Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Thơ Huỳnh Văn Úc



HUỲNH VAN ÚC

 
DỪA ƠI!

"Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan".
Màu xanh ngợp cả không gian
Bạt ngàn lấp lánh màu xanh của dừa,
Dừa buông tóc để gió đưa
Tán dừa ấm tiếng giọt mưa thầm thì,
Đàn chim chợt đến, chợt đi
Lao xao dừa kể những gì với chim,
Bên nhau như anh và em
Dừa cao, dừa thấp, dừa ken thành rừng,
Xanh rờn trong buổi bình minh
Chiều hôm nắng nhạt xanh đen một màu,
Xa dừa dẫu có đi đâu
Nhớ dừa xanh thẳm một màu, dừa ơi !


ÔNG VÀ CHÁU

Ông là buổi chiều tà
Cháu là bình minh rực rỡ.
Ông là quả chín trên cành
Cháu là nụ hoa mới nở.
Lúc dỗi cháu hay khóc nhè,
Khi ông buồn nước mắt chảy vào trong.
Ông ôm cháu vào lòng
Ước gì thời gian ngừng lại
Cho ngực ông ấm mãi
Cho ông nhìn mắt cháu xanh trong
Cho ông hy vọng trong lòng
Rằng thế giới này đẹp mãi
Và mọi người
Sống với nhau hòa hình
Như cháu và ông.

Thơ Huỳnh Văn Úc/ Tác giả gửi qua eMail
nnb vi tính giới thiệu


Thơ Lưu Thị Cẩm Huyên




THƠ LƯU THỊ CẨM HUYÊN

ĐH KHXH&NV TP.HCM

.
Cà phê phố thị và khói rạ...
.
Chất rock phố thị len lén vào tôi
Tiềm thức chẳng bao giờ ngủ yên
Trỗi dậy ào ạt
Đưa hồn tôi bay về lãng đãng nơi cánh đồng
Mùa rất ngoan hiền như sợi nắng
Cà phê đắng khỏa lấp bâng khuâng đang đong đầy.
Chuyến tàu chạy trong sương
Đưa tôi đi, vô tình đánh rơi tâm hồn nơi gốc rạ
Giữa phố thị đèn màu chợt mộng du
Tôi thấy mình đi về phía tiếng ầu ơ của mẹ
Đi ngang qua làn gió mang mùi khét của khói rạ ban chiều
Nằm ngủ vùi giữa cánh đồng khô nứt nẻ
Nghe đất quê tôi than thở thèm phù sa.
Chất rock dội vào tai
Tan biến nhanh khi tôi mơ về những khúc hát dịu êm
Gió hát rạo rực như khát khao thinh không
Con dế rù rì tụng bài ca tháng nắng.
Cảm được mình non nớt nên thèm lắm tình thương
Và nắng Sài thành hiền như tình mẹ
Rơi rớt trên bờ vai
Hôn lên tôi như cái vuốt tóc của ba ngày bé dại.
Tiềm thức chẳng bao giờ chịu ngủ yên
Trỗi dậy giết chậm hồn tôi
Nên giữa phố thị chợt mông lung
Khói cà phê dựng hình làn khói rạ
Và chất rock tan thành tiếng ầu ơ, nhẹ bẫng
Lặng lẽ...
Tôi ẵm nuối tiếc chạy thẳng vào đời.



Mùa thu cõi lòng
Tặng anh Cao Vĩ Nhánh
.
Tôi không thấy điểm khởi đầu của mùa thu
Dường như đất cựa mình giao mùa trong nín lặng
Và hàng cây âm thầm trút lá
Bỏ rơi cành, về nương tựa mảnh đất câm.
Mùa thu tàn nhẫn không?
Trút lá vàng nhuộm úa cả nhân gian
Tôi bỗng hóa ngốc nghếch
Đi cùng kẻ tàn nhẫn suốt tháng ngày dài
Rồi con tim cũng lấm lem màu úa vàng của lá
Ai bảo nỗi đau là thứ vô hình không chạm được?
Tôi chạm nước mắt, nặng oằn trên khóe mi.
Ký ức tôi không mang màu hồng hạnh phúc
Nên chẳng thèm hoài niệm
Nhưng mọi sự biếng lười đều phải trả giá
Heo may rào rạt như khóc
Thổi thốc tâm hồn tôi về bên kia con dốc -  ngày xưa
Lóng ngóng xếp những mảnh ký ức giữa  ngày nay
Cứ lô nhô nhiều vết xước
Tôi tan theo miền nhớ, đớn đau.
Dẫu khóc đến mỏi mòn đôi mắt
Khắc khoải đến rã rời lý trí
Bấn loạn đến ray rứt trái tim
Tôi vẫn đủ sức tặng người một tấm lòng
Như chính mùa thu
Dẫu xao xác đến gầy guộc
Và nắng thật thà hơn cả gió
Vẫn vỗ về tặng đời những vần thơ.
Tôi ngơ ngác tìm điểm kết thúc của mùa thu...
 .
Tháng mười hai và tôi
.
Tháng mười hai...
Nắng quá hiền chẳng hâm nóng nổi
 buổi chiều
Tâm hồn tôi buốt lạnh qua bao lần về ngang  lối cũ
Gió ngoan cố chẳng biết nghe lời
Vắt kiệt sức mình thổi rát tháng mười hai.
Vẫn tựa mình trên lênh đênh
 tháng mười hai
Mùa đông khiến thị trấn trở nên trầm cảm
Rồi ủ dột, thị trấn hóa rêu phong
Tháng mười hai buồn mà đẹp
Tôi tuổi buồn liệu là tuổi đẹp không mùa ơi?
Tách cà phê chẳng còn nhỏ giọt
Và dẫu buồn đến từng kẽ tóc
Cũng chẳng khóc nổi cho mình
 một giọt tinh khôi
Khóe mi tôi ráo hoảnh
Mình già dặn giữa thơ ngây
Hay đã trưởng thành?
Tách cà phê lạnh đi giữa tháng mười hai...
.
Mặc định cho ký ức
.
Tháng này, mùa thu đã già chưa anh?
Với em khi chuỗi ngày xưa cũ phô bày nỗi nhớ, mùa thu đã thấm tận vào tim
Tàn tích cuộc tình ngày ấy cứ giằng xé cái nhìn trong veo thành vụn vỡ
Em chẳng thể nào vị tha với mùa thu.
Anh có thể dìu em đi hết con dốc thu?
Khi  kỷ niệm chẳng thể nào nằm im ở quá khứ nên em kiệt sức
Vài chiếc lá chán cành đã làm cuộc đi rong
Những buổi chiều thấy mình quay quắt giữa con phố chẳng thuộc nổi tên đường
Em biết, mùa thu đang đậm đặc quanh mình
Giá mà gió có thể cuốn phăng được ký ức
Em sẽ phơi mái tóc gầy và phong phanh trong làn áo mỏng
Để gió thổi nỗi niềm trốn vào mưa.
Có lẽ em không đủ kiên nhẫn đi hết mùa thu
Bởi lá cứ rơi, mưa cứ rơi và trái tim em cũng rơi hẳn về phía anh
Em không gom được hết lá vàng rơi trên con phố này
Không xóa được gió heo may và cơn mưa buồn dai dẳng
Nên chẳng thể giấu mất mùa thu
Cũng chẳng biết giấu anh đi đâu, khi lý trí đã quá hiểu tính chất cuộc tình mình.
Rồi em sẽ mặc định ký ức bằng chữ quên
Bởi có một mùa thu nuôi lớn vết thương dài chưa thôi âm ỉ
Cơn mưa ngâu bỗng chuyển sang nặng hạt
Vài chiếc lá gầy bay lêu lổng ngoài trời để sang đông.
.

Viết cho mùa…
.
Tháng giêng, hoa cải an nhiên bay về trời
Bỏ rơi triền đê với những buổi hoàng hôn vàng nhức mắt
Nắng tháng giêng như ngọn hoa trinh nữ về chiều ngủ gật
Vỡ âm thầm giữa thinh không
Lũ chim nghịch trên mái ngói đã hóa rêu
Như đang hứa hẹn với nhau về một mùa đôi lứa.
Khi tiếng ve dội vang trời, buổi trưa bắt đầu thơm mùi của nắng
Đụn phân trâu vô tư rục mình vào đất
Cứ hồn nhiên như thuở mới bắt đầu
Lũ côn trùng râm ran trong vườn sau trận mưa đêm
Cựa mình thoát kén bởi những tháng ngày ngủ vùi thớ đất
Vài đứa trẻ với tuổi thơ cháy nắng tìm niềm vui bên cánh chuồn kim
Vịn vào chiều, nghe tuổi nhỏ bật ra tiếng cười vồn vã
Con kiến gầy gò cõng chiếc lá mục về xây tổ ấm
Vội vã chạy trốn những cơn giông
Khi cây lúa đã cống hiến hết sức mình
Trên đồng chỉ còn gốc rạ nằm ngủ ngoan đợi mưa cho mùa mới.
Tháng tám, mang chất mộc lẫn vào từng ngọn gió
Một chiếc lá khô bên ô cửa cũng là một bài thơ
Mưa tháng tám quá thật thà
Ủ ê mùa trên mái ngói lạnh câm
Những chiếc lá lìa cành vùi mình vào đồng loại
Chúng thực sự chết để vực dậy bao sự sống tinh khôi
Con đường rồi sẽ thênh thang gió
Ngoài bờ tường bắt đầu meo mốc bởi mưa ngâu.
Đông về, hàng cây già lặng người đứng bên đường như phô ra cho
đời nét nghệ thuật
Rồi âm thầm nghe mưa gõ đều đều lên thân xác
Những ngọn gió gối đầu vào nhau, đổ dài qua mái ngói buồn
Hàng ghế đá đằm mình trong giá lạnh
Mưa mùa đông xóa trắng đường chân trời.
Vẫn mong mùa ngoan hiền đi qua tháng năm
Mặc định cho nhau đến rồi đi, không để lại những giận hờn.
 .
THƠ LƯU THỊ CẨM HUYÊN
NGUYỄN VĂN HÒA (ĐỌC CHỌN)
Nnb vi tính giới thiệu

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Thơ Nguyễn Thanh Mừng


NGUYỄN THANH MỪNG

Dt: 0905871559
Email: nganxuamung@yahoo.com.vn



QUÁN GIÓ BÊN ĐƯỜNG

Quán gió bên đường trống huyếch trống hoang
Như tâm trạng những con người
Cóc cần trời đất

Cô gái giang hồ sương mưa phờ phạc
Đám coi kho nhèm mắt tú-lơ-khơ
Gánh hát lăng nhăng buồn ngủ gật gà
Vật vờ húp cháo

Quán gió bên đường đêm nay ta ghé
Cút rượu nóng ổi xanh
Chửi vài cây bút lôm côm vừa bán tụng ca cho một tờ 
báo ngọng
Ngậm ngùi vì dăm tên bịp bợm
Chống gối len giành giật mũ cánh chuồn

Đi qua sự tàn nhẫn ngôn từ và chuyện tiếu lâm
Là nỗi niềm quặn thắt
Những điều thiêng liêng biến thành hài hước
Năm tháng dài nhẹ hẫng phủi trên tay

Đi qua những đời người nổi trôi khi say lả cung mây
Cõi lòng đang dốc ngược
Những vương triều và thánh thần đổ sụp
Chỉ còn trơ cặn đắng với bã mồi

Ta tránh chơi đỏ đen với vận mạng con người
Nhưng không thể không trở thành nhân chứng
Bọn hát xướng mượn tích tuồng láu lận
Kẻ cầm cân điếm đĩ trước lúa khoai
Ôi tuổi trẻ ta hôn lên tóc bạn
Đang phai mầu lặng lẽ rớt qua vai

Quán gió canh tàn trăm đợt gió lung lay…

1987


VỀ MỘT NGƯỜI BẠN THƠ
Tặng H.B.L

Nếu mọi giá trị trên đời tính bằng sự buồn đau
Anh là người giầu có

Tất cả dính vào anh như tạm bợ
Chiếc áo hờ hững trên vai
Mái nhà lắt lay
Đêm mưa mấy cha con đội nón ngồi dúm dó
Cả trái tim từng lăn qua tay người vợ
Như một thứ đồ chơi

Biết nói thế nào hơn khi có một thời
Tiền nhuận bút bài thơ chỉ đủ mua rau muống
Có cuộc hôn nhân không lớn hơn một vòng kim loại 
lạnh tanh là chiếc nhẫn
Số con ra đời là để tòa bù vào bàn ghế tủ giường
cho chẵn phép chia hai

Những tràng cười ngã ngớn công khai
Đồng ngũ dẫm lên nhau làm nấc thang thành đạt
Mọi giá hàng đều tăng chỉ trừ nhân cách
Con đường quen bỗng lạ lùng dưới nắng sớm mưa trưa

Người lính cũ bàng hoàng thét gọi cánh rừng xưa
Và giấu tuổi bốn mươi vào đáy cốc
Những câu thơ trần tình cộc lốc
Ném bên lề như giọt máu hoang

1987


CẮT NGHĨA

Đôi khi
biển chỉ là chiếc cốc khổ đau
nàng tiên xưa
lỡ rót đầy rượu đắng

Đôi khi
rừng chỉ là một dải băng đen
nơi con thú bị thương
thét gào
quẫy đạp

Và ngôi sao là quê hương của gã lữ hành
từng đêm
từng đêm
bồn chồn
đơn độc

Trời ơi
sẽ chẳng có sợi dây định mệnh nào siết chặt đời nhau
giá như nhìn vào mắt em ngày ấy
tôi không gặp
chút thẳm sâu của biển
chút hoang lương của rừng
chút huyền hoặc
của
ngàn sao

1988


HỠI ĐÔI MẮT NÂU MỆT MỎI DỊU DÀNG

Đáng lẽ tôi sẽ đưa em về miền đất ngọt ngào chua xót ấy
Những bến sông xưa
Những đồng cỏ xưa
Những đô thị xưa
Nơi tôi từng đỗ qua đêm cùng con đò cô quạnh
Nơi tôi từng buồn thương cùng nhành phù dung trắng
Nơi tôi từng viết lời tiễn biệt trước mưa ngâu

Chùm nhãn nào đợi tôi trong khu vườn yên tĩnh mùa thu
Bạn bè nào đợi tôi rượu bồ đào thơm ngát
Mái tóc nào
Đã một thời nghiêng xuống trang văn
Thành bóng mát
Những quán gió đèo mây tôi tạm nhận là nhà

Đáng lẽ đêm nay tôi và em sẽ dừng chân bên hồ như đôi thiên nga
Em phủi bớt bụi bặm trên chiếc va li cũ mèm bạc thếch
Em giặt chiếc áo đầy gió sương và lôi trong túi ra bản 
thảo thơ nhầu nát
Chúng mình nhặt cỏ khô nhóm lửa
Nướng những bắp ngô vàng
Hát bâng quơ rồi thiếp đi trên vai nhau cho đến khi 
sao mai nhấp nháy…

…Em, bài ca dang dở của đời tôi
Nỗi muộn phiền lay lắt của đời tôi
Tôi không đem được chút tán râm nào trên độ 
đường phiêu dạt
Tôi không đem lại chút tin cậy nào trong vòng tay giá buốt
Hỡi đôi mắt nâu mệt mỏi dịu dàng
Chúng mình lỡ tìm nhau ở một ga hoang
Những con tầu bỏ đi sang xứ khác

Lẽ nào em lại nguyện cầu cho riêng tôi hạnh phúc
Dù xót xa dù độ lượng thế nào
Ngơ ngác giữa cái cô đơn kiêu hãnh
Nét mực buồn xô lệch cả đời nhau

Lẽ nào tôi chỉ giành cho em bài ca thuở trước
Bài ca tôi đốt giữa đêm sâu
Tàn tro rắc xuống non xanh nước bạc
Non nước lặng lờ trong suốt niềm đau…

1988

MỘT ĐÊM XUÂN HÀ NỘI

Thưa tôi gié lúa Rồng Tiên
bước chân Giao Chỉ dạt bên Chiêm Thành
sông Hồng ướt áo tàn canh
ngàn năm thấm tháp ngọn ngành chửa khô.

Tôi về gõ cửa muôn xưa
một vong bản phía tiễn đưa nghìn trùng
một rồ dại giữa anh hùng
một vô danh giữa chập chùng tuổi tên.

Đêm nay người nhớ hay quên
tôi như linh mục tháo phên giáo đường
trời xanh vồi vội giá sương
tóc xanh bỗng cứ cuống cuồng trắng phau.

Hà Nội 21.03.2007

TÔ NHI A


Tô- nhi- a ơi, ngày xưa tôi yêu em
Nụ cười giữa tuyết trong
Lọn tóc mầu hạt dẻ
Tôi thầm gọi tên em từ cánh đồng Đông Á
Bên rạ rơm nhiệt đới nồng nàn

Em mở cửa nhón gót trên  đường hoa tử lan
Tôi hồi hộp cùng em
Dõi theo buổi sáng Nga đôi mắt xanh đẫm ướt
Đôi mắt ấy khó hiểu nhìn tôi cậu học trò thôn quê bước ra
trước giảng đường đại học
Phê phán em tiểu tư sản thị thành

Trang khoá luận xủng xoảng mở đầu bằng lập trường vô sản trung trinh
Những dầu mỡ ốc vít cu- roa vang rền mệnh đề mỹ học
Dưới cành liễu bên hồ em đọc sách
Chúng ta đặt giữa cuộc gặp nhau một tiếng thở dài

Tôi tìm cách  chứng thực lý lịch thành phần bần cố nông  man khai
Chạy chọt chính quyền địa phương xoá bỏ mọi liên hệ
xuất thân địa hào trí phú
Đành  lưu vong khỏi rộc gò hương hoả
Em  nhún vai kiêu hãnh bên trời

Em vẫn không chối từ cố đô Đại Nam trầm tư
mặc tưởng của tôi
Thư viện đêm giá rét
Khép nép cạnh Thực lục, Chính biên, Tiền biên,
Quốc triều hương khoa lục
Cạnh một người luôn nghĩ đến em, lại buộc phải
vạch vòi những tiểu thư cành vàng lá ngọc
Thiếu sắn lát mì sợi bo bo, thiếu quan điểm bùn lầy

Em nhíu mày  nhìn cuộc  phân tích cổ vũ những
quận chúa công nương quay ra đẩy ba gác
xích lô chăm gia súc trồng cây
Kiểm thảo mùi nước hoa hạ bệ giọng trữ tình quyền quý
Chiếc hài nàng Lọ Lem và đêm vũ hội
Thay bằng buổi  đấu tố  thét gào rầm rập tiếng dép râu

Em chật vật ghé theo phóc- ba- ga cà rịch cà tàng cuộc
diễn tập dưới vòm trời chữ nghĩa hanh hao
Xuống ruộng lý luận giáo điều lên bờ thực đơn bao cấp
Khẩu phần  sinh viên những “nước mắm đại dương”
những “canh toàn quốc”
Những chuyến nhồi nhét kinh hoàng trong tàu chợ, xe than

Em kín đáo  trao tôi chiếc chìa khoá bí ẩn khu vườn
hoa tử lan
Cố vượt lên mùa đông tàn tạ
Gìn giữ  một  áng mây  phiêu bồng  khung cửa sổ
xứ bạch dương
Cơn bão tuyết đi qua, còn lại  bóng sồi trên mặt hồ trong veo  lắng nghe đôi sếu đầu mùa đồng hành chung nhịp thở
Huế của sen hồ Tịnh Tâm của thông đồi Thiên An của trúc thôn Vỹ Dạ
Cứ thâm trầm thay mọi biện minh

Em lặng lẽ dõi về quê nhà tôi từng quá nhiều cuộc xâm lăng, quá nhiều phiến loạn quá nhiều hình tích  đạn bom
Nơi tôi thầm gọi tên em trong bi hùng lịch sử
Có một chiều Đông Á
Một lưng trâu tôi áp sách bên lòng
Em trỏ ngón tay chặn làn môi suýt véo von giữa
cuộc hẹn hò bằng hai từ đồng chí
Trong đôi mắt thăm thẳm xanh lọn tóc mầu hạt dẻ
Một thế giới yên hàn, một diệu vợi cảm thông

8- 2008


Thơ Nguyễn Thanh Mừng/ Tác giả gửi qua eMail NNB vi tính giới thiệu


"Chôn dọc" thơ Phạm Xuân Trường lời bình Phạm Văn Chữ


"Chôn dọc"

thơ Phạm Xuân Trường
lời bình Phạm Văn Chữ

 

CHÔN DỌC
.
      Bố chết con đừng chôn ngang
Bây giờ tấc đất tấc vàng con ơi!
      Ngửa mặt nhìn chỉ thấy trời
Chôn dọc cho bố nhìn đời thẳng cong

      Để mà thấu rõ đục trong
Biết ai gan ruột thật lòng với ai
      Và ai trong cuộc đứng ngoài
Lựa màu gió thổi đậm phai sắc hồng

        Ai về sau bão sau giông
Những hòn máu đỏ nuôi không nên người
       Ai từ muôn dặm trùng khơi
Trở về ban phát nụ cười cho quê

        Kìa ai nửa tỉnh nửa mê
Trắng tay còn một câu thề chặt đôi
       Đất đai giờ đã lên ngôi
Tình người đồng kẽm buông xuôi giữa đời

        Đất đai đã hóa vàng mười
Chôn ngang tốn đất cho người chết sau
       Sống thì làm khổ lẫn nhau
Bố không mong có kiếp sau luân hồi.
.
            (Cỏ cháy- NXB Hội Nhà văn- 2006)

Lời bình:
    Tập thơ “Cỏ cháy”- NXB Hội Nhà văn 2006- của nhà thơ Phạm Xuân Trường đã xứng đáng được giải C của Liên hiệp các hội VHNT quốc gia năm 2007 (không có giải A và B). Với tư cách công dân, ở tập thơ này, tác giả đã “đột phá dữ dội” vào những vấn đề gai góc không thể không lên tiếng. “Chôn dọc” là một trong những bài thơ tiêu biểu.
       Bằng thể thơ lục bát truyền thống, lại kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp trào phúng và bút pháp trữ tình, Phạm Xuân Trường đã bộc lộ nỗi đau nhân thế của một tâm hồn thơ nhạy cảm, luôn day dứt về một lẽ công bằng trong cuộc sống của cộng đồng xã hội ngày nay.
     Về cảm hứng trào phúng, có thể xem đây là một phần của “bản di chúc”, người bố căn dặn người con một việc rất hệ trọng. Đó là việc chôn cất mình sau khi chết...Còn nhớ, nhà thơ trào phúng Tú Xương, học hành thông minh tài giỏi, nhưng thi mãi vẫn cứ hỏng, chỉ đậu có Tú tài, không đậu lên Cử nhân, nên phẫn quá, có lần trước khi đi thi, đã căn dặn:
                                         Hễ mai tớ hỏng, tớ đi ngay
                                         Giỗ tết  từ đây nhớ lấy ngày
Thế nghĩa là, nếu hỏng tiếp, sẽ lấy ngày công bố, mà bỏ đi luôn, rồi chết luôn ở một nơi nào đó biệt tăm tích. Dù là “dọa” chết trong thơ, chết bằng thơ nhưng như vậy cũng là trào phúng lắm rồi. So bậc thầy, ngày nay Phạm Xuân Trường trào phúng cũng không kém. Ông muốn sau khi chết, phải được chôn theo một cách rất mới: chôn dọc! Mới nghe, thấy “sờ sợ” và có cái gì tai quái. Ai đời lại bảo con cháu chôn mình theo một cách dị thường như thế? Nhưng đọc rồi ngẫm nghĩ, lại thấy cái “sáng kiến” này hợp lí lắm. Ngay tiêu đề đã tạo cho bài thơ có một cái tứ mới rất riêng và độc đáo. Vì tùy theo tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, từ xưa tới nay, người ta có nhiều cách “táng” cho người quá cố: mai táng, hỏa táng, điện táng, thủy táng...Ở đây, người bố vẫn chủ trương địa táng cho hợp với truyền thống, chỉ “điều chỉnh” một tí về cách thức mà thôi. Để cho con mình nghe ra và chấp nhận, ông đã có cách thuyết phục rất hay.
     Trước hết, về định danh khái niệm, bố nói là “chôn dọc” chứ không nói là“chôn đứng”. Chỉ có thời xa xưa, khi trình độ còn dã man, người ta mới hành quyết những kẻ trọng tội bằng cách... chôn đứng. So với chôn dọc, cách tiến hành như nhau, nhưng bản chất hoàn toàn khác nhau. Nói chôn nằm, chôn đứng là lấy mặt đất làm chuẩn. Còn lấy cả trời làm chuẩn nữa, ta có khái niệm “chôn dọc” và “chôn ngang”. Ngang trời dọc đất...Được chôn vậy cũng sướng rồi. Từ Hải anh hùng trong Truyện Kiều cũng chỉ có hơn người là chết đứng, còn chôn thì vẫn cứ là chôn nằm- “chôn ngang”.
     Thứ hai là về sự lợi- hại của hai cách chôn. Bằng phương pháp diễn dịch, điều này sẽ được nói khái quát trong khổ thơ mở đầu và đi vào biện giải cụ thể ở những khổ thơ sau.
     Chôn ngang sẽ rất lãng phí đất, trong khi:
                        - Bây giờ tấc đất tấc vàng...
- Đất đai giờ đã lên ngôi
- Đất đai đã hóa vàng mười
Dành ra 3 câu để nói đi nói lại về sự quý giá vô cùng của đất đai lúc này. Con không thấy đó sao? Người ta mua đất ở miền núi, trung du, ven biển để làm trang trại, khu nghỉ dưỡng; mua đất ở đồng bằng, ven đô để làm sân gôn, khu du lịch; mua đất ở thành phố để xây khu biệt thư, khu đô thị…Họ mua hết cả rồi. Không phải tham nhũng đâu, họ mua hợp pháp cả đấy. Chỉ có giàu đất như họ mới tha hồ chôn. Còn mình phận nghèo thường dân, quỹ đất bây giờ còn ít lắm, phải biết mà tính toán cho chi li, mới hợp thời, hợp cảnh chứ. Nếu “chôn ngang”, phải tốn mất 5- 6m2, còn “chôn dọc”, mộ bố chỉ cần đầu tư 1m2 thôi. Bố chết rồi, miễn sao chôn được, có cần gì tốn nhiều đất đến thế? Rồi còn phải tính dành đất “cho người chết sau” nữa… Bao nhiêu người rồi cũng chết như bố, nếu không biết nhường nhau, sau này người chết sẽ không còn đất mà chôn nữa đấy!
     Thời buổi người ta quý tiền, quý đất hơn cả tình người. Nhiều nơi đã diễn ra cuộc chiến đất đai, tranh giành nhau, kiện tụng nhau, đến mất niềm tin vào nhau, rồi từ mặt nhau...Thật lắm nỗi bi- hài. Lại thấy thiên hạ đua nhau xây lăng mộ thật hoành tráng để cho tiền nhân của mình cũng đẳng cấp hơn người, cũng oai như mình trên dương gian. Thực ra đã nhầm to. Bởi vì người thế giới bên kia sống với nhau rất tử tế, công bằng và rất thương yêu nhau. Chả thế mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết: “Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá/ Con người ơi! Hãy thương lấy con người…”(Ở nghĩa trang thành phố). Vậy nên người bố lại muốn co mình lại, thu nhỏ mình lại. Một cách nói ngược, đầy hài hước, mỉa mai và chua chát!
     Đó là nói cái lợi chung. Cái lí do lợi riêng cho bố cũng hết sức chính đáng. Nếu “chôn ngang” thì rõ ràng phải nằm ngửa, mà với bố- một nhà thơ “Nằm ngửa nhìn chỉ thấy trời”. Triết học dạy ta rằng, nhìn sự vật chỉ một chiều phiến diện thì sẽ bị đánh lừa bản chất. Trời ở tít mãi trên kia, ngày thì thấy trong xanh thăm thẳm, đêm chỉ thấy trăng sao lung linh. Bí hiểm lắm. Chỉ biết khi “Trời thấp thì phải đi còm” như tục ngữ đã nói. Hỏi có mấy ai biết được: “ Có những vệt bùn ở chín tầng cao” như nhà thơ Việt Phương? Chôn dọc là để bố “đứng thẳng lên” mà quay nhìn được 4 phương 8 hướng, để mà “thấu rõ đục trong” và “Ngẫm trong nhân thế đỏ đen cõi người”(PXT). Ở góc nhìn này, quả thấy Xuân Trường đã thật tài tình khi kết hợp, đan xen cài đặt vào nhau giữa yếu tố trào phúng và trữ tình. Trào phúng thì sử dụng nhiều yếu tố phi lí nghệ thuật. Còn cảm hứng trữ tình với yếu tố hợp lí, lại làm cho mục tiêu phê phán của cảm hứng trào phúng càng sâu sắc , mạnh mẽ hơn. Tiếng cười không dễ dãi cất lên mà có chiều sâu cảm xúc: khi thì bất bình, khi thì xót xa, thương cảm, tùy vào từng loại đối tượng.
       Trong các khổ thơ I, II và III, từ “ai” được điệp sáu lần. Nó là đại từ phiếm chỉ nhưng thực chất đã ám chỉ vào một loại người tiêu biểu nào đó. Chỉ điểm xuyết vừa đủ, nếu kể thêm nữa, sẽ sa vào kể lể, làm hỏng thơ. Loại người sống “đời cong”, theo dòng “đục”thì sống lắm mưu nhiều mẹo đến độ tinh ranh, khi đất nước can qua thì biết khôn ngoan “đứng ngoài”. Họ sống “Lựa màu gió thổi đậm phai sắc hồng”, nên khi đã yên hàn rồi thì biết nhảy vào tranh giành, để chọn những gì là béo bở nhất, ngon ăn nhất. Chính cái lối sống “Gió chiều nào theo chiều ấy” (Tục ngữ) đã làm băng hoại những giá trị tinh thần cao quý: “Tình người đồng kẽm buông xuôi giữa đời”. Những người sống “đời thẳng” theo dòng “trong” bao giờ cũng “gan ruột thật lòng”, đối lập với loại người cơ hội, nên chịu thiệt thòi, đau khổ nhiều nhất. Đó là những người lính trận một thời xông pha. Cuộc chiến kết thúc, may mắn được trở về “sau bão sau giông”, nhưng lại bị nhiễm chất độc chiến tranh, sinh ra những đứa con kì hình dị dạng. Thật là đau lòng và tội nghiệp. Chắc rằng, ngòi bút của nhà thơ đã phải rung lên bao nỗi xót xa thương cảm khi viết : “Những hòn máu đỏ nuôi không thành người”!
     Có những người con dân đất nước, vì nhiều lí do phải rời xa Tổ quốc, tha phương đất khách, nhưng hồn quê Việt vẫn ấm nóng trong từng huyết quản, khi có điều kiện là “Trở về ban phát nụ cười cho quê”. Tình đồng bào, đồng tộc mới quý hóa lắm thay!
    Còn những người nữa:
                                             Kìa ai nửa tỉnh nửa mê
                                    Trắng tay còn một câu thề chặt đôi
Cặp câu lục bát có giọng điệu trữ tình. Ngày trước, khi viết “Văn chiêu hồn” để khóc thương những cô hồn thập loại chúng sinh, Nguyễn Du cũng đã chỉ những “kìa” như vậy:
                 -  Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé...
                 -  Kìa những kẻ chìm sông lạc suối...
Khi ở vị trí xa hơn nhưng vẫn nhìn thấy rõ, ta dùng từ chỉ “kìa”.
 Nhưng ngẫm ra lại thấy chất trào phúng. Tại sao đã “trắng tay” mà vẫn “còn”…? Nếu người trong cuộc ở vào trạng thái “tỉnh” hay “mê’ hoàn toàn là đi một nhẽ và chẳng còn gì để mà nói. Nhưng nhờ “nửa tỉnh nửa mê” mà họ vẫn bằng lòng với thực tại. Tuy vậy, vốn liếng tinh thần thì đã “trắng tay” rồi. Trắng tay khác với tay trắng, Tay trắng là ngay từ đầu đã không có gì, còn trắng tay là đã có, vốn có nhưng sau một quá trình vận động thì không còn gì nữa; mất hết, mất triệt để, trở về tay không. Chua xót lắm chứ. Là người trong cuộc, họ vẫn còn ảo tưởng để giữ lấy“câu thề”. Nhưng, than ôi, câu thề đó chỉ còn là “câu thề chặt đôi”. Câu thề, lời thề là lời hứa thiêng liêng, có khi phải lấy danh dự, tính mệnh ra mà bảo đảm. Nó phải được giữ trọn, vẹn nguyên, sống chết đến cùng mới là niềm tin bất di bất dịch. Ai ngờ... Đã “chặt đôi” thì hỏi còn gì là ý nghĩa. Nó khác nhiều lắm với vầng trăng “ai xẻ làm đôi” ở trong Truyện Kiều. Ở đây, thái độ của nhà thơ có sự cảm thông và độ lượng  nhiều hơn là phê phán.
      Hai câu cuối bài:
                    Sống thì làm khổ lẫn nhau
                    Bố không mong có kiếp sau luân hồi
đã như đúc kết thành triết lí  từ trải nghiệm và nâng lên thành tâm nguyện của nhà thơ. Lẽ ra người với người là bạn.  Cùng là đồng loại, cùng một cộng đồng, phải bình đẳng và làm cho nhau vui sướng lên mới phải. Tự bao đời người ta luôn mong ước những điều tốt đẹp cho nhau. Chẳng có cha mẹ nào sinh con ra lại dạy con  tham ăn, lừa đảo, rồi làm điều xấu và điều ác cả. Và, tôn giáo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành, dạy người ta thương người. Nếu được vậy thì làm sao còn có nghịch lí và bất công. Thế mà, chẳng hiểu vì sự ích kỉ tham lam từ đâu mà người ta lại“ làm khổ lẫn nhau”? Vì vậy, “Bố không mong có kiếp sau luân hồi”. Không ảo tưởng nơi nào xa xôi, chỉ cầu mong cho cõi người, cho kiếp này ở thế gian bớt đi những nỗi bi- hài và hướng tới những điều tốt đẹp!
      Giữa lúc thơ “ngút ngàn” thi đàn đất Việt, có được bài thơ gieo vào lòng ta những điều ám gợi như thế này cũng thật là quý hiếm!

Phạm Văn Chữ
 
phamvanchu@gmail.com

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Thư Gửi Bạn Thơ

Thư Gửi Bạn Thơ

Thành thật xin lỗi đã không thể viết thư riêng cảm ơn và trao đổi tình thơ với từng các bạn thơ xa gần, thân hoặc sắp thân đã viết thư thăm hỏi động viên khích lệ dự án Bộ Sách Thơ Hay mà chúng tôi đang thực hiện. Nay, nhân có thư của bạn P.Q.L, chúng tôi xin phép được trả lời chung với khắp hết các bạn thơ, trước tiên xin đăng nguyên văn 4 góp ý dưới đây:

Bốn góp ý của bạn thơ:  

1) Tiêu chí chọn những bài thơ hay mà chưa được in trong các tập và tuyển tập chứ không phải đã được in và phát hành rộng rãi.Vừa qua ban biên tập giới thiệu có nhiều bài đã in thành tập rồi.
 2) Thơ hay là tự nguyện tác giả tuyển chọn trước, gửi meo trực tiếp tới tổ biên tập ( trừ khi tác giả đã mất) chứ không thể tác giả còn sống sờ sờ mà lại phải nhờ vào một người nổi tiếng nào đó bình luận lăng xê, giới thiệu giúp làm như vậy rất bị phản cảm và làm khó cho ban tuyển chọn, ảnh hưởng đến chất lượng tập thơ, (trừ trường hợp thơ sưu tầm quá lâu hoặc tác giả đã chết).
 3) Không nên đăng bài phê bình , bình luận các bài thơ chưa tuyển chọn để làm phân tâm ban biên tập. Quyền tự chủ cao nhất thuộc ban biên tập, không để các bài bình luận , phê bình (có thể bị lợi dụng) làm hỏng tập thơ.
 4) Các nhà thơ lớn từ thế kỷ trước và đương đại chỉ nên chọn đúng tiêu chí là: thơ hay chưa được in bao giờ.

Và đôi lời minh bạch:

1. Xin cùng đọc lai thư mời tham gia Sách Thơ, mục tiêu chí:  “…tập  hợp những bài Thơ Hay của thi đàn Việt từ sau Cách Mạng Tháng tám 1945 đến nay, đặc biệt ưu tiên cho những bài Thơ Hay mà vì lý do nào đó bị bỏ sót, bị thất lạc, bị từ chối, bị trù dập, bị hàm oan, dạng tiềm ẩn chưa có điều kiện công bố, đã công bố nhưng chưa quảng bá. Tập hợp Thơ Hay này, không phân biệt danh xưng, chức vụ, đẳng cấp xã hội (Thơ là thơ. Thơ không phải là địa vị xã hội của người làm thơ). Tập hợp không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa phương, tuổi tác, giới tính…”
Để trợ giúp cho Nhóm Bạn Yêu Thơ Hay hiện thực được ước nguyện của mình, chúng tôi trân trọng kính mời: Các nhà yêu thơ cùng chúng tôi nắm tay nhau tôn vinh Thơ Hay Việt Nam, bằng cách gửi về chúng tôi những sáng tác thơ của mình, của các bạn thơ mà bạn yêu thích hoặc phát hiện giúp chúng tôi những áng thơ hay của bất kỳ ai, mà bạn từng nghe, từng đọc. Và sẽ thật quí hóa nếu bạn tình nguyện tham gia cùng chúng tôi cộng tác biên tập, hoặc trực tiếp tham gia Ban biên tập.
Trước khi tập hợp thơ được in thành Sách (công bố loại hình và NXB sau ) bài vở gửi về  sẽ được đăng tải công khai, đầy đủ trên các trang mạng chủ và trang mạng liên kết để bạn đọc cùng tham gia bình chọn thơ hay. Dĩ nhiên, không phải tất cả những bài đã đăng trên mạng đều in thành sách, nhưng nhất định những bài thơ được tuyển chọn trên mạng, được công nhận là hay sẽ được tiến hành tổ chức in ấn phát hành ngay. Số lượng bài vở không hạn định(...) Quá trình từ gửi bài cho đến khi sách được in, tác giả được tuyển chọn không phải chia sẻ bất kỳ chi phí tiền bạc nào. Cho phép chúng tôi không tuyển chọn thơ đã được tuyển chọn trong các tuyển tập đã ấn hành (…) sách không thương mại,người có thơ tuyển chọn và các BTV tham gia tuyển chọn được tặng sách biếu thay nhuận bút. 

2. Tổng mục danh sách các bạn thơ có thơ được chọn cho Thơ Hay 1 chúng tôi cũng đã công bố rộng rãi trên hệ thống các trang mạng liên quan. Một vài trường hợp tuy đã gửi bài, nay xin rút, chúng tôi không dám ép, và đã kịp thời được các bạn thơ khác ủng hộ, tham gia. Chúng tôi kiên quyết khước từ mọi chi phối và không chịu bất kỳ áp lực nào trong quá trình thực hiện Bộ Sách. Tập Thơ Hay 1 đang trong giai đoạn hoàn tất sau cùng. Và Tập Thơ Hay 2 cũng đang được khẩn trương biên tập.

3. Xin thông cảm và chia sẻ với các bạn thơ chưa thành thạo vi tính, nhưng vì yêu thơ hay, nên phải cậy nhờ con cháu, bằng hữu giúp gửi bài hoặc đàm đạo thơ hay của mình, thay mình.
Cũng xin thông cảm và chia sẻ cùng chúng tôi, bởi nếu chúng tôi không được bạn thơ trợ giúp trong vai trò biên tập viên tự nguyện, thì chắc chắn chúng tôi dù có mở lòng rộng mấy cũng đành botay.com, làm sao có thể đón được mọi lạch nguồn thơ hay từ khắp các vùng miền tụ hội.”Trước khi tập hợp thơ được in thành Sách (công bố loại hình và NXB sau ) bài vở gửi về  sẽ được đăng tải công khai, đầy đủ trên các trang mạng chủ và trang mạng liên kết để bạn đọc cùng tham gia bình chọn thơ hay”…” Dĩ nhiên, không phải tất cả những bài đã đăng trên mạng đều in thành sách, nhưng nhất định những bài thơ được tuyển chọn trên mạng, được công nhận là hay sẽ được tiến hành tổ chức in ấn phát hành”. Chúng tôi đã và sẽ thực hiện đúng như lời hứa. Xin vui lòng kiểm tra những thiếu sót bài vở ( gửi chưa đăng) để chúng tôi làm tốt phục vụ của mình.

4. Chùng tôi thành tâm tiếp thu 4 góp ý nêu trên của bạn thơ mà chúng tôi cho là rất thiện chí, chẳng những là lời nhắc nhở chúng tôi mà còn là những chia sẻ tình thơ với các bạn thơ cho tiêu chí Thơ Hay mà chúng ta đang hướng tới.

Cá nhân tôi, Nguyễn Nguyên Bảy, chủ biên Bộ Sách Thơ Hay, coi việc làm này là một vinh dự, một cống hiến đền ơn đáp nghĩa, nhất định sẽ không phụ lòng các bạn thơ.

TM, Nhóm bạn yêu thơ hay
Nguyễn Nguyên Bảy


Phạm Khải/ Đò đưa thơ Trúc Thông



NỖI NGƯỜI ĐI MUÔN TRÙNG


Phạm Khải
.
“Chầm chậm tới mình” - Tôi rất thích cách Trúc Thông đặt tên cho tập thơ đầu tay của anh. Việc thơ cũng như việc đời, không phải lúc nào cứ “nhanh” là thắng. Hiện nay, nhiều người đang chủ trương phải sống chậm lại. Chậm để cảm nhận được thật sâu, thật đậm dư vị cuộc sống. Chậm để hiểu kỹ mình, hiểu đúng người. Tất nhiên, với một nhà thơ, để “tới mình” đã khó, để từ “mình” tới được “người”, từ “chân trời của một người tới chân trời của mọi người” như Paul Eluard nói, hẳn còn khó hơn. Song với đời thơ Trúc Thông, không thể nói cái sự “chậm” của anh là không cần thiết. Chí ít, nó tạo cho thơ anh một dấu ấn riêng, không như một số bạn thơ cùng trang lứa, cứ von vót, nhạt nhòa lao đi để rồi…nhanh chóng mất tăm trong biển thơ vô tận.

Đọc thơ Trúc Thông, ta thấy cái ý thức của người làm nghề luôn đắn đo, cân nhắc trước khi hạ một từ, một chữ, như thể người tạc tượng, khắc gỗ cân nhắc từng nhát búa, đường dao. Trúc Thông muốn không chỉ chữ tạo nên nghĩa, mà nhịp điệu của câu, của chữ cũng góp phần bổ trợ thêm cho nghĩa của chữ thêm đầy đặn.
Viết về danh họa Nguyễn Sáng (bài “Người ấy chiều giáp tết”), Trúc Thông có cách diễn đạt gọn, sắc:
Sáng đang đi
má phơi gió bấc
mũ cũ vải mềm
như một nhân vật trong tranh Vangốc
Câu đầu chỉ 3 chữ, cho thấy tư thế cứng cỏi của một người sẵn sàng đối mặt với phong ba bão táp. Câu cuối loang ra 8 chữ, như gợi sự dài dặc của con đường mà người họa sĩ này đang dấn bước. Tới những câu sau đây thì thật là một sự pha trộn đầy sáng tạo của cả kỹ xảo nhiếp ảnh lẫn kỹ xảo điện ảnh, khiến bức tranh thơ trở nên hoành tráng, ấn tượng: 
mọi tốc độ đang phóng về chói lọi giao thừa
Đến đây, tác giả buông rơi một hình ảnh rất tạo sự đối lập:
ông như thể bên lề hạnh phúc

chén rượu nồng trong ngực
nâng màu lên
                                mà vẽ trần gian
Hạnh phúc không phụ thuộc vào tốc độ. Giao thừa có thể đem đến niềm vui nhưng không phải là cho tất cả mọi người. Nguyễn Sáng bị rớt bên lề hạnh phúc hay bên lề cuộc sống? Chưa dễ có câu trả lời. Với người họa sĩ, sự cô đơn nhiều khi lại tạo nên những hưng phấn trong sáng tạo. Hình ảnh “nâng màu lên/ mà vẽ trần gian” thật đẹp. Nó cho thấy tầm vóc cũng như cốt cách của một họa sĩ lớn. Trước bài thơ của Trúc Thông, tôi từng được đọc bài thơ “Thầy Sáng” cũng viết về danh họa Nguyễn Sáng của thi sĩ Nguyễn Lương Ngọc (không rõ bài nào ra đời trước). Tương tự Trúc Thông, khổ cuối bài của Nguyễn Lương Ngọc cũng nói tới hành trình lẻ loi của một con người, cũng nhắc tới chữ “ánh sáng” như một cách chơi chữ dựa theo tên nhà danh họa: “Thầy, thầy, xin thầy đừng đi vội/ Đường nhiều gió mà người ta bận bịu/ Thế kỷ quáng quanh đèn những quầy hàng/ Đang tìm về sáng”. Ở đây, tôi không có ý so sánh bài thơ nào hay hơn mà chỉ muốn nói rằng, cả hai tác giả Trúc Thông và Nguyễn Lương Ngọc đều thể hiện chân dung nhà danh họa bằng những nét vẽ khỏe khoắn, khoáng đạt, phù hợp với phong cách hội họa và lối sống đậm chất Nam bộ của ông.

Thơ Trúc Thông rất chú trọng tới mặt tạo hình. Trong cách thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên, chữ nghĩa của anh cũng gọn ghẽ chứ không dềnh dang. Trong bài “Ngẫm dọc đường”, Trúc Thông viết: “Sao anh chẳng gần/ gió với cây xanh/ sao anh xa cách thế/ nạp sao lắm chữ/ cản đường/ gió/ với cây xanh”. Đúng là nhiều khi chữ nghĩa đan nối với nhau một cách lớp lang lại vô tình tạo nên rào cản giữa thiên nhiên với con người. Khi Trúc Thông viết: “trái đất mỉm cười mặt mình ngũ sắc/ cười rung….gió cây” (bài “Khúc trẻ thơ”), hoặc: “Trên cánh diều từ hạ sang thu/ con vượt nấc thời gian bao giờ không biết/ chỉ biết diều vẫn ru ru gió/ con vẫy từ cao tít/ tiếng con cười lấp lánh vào xa” (bài “Nhờ ở các con”), ta thấy việc tác giả khéo sắp xếp chữ nghĩa mà không phải sử dụng đến các liên từ đã giúp câu thơ trở nên tự nhiên, gần gũi và…tốc độ hơn nhiều. Đặc biệc, với đoạn thơ này:
Trời xanh rót xuống tràn ánh sáng
chị em bé xíu khoác vai nhau

Chưa bao giờ như thế cây xanh
và lá vàng mặt đất
chưa bao giờ như thế nước hồ
rời nhau
hét
chạy
thân thể các con đồng vọng bao la…
ta thấy giữa thiên nhiên tạo vật và con người gắn kết với nhau một cách thật sinh động, nó như hòa nhập làm một. Phải là người có bút pháp khá cao cường mới điều khiển đội quân chữ nghĩa “nhập thần” được như vậy.
Trong thơ Trúc Thông, nếu nói bài thơ thể hiện rõ nhất tài nghệ đẽo câu gọt chữ thì có lẽ đó là bài “Đường lưng đèo Gió”. Câu mở đầu bài thơ thoạt nghe thấy cũng…thường, thậm chí còn không có vẻ gì là thơ, nhưng cả bài thơ thì thật gợi:
Nhoài lên, quành xuống
Giữa núi xanh
Tiếng chim rơi tịnh mịch
Nỗi người đi muôn trùng
Bài thơ rất kiệm lời. Câu chữ được đẽo gọt chính xác. Câu thơ đang từ 4 chữ “Nhoài lên, quành xuống” bất ngờ bớt đi một chữ, chỉ còn 3: “Giữa núi xanh”. Việc bớt chữ khiến câu thơ gây cảm giác…hẫng, rất hợp với tư thế của người vừa  “quành xuống”. Không những vậy, nó còn hỗ trợ cho sự… rơi ở câu sau: “Tiếng chim rơi tịnh mịch”. Chữ “rơi” tạo sự bất ngờ, phần nào thể hiện sự hốt hoảng của khách đi đường. Kết hợp với hai chữ “tịch mịch”, nó càng cho thấy núi rừng âm u, hoang vắng. Và, giữa sự quanh co của rừng núi, sự nhọc nhằn “nhoài lên, quành  xuống” của người đi, sự hóc hiểm của đường sá, tác giả hạ mấy chữ: “Nỗi người đi muôn trùng” cho thấy bao chất chứa trong hồn người. Chữ “nỗi người” dùng ở đây thật đắc địa. “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” (Truyện Kiều) - chữ “muôn trùng” cũng rất gợi sự thương cảm nơi người đọc.
Thiên nhiên trong bài thơ hiện lên có độ sâu như xem trên màn hình 3D vậy. Cách bố trí câu chữ lúc ngắn, lúc dài ở đây rất tạo nhịp chuyển động, rất tạo hình. Việc nhịp thơ hỗ trợ cho hình ảnh là một trong những điểm mà không nhiều nhà thơ ta chú ý khai thác. Còn nhớ, trước Trúc Thông, trong bài “Đèo cả”, thi sĩ Hữu Loan cũng khéo…thả chữ (thơ bậc thang) và việc làm ấy khiến nhịp thơ rất bổ trợ cho hình ảnh kỳ vĩ, thâm u của vùng núi non mà tác giả muốn đề cập tới.

Không chỉ kiệm chữ, Trúc Thông còn luôn ghìm nén câu chữ, tạo cho chúng lực ma sát, không để vần điệu kéo tuột chúng đi theo quán tính. Anh chủ trương câu thơ giản dị, tự nhiên, gần với khẩu ngữ. Anh cũng không ngại đưa các chữ “tập đoàn”, “cực đoan”, “khoan hòa”, rồi cả các chữ Tây như “rông-đô”, “hip-hop”, “mô-đec”, “ma-ra-tông”… vào trong thơ. Có cảm tưởng, anh muốn tiết chế ngôn ngữ đến độ mỗi câu, mỗi chữ phải làm sao cho săn chắc hơn, hiện đại hơn. Đã có chỗ Trúc Thông làm được điều đó. Tuy nhiên, thơ ca cũng như cơ thể con người, đâu phải chỉ thể hiện ở phần xương cốt. Nó còn cần sự nở nang, mỡ màng của da thịt nữa chứ. Vả chăng, trong cuộc sống bao la rộng lớn này, sức hấp dẫn của thơ Trúc Thông đến đâu khi thơ anh vừa ít về số lượng, vừa không phong phú về đề tài; không đặc sắc về cấu tứ cũng không thật dạt dào về cảm xúc? Chính bởi lẽ ấy, mặc dù được tiếng là nhà thơ có cách diễn đạt hiện đại, cách tân, song khi nhớ về Trúc Thông, bạn đọc vẫn thường nhớ về bài thơ “Bờ sông vẫn gió”, một thi phẩm được anh viết theo lối truyền thống với một giai điệu da diết quấn quyện với những hình ảnh đầy rung cảm:
Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
                                  người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối…một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha…
Mặc dù đọc bài thơ, ta có thể bắt gặp một số hạt sạn về ngôn từ (như chữ “ở” trong câu “Lá ngô lay ở bờ sông” mà một nhà thơ đã tỉ mẩn tìm cách ứng cứu bằng những chữ như chữ “tận”, chữ “cạnh”…. song vẫn không ổn; hoặc chữ “về” lặp đi lặp lại ở chỗ bắt vần của câu thứ hai và câu thứ tư - mà những người sành điệu xem là lỗi “quẩn vần”), song chính cái tình của tác giả đã cứu bài thơ. Đây là một trong những bài thơ khóc mẹ được xem là hay nhất trong thơ ca Việt Nam hiện đại, là một trong những bài thơ có nhiều… gió nhất trong thơ Việt Nam. Ngọn gió ấy vừa của thiên nhiên, vừa của hồn người: “Cây cau cũ giại hiên nhà/ Còn nghe gió thổi sông xa một lần/ Con xin ngắn lại đường gần/ Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi”, nên dẫu bài thơ đã khép rồi mà sức lay động của nó vẫn không ngừng gây xao xác trong tâm can người đọc.

Cuộc sống có nhiều chuyện thật lạ. Vẫn biết điều mà Trúc Thông đau đáu hướng tới không phải là những bài thơ viết theo lối truyền thống, và những bài thơ ấy không phải không bộc lộ ở anh một số hạn chế, song nếu tìm một món ăn chính mà Trúc Thông có thể góp vào bàn - tiệc - thơ thiên hạ, ta không thể không nhớ tới món ăn có tên “Bờ sông vẫn gió”. Vâng, có lẽ sẽ có nhiều người đồng tình với tôi trong sự lựa chọn này. Bởi nhìn vào đời thơ của Trúc Thông, một số bài thơ khác - được xem là hiện đại của anh - hình như mới chỉ phần nào có tác dụng như món rau dưa lạ, “đưa đẩy” cho đỡ chán trong một bàn tiệc vốn dĩ quá nhiều món ăn quen thuộc mà thôi.  

13-5-2012Nguồn: Văn nghệ Công an số 176, ra ngày 21-5-2012