 ) “ Trời đất chỉ như búng một cái ngón tay,
Non sông chỉ bằng một tiếng dặng hắng,
Lúc này tạm đang còn gió mưa rung chuyển
Cũng như tiếng gà gáy lúc canh năm đó mà !”
( Thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ ).

VƯỜN NHẬT BẢN

Đá và rêu
Cách ta đã bảy trăm năm
Huyền hoặc và ám dụ.
Đá ngồi thiền, thẩm thấu lẽ tử sinh,
Rêu lặng lẽ xuất thế và nhập thế.
Ngỡ nước chảy, mà thực không có nước,
Sóng cuội, sóng khô, vô tận, vô cùng…
Thanh tĩnh đến mức nghe được chính mình
Vườn ẩn hiện bất ngờ theo nhịp bước,
Những : tham sân si… đã bỏ quên ngoài cổng,
Chút ghen tỵ Hóa công cũng rơi nốt dọc đường…
Cỏ hữu hạn xanh veo thành bất tử,
Lòng hoàn nguyên rửa sạch với thinh không !.

LỤC BÁT CẦU MAY

Biết đâu, say đắm vẫn còn,
Thoảng cơn gió lạ, nắng dồn sang mưa,
Xế chiều, quay lại giữa trưa ,
Ngậm ngùi nối lại thời chưa biết gì !
Ngậm ngùi chăng ? Ngậm ngùi chi ?
Ngậm ngùi xong để quên đi ngậm ngùi ...
Biết đâu, sau lớp tro vùi,
Ngón tay em có phép cời lửa lên
Vô tình thoát tục thành tiên
Một đời Từ Thức, một duyên Giáng Kiều,
Viễn du... thay kiếp bọt bèo
Chân mây, đầu sóng cũng liều ... Biết đâu !
*
Cuộc đời đâu luận trước sau,
Biết đâu hạnh phúc, biết đâu đọa đầy...
Nếu làm mây, cứ như mây
Một mai tan xuống đất này, được không ?
Nếu em là kiếp bềnh bồng
Thì tôi vĩnh viễn phải lòng phù du,
Nếu em khoát mở sa mù
Thì tôi vĩnh viễn hóa bờ bến xa,
Cầu may tới cõi giao hòa
Cầu may có được ngôi nhà biết yêu !

EM VÀ TÔI

1
Em có nét buồn sâu như ngọn gió
Thổi lang thang qua năm tháng hao gầy,
Tôi có chút buồn xa như vạt cỏ
Khuất chìm sau cát bỏng đến chân mây ...
Khi quay lại nhìn nhau trong khoảnh khắc
Gió qua truông thương cỏ cháy ven trời,
Chỉ em biết, cỏ rồi xanh mút mắt,
Chỉ một mình em biết – cỏ là tôi !

2
Em có thể có gì xa cách lắm
Những ưu phiền chưa nói hết cùng tôi,
Mưa sau núi trải về xa thẳm thẳm
Lối em đi, mù xóa dấu chân rồi...
Nhưng gương mặt qua sa mù trẻ lại
Tươi như sương mà lãng đãng như sương...
Có thể hóa hồ ly trong truyện cổ
Có thể hóa nàng tiên trong cuộc đời thường.
Tôi chớp mắt...chờ phút giây huyễn hoặc ! ? !
Em vẫn vô tâm, lặng lẽ như thiền ...
Nếu hóa nước, hẳn hóa nguồn trong suốt,
Chỉ một mình tôi biết – đó là em !

( Thơ Bằng Việt. Tác giả tự chọn ).



Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Hoa cỏ vườn nhà chào xuân

Thơ
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

NAM MÔ TRỜI


Đừng nam mô nữa
Này thì vàng nắng

Này thì mưa quan

Này thì lộc gió

Này thì tình trăng

Cần gì cứ lấy


Nam
mô trời
Đừng nam mô nữa

Cùng từ cực lạc sinh ra

Mà được làm người

Lẽ nào chưa thỏa sướng

C chi còn xin thêm


Nam mô trời

Đừng nam mô nữa
Trời chỉ một đạo dương
Dưỡng sinh thập loại chúng sinh
Thập loại chúng sinh trời thương tất cả
Tình không ưu ái riêng ai 
 
Nam mô trời
Đừng nam mô nữa
Đau lòng đau lòng đau lòng
Hay muốn về trời làm nắng ?
Hay muốn về trời làm mưa ?
Hay muốn làm oai hùng sấm sét ?
 
Lặng nam mô
Hơ hoảng
Tiếng mõ tụng hư vô hơ hoảng
Tham sống làm sao giấu nổi trời
Cuống quýt lạy van
Xin để làm người

  
(Thơ 99 khúc tặng Liên)

Lan/ Đào ngáy Tết

65 triệu một chậu lan, 70 triệu một gốc đào


Thời kỳ bão giá có thể khiến bạn nghĩ rằng các đại gia sẽ “ngại” mở ví tiền sắm những món đồ chơi Tết đắt đỏ. Tuy nhiên, đến làng đào Nhật Tân, chợ hoa Quảng Bá của Hà Nội những ngày này, chứng kiến nhịp mua bán đào, lan giá “khủng” vô cùng sôi động, chắc chắn bạn sẽ phải suy nghĩ lại.

“Đặc sản” đào Thất thốn

Mặc cho thời tiết mưa phùn buốt lạnh, vườn đào thất thốn của ông Lê Hàm (Nhật Tân, Hà Nội) dịp cuối tuần vẫn nhộn nhịp khách đến thăm thú, hỏi mua đào Thất thốn. Trong mắt những người mù mờ về đào, có lẽ đào thất thốn chỉ giống như một cành củi mục cắm vào chậu cảnh. Cái thân xù xì, rêu mốc, cành hiếm cả hoa lẫn lá của loại đào này dễ tạo cảm giác buồn tẻ, thiếu sức sống.

Tuy nhiên, đối với dân sành chơi đào chốn Hà thành, đào Thất thôn được xếp vào loại đào “đặc sản”, nổi tiếng cả về độ độc lẫn độ đắt đỏ. Ngay trong vườn của ông Lê Hàm, tất cả những gốc đào bích gốc to, thế đẹp, dáng chuẩn, hoa nở rực rỡ đều có giá thua xa giá của một cây đào Thất thốn “xấu xí”, nằm ảm đảm ngay phía đầu cổng vào vườn.


Cây đào thất thốn được định giá 50 triệu nhưng ông Lê Hàm không bán
Cây đào thất thốn được định giá 50 triệu nhưng ông Lê Hàm không bán

Lý giải cái tên lạ của đào thất thốn, ông Lê Hàm cho biết: “Thất là 7, thốn là một đơn vị đo chiều dài sinh học trên cơ thể con người, rất phổ biến trong Đông y. Gọi là đào thất thốn là bởi cứ cách đều đặn 7 thốn, thân hay cành cây này lại phân nhánh”.

Ngoài ra, sự khác biệt tạo nên “đẳng cấp” của đào thất thốn so với đào thường là vẻ rắn rỏi của cây, của lá và sắc thắm rất đặc trưng của những cánh hoa.

Vườn đào của ông Lê Hàm có khoảng 60 -70 gốc đào Thất thốn. Năm nay, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng giá đào Thất thốn dường như vẫn chẳng hề bị tác động. Những cây thất Thốn nhỏ nhất cũng có giá trên dưới chục triệu đồng. Cây đào thất thốn “đỉnh” nhất trong vườn nhà ông Lê Hàm đã được khách đặt giá 70 triệu đồng, sẽ chờ đến ngày Táo Quân tới chở về.

Bên cạnh món “đặc sản” đào Thất thốn, thú chơi đào sang trưng Tết của giới nhà giàu Hà Nội còn tập trung vào những gốc đào cổ, đào thế đẹp hay những cành đào rừng to ấn tượng.

Sáng 27/1, theo chân một vài đại gia đi sắm đào ở Nhật Tân, có thể thấy giá của những gốc đào bích đẹp có thể được “hét” từ 18 -30 triệu đồng/cây. Giá thuê và mua chỉ chênh nhau khoảng 3 triệu đồng. Trong khi đó, giá của cành đào rừng “khủng” nhất chợ Quảng Bá đang được ghi nhận ở mức 20 triệu đồng.

“Ngất ngưởng” giá lan hồ điệp

Lan hồ điệp chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, đang được bày bán rất nhiều tại chợ hoa Quảng An (Hà Nội) với giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của khá nhiều khách “sộp”.


Chậu lan hồ điệp có giá 65 triệu đồng
Chậu lan hồ điệp có giá 65 triệu đồng

Theo nhân viên bán hàng tại siêu thị hoa Anh Trí (Quảng Bá, Hà Nội) cho biết, lan hồ điệp có bông to, cánh dày, màu sắc hoàn hảo toát lên vẻ sang trọng nên rất được lòng các đại gia.

Bên cạnh đó, lan hồ điệp cũng rất bền, có thể chơi lâu tới hơn 2 tháng. Giá các loại lan hồ điệp chạy từ 600 – 800 nghìn đồng/cành, cao nhất có thể cán mốc 1,5 triệu đồng/cành.

Đa phần lan hồ điệp được cắm chậu sẵn để bán. Giá một chậu lan hồ điệp phụ thuộc vào số lượng cành, màu sắc hoa, cành to hay nhỏ. Các cửa hàng hoa, siêu thị hoa ở Quảng An bày bán không ít những chậu lan hồ điệp “khủng”, có giá lên tới 20 triệu đồng, 28 triệu đồng, 35 triệu đồng, thậm chí là 65 triệu đồng.

So với lan hồ điệp, địa lan cũng được nhập từ Trung Quốc nhưng có giá mềm hơn khá nhiều. Phổ biến ở chợ Quảng An là địa lan màu vàng, có giá khoảng 300.000 – 450.000 đồng/cành. Một chậu địa lan tầm cỡ nhất cũng chỉ có giá khoảng 9,5 triệu đồng. Đa phần những chậu lan này đều được khách hàng đặt trước và chờ tới ngày cận Tết mới chuyển về.

Theo những người bán lan ở chợ Quảng An cho biết, thị trường lan Tết sẽ càng sôi động trong một vài ngày tới. Bên cạnh lan hồ điệp, rất nhiều đại gia Hà Nội đã liên lạc tới hỏi và đặt cọc tiền mua các loại đia lan cao cấp như giống vàng Nhật, xanh Newzealand... Giá cả của mỗi chậu lan này cũng không thể dưới chục triệu đồng.

Theo Thanh Hải
VTCNews