Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Thơ Trần Đình Hoành và Thơ Lê Hà/ Nguyễn Anh Tuấn giới thiệu


"Con đường tình ta đi" dẫn về đâu?

(Đọc "Những hoàng hôn ta đã đi qua" của Trần Đình Hoành)

Con đường tình ta đi (*)
Quanh co
Qua những hàng cây rợp lá
Những cánh đồng xanh cỏ mạ
Những đàn bò sữa
Nhẩn nhơ
Nắng hong vàng
Những hành trình bình an
Thân ái
Chỉ hai đứa
Một chiếc xe
Một con đường
Và bầu trời mênh mang
Những hoàng hôn vàng tím
Hồn ta thấm ngập
Mênh mông sắc màu
Từ những hoàng hôn ta đã đi qua...
 (*)  "Con đường tình ta đi" là tên của một con đường ở Virginia.

Bài thơ tựa một khúc du ca trong trẻo, cất lên giữa chiều thu yên bình, giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của một miền quê Bắc Mỹ, xuyên qua một con đường quanh co rợp bóng cây mang tên "Con đường tình ta đi"- cái tên như một thứ "định mệnh" ngọt ngào đối với hai người...
Họ đi trong buổi hoàng hôn, ngẩng nhìn bầu trời mênh mang có những chiếc lá vàng loáng ánh chiều tà đang xoay tít, và rơi mãi vào trong hoài niệm... "Chỉ hai đứa/ Một chiếc xe..." Họ đi bằng gì, điều đó không quan trọng. Có thể là một chiếc xe du lịch đời mới. Có thể là một chiếc xe đạp. Có thể là một chuyến xe bò thổ mộ giống ở miền Trung Nam Bộ hồi nào. Cũng có thể dắt tay nhau đi bộ... Nếu không có "những cánh đồng xanh cỏ mạ" và "những đàn bò sữa nhẩn nhơ nắng hong vàng" làm hậu cảnh thì người đọc hoàn toàn có thể hình dung hai người đó giống đôi bạn Nàng Thơ và Nhà Thơ trong tranh của danh họa Pháp Henri Rousseau hồi đầu thế kỷ trước ( sáng tác năm1909 ). Con người và cảnh vật hài hòa, đồng cảm, quyến luyến, xa lạ với mọi thứ ồn ào dung tục, con người khao khát "Những hành trình bình an/ Thân ái" - như trong mộng tưởng cao vời của nhân loại từ  thuở xưa...
Nhưng hiện tại thì đôi lứa trong bài thơ lúc này cũng đang được hưởng " Những hành trình bình an/ Thân ái" đó mà chỉ con đường vắng xa ngái và "Những hoàng hôn vàng tím" làm xáo động tâm can. Chỉ có điều, tâm can xáo động ấy lại là "Mênh mông sắc màu" khi ký ức ùa ngập về "Từ những hoàng hôn ta đã đi qua..." Hai con người say đắm thiên nhiên và biết lắng nghe những gì sâu thẳm nhất của lòng mình lên tiếng. Họ như hiểu nhau qua từng ánh mắt, nụ cười, và không hề giống như những kẻ đang phải chạy trốn khỏi những khung cảnh gay gắt, máu lửa - bởi họ cùng mang theo trong mình vẻ đẹp của "những hoàng hôn ta đã đi qua", biết sống trọn vẹn với từng cung bậc cảm xúc trong lành nhất, đặc biệt là trước Thiên nhiên kỳ diệu, vĩnh cửu. Đột nhiên họ trở thành thi sĩ- dù chỉ là trong những khoảnh khắc, nhưng cũng đủ tạo ra bao hạt ngọc quý của tâm hồn góp phần làm bền chắc hơn, tỏa sáng hơn những giá trị Nhân bản của cuộc đời.
Đọc bài thơ này tôi bỗng nhớ tới đoạn kết một bài thơ buồn của nhà thơ Pháp G. Apollinaire, bài "Automne malade" (Mùa thu đau ốm) :
Les feuille/ Qu'on foule/ Un train/ Qui roule/ La vie/ S'écoule (Những chiếc lá (rơi) / Gót người đi / Một con tàu / Đang lăn bánh / Cuộc đời / Cứ thế trôi )
Có điều, nếu trong  "Automne malade", cảm xúc của nhà thơ buồn tê tái, khi mà "Gió và rừng cứ khóc mãi không thôi" ( Le vent et forêt qui pleurent), thì trong bài thơ "Những hoàng hôn ta đã đi qua"  lại thấy "Hồn ta thấm ngập" những "sắc màu" và mối đồng cảm với vẻ đẹp của chiều tà trong những kỷ niệm êm đềm, thi vị. Âu đó cũng là hai trạng thái tâm hồn khác nhau của con người trong một đời người...

__________________________________________________

HÀ ĐÔNG TRONG NỖI NIỀM CỦA MỘT NHÀ THƠ

Đúng hôm cột ranh giới giữa Hà Nội - Hà Đông được dỡ bỏ, tôi có dịp đi qua và dừng lại, chụp một kiểu ảnh tư liệu; chợt nhớ đến bài thơ Hà Đông của Phạm Đình Ân. Về nhà, tôi lục tìm đọc lại nó trong tập Những hoàng hôn ngẫu nhiên ( NXB Phụ nữ, 2001) và bâng khuâng suốt một buổi chiều…
Bài thơ được làm vào năm 1985, khi đất nước ta đang chuẩn bị bước sang thời kỳ đổi mới. Ai cũng biết, từ năm 1985 trở về trước, đời sống của nhân dân ta còn cơ cực lắm! Thơ tình của Phạm Đình Ân thường kín đáo lồng ghép các vấn đề xã hội, hoặc cao hơn thế- nảy sinh từ chính vấn đề xã hội, và bài thơ Hà Đông có thể nói là một điển hình …Chẳng ai có thể cãi rằng: đây không phải là thơ tình!  Mà thơ tình bao giờ chẳng có chút buồn, hơn nữa ở đây lại là sự chia ly, xa cách. Có điều, nhà thơ đã diễn tả nỗi thất tình của mình thông qua một địa chỉ là Hà Đông, có những địa danh cụ thể: Vạn Phúc, Đường số 6, sông Đà, v.v, và gửi gắm một cái gì đó sâu xa hơn nỗi buồn của tình yêu…Những câu thơ như lời tâm sự thường tình, không gọt rũa, không cố tình làm thơ mà cứ thế dẫn người đọc vào cõi rung cảm chân thật, sâu lắng của nhà thơ:
Hà Đông vốn thuộc về Hà Nội
nay thì không mà vẫn cứ Hà Đông
Xưa Hà Đông thuộc Hà Nội. Nay thì không. Em có thể thuộc về anh, nay thì không, và mãi mãi không bao giờ anh có em nữa…Hà Nội cách Hà Đông chỉ hơn chục cây số, cách nơi ở của “tôi” có thể chỉ vài chục phút xe đạp. Nhưng “dăm cây số thoắt bước sang tỉnh khác” mất rồi! Em đã rất gần mà nay hoá xa xôi- cái xa xôi không còn chỉ là địa lý, không gian nữa…ở đây, tác giả mượn cái này để nói cái khác, “vẽ mây nảy trăng”  một cách khá ngọt ngào, tinh tế. Và nhà thơ đã giải thích ngay cái ý tưởng “ vẫn cứ Hà Đông” một cách ý nhị:
Em ở lại thị xã này mãi mãi
Những buổi chiều em đã có tôi mong
Cái lý do bâng quơ nhưng “giăng lưới nhện” này chỉ có thể giải thích bằng logich tình cảm, và chỉ thi sĩ mới có!
Sau đấy, nhà thơ diễn tả thêm sự gắn bó của mình với mảnh đất của tình yêu bằng ba khổ thơ- cũng bằng cách nói giống lời nói thường, tưng tửng:
Dăm cây số thoắt bước sang tỉnh khác
đường mới làm, nắng gió thảnh thơi hơn
Tôi trót có những chiều vàng hư ảo
vui, trôi qua mắt của em buồn.

Phố lớn nhất nằm trên đường số Sáu
lên Xuân Mai, Hoà Bình, Mai Châu
Qua Hà Đông, xin đừng nhìn hờ hững
điện sông Đà hé sáng giữa gian lao.

Làng Vạn Phúc ở  bên bờ sông Nhuệ
Sử sách từng ghi biết mấy mươi lần
Xưa lắm lụa mà đến nay lại hiếm
Những làng La tôi đã quá yêu thân.
Lúc đầu chúng ta hơi ngạc nhiên, vì sao thơ Phạm Đình Ân lại có vẻ dễ dãi thế, anh dùng những từ ngữ, cách diễn đạt dường ít thơ- nếu không muốn nói là khá mòn sáo. Nhưng, ngẫm ra mới hiểu, anh đang cố ghìm cảm xúc của mình- đó chính là chỗ thể hiện bản lĩnh của một nhà thơ giàu kinh nghiệm, đã làm theo lời khuyên của Viên Mai: ‘ý thâm, từ thiển” ( ý sâu mà lời dung dị) .
 Tôi trót có những chiều vàng hư ảo
 vui, trôi qua đôi mắt của em buồn.
Hai câu thơ trên tựa như sự lạc lõng của một chàng thi sĩ đa đoan đa cảm giữa một không gian xô bồ ngổn ngang; và anh chợt ngậm ngùi nhận ra tình yêu đơn phương của mình, niềm vui hò hẹn của mình chỉ là “ những chiều vàng hư ảo”. Chúng ta có cảm tưởng tác giả đã từng đọc thầm nhiều lần hai câu thơ trên để thấm thía một nỗi buồn khôn tả! Điều đáng nói là: sự phát hiện đó được nói ra bằng cách riêng của Phạm Đình Ân, khó lẫn được với ai ( trót có; vui, trôi qua đôi mắt của em buồn). Ta liên tưởng đến cái mỉm cuời buồn bã ẩn giấu sự hóm hỉnh của anh trong một bài thơ tình khác: “Tôi cất đi những cái giật mình…” ( Những cái giật mình ). Và chính hai câu thơ trên, vốn được dụng công chọn lựa chữ nghĩa lại giống như một sự “xuất thần” - đã làm “xương sống” cho không những ba đoạn thơ, mà còn cho cả bài thơ; nó khiến những điều giản dị mà nhà thơ quan sát và kêu gọi trở nên rung động thấm thía: Xin đừng nhìn hờ hững, hé sáng giữa gian lao, sử sách từng ghi, đã quá yêu thân…Những điều tưởng chừng là sự “liệt kê” ấy, thực ra là niềm tiếc nuối không che giấu nổi của nhà thơ về vẻ đẹp và sản vật của quê hương Đất Nước- chúng được “bảo hiểm” bằng mối tình vô vọng nhưng đáng trân trọng, và chúng đã kín đáo nuôi cảm xúc cho độc giả, để đến đoạn cuối, cảm xúc của nhà thơ ùa mạnh vào lòng người đọc một nỗi xót xa, nghẹn ngào, thương nhớ, nuối tiếc thăm thẳm:
Hà Đông có thuộc về Hà Nội
Hay là không thì vẫn cứ Hà Đông
Phố thưa vắng, mà tìm người đâu dễ
Nghìn buổi chiều tôi đến, phải về không.
Đến đây, nỗi buồn thất tình của riêng nhà thơ đã vô tình được nâng lên trong nỗi nhớ của nhiều người về một vùng đất, một địa danh nổi tiếng…Nhà thơ mới chỉ phác hoạ ra mấy nét đơn sơ về một vùng “địa linh nhân kiệt”, nhưng đủ gợi lên trong lòng người đọc biết bao cảm xúc về xứ Đoài- một vùng châu thổ sông Hồng cổ truyền, nơi tích tụ tinh hoa của ngàn đời dân tộc …Tình yêu không đạt được mục đích, song những gì mà nhà thơ đã có trên mảnh đất này giống như một sự “đối trọng” với nỗi buồn- sự thất tình, và vô tình điều đó đã vẽ ra cái tâm hồn vững chãi, cái nhân cách đáng trọng của một thi sĩ- công dân. “ Nghìn buổi chiều tôi đến phải về không”, nhưng Hà Đông “thì vẫn cứ Hà Đông”. Nỗi buồn dù lớn đến đâu cũng chẳng khiến lương tri nhà thơ bị sứt mẻ mảy may. Cuộc đời vốn là thế, cái gì riêng là của riêng ta, còn cuộc sống vẫn là cuộc sống, không thể “ giận cá chém thớt”- hơn thế nữa, cái riêng ấy đã hoà tan trong một niềm tự hào, trong nhận thức về lẽ đời rộng lớn. Tới khổ thơ cuối, đằng sau nỗi buồn và sự tiếc nuối khiến người đọc cũng phải ngẩn ngơ xa xót cùng, nhà thơ đã “cài” được một niềm tin, một lời nhắn nhủ kín đáo: “ tôi” và “chúng ta” có thể “về không” trong mối tình vô vọng, nhưng không thể “về không” trong sự đánh mất bản sắc của Hà Đông- xứ Đoài!  Chính ở đây, trực cảm thi sĩ đã giúp Phạm Đình Ân vượt trước thời gian hàng mấy chục năm, để từ nỗi niềm riêng, anh vô tình nói lên được một chân lý đủ sức khái quát bao tri thức văn hoá, địa lý, lịch sử, cùng tâm tư của những trí thức chân chính: dù Hà Đông hôm nay đã không còn là Hà Đông nữa, nhưng những gì Hà Đông ( và Hà Tây) đã để lại cho văn hoá, cho lịch sử thì không thể bị đánh mất đi theo cột mốc...

Hà Nội, tháng 7-2008

_______________________________________________
Những phím dương cầm tím tái
*
Bốn chín ngày
Mẹ xa bốn chín ngày rồi
chỉ còn những vật dùng quen ở mãi
còn những phím dương cầm tím tái
tay con giờ gặp lại
xạc xào rung...
ngày ba lần con mời mẹ xơi cơm
di ảnh mẹ đôi mắt
trời thăm thẳm
cây xõa bóng hiên nhà như chịu tang ngõ vắng
nhớ bước ngày nào đưa mẹ tập dưỡng sinh
có ai vẽ như ngày xưa trẻ lại
hoa rụng về cành trời thấp lại hồng lên
sao trời chỉ cho con có mẹ một lần
cho con gom những câu thơ mới
bốn chín ngày mẹ đi về mãi mãi
để con ở lại với ngày mai
gió thổi và hoa trôi
xin gió, xin hoa cho con câu thơ gặp mẹ mỉm cười.
LÊ HÀ
(Tạp chí Tháp Bút-Trung tâm văn hóa TP Hà Nội- CLB văn học- số 17/12/2011)

Tác giả bài thơ- chị Lê Hà là con gái thứ ba của cố nhạc sĩ Lê Lôi. Mấy năm nay, một mình chị ở với mẹ là bà quả phụ Nguyễn Thị Sâm, chăm sóc mẹ cho đến giờ phút cuối... Ngày 1 Tết ÂL, tôi đến thắp hương cho bà. Chị Hà nhờ tôi đưa về tặng mẹ tôi tập Tháp Bút mới có in thơ chị. Mẹ tôi là em út của bác Lê Lôi; từ ngày bác trai mất, sự gắn bó giữa bác gái và mẹ tôi- cô em chồng dường càng khăng khít đậm đà hơn...Tôi thường ít để ý tới những cuốn sách của các CLB Thơ, nhưng thấy mẹ tôi đọc tập Tháp Bút này chăm chú, rồi lại để dưới gối như sẽ đọc lại, đọc kỹ, nên tôi tò mò giở ra tìm đọc thơ chị. Tôi đọc để cho biết, để nếu gặp chị thì có cớ làm chị đẹp lòng: "Em đã đọc thơ chị rồi. Dễ thương lắm chị ạ..."
Nhưng chỉ lướt vài dòng đầu, mấy câu thơ này đã "xóc" ngay vào tâm trí tôi:
còn những phím dương cầm tím tái
tay con giờ gặp lại
xạc xào rung...
Mẹ tôi vốn là một cô giáo dạy nhạc, trong nhà tôi thuở trước (thời "Chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng") luôn có cây đàn piano cũ, và tuổi thơ tôi chìm trong tiếng đàn dương cầm của người mẹ - cũng là cô giáo nhạc của tôi ở tiểu học. Phải chăng đó là lý do trực tiếp, đầu tiên để hình ảnh "những phím dương cầm tím tái" khiến tôi xúc động một cách lạ lùng?
Hàng ngày, chị vẫn đánh đàn cho mẹ nghe, để bà đỡ cơn đau và nhớ về hình bóng người chồng nhạc sĩ quá cố. Sống đơn sơ đạm bạc, chủ yếu bằng tiền lương hưu của một cô giáo dạy văn sử cấp hai, nhưng căn buồng khu tập thể nhỏ bé của hai mẹ con chị luôn tràn ngập kỷ niệm, tiếng đàn và tiếng cười - nhất là khi có các cháu nội & ngoại đến thăm bà... Chị không đi theo con đường của cha, của em trai (nhạc sĩ Lê Dũng), nhưng chị thừa hưởng được từ cha mình năng khiếu âm nhạc. Ngoài thời giờ dạy học, soạn chấm bài, nội trợ, chị mê mải làm thơ và...tập đàn. Cây đàn piano cũ là tài sản đáng giá nhất ở nhà chị. Song những phím đàn màu trắng ngà dường đã tím tái đi trong nỗi đau suốt những ngày tang tóc, và tiếng đàn không thể thánh thót âm vang, chỉ xạc xào tựa tiếng khóc nhớ thương phải kìm lại... Phải là một cô giáo có tâm hồn nghệ sĩ và yêu quý cây đàn dương cầm đến mức nào mới có nổi những câu thơ giàu trực cảm như thế!
Tiếp đó, cả bài thơ giản dị như lời nói thường ngày, nhưng ngẫm ra sẽ thấy đó là những lời tâm sự buốt đau, chưa hết nỗi bàng hoàng của một người con quen sống với mẹ giờ chỉ còn lại một mình trong ngôi nhà nhỏ..."Ngày ba lần con mời mẹ xơi cơm"- cái việc làm vừa là thủ tục, vừa là lòng thành kính thiêng liêng của một người con chí hiếu được kể lại như một lời tâm sự thầm thì với mẹ khiến người đọc phải ứa lệ.
Dường như tất cả mọi sinh hoạt thường ngày, mọi cảnh vật thiên nhiên nơi xóm nhỏ đều gắn với hình bóng mẹ, đều gợi nhớ về mẹ. Đôi mắt mẹ trong di ảnh hóa thành/ hòa vào bầu trời xanh thẳm, và cây trước hiên nhà như cũng xõa bóng râm chịu tang; việc đưa mẹ đi tập dưỡng sinh từng bước một cứ hiển hiện như mẹ chưa hề đi xa...! Và tất cả đều là những nốt đàn dịu ngọt! Như vậy, sau cảm tưởng phím đàn tím tái và tiếng đàn xạc xào, khi sống với những kỷ niệm chăm sóc mẹ, ta thấy những câu thơ tái tê của chị như bắt đầu "hồi sinh" vào cõi đời thường; nỗi đau xé lòng ngày đưa mẹ về nơi chín suối đã lắng xuống, tuy vẫn nghẹn ngào bởi cô quạnh nhớ nhung, oán trách số phận (sao trời chỉ cho con có mẹ một lần) để dần nhường cho cái nhận thức tất yếu về lẽ  Sinh -Tử của kiếp người:
có ai vẽ như ngày xưa trẻ lại
hoa rụng về cành trời thấp lại hồng lên
sao trời chỉ cho con có mẹ một lần
cho con gom những câu thơ mới
bốn chín ngày mẹ đi về mãi mãi
để con ở lại với ngày mai
Và tới hai câu cuối, những "nốt đàn" của chị dường đã hoàn toàn trở lại thanh âm ngân nga ấm áp quen thuộc vốn có:
gió thổi và hoa trôi
xin gió, xin hoa cho con câu thơ gặp mẹ mỉm cười.
Gió thổi giữa trời và hoa bán rong được chở đi trên đường phố như đang trôi- cái điều vẫn diễn ra thường tình đó chợt được tác giả nhận ra: chúng thực đáng yêu biết bao, có ý nghĩa biết bao trong cuộc sống này- khi một người thân yêu vô hạn đã khuất xa mãi mãi... Và lời cầu xin của chị với thiên nhiên, cũng đồng thời là lòng mong mỏi mẹ được yên bình mỉm cười ở Cõi vĩnh hằng vào ngày giỗ đoạn tang đã trở thành một trong những câu thơ hay nhất trong đời nhà giáo làm thơ của chị: "xin gió, xin hoa cho con câu thơ gặp mẹ mỉm cười."
Vẫn là lối thơ hồn hậu đầy nữ tính, vẫn là những "gam đàn, nốt đàn" của ngôn ngữ thi ca, song cách viết của chị lúc này khác hẳn so với nhiều bài thơ có vần điệu chỉn chu mượt mà đã từng in trong tập thơ riêng "Cánh võng xanh". (Tôi đã tìm đọc ngay tập thơ này, với lời chị đề tặng mẹ tôi). Ở "Bốn chín ngày" là sự diễn tả theo dòng suy tưởng - quan sát (tôi tạm đưa ra khái niệm này) - quan sát chính lòng mình, quan sát sự vật xung quanh kể từ ngày mẹ ra đi cho tới giỗ 49 ngày theo phong tục cổ truyền. Và sự quan sát đó lồng trong/ hòa vào suy tưởng, nỗi nhớ thương hòa quyện với sự ngẫm ngợi. Khi đó chị chỉ làm cái việc ghi lại cảm nghĩ thảng thốt của mình mà không câu nệ vần điệu, câu chữ, chúng giống những "hợp âm rải" tùy hứng trên dương cầm - thực ra chị đã vô tình bước vào cái "lãnh địa" mà người ta vẫn gọi là thơ hiện đại/ hậu hiện đại gì đó, và đồng thời vô tình minh chứng cho cái lý lẽ vốn thường chối tai nhiều người làm thơ cố tình phá cách đến linh tinh xoèng cả lên: vỏ hình thức như thế nào đó chỉ là sự tất yếu của cái cần được bộc lộ ra bằng thơ ca...

Hà Nội, xuân 2012

Thơ Trần Đình Hoành và Lê Hà
Nguyễn Anh Tuấn đọc chọn
NNB vi tính giới thiệu

Thơ Vĩnh Nguyên


VĨNH NGUYÊN


Vĩnh Nguyên
TÔI LÀ DÒNG SÔNG CHƯA MỘT PHÚT NGHỈ NGƠI

Tôi là dòng sông chưa một phút nghỉ ngơi
Tôi chấp nhận bốn mùa nắng gió
Khi cuộn sóng nghiến dải bờ đất lở
Khi hiền lành phẳng lặng như gương
Đâu những gì trôi đi
Đâu tất cả đã dồn về cho sóng đập
Bao giọt mồ hôi còn đọng bãi sa bồi
Chỉ một chiếc lá thôi
(Chiếc lá từ tay người hái)
Cuộc đời mở thêm nhiều bến mới
(Có bến riêng cho những lứa đôi)
Họ ném xuống lòng tôi bao chùm lá đóa hoa tươi
Họ nói đến tình yêu-bất diệt!
Ngày mai họ lại đi xa
Và những gì tôi mang về bãi sa bồi còn có những bông hoa…
                                                                                         
VĨNH NGUYÊN
GIÁ KHÔNG CÓ LOẠT BOM NGÀY ẤY

Giá không có loạt bom ngày ấy
Thì đến nay có thể mẹ đương còn
Mẹ cuốc xới chăm nom vườn tược
Với đôi tay như lưỡi hái lưỡi liềm

Giá không có loạt bom ngày ấy
Ngôi nhà tranh cột táu chôn sâu
Mưa đâu dễ thác xô sập mái
Lũ mối ranh gặm nhắm cũng còn lâu

Giá không có loạt bom ngày ấy
Ngôi nhà mình ấm cúng biết bao
Tiếng trẻ khóc tiếng bà nựng cháu
Con dâu hiền chén nước miếng trầu trao

Giá không có loạt bom ngày ấy
Còn mẹ cho con được đỡ đần
Đời sống khó hàng ngày bao nỗi
Lo toan dồn từng sợi tóc hoa râm

Giá không có loạt bom ngày ấy…


VĨNH NGUYÊN
CHỮ KÝ CỦA CON-THƯA MẸ

Chữ ký của con –thưa mẹ-kéo một nét huyền
Là đòn gánh trên vai mẹ
Và tên con núp dưới đòn gánh ấy

Khi gánh nặng đòn gánh uốn hình lá lúa-vầng trăng câu liêm
Chúng con lớn lên dưới đòn gánh đôi vai mẹ
Năm chạy giặc mẹ lại sinh em
Mẹ gánh tản cư hai con ở hai đầu thúng
Một phía em con khóc oe oe chèn thêm chăn chiếu áo màn
Phía nầy con reo cười nắm tao gióng và khới trái bắp non…

Giặc đến rồi đi. Mẹ gánh chúng con về
Vườn nhà ta rộng. Mẹ chăm vun xới
Tuần ba lần mẹ đi chợ Xá, chợ Hàu , chọ Hới (*)
Hai đầu thúng chất đầy nhãn ổi, quýt cam
Lại buồng cau trầu vỏ, xấp lá chuối lá dong
Chuyến chợ khác rổ khoai, rổ sắn…
Gánh vít vổng không giảm đi trọng lượng
Nhưng đỡ mệt nhờ đòn gánh uốn dẻo đẩy nhịp bước chân
Bóng mẹ gánh băng băng như bóng thiên thần!

Chữ ký của con-thưa mẹ-kéo một nét huyền
Và tên con núp dưới đòn gánh đôi vai mẹ
Mẹ đi xa lâu rồi vẫn còn đó chợ Xá, chợ Hàu, chợ Hới
Giờ thêm chợ Cộn, chợ Hôm, chợ Mai
Vườn nhà ta vẫn như xưa rộng nhất làng
Vẫn trù phú chuối cam nhãn ổi…
Vườn lắm cỏ cho ngón tay em dài có phải?

Chữ ký của con-thưa mẹ-kéo một nét huyền
Chúng con lớn lên dưới đòn gánh đôi vai mẹ
Mẹ đi xa chúng con mồ côi
Nhưng mẹ ơi!
Vườn nhà ta bao cành nhãn cành xoài xoãi ngang như bao đòn gánh
Chúng con đội ơn mẹ giờ biết cậy nhờ ai?
Chợ Hới, chợ Hàu, chợ Hôm, chợ Mai với bao chợ cóc?
Chẳng bốc thuốc nối nghiệp thầy lớn lên con cầm bút
“Vườn cổ tích”của bà con kể cho các cháu nghe ngổn ngang cỏ dại um tùm
Em-người đàn bà gánh gồng thay mẹ ta xưa?

(*) Tên các chợ Võ Xá, Quán Hàu, Đồng Hới.
.
Vĩnh Nguyên
NHỚ CÂY ĐA LÀNG TÔI

Không biết gió từ đâu
Làm cây vườn lay động
Có một lá đa bỗng nhiên rơi xuống tay tôi
Điều ấy cũng dễ hiểu thôi
Tôi nắm lấy
Như một lá thư từ xa gửi tới

Tôi nhớ cây đa làng tôi
Cây đa đã ru tôi một thời
Bằng lời hát của chim
Bằng bản đàn của lá

Những trưa hè
Lũ nhỏ săm soi mấy quả đa mới rơi vào thảm cỏ
Cây đa cao quá
Tán xòa bên đông tán rộng bên tây

Có ai dấu nổi những vui buồn
Năm tháng- cây đa nhiều nỗi niềm lắm đấy
Bao phong ba cây đa vẫn vững chãi
Cho lũ trẻ trưa hè nhặt quả đa nâu
Cho những cụ già ngồi ngẫm vuốt chòm râu…

Gió man dại gào như mảnh thú
Chiều nay lũ ve quên đổ
Chiều không bình yên
Nhưng trong tôi có bản đàn của lá và lời hát của chim!

Vĩnh Nguyên
TẶNG HOÀNG DUNG

Chẳng gửi được anh bông tuyết trắng
Mat-xcơ-va em đến xuân đầu
Em đi trong tuyết dầm vai lạnh
Lòng nhớ anh nhớ tiết mưa ngâu!...

Bàn tay như lá- anh đưa hứng
Những giọt mưa mềm- những giọt thưa
Mở thêm cánh cửa đương khép hửng
Để trời buông nốt bức rèm mưa

Qua bức rèm mưa hồn như mộng
Em xa mà ngỡ ở gần bên
Anh nhìn lá hẹ qua đêm ướt
Rung rinh từng giọt sáng bên thềm…

Muốn ép không gian bằng gang tấc
Cho tuyết cùng ngâu dệt bức rèm
Và em thấp thoáng bên khung cửa
Đưa tay là được nắm tay em!

VĨNH NGUYÊN
TẶNG HẢI BẰNG (*)

Cái rễ cây thành con nai đen
Cái bạnh cây thành con hổ phục
Cái chảng cây thành con chim hót
Chiếc lá xanh thành con mắt nhìn…

Người đến đây xin đừng trả giá
Có ai mua được khoảng trời xanh?
Tôi muốn chim kia và chúng nó
Khi “sổ lồng”nhớ nhìn lại anh.
.
Đồng Hới 1976

(*) Cảm ơn Nhà thơ Hải Trung (con của cố thi sĩ Hải Bằng) đã công bố bài thơ nầy của tôi bị thất lạc 33 năm qua vào tuyển tập “Hải Bằng-Thơ-Tác phẩm và dư luận”Nxb Thuận Hóa ấn hành 2009.
 
VĨNH NGUYÊN
NÔNG TRƯỜNG MÙA TRĂNG ANH TRỞ LẠI

Anh ăn với em một trái dâu đồi
Trái chín mùa trăng anh trở lại
Ba mươi tuổi anh vụng về biết mấy
Quả lăn tròn ướt tím lòng tay

Muốn nói cùng em sau bấy nhiêu ngày
Cho ta được một chiều thong thả
Chiều miền rừng nắng mềm như lụa
Một dòng xanh sóng lá nối bờ mây

“ Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây…”
Bởi bè bạn chưa về đông đủ
Hoa bông trang triền đồi cháy đỏ
Như nói bao điều về những ngày qua

Đáy mắt em là bể biếc non xa
Anh nghĩ về những mùa trăng bên thương bên nhớ
Trăng treo nhành khô trăng úa
Là mùa trăng bom lửa vùng rừng

Núi Đá Đen bom bạt ba phần
Ngôi miếu cổ tụt đi góc mái
Vết xe lăn cỏ khâu chưa kín lối
Dòng suối Sen thắm một đường hào

“ Kể chi anh những ngày ấy gian lao…”
Lời em nói- một làn gió tím
Ngô ngã quả phơi dâu đồi thì chín
Cho nắng chiều bịn rịn những lùm cây…
 
VĨNH NGUYÊN
ĐỜI TA RỒI THUA CẢ LOÀI CỎ DẠI

Đời ta rồi thua cả loài cỏ dại
Thua cả đám liu chiu dế trũi dế mèn
Là khi ta nằm dài đáy huyệt
Đám liu chiu cỏ dại mọc đè lên!

Không ai tránh được giờ kết thúc
Đức Mẹ hiện ra đâu đó năm nào?
Người sùng đạo tin là có thật
Còn người thường chỉ biết thương nhau

Anh và em trước sau gì cũng vậy
Khi rễ cây hút tủy ống xương khô
Bao đốt xương ta rỗng như ống trúc
Ai còn hát theo chi vào những nấm mồ?

Đời ta rồi thua cả loài cỏ dại
Ta cứ tin như thế vững lòng hơn
Để bàn tay với bàn tay lại nắm
Và làn môi tìm tới nụ môi hôn…


VĨNH NGUYÊN
VỘI VÃ NHA TRANG

Thành phố ấy với tôi đành vội vã
Còn đêm nay mai đã xa rồi
Bao con đường hướng ra phía biển
Như nhìn mình vào tấm gương soi

Không dấu diếm không thể nào dấu diếm
Dấu làm chi số phận an bài
Sự tráo trở sẽ gặp ngàn sóng đánh
Bao nỗi buồn biển gội tan ngay

Nhưng sao em giã từ quá sớm
Tôi và thành phố thức đêm nay
Trên bãi biển những vầng điện sáng
Tôi hát bản tình ca quá đỗi thơ ngây

Em quay gót rượu không buồn rót
Tôi vùi chai rượu xuống lòng đêm
Tạm biệt Nha Trang với câu thề trên cát ướt
Hẹn ngày gặp lại bới chai lên!


VĨNH NGUYÊN
NHÌN

Đỉnh núi chót vót sau lưng nhà
Sông êm đềm trôi trước mặt
Giữa núi và sông-Nơi tôi sinh ra

Đi đâu về tôi nhìn núi nhìn sông
Tủm tỉm đến nửa đời người
Một hôm say nhìn hình như đỉnh núi có lõm xuống
Kì thực đỉnh núi không còn nhọn như ngày xưa
Ở đó còn kéo xuống một con đường
Như đường rẽ ngôi trên đầu người
Trên đường rẽ ngôi tóc thường lõm xuống

Làng bên có người lĩa được cây lim roòng ra tận ngoài vỏ
-Cây lim trên chót núi quê ta đó!

Kì thực đỉnh núi lõm xuống đâu phải là ta đã lớn khôn
Cây lim bị đốn hạ lao xuống thành đường mòn


VĨNH NGUYÊN
SONNÉ VÔ ĐỀ

Anh yêu em có thể nào đong đếm
Như đấu gạo vơi đấu gạo đầy
Mối tình anh dấu chôn không hết
Để bây giờ đến nỗi thế nầy đây

Anh yêu em anh yêu tha thiết
Càng nhiệt cuồng càng bị cách ngăn
Muốn cập bến ván cầu chưa bắc tới
Con tàu anh vòi vọi trông sang

Ôi dòng sông chỉ còn một bến
Em thanh xuân xinh đẹp vô ngần
Dẫu man dại anh không chối bỏ

Và như thế anh đành nặng nợ
Con tàu anh đến phút ngập chìm
Nhưng cầu xin rằng anh không nỡ…


VĨNH NGUYÊN
ĐÃ ĐẾN LÚC

Đã đến lúc tôi đi buôn cỏ may
Với những người sống rỗng trong không gian rỗng
Họ ưa xoang cỏ may vào ống quần để nhổ và nhổ

Đã đến lúc tôi đi buôn vực thẳm
Để ngăn những con tàu tránh xa chốn hiểm
Tốt hơn là buôn luôn những con tàu

Tôi dũng mãnh tôi đầy ma lực
Tôi vừa thuyền trưởng vừa lái tàu
Có thể tính phương vị tọa độ dòng hải lưu gió dạt
Nhưng không thể tính định mệnh sóng thần
Gẫy gập cột buồm- nơi cả gia đình chống đỡ

Tôi cùng con tàu tơi tả dạt bờ sú vẹt
Bờ bãi nào hứng dạt các con tôi
Là thủy thủ giỏi tôi tin chúng vẫn sống

Và đương nhiên tôi đi buôn con tàu khỏe hơn
Tôi tính biết hướng sóng nơi xẩy ra thảm họa
Tôi tìm bằng được các con yêu!

Các con trở về trên con tàu bình yên
Tôi vừa con tàu vừa người mẹ
Chẳng lẽ bằng không, tôi trở buôn cỏ may vực thẳm hay buôn ông bầu diễn tuồng-chẳng lẽ?


VĨNH NGUYÊN
CÒN

Còn chiếc hài nàng tiên lẳng lơ núi Phủ
Còn nền nhà xưa cho thi nhân về nằm
Con ngựa bôn ba không phải ngựa chiến mà là ngựa thơ (*) ưa cỏ non những sườn đồi non
Còn kẹp những cuộc tình gái quê thị thành đâu đó?
Con ngựa đã về tàu cỏ vườn xưa và nằm luôn trên nền nhà xưa đầu gối núi Gôi chân rửa ao nhà trước khi ra đồng đạp sang núi Phủ
Và mùa xuân hoa chanh nở trên đầu thi nhân hương nồng nhưng nhức tóc gái quê thành thị thuở nao còn đến bây giờ những gái quê quê Ông chân quấn xà cạp trên đồng gieo cấy
Còn một làng Thiện Vịnh
Còn một thi sĩ tài hoa
Nguyễn Bính.

(*) Nguyễn Bính sinh ngày Mồng Ba tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1918)


VĨNH NGUYÊN
SƠN ƠI!

Ngày anh mất, tôi từ Huế ra quê xây mộ Tổ
Chẳng đột ngột gì đâu anh yếu mệt đã lâu rồi
Anh chọn”Chốn địa đàng” khi Văn Cao giã biệt
“Xin ngủ dưới vòm cây” anh hát trước bao người!

Ca từ anh tuyệt vời ấy là điều quý nhất
Sóng hồn người hòa đập với đất đai
Anh đã hát giờ bao người hát tiếp
“Hạt bụi nào…” nơi quán cóc quê tôi…

Hỡi trời thẳm tôi dâng ly tiễn biệt!
Nhớ anh Sơn chiếc răng khểnh đang cười
Với ly rượu lung linh trên tay khi sáng tác
“Một cõi đi về…”tôi òa vỡ Sơn ơi!
                                            Vĩnh Tuy 2/4/2001


VĨNH NGUYÊN
ANH QUÁN, DẬY!

Anh Quán, dậy!
Anh dậy và đánh thức chị nữa vậy
Cô dâu làng Kiều Mai-Hà Nội về đất Ngoại Viên Hưng (*)
Vợ chồng Quyên (**) ở Viên-chăn đã sang
Anh em văn nghệ đông lắm
Rượu Hiếu, rượu Thủy Dương, rượu nếp Lào thơm
Trước lăng anh chị hồ nước xanh trong
Có thể trong hơn nước hồ Tây anh và núi Ba Vì từng ngắm…
Anh có nghề câu
Nhưng bây giờ anh không phải làm việc ấy
Anh “Tạ” (***) đất làng sinh ra anh thi sĩ
Làng Thanh Thủy Thượng cúng anh gà đồi, vịt Xiêm, cá rô Bàu Choàng…
Rượu đã rót đầy tràn các chén
Hàng thông reo reo hết cuộc đời thông
Nào nâng chén
Xin anh Quán-chị Trâm cạn trước!

Cuộc hội ngộ trùng phùng
Hàng thông reo reo hết cuộc đời thông!...
                                     Huế mồng Sáu tháng Mười Hai Canh Dần (9/1/2011)

(*) Một sự kiện trong làng văn chương:
11h ngày 6/12/Canh Dần (9/1/2011) hài cốt vợ chồng Nhà thơ Phùng Quán, Nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm được đưa từ Hà Nội về an táng và cải táng ở nghĩa trang Ngoại Viên Hưng,phường Thủy Dương là nguyên quán của Nhà văn Phùng Quán
(**) Quyên, con gái Nhà thơ Phùng Quán
(***) “Tạ” một tác phẩm thơ của Phùng Quán.


VĨNH NGUYÊN
NGƯỜI ĐÀN BÀ LẶN CÁT SÔNG HƯƠNG
                                           
Người đàn bà lặn cát đáy sông Hương
Một phút nhắm mắt như mù
Là khi bà lặn xuống đôi tay cào đầy thúng cát đội đầu chòi lên chờ nước rút khô đổ cát vào thuyền
Lại một phút lấy hơi mở mắt nhìn đất trời phố thị nhà ai giàn giáo lên tầng?
Rồi nhắm mắt lặn xuống mải miết lấy cát cho đến khi đầy thuyền chở đi bán
                                               II
Bữa ăn giờ nghỉ thất thường bà nấu vội hoặc đồng quà tấm bánh qua loa tùy thuộc thuyền cát bốc nhanh hay chậm
Nhiều khi chưa bán được hàng thuyền buông neo cắm sào đậu bến
Đêm xuống
Người đàn bà ngủ trên cát cát lún làm người bà lõm xuống đống cát và cát dần vùi như là huyệt mộ cho riêng bà ở giữa lòng thuyền!


VĨNH NGUYÊN
ĐÁ DĨA BIỂN TUY AN

Chẳng biết đất xây hay sóng mài miết bờ đá nơi đây thành những chiếc dĩa đen xám
Những chiếc dĩa như những khuôn mặt người
Sóng khoét lỗ tai mắt mặt mũi sinh động những khuôn mặt yêu thương hờn giận hài hước hoặc lạnh như băng
Những khuôn mặt thật sống giữa đời tham quyền lừa phỉnh đục khoét rệu lòng dân
Đá dĩa biển Tuy An là những khuôn mặt giả to nhỏ thấp cao siết chặt bên nhau dựng lũy giữ đất.


VĨNH NGUYÊN
XEM

Nước gì rịn ra góc tối hay bình rượu vỡ?
Xem
Hòn bi ve đang tắm
Chúng chạm nhau từ bao giờ?
Bình vỡ
Bi ve không còn tròn

Cành cam bị măm hết lá
Chẳng thấy sâu đâu
Vệt nhểu còn ướt còn bám cuống lá như ở khóe miệng trẻ nít
Phanh lớp lá
Nó nằm im dưới đất như chết.


VĨNH NGUYÊN
CHỜ

Những người đàn bà bên bờ biển cát
Chờ
Những người đàn ông của họ
Từ khi tin bão đến lúc bão tan
Mắt không còn nước mắt
Chân ngắn lại
Áo xạc
Vai gầy

Biển lạnh
Và những vầng mây xốp

Họ vẫn chờ
Hy vọng mong manh
Vào những vầng mây xốp thành mây khác
Chờ
Một cơn bão lật
Úp biển
Như người dân chài úp chiếc thuyền thúng
Chờ!...


VĨNH NGUYÊN
MÙA HẠ

Mùa hạ
Mùa nắng như điên gió như cuồng sóng táp mọi sinh linh về cuối đường  cuối bức tường cuối phố.
Nơi bức tường chặn lại may mắn sống sót một người đàn ông và một người đàn bà
Sau cơn thác loạn họ nhận ra sự quạnh vắng
Họ nhìn nhau
Người đàn ông thèm khát bạo liệt áp mặt lên đôi môi người đàn bà bợt bạt
Người đàn bà sau cơn sóng táp lần thứ hai định thần vội xua đuổi người đàn ông đi chỗ khác

Muầ hạ
Mùa sống sót tình đói khát một phía sức mạnh xô bồ

Mùa hạ
Mùa lẻ loi họng đắng người đàn bà lặng nhìn kẻ mạnh vơ vét những gì có thể ăn được uống được mặc được rồi leo tường chạy trốn.


VĨNH NGUYÊN
HOA PHƯỢNG TRÊN ĐƯỜNG HÀN MẠC TỬ

Hàng phượng trồng sau chiến tranh
Đã thành cổ thụ
Gió biển gió sông Nhật Lệ
Hoa huyết rơi đầy từ hạ sang thu

Quả khô cong trên cành mùa trước
Gõ xuống đường rời rạc
Từng giọt huyết nhỏ lên quả-xương-sườn gầy guộc
Như máu tim người trút kiệt…

Người về Đồng Hới lắng tiếng chuông nhà thờ
Quả phượng khô trên đường-những chiếc xương sườn lăn không khốc!

VĨNH NGUYÊN
QUA DUY XUYÊN NHỚ BÙI MINH QUỐC VÀ BÀI THƠ HẠNH PHÚC

“Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên” (*)


Hai người lính cùng chiến hào vệ quốc
Người mất kẻ còn là lẽ đương nhiên
Anh đi tìm chị khi tiếng súng vừa ngưng
Tìm như đánh vật nhiều lần
Đồng đội bổ ra khắp ngả
Căn ke tọa độ căn hầm
Cỏ lặng thin
Cát nóng rang mắt muối…

Sao chị không chòi lên một đốt lóng tay lóng chân
Cho anh gom nhặt trong vòng tay ôm
Để nấm cỏ ven đường
Bia đá ghi:
Nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý
Đơn giản thế và vẫn chưa có thế?

Tôi không hiểu sao anh chị đặt tên con là Ly
Để đến giờ nầy ba người ba phương chưa thể đoàn tụ
Sao chị không chòi lên một đốt lóng tay lóng chân
Cho anh bớt long đong
Và anh khóc bởi bất lực (**)
Nhưng hạnh phúc-anh đã nói giờ không thể nào nói khác?

Qua Duy Xuyên
Chiều mai nơi Cao Nguyên
Tôi sẽ cùng Bùi thi sĩ nâng ly rượu ngang chòm râu chổi cứng
Xa khuất Duy Xuyên-đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Cơn áp thấp nhiệt đới bổ sung gió quất dọc sống lưng
Một khoảng trời mờ nhòa ô kính.
Duy Xuyên 31/3-Sài Gòn 1/4/2005

(*) “Bài thơ về hạnh phúc” của Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) từ miền Nam gửi ra in tạp chí Tác phẩm mới 1969.
(**) Báo Tuổi trẻ ngày 5/8/2006 đưa tin: Sau bốn lần tìm kiếm cật lực, ngày 3/5/2006 đã tìm thấy hài cốt Nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (hy sinh 8/3/1969) nằm trong vườn nhà ông Võ Bắc, làng Thí Thại, Duy Thành, Duy Xuyên , Quảng Nam.
.
VĨNH NGUYÊN
CHẠY TRỐN HOÀNG HÔN

Chạy trốn hoàng hôn
Trốn một vùng trời đỏ ối máu bầm
Con thuyền kết nhiều buồm no gió băng qua biển đen thăm thẳm sóng thác bỏ lại phía sau một vùng máu bầm tóc tang
Đến nửa đời người em mới tặng tôi bức ảnh “Chạy trốn hoàng hôn” (*)
Có nghĩa trốn đi tuổi già sầm sập tới
Ý nghĩa đó cho ta thêm sức mạnh như uống toa thuốc trường sinh
Tôi yêu em như tuổi còn đôi tám.

Nhưng bức ảnh có thể là một sự đánh lừa
Bởi trái đất xoay còn hoàng hôn-bình minh thì chỉ một
(Như sao hôm-sao mai chỉ một)
Nhưng dù sao thì tôi cũng cảm ơn em đã tặng bức ảnh nầy
Bức ảnh con thuyền kết nhiều buồm no gió như con tuấn mã với sức mạnh vô song bỏ xa dần vùng trời máu bầm ảm đạm
Và tôi yêu em như tuổi còn đôi tám.

(*) Ivan Konstantinovuj Aivazosky (1811-1900) với tác phẩm ảnh nổi tiếng “Hoàng hôn-thuyền buồm cô đơn” (1953).


VĨNH NGUYÊN
ĐƯỜNG DÀI

Đường dài ta nhớ người thân
Tiếng ai văng vẳng như gần như xa
Tìm đường hỏi ở ngã ba
Mà thơ phía trước cả ba con đường     

2006

Vĩnh Nguyên
HUẾ SANG XUÂN LÒNG TÔI SANG HẠ

Huế sang xuân mà lòng tôi sang hạ
Ngực biển sôi day đảo cây buồm
Người ngầu muối mẻ tôm ngầu lửa
Nơi ta ngồi sóng thúc từng cơn…

Chuyến tàu trưa lửa nung ngùn ngụt
Nắng quá nên mưa lẽ thường tình
Toa tàu như lò than khói bốc
Một hồi còi ray rứt từng cơn!

Huế sang xuân lòng tôi sang hạ
Mang nỗi đau của những người câm
Con tàu trôi bồng bềnh đôi ngả
Đâu phải mưa gió từ trời và tấm tức cơn giông?


Vĩnh Nguyên
NÂNG CHÉN BÊN NHAU

Mình sát đất mình thấp hơn ngọn cỏ
Đôi khi vấp ngã có sao đâu
Bạn chạy vạy leo theo danh vọng
Bây giờ mới ngã thấm đòn đau

Nhưng Trời ạ! Ngày xưa tìm bạn khó
Khi họp hành khi công cán xa lâu
Nay bạn đã trở về góc vườn nhỏ
Cho chiều chiều ta nâng chén bên nhau!


Vĩnh Nguyên
BÌNH-HOA

Nếp đất- nếp nhà
Nếp đất- nếp hoa

Nếp đất
Cái bình
Gốm sứ hay tre trúc
Cũng từ đất mà ra

Hoa- nếp đất
Mở hương
Đứng vào bình
Yểu điệu
Nàng tiên
Cất lời hát:

Đất tốt bình tốt
Đất xấu bình xấu
Đất tốt hoa đẹp
Đất xấu hoa gầy
Bình đẹp nhờ hoa
Hoa đẹp nhờ bình!...

Nếp đất- bình đẹp
Nếp đất- hoa cười!...


Vĩnh Nguyên
VƯỜN

Chị muốn trốn vào góc khuất
Nhưng chính nơi ấy ánh dương đương thắp
Những ngọn nến-những búp lá non

Tôi đọc “Vườn” (*) của chị
Giờ đi trong vường nhà tôi vườn nhà em
Bên lối nhỏ dẫn đến nơi góc khuất
Có kê tảng đá làm bàn khúc gỗ làm ghế
Cánh bông trang còn tươi bên bông úa héo
Con mèo tam thể rung râu trên bàn
Con chó nhỏ bới lá mục tìm dế
Có thể có cả “Người đàn bà ngồi đan” (**)
Chùng kéo cuộn len đo thời gian trên đôi que đan thành tấm áo
Có thể
Có thể vườn-vũ trụ thâm nghiêm
Có phải chị muốn trốn nơi góc khuất để tìm kiếm một điều gì khác ngoài vườn?
Như tôi viết tặng Vườn có nghĩa là tặng tác giả của nó và còn ẩn chứa một người khác
Quả tôi tham lam.

(*),(**) “Vườn” , “ Người đàn bà ngồi đan” là hai tập thơ của Ý Nhi


Vĩnh Nguyên
VÒNG

Vòng
Trái banh
Trái đất
Trái trời

Mấy ai đi hết vòng trái trời?

Không đi hết vòng trái trời
Ta ôm trái banh
So dây lưng quần
Bụng thắt khi đói
Lo học hành
Mong thoát lũy tre làng

Thoát khỏi lũy tre làng
Đỗ đạt
Có chức
Bụng phưỡn
Phưỡn đến hụt dây lưng quần
Vẫn tham
Vẫn không muốn dừng
Giao tiếp
Vòng eo
Gái nít

Quên
Lũy tre làng
Bụng thắt
Hồi nào?

Vòng
Rồi vòng
Vòng huyệt chữ nhật
Đến
Vòng trái banh trái đất trái trời
Vòng
Vòng
Vòng…
                     
Vĩnh Nguyên
TRẢ

Tôi yêu ông
Yêu ông khi tôi đang còn chồng
Chồng chết
Ông bỏ tôi theo em nạ dòng khác

Tôi điên
Phút tỉnh đánh ghen không đánh nổi
Ý nghĩ giết ông thì có
Nhưng tôi vẫn yêu như cuồng…

Tôi ngây dại ma tà
Ông trở quẻ ăn chay ngồi thiền
Nhịp tim-nhịp mõ chậm cầu an
Nhịp hối thúc niệm chú xua ma tà

Thì con ma từ ông
Trút sang tôi mùi chay xạo thế gian
Ruột nối khúc dòng ma ào ạt trút
Dòng ma trong tôi đông đặc
Cõi trần nặng gánh!
Nhịp hối thúc hòng xua ma tà?
Càng hối thúc dòng ma trong tôi càng mau chảy về ông hoàn trả
Quả báo!


Vĩnh Nguyên
LẼ

Lẽ
Là lẽ ra
Tôi đừng cưới em
Để khỏi có một gia đình đúng nghĩa gia đình
Chưa đến nát như tương nhưng quả lộn xộn
Tôi nói điều nầy, em nghĩ sang điều khác
Tệ hại so đo…không còn chút cảm thông
Con đến tuổi trưởng thành mà móng nhà nghiêng
Bấu víu vào đâu khi bố mẹ sắp bỏ nhau-hai kẻ tội đồ
Biết đâu con đã nhiễm tội đồ bước ra từ ngõ cụt?

Lẽ
Là lẽ ra…

Vĩnh Nguyên
BI

Bi tròn bi dẹt
Đều là phận bi

Bi dẹt bi mẻ
Dưới bánh ru-lô
Khuất lấp

Bi tròn lắm lúc lăn đi bắn ra
Rệ đường
Mù lòa
Bụi bám!

Phận người
Một chấm con thuyền biển khơi đứt gẫy
Một vầng trăng khi khuyết khi đầy
Tờ giấy trắng hoặc xanh hoặc đỏ
Gió thỏa thích lật giở
Tờ giấy mở cuộc đời vốn có
Có thể cao sang có thể thấp hèn
Sân khấu mở hai mãng đời tối sáng
Ai vo tròn đời mình làm bi bụi bám?!


Vĩnh Nguyên
BÔNG HOA SEN ĐANG GIẬN DỮ CÙNG TÔI

Bông hoa sen đang giận dữ cùng tôi
-Ai lảm nhảm ồn ào cái gì thế?
Lúc đầu tôi căng hai lá tai cố nghe cho rõ
Hóa ra những lời kia quá cũ mèm rồi
“Văn hóa” oang oang rạn nứt thêm hoàng thành
“Đạo đức” oang oang cuốn bão xoáy rạp đầm sen…

Rát quá nóng quá tôi cụp cả hai lá tai cho đỡ rát
Tôi không còn nghe thêm được nữa
Vội muốn hỏi ngược một lời:
Người hô hào văn hóa biết đâu thiếu văn hóa thì sao?
Người hô hào đạo đức biết đâu thiếu đạo đức thì sao nào?
Tốt hơn trước khi nói, tự núm tóc giật giật năm bảy cái: mình đã đúng chưa, tốt chưa?

Ai bảo Hoa Sen yếu mềm
Công dung ngôn hạnh tuyệt vời!
Tôi-người đàn ông không còn trẻ nữa
Quỳ xuống bùn, đầu gục Đóa Sen tươi!            21/4/2012


Vĩnh Nguyên
THUYỀN TRĂNG
                               
Bất chợt tỉnh
Người đẫm nước
Nàng bên tôi
Cùng ướt rượt

Bất chợt mơ
Bun hốt nậm
Nàng buộc chỉ cổ tay tôi
Và quàng lên cổ tôi vòng ngọc trắng!

Bất chợt tỉnh
Viên-chăn sáng ấy
Thăm chùa cổ Sisaket
Con thuyền may mắn tưới nước!

Bất chợt mơ
Con thuyền ngược dòng Mê-Kông
Bay lên vầng trăng xanh
Nàng cùng tôi đẫm nước
Trong lòng thuyền
Hương Chăm-pa phả lên
Những vòng ngọc sáng lên
Bay theo vầng trăng!

Tỉnh rồi mơ
Con thuyền ngọc
Tưới ngọc
Lên vầng trăng!
                                  Viên-chăn 14/4/2011


Vĩnh Nguyên
NHỮNG TRÁI TIM CẮM XUỐNG

Những người lính
                             Nước mắt
                                            Mưa chan
Mỗi người
                 Một
                        Cây hương
Từng bậc cấp
                      Bước lên
                                     Nghĩa trang Thành Cổ
Mưa nặng hạt
                      Người che ô
                                         Người đầu trần
                                                                 Ướt rượt
Tay khum che
                       Lửa sáng
                                      Đầu hương
Hồi chuông ngân
                           Rung
                                    Nhạc buốt lòng
Đoàn Nhà văn Mỹ- Việt
                                       Hàng ngang
Kevin Bowen-Hữu Thỉnh
Bruce Weigl- Nguyễn Duy
Sam- Nguyễn Quang Thiều
Marchant- Lê Minh Khuê
Carolyn- Nguyễn Đức Mậu
Nguyễn Bá Chung- Ngân Vịnh
Heineman- Phạm Hồ Thu
Lady Borton- Bằng Việt…
Không đếm hết
                         Những người lính
Từng đến
                Nơi nầy
81 ngày đêm
                     Năm 1972
Quần nhau
                  Một thước vuông
                                              Bốn người
                                                               Ngã xuống!
Từng cây hương
                          Cắm xuống
                                             Đài hương
Những trái tim
                        Lỗi lầm
                                     Cắm xuống!
Hồi chuông ngân
                            Rung
                                    Nhạc buốt lòng
Những người lính
                             Nước mắt
                                             Mưa chan
Từng cây hương
                          Cắm xuống
                                            Đài hương
Những trái tim
                        Cắm xuống!

                                                    Thành Cổ Quảng Trị 10/3/2012


Vĩnh Nguyên
VÔ ĐỀ

Cảm ơn em
Cảm ơn em ngàn lần
Cho anh thêm trang đời khác
Đời anh đơn giản vô cùng
Đơn giản đến khô khan nghèo nàn trống rỗng
Không khóc được anh cười cho đỡ vắng
Anh hát với giọt mưa rỉ rắc trước hàng hiên
Không chốn ngục tù anh vẫn như ở trong tù ngục
Không kẻ địch tình anh đâm chém với lòng anh…

Tên gọi bình thường thơ khát cháy yêu thương
Không rắc rối như tên nhà thơ Bôrít Pastécnắc
Tên như thế nên đời thơ cay nghiệt:

Mục đích sáng tạo là xả thân
Không phải trò rùm beng không phải mưu thành đạt
Thật nhục nhã khi anh chẳng ra gì
Mà tên tuổi anh lại lừng lẫy khắp…(*)

Anh khổ đau anh tứa máu con tim
Nhưng anh không phải mưu thành đạt
Và tên tuổi anh đâu nhiều người biết
Bản thảo viết hôm nay mai có thể xé rồi
Anh ngu ngơ chưa biết khóc hay cười
Trong cuộc sống vòng vo lạnh lùng chán ngắt

Cảm ơn em
Cảm ơn em ngàn lần
Cho anh thêm trang đời khác
Em- rắc rối buồn phiền
Em- dịu hiền đắng chát
Em- thông minh ngu ngốc
Và bao điều nữa vẫn là em

Ta như con thuyền gió ngược triều dâng
Người cầm lái mang con tim tứa máu
Đời chẳng vòng vo lạnh lùng chán ngắt
Chẳng nhỏ nhen rắc rối tỵ hiềm
Kéo buồm lên vững lái kéo buồm lên
Quyết vượt sóng hay để thuyền vỡ nát?

Cảm ơn em
Cảm ơn em ngàn lần
Cho anh thêm trang đời khác
Con tim anh con tim rạn nứt
Hát bài ca- cây buồm của anh…


(*) Thơ Bôrít Pastécnắc


Vĩnh Nguyên
Tel: 0126 2566 822
Tác giả gửi qua eMail
NNB vi tính giới thiệu