Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Ngày Cưới/ Thơ Hoàng Thanh Hương/ Bình: Nguyễn Văn Hòa


 



NGÀY CƯỚI

Hoàng Thanh Hương

Ngày cưới em không được ngồi xe hoa
nhà mình gần nhau vào ra đụng ngõ
sắp đến ngày vu quy
em thèm nghe được giọng mình
đêm thật khuya và gió.

Ngày cưới em không được rót rượu hồng
ly rượu trong mơ chạm môi ngọt lịm
chiếc bánh kem ba tầng
gắn nhiều hoa nhỏ
có đôi uyên ương hôn nhau
em chưa hề được chạm tay
em thèm được bế tung lên
thèm lao vào nhau bốc cháy.

Thế rồi chúng mình vẫn yêu
vẫn bền bỉ bên nhau tháng dài
và quên bao điều nhỏ nhặt
nhìn người ta dìu nhau
bước vào hôn trường
hoa giăng rực rỡ
lại nhớ ngày qua.

Thế rồi vườn hoa trước sân nhà
thi nhau nở bông vàng bông tím
có nụ hồng rưng rưng trong sương mai
anh hái đặt lên ngực em
mùa xuân về hát bên khung cửa
khung cửa có nhiều ô hình trái tim

Nguyễn Văn Hòa, bình: 
Có rất nhiều kỷ niệm trong đời mỗi một con người nhưng kỷ niệm về ngày cưới có lẽ là kỷ niệm thiêng liêng, sâu sắc và đáng nhớ nhất. Cái hạnh phúc tột cùng của những đôi trai gái yêu nhau đó là việc bố mẹ hai bên chấp nhận và chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức hôn lễ, một sự kiện trọng đại, một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời.
Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng có được cái hạnh phúc và sự thiêng liêng ấy. Có người đến với nhau bằng tình yêu chân thành, đích thực, đúng nghĩa và không vụ lợi, họ yêu thương nhau thật lòng nhưng họ lại không có điều kiện tổ chức ngày cưới. Họ chưa hề có được cảm giác và tâm trạng hân hoan đó trong chính cuộc đời mình. Có người vẫn tổ chức ngày cưới đàng hoàng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà việc tổ chức ngày cưới của mình không được đầy đủ, không có xe hoa, rượu hồng, bánh kem …
Ngày cưới em không được ngồi xe hoa
nhà mình gần nhau vào ra đụng ngõ
Mạch cảm xúc của bài thơ giống như một câu chuyện kể, lời kể ấy được viết bằng thơ, rất tự nhiên như lời tâm tình, thủ thỉ, giãi bày những cảm xúc thực của bản thân. Đó là kỷ niệm về ngày cưới của mình và niềm khát khao cháy bỏng được chính mình tận hưởng những phút giây ngọt ngào, say đắm trong một lễ cưới  đủ đầy và lãng mạn.
Có nhiều lý do để “em” không được thưởng thức những nghi thức lễ nghi vật chất sang trọng: không được ngồi xe hoa, không được rót rượu hồng, không có chiếc bánh kem ba tầng gắn nhiều hoa nhỏ. Nhưng nhà thơ chỉ nêu ra một lý do là “nhà mình gần nhau vào ra đụng ngõ”.
Ở nông thôn nhà gần nhau thì làm gì phải xe hoa ngày cưới, mà ở đây gần nhau đến độ ra vào đụng ngõ. Nhà gần đến cỡ ấy, không có xe hoa ngày cưới cũng là điều hợp lý, cũng là lẽ thường tình. Thế còn rượu hồng, bánh kem có liên quan gì đến nhà gần nhau ra vào đụng ngõ, sao cũng chẳng có?
Điều cốt lõi nhất là hoàn cảnh kinh tế của hai gia đình còn quá khó khăn. Nhà thơ Hoàng Thanh Hương từng tâm sự: “Lúc anh chị yêu nhau cha mẹ hai bên không thuận, anh chị tổ chức đám cưới cũng là lúc hai gia đình đều khó khăn, cả hai đều là con đầu lòng, hai nhà đều đông em… do vậy tự lo là chính ”. Từ thực tế ấy, sắp đến ngày vu quy cô gái nhỏ trong “Ngày cưới” phải tất bật lo toan nhiều thứ, từ những cái đơn giản nhất như quét dọn, sắp xếp đồ đạc trong nhà, chuẩn bị chén bát, bàn ghế đến việc phải tính toán mua những thứ đồ dùng cần thiết cho quan trọng của đời mình. Vì vậy, sắp đến ngày vu quy mà:
sắp đến ngày vu quy
em thèm được nghe giọng mình
đêm thật khuya và gió.
Hai khổ thơ đầu cụm từ em không được, em chưa hề, em thèm, thèm biểu hiện những khao khát nồng nàn mãnh liệt của “em”. Khát khao ấy đã đi đến đỉnh điểm.
Rồi thời gian vẫn cứ qua đi, mặc cho bao khó khăn thiếu thốn, bao gánh gồng nặng nợ áo cơm và những trúc trắc trên đường đời. Nhưng chúng mình vẫn vượt qua được và càng yêu nhau thắm thiết hơn, gắn bó bền chặt hơn, quên đi bao điều nhỏ nhặt của cuộc sống thường ngày. Ấy vậy, nhưng khi thấy người ta bước vào hôn trường, hoa giăng rực rỡ thì nỗi nhớ cồn cào da diết về ngày cưới năm nào của em lại trỗi dậy và em lại nhớ về những điều giản dị, những cái mà em hằng ước ao.
Viết về tình yêu, thể hiện khát vọng cá nhân đó là giây phút mà nhà thơ Hoàng Thanh Hương hướng về tâm hồn mình ở độ sâu thẳm nhất. Đó là sự ý thức về tình yêu và sự sống một cách vừa sâu sắc, chín chắn và không kém phần lãng mạn.
Dù không được như các bạn trẻ sau này, đám cưới của anh và em không có đầy đủ lễ nghi, tiệc tùng sang trọng nhưng tình yêu giữa em và anh ngày càng mặn nồng tha thiết. Anh cũng đã dành cho em những phút giây lãng mạn tình tứ của tình yêu chồng vợ.
có nụ hồng rưng rưng trong sương mai
anh hái đặt lên ngực em
Cái hay, đến khổ cuối mới xuất hiện “anh”. Chính “anh” xuất hiện thì những gì “em” giãi bày ở trên nó mới có giá trị. Và cũng chính anh là nhân chứng, là điểm tựa, là tình yêu thương vô bờ bến đối với em. Hơn ai hết chính anh mới là người hiểu, thông cảm và yêu thương em nhất.
Những cái nhà thơ nói ở trước đó là sự ước ao, thèm khát đến cháy lòng. Vì hình ảnh những đám cưới kia mà nó làm trỗi dậy trong em những khao khát đó - chứ em không hề có ý trách móc, than vãn hay đòi hỏi điều gì.
Hình ảnh thiên nhiên trong khổ thơ cuối hiện lên sống động, có sự giao hòa với con người. Một thiên nhiên rực rỡ sắc màu.
Thế rồi vườn hoa trước sân nhà
thi nhau nở bông vàng bông tím
có nụ hồng rưng rưng trong sương mai
anh hái đặt lên ngực em
mùa xuân về hát bên khung cửa
khung cửa có nhiều ô hình trái tim
Bằng cái nhìn tâm trạng, không gian và thời gian trong bài thơ luôn trong thế vận động và tràn đầy sức sống.
Suốt bài thơ, đó là một tình yêu da diết, sôi nổi và nồng thắm. Nhà thơ cũng đã ý thức được rằng trong cái vô hạn của đất trời, sự ngắn ngủi của cuộc đời không phải bao giờ, cái gì ta cũng đạt được. Vì vậy mà ta không nên nản chí và có quyền ước mơ. Khi đã  ý thức được điều này có nghĩa chúng ta đang rất yêu cuộc sống này!
Cái hay của bài thơ là sự giãi bày những cảm xúc thật của một người phụ nữ giàu cá tính, sống  và yêu hết mình. Bởi chị ý thức sâu sắc rằng tình yêu thương là con đường ngắn nhất dẫn đến trái tim. Ở đâu tình yêu được sống trong bình đẳng, chân thành và đầy đức tin thì ở đó tình yêu càng trong sáng và hoàn thiện. Hạnh phúc của con người trước hết là hạnh phúc của những con người đang sống. Trong đời người ai chẳng từng yêu và tránh sao khỏi những giây phút giận hờn, “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” nhưng với nhà thơ trẻ Hoàng Thanh Hương chị đã  khéo vén vun và vượt qua tất cả.
Hoàng Thanh Hương viết nhiều về tình yêu, thơ chị thể hiện một tâm hồn khao khát hạnh phúc, đó là cảm giác thường trực trong chị, dẫu phải vượt qua bao sóng gió cuộc sống. Tâm hồn đa cảm của một nghệ sĩ như chị dù hiện tại hạnh phúc nhưng vẫn không quên quá khứ của mình và luôn có một niềm tin tưởng, mơ ước vào tương lai. Điều đó thật đáng quý vô cùng.

Nguyễn Văn Hòa

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Thơ Lý Phương Liên Bài 12 sách Ca Bình Minh, NXB Văn Học



Thơ Lý Phương Liên

Bài 12 sách Ca Bình Minh, NXB Văn Học

.


12
EM MƠ CÓ MỘT PHIÊN TÒA

.
PHIÊN TÒA MỞ NGAY TRONG NHÀ EM
VÒNG TRONG VÒNG NGOÀI LÀ BÀ CON HÀNG PHỐ
CỤ GIÀ, CHÁU NHỎ..
NÉT MẶT TRANG NGHIÊM
GHẾ CHÁNH ÁN MỘT HÀNG
BAN ĐẠI BIỂU, DÂN PHÒNG, HỘ TỊCH…
VÀNH MÓNG NGỰA SÁT GÓC
BẦY TÙ BÌNH MỸ GỤC ĐẦU
NĂM CHỊ EM EM NGỒI SÁT VÀO NHAU
NGỰC NÉN ĐẦY TIẾNG KHÓC…
.
NHỮNG VÒNG HOA THƠM NGÁT
XẾP QUANH
NHƯ TẤM LÒNG NHÂN DÂN
VÂY QUANH QUAN TÀI MẸ
VÀ SAU LÀN HƯƠNG THẦM THOẢNG NHẸ
MẸ EM VỀ
MẸ EM VỀ
MẸ EM VỀ LÀM MỘT NGƯỜI NHÂN CHỨNG.
AI ĐÃ NHÌN THẤY SÚNG
AI ĐÃ NHÌN THY BOM
AI ĐÃ NHÌN THẤY CẢNH MẸ CON
CHIỀU CHIỀU VÂY QUANH MÂM CƠM CÓ CÀ
VÀ RAU MUỐNG
NHÀ EM NGHÈO LẮM
NHƯNG ẤM ÊM LÀ MỘT GIA ĐÌNH
MẸ EM HAY LẨY KIỀU SANG CANH
HÀNG XÓM NGHE QUEN TRONG IM LẶNG
SÁNG NẮNG
CHIỀU MƯA
CÓ VẤT VẢ, CÓ ƯỚC MƠ
ĐỜI VẪN SÊNH SANG HẠNH PHÚC
THẾ MÀ SÚNG CHĨA VÀO LỒNG NGỰC
NƠI CÓ QUẢ TIM
QUẢ BOM
CŨNG NÉM VÀO NƠI ẤY
MẸ EM ĐỨNG ĐẤY
NGƯỜI MINH CHỨNG CỦA ĐỜI
MẸ ƠI
CON ĐÃ NHÌN THẤY BOM
VÀ SÚNG.
.
BOM VÀ SÚNG
GIẾT MỘT DÒNG SÔNG
GIẾT MỘT CON ĐÒ
CÓ MẸ EM VÀ NĂM MƯƠI CUC SỐNG
CÔ GÁI BẰNG EM
MẮT NHÌN VÀO HY VỌNG
CÁC EM NHỎ BẰNG EM EM
THÍCH CHƠI BI VÀ CHẠY TRỐN…
.
BOM VÀ SÚNG
AI DẠY MI GIẾT NGƯỜI?
BẦY GIẶC LÁI CÚI ĐẦU IM LẶNG.
.
CÓ KHÁC CHĂNG SÔNG HỒNG
DÒNG PÔ TÔ MÁC NƯỚC XANH
NƯỚC XANH NƯỚC HNG ĐÂU CŨNG NƯỚC DÒNG SÔNG
NẾU BOM ĐẠN VIỆT NAM ĐỔ XUNG DÒNG PÔ TÔ MÁC?
EM TRỪNG MẮT NHÌN LŨ NGƯỜI LÀM GIẶC
CHÚNG IM LẶNG CÚI ĐẦU
.
BẦY GIẶC LÁI CÚI ĐẦU IM LẶNG
CHÚNG ĐÃ TẮM TUỔI THƠ
TRONG LÒNG MÁT DÒNG SÔNG
CHÚNG ĐÃ NGẮM BIỂN ĐÊM
SAU MỘT DÁNG TRỜI HỒNG
CHÚNG ĐÃ HÁI NHO VẾ NGÂM RƯỢU
CHÚNG BIẾT MẶC ÁO QUẦN ĐỦ KIU
BIẾT HÔN MẸ VÀ HÁI HOA
NHƯNG TAY CHÚNG CÒN BIẾT CẦM CẢ SÚNG
.
CẦM CẢ SÚNG
TAY CHÚNG VÀ TAY TA
HÔM NAY ĐỀU BIẾT CẦM CẢ SÚNG
CHÚNG BẮN DÒNG SÔNG HỒNG
TA KHÔNG BẮN DÒNG PÔTÔMÁC
CHÚNG ĐỐT NHÀ TA
TA KHÔNG ĐỐT NHỮNG VƯỜN NHO CỦA CHÚNG
CHÚNG GIẾT MẸ TA
TA KHÔNG GIẾT MẸ CHÚNG
CHÚNG ĐẾN TỔ QUỐC TA
vIỆT NAM
TA KHÔNG SANG
NƯỚC MỸ
KHÔNG PHẢI DÀI LỜI VỀ CHÂN LÝ
SÚNG VÀ BOM
BOM VÀ SÚNG
CHÚNG GIẾT TA
THÌ TA TIÊU DIỆT CHÚNG
.
MẸ CỦA CON ƠI
NHỮNG NGƯỜI SỐNG TRÔNG LÊN
ĐÔI MẮT CHÁY NGỜI
BẦY GIẶC LÁI CÚI ĐẦU CÂM LẶNG

.
Thơ Lý Phương Liên
NXB Văn Học 2011 


Sách Thủng Thẳng với Thơ / Bài 4/ Khi ngôi sao rụng chín


14 khúc Đó Đưa về thơ của Nguyễn Nguyên Bảy, viết vào năm 1975, và gần 40 năm sau, mới in thành sách, do NXB Văn Học ấn hành tháng 6/2011.


THỦNG THẲNG VỚI THƠ

Nguyễn Nguyên Bảy
@

4/ Khi ngôi sao rụng chín

Vòm trời như một cây cổ thụ, mà những ngôi sao là những trái quả. Chỉ có điều cây trời ra hoa quanh năm và kết quả quanh năm, mỗi một quả sao khi chín rụng xuống lại nở sinh ra những cây non khác và lại ra hoa kết quả. Sự sinh sôi là không ngừng nghỉ, là mãi mãi, biết đâu chẳng có một trời sao…Trên vòm trời có những ngôi sao sáng và có những ngôi sao mờ, sao sáng tức là quả đã gần ngày chín, còn sao mờ là quả đang xanh. Một đêm hè kia, khi ta ngước mắt lên nhìn vòm trời, thấy ngàn muôn sao, và bỗng, một ngôi to như quả bưởi trời rụng xuống. Sao băng hà, một sinh mệnh đã đi vào bất tử…
Thơ kỳ lạ lắm, đúng như một vị thần, thơ đến rất bất ngờ không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn, chỉ một khoảnh khắc linh thiêng rồi vụt đi. Người ta bảo: Khi sao băng, hãy nói nhanh lời nguyện cầu, nhất định lời nguyện cầu ấy linh ứng…Thơ cũng như vì sao kia, cũng băng vội vã, nhanh hơn cả vội vã nếu như người làm thơ bỏ lỡ cơ may, không dang tay đón lấy thơ mà nâng niu ru hát.
Thật khó giải thích động lực nào đã làm cho những ngôi sao thơ chín! Thời gian ư? Nhựa ư? Từ đâu có nhựa? Chẳng lẽ lại có nắng trong vòm trời đêm? Mà quả thơ thì phải chín. Và hoàn toàn không ảo chút nào, thơ đã uống nhựa, đã phơi mình trong nắng gió, và với thời gian…đã chín, chín như những quả sao trời.
Chẳng lẽ thơ lại mơ hồ mấy gió là thế? Nếu đời hơn, thì thơ chính là đôi nhũ vợ ta. Chín xanh lúc ta gặp yêu và chín mọng lúc con ta ấp môi vào để sống. Thơ là vậy, đẹp vậy, quanh ta đầu cũng bóng hình thanh sắc vợ ta. Là khi anh nói về em/ Bông hoa trước cửa tự nhiên nở bùng/ Trên cành một giọt sương rung/ Gió nhẹ vô cùng thổi mãi không rơi…(Thơ BNN)
Cái gì là đối tượng của thơ? Thực ra câu hỏi cần phải đặt lại: Ai là đối tượng của thơ? Con người là đối tượng của thơ. Câu trả lời không có ý gì mới mẻ, nhưng mãi mãi vẫn còn mới mẻ. Bởi con người là một danh từ chung trong đó vừa hàm chứa dân tộc vừa hàm chứa nhân loại, vừa là em lại vừa là bạn, vừa là Chúa Trời lại vừa là Juđa…Do ở nơi trí tuệ của mỗi người, chính thuật ngữ con người cũng bị hiểu theo nhiều cạnh khía khác nhau. Mà trong ẩn sâu con người biết bao nhiêu đặc tính: nào tình yêu, nào phẫn nộ, nào bác ái, nào tiểu nhân. Nên có khi con người là đối tượng của ngợi ca, lại có khi con người là đối tượng của bôi nhọ và xuyên tạc.
Khoan hãy nói đến mặt trái của nó. Coi như với tất thẩy người cầm bút ai cũng có tình yêu đối với con người. Nhưng con người vốn sinh ra không phải ai cũng có sự thông minh của trí tuệ, mà quảng đại đã bị Chúa Trời rút bớt những nếp phần trong đại não, nên không phải ai cũng giảng giải được mọi chuyện tồn vong của vũ trụ. Số ngu đần, sống cam chịu, vừa ý hài lòng với chính sự tồn tại ngốc nghếch của mình. Cần một sự thức tỉnh, thức tỉnh về số phận. Thơ là một trong số những loại hình xung kích làm nhiệm vụ đó. Sứ mạng thật lớn lao, nhưng khốn thay sứ mệnh lớn lao ấy đôi khi lại rơi vào tay những kẻ thiếu nhân thừa súc. Cũng như chính xã hội con người – Số quân vô lại đông đúc không thua kém những người con trung thành của Chúa – Xã hội thơ cũng vậy, tiếng lòng thơ và dã tâm thơ song hành, thích cánh chen vai. Vì thế, thơ không chỉ tụng ca con người, mà thậm chí còn báng bổ con người bằng những tụng ca, nghĩa rằng: họ tụng ca ngay cả thân phần xúc vật của con người.
Duy nhất tình yêu con người làm những quả thơ trên cây đời chín đỏ. Như thế có trừu tượng quá chăng?
Yêu cả những niềm vui của con người, yêu cả những khốn khổ của con người. Tình yêu ấy làm cho niềm vui trở nên có ý nghĩa và những khốn khổ khi ta chỉ thẳng vào mặt nó, gọi đích danh nó, khiến con người cảm nỗi xấu hổ, cảm nỗi mình bị xúc phạm và lăng nhục, những kích thích đó làm bật nổ những hành động và và những hành động ấy trôi dần đi, làm cho nó ngày một ít đi, càng còn ít khổ đau con người càng được sống trong hạnh phúc có ý nghĩa.
Có những bạn đọc phẫn nộ với tôi, coi tôi là con người tàn nhẫn và độc ác, vì tôi hay khơi lên nỗi khổ cực của con người. Đời này chẳng lẽ còn thiếu những đau khổ ư, mà cần thêm những vần thơ phanh phui đau khổ. Lời than vãn thú vị đấy. Tôi cần phải nâng chén rượu lên tụng ca nỗi đau khổ của con người! Có phải con người sẽ buồn khổ thêm khi chính ta gọi rõ tên, chỉ rõ mặt nguyên nhân đau khổ ấy? Hay con người thích một triết lý tĩnh, mọi xếp đặt cuộc đời là do một đấng linh thiêng, không thể động lên và sắp xếp lại. Thứ triết lý tĩnh là thứ triết lý không cách mạng. Cần thiết phải có một triết lý cách mạng, một triết lý động.
Tôi không sao cầm được nước mắt trước những khổ đau vô lý của con người. Nỗi đau khổ của riêng anh, trong căn nhà nhỏ của anh có thấm thía gì, chỉ cần anh ra khỏi nhà, đi hết một phố, ra với làng, lên với rừng và ra với biển…anh sẽ thấy ngay, thấy tất cả những đau khổ vô lý của con người, nơi nơi là những đau khổ về thể xác, nơi nơi là những đau khổ về tinh thần. Con người có phải là xúc vật đâu mà con người bị đọa đầy dã man đến thế. Có những người từ sinh ra cho đến khi chết chỉ mới được ăn đếm trên đầu ngón tay những bữa ăn có thực, mà ngay cả những bữa ăn ấy cũng chẳng ngon lành gì, vì liền sau đó là công nợ, là những dày vò của điều tiếng, là sự trả giá danh dự và thể xác. Có những cô gái chỉ ao ước một chiếc quần mới, có những nhà khoa học chỉ ao ước có được một chiếc bàn làm việc đúng nghĩa để  hiến dâng trí tuệ cho con người…Tiếc thay, ước mơ xưa nay vốn chỉ là mơ ước!
Xã hội con người ở dạng này hay dạng khác cũng chỉ mới thay được cái vỏ bên ngoài, chưa bao giờ thay đổi được cốt lõi của nó. Vì sự thay đổi luôn luôn là cải lương, những thành phần mới, vừa ở vị trí bạn con người đã mau chóng nhảy lên địa vị cai trị con người. Lòng tham của chúng là không cùng và thế là con người  lại lập lại mọi khổ đau. Khổ đau chỉ được thay đổi tên gọi, mầu sắc, và sự đốn mạt của nó là đau khổ mới bao giờ cũng mang những nhân danh rất hào nhoáng, những nhân danh hào nhoáng làm run động lòng người, nhưng…than ôi, cái mới còn tồi tệ hơn cái vừa bỏ đi. Do vậy phải động không ngừng, cách mạng không ngừng. Đó là qui luật mâu thuẫn của triết học và cũng chính là sứ mạng cao quí của thơ.
Sự tiến hóa của tư tưởng thường rất trì trệ. Một quá trình chín dai dẳng, nhanh nhất cũng là hàng chục năm. Thơ thường phụ họa theo những trì trệ ấy. Vì thơ có ưu thế vần điệu của mình, thơ làm say lòng người, mê hoặc những ngu si, thơ giúp vào việc kéo dài những triết học ngu muội. Đó chính là tội lỗi của những thi nô.
Chỉ còn rất ít thơ để lay thức trái tim con người. Thơ nói vào những nơi sâu kín nhất của trái tim cả niềm dũng cảm, niềm vui và những khốn cùng, tác dụng của thơ không nhỏ, bởi khi trí tuệ con người mơ hồ về những vô lý thì có một người, bằng một dẽ hiểu nhất nói lên những nghịch lý ấy, một công việc không tầm thường và không dễ dàng. Trước những phẫn nộ của cường quyền, hồi âm vô giá của thơ chính là sự đón chào của công chúng.
Duy nhất tình yêu con người làm những quả thơ trên cây đời chín đỏ.
Trong tình yêu ấy có công việc công kích và công việc ngợi ca. Người cầm bút có thể lãnh cả hai sứ mạng hoặc nhận một trong hai sứ mạng ấy. Nhưng dù nhận bất kỳ sứ mạng nào mục đích cũng là vì hạnh phúc của con người.
Ngợi ca những cái con người đang đúng và công kích những cái sai.
Đứng trên phương diện nhìn nhận sự thức tỉnh của con người, thúc đẩy tư tưởng tiến triển, loại trừ những phiền muộn nghịch lý…thì thơ luôn luôn là mũi khoan xoáy vào trái tim người đọc. Bảo với họ lời giữ gìn hạnh phúc và đấu tranh cho hạnh phúc. Đối với một chuyên chính, khi mà người ta tin tưởng ở sức mạnh chính nghĩa của nó, thì sự thực người ta rất cần sự thúc đẩy đối lập (trong đó có thơ). Còn có những chuyên chính run sợ đối lập. Không thể lấy lời lẽ nào ngụy biện cho những run sợ ấy.
Nghĩa yêu chỉ có vậy thôi/ Không tin em thử lên trời hỏi xem
Em bay lên hỏi trời/ Lời trời/ Mây mưa là chuyện của người yêu nhau
Anh tội nghiệp hạt mưa/ Vườn đời muôn hồng ngàn tía/ Sao mưa sa xuống vườn anh/ Cây hoa dại trước thềm (Thơ BNN)
Hát cộng minh có thể hay và khoa học, nhưng ca sĩ nào cũng hát cộng minh khác gì bắt tất cả các loại chim cùng hót giọng oanh vàng. Tranh phục hưng bất tử với những thiên tài của nó, nhưng vẫn cần phải có một Picatxô đồ sộ trong thế kỷ 20 này. Vì một chiều nên với chúng ta cái gì cũng mới, cái gì cũng ngỡ ngàng, cái gì cũng gây choáng. Thơ cũng nằm trong tình trạng chung như thế.
Tính kế thừa rất quan trọng đối với văn học nghệ thuật, chúng ta đã đổ mực tầu lên tất cả những trang dài rất nhiều năm của nhiều nhà hoạt động văn nghệ, chỉ bởi những nhà hoạt động văn nghệ ấy đã đứng ở phái bên kia.
Sẽ là một tổn thất lớn lao biết bao với nần văn học nghệ thuật Xô viết, nếu những Alêxxăng Tonxtôi, Xastakôvích…bỏ ra nước ngoài và đi hẳn, thì làm gì có tiểu thuyết trường ca và những giao hưởng bất hủ. Cả đến Esênhin, nếu không được đánh giá đúng mức thì biết bao nhiêu thơ tình Nga bị chôn vùi…
Tình yêu con người (người ta sợ nói như thế chung chung nhưng thực ra với một người cầm bút chân chính thì tình yêu con người nơi  họ đã hàm chứa tình yêu đối với đồng bào cụ thể của họ với vợ con, cha mẹ, bạn bè họ. Và dĩ nhiên, sâu nông tình yêu  ở mỗi người cầm bút có khác nhau. Có người có thứ tình yêu dịu ngọt, có người có thứ tình yêu chát đắng, lại có những người có tình yêu bằng cửa miệng những lời nhạo báng và chửi rủa…Không nên xếp loại những thứ tình yêu ấy – có chăng chỉ là xếp loại để dễ thông cảm hơn – chứ đã là tình yêu, thì dù cấp độ nào bản chất vẫn là tình yêu. Có tình yêu hợp với dạng này, cũng có tình yêu hợp với dạng khác. Cái đó thực không đáng kể, cần nhất là sự ích lợi của nó – sự ích lợi của thúc đẩy.
Tôi nằm trong số tình yêu không thích hợp với danh vọng và tiền tài. Do vậy, khi danh vọng và tiền tài chạm đến nó, nó dẫy nẩy lên và nhục mạ tôi không thương tiếc. Cái đó thực ra đã mang lại rất nhiều hậu quả cho tôi – Hậu quả xấu – Nhưng tôi lại lấy đó làm vui, vì ngoài đời này, cái mà quân vô lại rủa nguyền ta chính là cái ta đúng. Tôi đi theo tiếng  gọi tình yêu của mình, mô tả (có ngợi ca và phản kháng ), mô tả và sẽ còn mô tả mãi…Duy nhất tình yêu con người làm những quả thơ trên cây đời chín đỏ.
Và như sao ấy, trong một đêm mùa hạ, từng ngôi sao to như cái đấu rụng xuống, một linh hồn đá lìa đời, nhưng không phải lìa đời là mất hẳn, mà lìa đời là đá vào cõi bất tử. Thơ cũng như sao, khi chín rụng rất nhanh và ta không sao cưỡng lại được. Thần thơ đến rất bất ngờ, vì vậy khi thần thơ đã đến thì ta phải chắp vào mình đôi cánh, bay theo, đuổi và quyết bắt cho kỳ được.
Tập Cố Hương Ca tôi đã làm trong bối cảnh ấy! Cả cuốn sử thi đồ sộ Nước Nam Ta tôi cũng làm trong bối cảnh ấy. Sự gặt hái của tôi thường bội thu hơn rất nhiều so với tưởng tượng của tôi. Mỗi khi vừa xong đọc lại, tôi đều giật mình: Tại sao mình làm được một công việc vượt quá khả năng của mình đến thế?
Người này khen sức làm việc của tôi. Người khác bỉ  sức làm việc của tôi. Phạm trù này không mâu thuẫn.
Khen là bởi tình yêu nơi tôi bao giờ cũng bao trùm, tình yêu của tôi bao giờ cũng được trả giá bằng những sáng tạo không mệt mỏi. Luôn luôn mới trong cách nghĩ, cách cảm và hình thức biểu đạt. Nhưng ngược lại là những lời bỉ. Nghiêm trọng hơn cả là sự lạm dụng quá nhiều chất thạch tín, cái chất dễ gây ra chết người, và nữa, tôi vội vã, vội vã cả trong suy nghĩ và biểu đạt. Cũng may những trang thơ ấy chưa tham gia vào đời sống con người.
Để cân bằng mâu thuẫn đó – Trái tim ơi, hãy nói đi, tôi chỉ nghe tiếng nói trái tim tôi. Trái tim tôi vẫn thúc dục tôi làm việc. Người yêu ấy đã nói với tôi: Anh làm thơ không phải cho anh đâu, anh làm thơ cho em và cho muôn người, em thích và em tin là mọi người cũng thích – thích bao hàm cả sự cần, cần lắm, đừng buông tay bút nhé anh!
Trước bất kỳ một yêu cầu của ai – tôi cũng không bao giờ từ chối, huống là yêu cầu của em…
Tôi nhìn nhận lại mình và quyết định phải đi xa hơn.
Đêm ấy, khi ngôi sao trên trời chín đỏ, ngồi dưới giàn thiên lý, ngước mắt lên, chầu chực cái phút ngôi sao rơi…Và, ngôi sao đã rơi, tôi đã kịp nguyện cầu: Thơ tôi không phản bội con người!
Nghe tôi cầu nguyện lời linh thiêng ấy, người yêu của tôi – em suốt đời của anh – đã hôn rất lâu vào đôi mắt tôi, trời đầy sao chín, chúng tôi ngồi bên nhau, không nói một lời nào, chỉ có lặng im của vuốt ve và những cái hôn rất người – hai con người yêu nhau…
Từ khai thiên lập địa/ Cỏ hoa nào không hoa cỏ dại/ Không tin anh tìm đất hỏi xem
Anh về cội hỏi đất/ Đất bảo khoai lúa không tự nhiên mà có/ Giếng nước bến sông không tự nhiên mà có/ Vua chúa trẻ thơ không tự nhiên mà có
Thế mà chúng mình có nhau/ Giọt mây rơi mưa vào lá/ Mập mạp mình cây hoa nở/ Gió đưa sắc nắng hương tình…(Thơ BNN)
.
Nguyễn Nguyên Bảy

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Tiếng rít điếu cày/ Thơ Trịnh Kim Hiền/ Bình: Nguyễn Khôi


TIẾNG RÍT ĐIẾU CÀY
.
Trịnh Kim Hiền
.
Điếu cày rít sáng ngõ sâu
Rít người xuống ruộng, rít trâu xuống đồng
Rít mình nông vẫn hoàn nông
Suốt đời chân đất nên không sắm giầy
Ống quần hay ống cỏ may
Giải lao lại rít điếu cày xả hơi
Sợ mưa sợ nắng của đời
Còn mưa còn nắng của trời sợ chi ?


Bắc Giang, ngày 27-9-2911
Trịnh Kim Hiền (sinh 5-2-1951)

NGUYỄN KHÔI, bình
Chàng Nông dân- Thi sĩ như cái thói quen thường nhật của một lão nông tri điền nơi xóm Trại Cháy (Lục Ngạn) sớm ra , khi tiếng gà gáy sáng vang lên ,thức dậy, việc trước tiên là làm một hơi thuốc lào dân dã cho "đã" (chứ không phải là "điếu bát" của cụ Lý, cụ Chánh).Tiếng rít kéo dài thành một giai điệu giòn tan làm con Mối Vách (Thạch Sùng) giật mình , rơi bộp xuống nền nhà, sợ gãy đuôi, chạy mất hút...còn xóm giềng nghe tiếng điếu cày của Nhà thơ (hâm là cái chắc-chả hâm sao lại làm thơ ?) thì coi như hồi còn Hợp Tác xã-đói rã họng, với "tiếng kẻng đi làm vang góc núi / thuốc lào phả khói sực đường thôn"...là bắt đầu một ngày cần lao sôi động.
Mùi khói thuốc lào phả hơi thơm (rất quê kiểng) làm cho chị Vợ Liệt sĩ nhớ chồng "không biết anh ấy bỏ xác ở Cổ thành Quảng Trị- đường 9 nam Lào bây giờ hồn phiêu bạt nơi nao ? lấy đâu ra thuốc Lào mà hút hở Trời !"...

Sau tiếng rít ấy, Nhà thơ (trí thức nông thôn) như bừng tỉnh nhìn lại cái thân phận của mình "nông vẫn hoàn nông / suốt đời chân đất nên không sắm giầy " thật là chua chát với cuộc sống dân quê đời đời áo nâu chân đất ống quần cỏ may như một kiếp kiếp luân hồi ,luôn bị bọn các Công ty-nhóm lợi ích thao túng bóc lột dài dài...

Bài thơ lục bát 8 câu, rất quê, rất Kinh Bắc- trên một tầm Ca dao, rất Hàn Lâm , có khác nào một bài Cổ phong :

Sừ hòa nhật đương ngọ
Hãn trích hòa hạ thổ
Thùy niệm bàn trung xan
Lạp lạp giai tân khổ.
(Cày đồng giữa buổi đang trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt , đắng cay muôn phần)
Lý Thân (772-846)

Cái Hay của bài thơ :Thi sĩ mượn cớ cái tiếng "rít" (lập Ý ) mà dựng thành một "tứ" thơ độc đáo, rất tuyệt vì Thơ là ngôn ngữ tự mình làm đối trọng, câu thơ hay là một thoáng trần gian là vậy( Tứ thơ nằm trọn ở câu 3+4) để ta suy ngẫm , day dứt mãi không thôi.

Cái Hứng của tiếng "rít" điếu cày còn cho ta một giai điệu lạc quan (bởi cái Tâm trong sáng vô tư- rất hiểu lẽ đời) nên khi nghỉ giải lao giữa 2 đường cày : Chàng Nông dân - Thi sĩ lại thư thả "rít điếu cày xả hơi..." như một thú vui, sảng khoái , lạc quan yêu đời , vừa cày vừa làm thơ thật chân quê như thế ở Trịnh Kim Hiền.
.
Góc Thành Nam Hà Nội 28-3-2012
Nguyễn Khôi
Tác giả gửi bài qua eMail 

Nguồn: nguyennguyenbay.blogspot.com

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Thơ Lý Phương Liên Bài 11 sách Ca Bình Minh, NXB Văn Học



Thơ Lý Phương Liên

Bài 11 sách Ca Bình Minh, NXB Văn Học

.
11
DẶN EM TRAI
 .
SÁNG MAI EM LÊN ĐƯỜNG
CÓ NGHĨA LÀ SÁNG MAI TAY EM CM SÚNG
EM QUÍ EM YÊU EM THƯƠNG EM NNG…
SÁNG MAI EM NGƯỜI LN THT RI
CON CHUN CHUN NGÀY NHỎ NHN NHƠ CHƠI
CON VE SU ĐÙA SUT NGÀY HÈ TRÊN CÀNH SU
MAI EM ĐI T NƠI NÀY YÊU DU
NƠI CÓ CĂN NHÀ NUÔI TUI THƠ EM
NƠI NHNG KỶ NIM CAO NHƯ NHNG CT ĐÈN
NƠI CÓ CÁC EM EM CŨNG LÀ NƠI CÓ CHỊ
EM LÊN ĐƯNG CHNG MỸ
T NƠI NÀY YÊU DU EM ĐI
CHỊ MUN DN DÒ EM NHƯNG CHNG BIT DN GÌ
NHÀ TA CÓ MÌNH EM RA TRN
.
NHÀ TA CÓ MÌNH EM RA TRN
CHỊ NHC LẠI ĐIU NÀY VÌ CHỊ MUN NHƯ EM
THÀNH TM BAY CỦA NHNG MŨI TÊN
NHƯNG CHỊ ĐÃ THÀNH CT TRỤ GIA ĐÌNH TA MỒ CÔI CHA MẸ
EM HÃY COI CHỊ NHƯ NGƯỜI CHIN SĨ
DÙ GIA ĐÌNH TA MÌNH EM ĐƯỢC LÊN ĐƯỜNG
NGÀY MAI MẸ SẼ V ĐU HÔM
ĐƯA EM ĐI MT ĐỎ HOE MẸ  GIỤC
EM CÓ NGHE TRÁI TIM MÌNH ĐANG ĐP RAN LNG NG
TRÁI TIM EM MẸ ẤP Ủ SUT ĐI
.
CHỊ KHÔNG TH NÓI THÀNH LI
TAI EM ĐÃ NGHE TING MẸ KÊU CHÌM TRONG TING BOM GIC MỸ
CHỊ KHÔNG CN DN EM NHNG ĐIU CHỊ NGHĨ
MẸ ĐƯA EM LÊN ĐƯỜNG
KHẨU SÚNG EM CM
LI MẸ DN YÊU THƯƠNG
EM CHỊ SẼ LÀM GÌ LÀ ĐIU CHỊ BIT…
.
HÃY LÊN ĐƯỜNG EM NHÉ
YÊN TÂM
ĐÀNH LÀ CHỊ Ở NHÀ PHẢI GÁNH PHN VT VẢ
NHƯNG VT VẢ NHT LÀ NƠI BOM LA
NƠI NGÀY MAI EM TI ĐẠN LÊN NÒNG
CHỊ CỦA EM KHÔNG BIT DI LÒNG
EM LÊN ĐƯỜNG ĐNG BĂN KHOĂN CHO CHỊ
HÃY HOÀN THIN ĐÀN ÔNG BNG ĐI CHIN SĨ
VÀ NHT ĐỊNH PHẢI TR V
BÉ BỎNG CỦA CHỊ ƠI
.
ĐÊM HÔM NAY CHỊ MUN THT DÀI
SẼ NÓI BAO NHIÊU ĐIU SAO CHỊ NGI IM LNG
EM NGỦ NGON RI
NHƯNG MÀ EM HIỂU LM
KHU SÚNG EM CM MANG LI DN CHỊ THEO…


Thơ Lý Phương Liên
NXB Văn Học 2011 

Sách Thủng Thẳng với Thơ / Bài Tôi ơi, đừng bao giờ chán nản…


14 khúc Đó Đưa về thơ của Nguyễn Nguyên Bảy, viết vào năm 1975, và gần 40 năm sau, mới in thành sách, do NXB Văn Học ấn hành tháng 6/2011.


THỦNG THẲNG VỚI THƠ

Nguyễn Nguyên Bảy 
@

    Sáng,14/12/2010 bỗng tìm thấy trong thư viện gia đình cuốn chép tay viết năm 1975, có tựa đề Luận Văn Thứ Nhất, bèn lôi ra lau bụi,đọc và chép lại dưới đây, trước là lưu giữ, sau là một chia sẻ tham khảo với bạn đọc có nhu cầu…

3. Tôi ơi, đừng bao giờ chán nản…
.

Tôi thói thường hay ngửa mặt hỏi trời. Lần ấy ngửa mặt chỉ thấy trời cười, cười chan hòa nắng, cười mãi không thôi, cưới đến ứa nước mắt để nắng vụt tắt nhường  lại cho mưa, mưa phập phồng bọt, và tôi liền đọc thấy những phập phồng bot ấy chậm chạp từng lời trời: Đừng bao giờ chán nản. Bọt mưa viết lan man nhiều chữ lắm, nhưng tôi đọc mà chẳng hiểu nghĩa, liền vớt bọt uống mà ngẫm nghĩ.

Khi đã có niềm say mê chân chính thì thơ chính là cái bả tình yêu của phù thủy – là cái nghiệp mà mình càng muốn rũ ra thì  như giây nó càng buộc lại. Đã là (sự) nghiệp, như đã nói, tất có chướng, nghiệp chướng, thì nhất định phải đuổi đeo, phải trả nợ, và luôn luôn phải tự nói với mình: Đừng bao giờ chán nản…
Tại sao lại chán nản?
Chán nản thật đấy, chán nản khi ta vừa viết thành công bài thứ nhất đã liền sụp đổ liên tiếp những bài tiếp theo. Cái ảo tưởng về tài năng vừa đến thì cũng liên tiếp xảy ra cái vỡ mộng. Tài hoa chăng hay ta chỉ họa tai? Bài thơ thứ nhất là bài thơ phải trả bằng bao nhiêu mộng mơ, ngẫm nghĩ, biến hóa thành ngôn tình lời lòng, nhưng đâu phải những bài thứ hai cũng dập khuôn giá ấy mà trả, là mua xong. Cũng có khi những bài tiếp sau vẫn thành công xuôi chèo mát mái, cái tên hình như quen với độc giả. Nhưng đùng một cái, buổi chiều kia ngồi đọc lại thơ mình, thấy nó viển vông bông phèng  khôn tả xiết, nó cũng hệt như một cái tin rao vặt, có chăng được viết với điệu vần. Thế rồi chẳng dám đọc to cho chính trái tim mình nghe lại. Hoặc, ngược dòng, thảm thương cho ta, chỉ với bài thơ đầu đời tung lên cột báo đã  khiến ta hoang tưởng bàng hoàng về giấc  mộng tài năng. Sự ngộ nhận càng cao bao nhiêu thì sự chán nản càng sâu nặng bấy nhiêu, vì tiếp sau đó chẳng báo chí nào thèm đăng in thêm bài thứ hai, thứ ba của ta nữa. Thế là, suối chán nản bắt đầu rỉ chảy…
Có hai cách ngăn chặn sự rỉ chảy chán nản ấy.
Một là ta tự trách ta.
Tôi đưa tay tát lên má mình, thật mạnh, má phải, rồi má trái, rồi má phải, rồi ngưng, cộng là ba, bỗng ngộ được đôi dòng mưa bọt khi nãy mơ hồ chưa hiểu. Dẫu bay lên sao Hỏa, sao Kim cũng bay từ mặt đất/ Dẫu lớn tựa thiên thần cũng sữa ngọt mẹ ru/ Hãy chuyên cần như con ong làm mật/ Quả chín trên cây là  quả chín dần dà… ( Bốn câu thơ tự răn này ảnh hưởng thơ Chế Lan Viên quá lậm, tỉnh ngay). Ta phải tự trách ta, là ta chưa đủ kiên trì, chưa đủ liên tục và quan trọng hơn cả là chưa đủ sự say mê, để hồn ta cuốn vào thơ, xác ta cuốn vào thơ, vô tự, tự nhiên như thế cái chướng yêu mà ta ngụp lặn mò tìm cái ta nợ phải trả, cái ta yêu phải sịnh, cái ta ghét phải diệt. Hỉ nộ ái ố cùng thăng hoa trong  hồn ta, thành điệu vần làm ấm áp lòng ta, lòng người, thành mái nhà, thành cánh đồng hoa, thành buổi chiều lũ trẽ chăn trâu thả diều hát gió dọc triền đê. Ba đức: Say mê, kiên trì, liên tục chính là quá trình trồng cấy cây thơ cho mùa ra hoa kết trái. Chí có ba đức: Say mê, kiên trì, liên tục mới đủ sức khơi nguồn con suối chán nản, thành con suối nước chảy qua lòng đá cuội trong veo mà ngân nga …
Hai là ta tự tin ta.
Nói vậy có vẻ buồn cười. ta chẳng tin ta thì tin ai nhỉ? Vậy mà nhiều lúc (đôi khi cả đời) ta chẳng tin ta mà ta lại tin người, thứ tự tin a dua bầy đàn, thứ tự tin giết dần mòn cái tự tin ta để nhập vào cái tin người thành ra một thứ nước ao, nước sông chứ không phải thứ nước máu của riêng ta, nuôi cây ta sống mà đẻ ra cái hoa, cái trái tạ đời. Cái sự tự tin ta, nói vậy mà không vậy, khó giữ vô chừng, vì cái quyền lực mặc áo thi vương, thi bá , tưởng ảo mà hóa thực, bởi chúng có đủ những nhân danh chẳng những chính trị mà cả đạo đức, luôn uốn bắt ta theo khuôn phép bầy đàn, nhắm mắt ngậm miệng bay theo chúng, thơ mà như thế được sao? Ta mà không theo, chúng chế nhạo, phổ biến nhất là chúng mím nụ cười “chuyên nghiệp” mỉa ta “nghiệp du”, cao hơn chút là chúng bôi đen ta, vu khống ta, gán ghép đẩy ta vào thiên lạ chính trị, địa võng đạo người. Sức ta yếu nhát, thật khó lòng đượng cự lại chúng. Thôi thì đành nhường thi đàn cho chúng nhi nhăng, ta về với thi đàn của ta, của bằng hữu ta mà hát lời lòng cho nhau nghe. Tôi, giữa bốn bể anh em, tám phương bằng hữu thường hát hai câu Hoa Nhài về sự tư tin tôi: Ướp trà em. Cài tóc em. Mà vẫn khinh em. Hoa nở đêm / Em vẫn cứ nở đêm. Tắm mình trăng. Tắm mình sương. Cho ngon trà. Cho ngọt tóc. Em vẫn cứ là em. Hoa Nhài.
Nói thêm về sự chán nản đến từ những nguồn tưởng như vô lý khác.
Nguồn đến từ những cơn choáng, ví dụ choáng trước một câu thơ hay, một bài thơ hay hay một thủ pháp thơ hay của tây ta nào đó. Thế mơi là thi nhân, thi nhân là kẻ hay choáng nhất, thất thường nhất, mơ hồ nhất, trước bất kỳ mới lạ nào cũng choáng, khi choáng lập tức phủ nhận mình, và muốn được thành nỗi choáng. Trước mọi nỗi choáng mình sinh ra chán nản bi quan, dâng lên tột độ mối nghi ngờ mình và chán chính mình. Lại bảo, người làm thơ không có nỗi chán mình thì nhất định không thể thành nhà thơ được! Chán mình như thế nào và phải thường trực nỗi chán ấy ở đâu để biến nỗi chán thành một động lực xúc tác tài năng, câu trả lời đã thuộc một phàm trù luận bàn khác.
Viết như vậy hình như mâu thuẫn, vừa muốn phỉ báng nỗi chán lại vừa muốn ngợi ca mãnh lực của nó. Thực không có gì là mâu thuẫn. Nỗi chán nản cần tiêu diệt, để không mệt mỏi làm lụng và luyện rèn. Còn nỗi chán mình là nỗi chán cần thường trực để đừng bao giờ ngộ nhận mình trong suốt quá trình chuyển hóa từ hoa lên quả và dần dà quả chín.
Gặp khó khăn sinh chán nản không là phẩm hạnh thi nhân.
Nếu dễ dàng con đường lên núi, thì cần gìờ vinh quang chinh phục được non xanh? . Thiếu gì kẻ lắm bạc vàng, cao sang quyền chức, muốn nhúng năm ngón tay vào nghiên mực của thảo dân viết lên trang giấy xã tắc năm bài thơ run dế để lưu tên mình vào sử sách, thời gian. Những bài thơ run dế ấy nhất thời vang lên cùng gươm giáo, nhưng đã phải tắt lịm khi thơ nhạc của tình yêu và yên bình cất tiếng. Thơ cao quí như tên gọi của nó. Sự cao quí thần linh. Sự cao quí bất tử. Sự cao quí vốn chỉ trao cho những con người có đầy đủ tình yêu và  nghị lực gieo trồng và thu hoạch nó. Sinh ra đất trời bèn sinh ra bể/ Có bể trời bèn sinh sông/ Chẳng để buồn sông trời bèn sinh cá/ Giận lũ trời bèn sinh rừng/ Có rừng trời bèn sinh cỏ/ Sinh cỏ trời bèn sinh voi/ Lúa trới người dưỡng thành lúa nước/ Sinh ra lúa người  sinh ra nhà người sinh ra thuyền/ Sinh ra thuyền người cao hứng sinh thơ/ Thuyền thơ chở đầy trăng thơ/ Đầy trà đầy rượu đầy hoa/ Và đầy nhân tình…(Thơ BNN) Mình sinh được ra thơ, cớ chi mình lại chán nản?
Con đường thơ là một con đường chẳng những nhiều chông gai mà còn xa ngái, không thể đi một ngày, một năm, mười năm mà tới được , có khi đi cả đời đích vẫn xanh tận chân trời. Trên con đường xa ngái  ấy, may thay, có hạnh phúc, có vui buồn, đã có vậy, chẳng lẽ lòng còn chán nản. Chỉ nguyên điều chấp nhận sự hiện diện của mình trên con đường ấy đó là một tự tin    hạnh phúc. Đã tin vậy, thì cứ đi, đi mãi, đích đó luôn trước mặt, luôn xao xuyến  tâm hồn ta và tôi thầm hiểu rằng đời mình còn duyên nợ với thơ.
Những thất bại ban đầu chính là những cái hôn của mối tình đầu tan vỡ. Nó còn lịm ngọt mê mẩn mãi trong lòng ta, vừa như một kỷ niệm, vừa như một trách móc, vừa như một háo hức, vừa như một bâng khuâng…Nếu mối tình đầu chẳng để lại trong ta một cảm động gì, thì còn gọi gì là mối tình đầu đáng nhớ. Trước đổ vỡ cần một tỉnh táo.
Nhiều cầu gãy trên đường đi, đây mới chỉ là một cầu gãy, nhưng có qua được cầu này thì mới mong qua được những cầu khác.
Khi đã qua được chiếc cầu gãy đầu tiên, ta bỗng mặc cảm một gắn bỏ không gì phá vỡ nổi giữa ta và thơ. Ta cứ ngỡ rằng mình sinh ra để phải trả món nợ đời bằng thơ. Thế là không chán nản nữa. Nhưng, muốn tiêu diệt tận gốc mọi chán nản thì phải có đường đi. Con đường đi của thơ. Có như thế mới không ăn sổi ở thì, có như thế mới nhận biết mọi thất bại như một thường tình. Có như thế mới có nỗi chán mình thường trực, tác phẩm hay nhất chưa phải là tác phẩm mình viết ra, bài thơ sắp viết còn nhiều hứa hẹn hay hơn. Đỉnh núi cao và nhọn đầu hình chóp, cho dẫu ta lên tới đỉnh thì ta cũng chỉ là một điểm nhó xíu của đỉnh núi mà thôi. Đỉnh núi thơ cớ chi xếp ghế thi vương, thi bá?
Hành trình lên núi thơ. Mỗi chặng nghỉ hay mỗi đỉnh nghỉ là một đỉnh tài hoa  ta đấy, nhưng tuyệt nhiên không phải đích cuối cùng.
Không ai bắt ta phải leo lên núi  thơ, con đường tự nguyện, và cũng có thể bỏ cuộc, nhưng nếu như giữa đường nản lòng thì âu thượng đế đã không cho người đó yêu một tình yêu.
Chiến thắng tuyệt đối sư chán nản như thế nào? Chỉ có thể chiến thằng tuyệt đối nỗi chán nản bằng một say mê phi thường, say mê vô tư, không đặt trước cho say mê mình một đời tự vẽ. Say mê thơ kỵ nhất danh vọng và tiền tài. Không có say mê, thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình có thể đi trên con đường cheo leo, gập ghềnh lên đỉnh núi thơ.
Lại vẫn chưa đủ nếu chỉ có say mê. Thơ mãi mãi như miếng đất hoang, những miếng dễ người ta đã khai phá rồi, bây giờ chỉ còn những miếng xương xẩu, có khi ngay miếng xương cũng không còn, mà chỉ còn sự đi mót, sự cào xới lại, thâm canh lại…cho nên cũng khó lắm. Thơ được coi là nghệ thuật thứ nhất trong bẩy nghệ thuật của con người, cho nên nếu không quá lời nó cũng là sự khó thứ nhất. Đi mót cũng như đi câu – thứ nhất tốt mồi, thứ nhì ngồi dai – phải kiên trì và liên tục.
Tôi rèn luyện mình thói quen ngày nào cũng làm việc với thơ ca. Có thể là một chữ, có thể là một câu, có thể là một bài…ít hay nhiều cái đó tùy vào sức, nhưng đừng hôm nào nhãng quên công việc thơ ca. Thói quen lập đi lập lại nhiều lần tự gây ra hưng phấn, do vậy không hôm nào viết hết được những điều suy nghĩ, nên hôm nào cũng có thơ. Nhiều người hay nói đến cảm hứng. Cảm hứng là cái gì? Thần thánh nó quá. Cảm hứng chính là thói quen như buổi sáng dậy ăn lót dạ, và 12 giờ trưa, 6 giờ chiều dạ dày nhớ bữa ứa nước ở chân răng. Ngày nào cũng ngồi vào cái bàn chỉ còn lại 3 chân, ngày nào cũng viết trong càu nhàu của vợ, trong tiếng khóc của con…thế thôi, hôm nào không ngồi vào bàn, nhớ như đói vậy. Làm gì có cảm hứng bỗng nhiên nếu chẳng thấy thú vị phải có thơ, người thi sĩ nghèo càng cần phải loại bỏ lối cảm hứng của bọn giàu sang, chúng có cảm hứng bởi mùi bơ, sữa, thịt cá, trái thơm…Còn chúng ta chỉ có cảm hứng rau muống.
Biết rằng mỗi một ngày sự hủy hoại không biết bao nhiêu tế bào óc, mà rau muống không thể đắp bù lại được, nhưng biết làm thế nào, khi ta đã tình nguyện đi trên con đường thơ.
Nhưng cũng có khi hàng 5 – 6 tháng liền, cói khi cả năm trời không viết một dòng nào. Nhiên liệu đã hết và lò cũng đã ốm, tất nhiên cần phải lên rừng lấy củi hay ra mỏ lấy than. Sau những quãng nghỉ này thường là sức làm việc trở nên cường tráng lạ lùng. Bao nhiêu cái mới, bao nhiêu cái muốn viết, khi ấy một tập thơ ra đời chẳng còn khó khăn gì nữa.
Tôi không có thói quen chọn mùa làm việc, chọn tháng làm việc và chọn giờ làm việc. Với người nghèo thì phải tranh thủ, bất cứ lúc nào có thời gian cũng tự động làm việc. Cứ có 30 phút nhàn rỗi là có thể làm thơ! Đừng bịp đời và kiểu cách rằng trước lúc làm thơ phải hương khói, phải tắm rửa sạch sẽ, phai hút thuốc thơm, uống trà ngon, và sau khi làm việc xong phải được vợ vuốt ve, được bát cháo gà…Chẳng có đâu, chỉ có những cằn nhằn: Nếu cứ làm việc thế này thì anh chết mất! Mà để làm gì? Mai nhà không còn gạo, không một đồng keng nào để mua rau!…
Thực tế bao giờ cũng tàn nhẫn, chứ phải đâu thực tế đẹp như thơ!
Đã có những năm khổ sớ quá – như 1972 chẳng hạn, chúng vu cáo khốn nạn, 8 tháng không được làm việc – Tôi chuyển sang làm thợ may. Đồng tiền kiếm được không ít, nhưng lạ lùng sao cứ thiếp vào giấc ngủ là y như nàng thơ đến (như Đạm Tiên ấy!) và bảo: Nghiệp còn nặng chưa thể bỏ được đâu! Thế là lại gạt nước mắt, lại trút tất cả những khó khăn lên vai vợ và lại làm thơ. Nhiều người tỏ vẻ xót xa thương cảm, nhưng gánh nặng đời ai dễ sẻ cho ai.
Cái khó thực của thơ và cái khó ảo của thơ cứ luôn luôn dày vò, đã mấy ai vàng đá mà không chán nản bi quan. Nhưng ĐỪNG BAO GIỜ CHÁN NẢN là một điệp khúc thơ, vỗ về an ủi tôi. Tôi toát mồ hôi lưng, tôi run lên trước những thất bại, bởi liền sau đó biết chắc là thành công, một thành công không lớn, nhưng là một thành công đã được trả giá.
Đừng bao giờ chán nản – Điệp khúc ấy khi ngân lên thường có hồi âm, hồi âm của niềm vui chân chính, bởi lẽ khi đã không chán nản thì thế vào đó chỉ là niềm mê say lao động, thế vào đó chỉ là nghị lực sáng tạo không ngừng. Và cũng như sự duy trì đức kiêu ngạo cao cả đã đánh át đi những quyến rũ thấp hèn, sự chán nản chỉ còn dành cho chán chính mình, nói nhỏ lại, là không bao giờ bằng lòng với mình, luôn luôn đi về phía trước. Với hồi âm ấy, khi nhận được bao giờ cũng là những khích lệ rất đáng mừng.
Tôi đã viết trong 15 năm cuộc đời, nhưng kết quả còn lại chỉ là trong vòng từ 1970 đến nay, với 1 số lượng những trang viết khá lớn, cái đó đã thực sự tôi rèn nên tôi và đã thực sự làm tan biến đi những ảm đạm cuộc đời, mà động lực chính của nó là: Tôi đã KHÔNG BAO GIỜ CHÁN NẢN. Soi gương vui cả mặt gương/ Tình yêu nhón một cánh chuồn chuồn bay…(Thơ BNN)
Bay đi, bay đi, con chuồn chuồn chán nản.

@

Sách Thủng thẳng với Thơ / Ba tác giả NNB/ LPL và Nguyễn Lý Phương Ngọc
NXB Văn Học 2011.
.
Lyphuonglien.blogspot.com giới thiệu 



Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Em Gái/ Thơ Đoàn thị Lam Luyến/ Bình Nguyễn Văn Hòa


EM GÁI
Đoàn Thị Lam Luyến
.
Em đầy ngộ nhận như tôi
Cũng yêu chí chết cái người mình yêu
Cũng tìm những lối phong rêu
Để rồi bước trật bước trèo uổng công

Mắt thì thăm thẳm mùa đông
Trái tim mùa hạ, tấm lòng mùa thu
Mùa xuân ở phía sa mù
Mà băng tuyết … đến bao giờ cho tan?

Gặp cơ nhỡ em cưu mang
Em đâu biết đến lỡ làng về sau
Em đương lấy sóng làm cầu
Khơi xa làm bến, đáy sâu làm thuyền

Lấy khao khát để làm yên
Đem duyên làm phúc, lấy tiền làm khinh
Rồi ra em giống chị mình
Lấy bấy nhiêu cái thất tình làm vui./.
.
Nguyễn Văn Hòa bình:
.
Có thể nói trong số những bài thơ tình của Đoàn Thị Lam Luyến thì bài Em gái được xếp vào hàng những bài thơ hay nhất của chị. Thường khi đọc một bài thơ nào đó tôi có thể quên ngay nhưng với bài thơ này nó đã để lại cho tôi một ấn tượng khá đặc biệt. Chính vì để lại ấn tượng đặc biệt nên tôi đã thuộc lòng khi lần đầu tiên tiếp xúc với nó. Với tôi, thơ chị hay bởi vì nó thật, nói lên được những điều sâu kín trong tâm hồn, lời thơ giản dị nó bật lên từ ngôn ngữ đời thường.
Có một nhà phê bình đã từng nhận xét: “Thơ chị giống như lời tâm sự, bày tỏ nỗi lòng của chính chị, nhưng đọc thơ chị, ai cũng có cảm giác chị nói hộ lòng mình”.
Mở đầu bài thơ “Em gái” chị viết:
Em đầy ngộ nhận như tôi
Cũng yêu chí chết cái người mình yêu
Cũng tìm những lối phong rêu
Để rồi bước trật bước trèo uổng công
     Đó chính là những lời giãi bày, những lời tâm tình của một con người đã từng trải qua những vấp váp, những dâu bể, vấn vương của cuộc đời. Đặc biệt đó là vấn đề tình cảm, tình yêu và vấn đề hạnh phúc gia đình.
     Ở đây có sự so sánh giữa đứa em gái và mình. Đó là một sự ngộ nhận trong tình yêu, đó là tấm lòng của người phụ nữ biết dồn hết, biết hy sinh tất cả, yêu một cách cuồng nhiệt, cháy bỏng, tận cùng cho người mình yêu. Đó có lẽ là điều mà người phụ nữ nào khi yêu với một tình yêu chân thành, đích thực, không vụ lợi cũng đều làm thế.
     Cái độc đáo của khổ thơ này là ở chỗ tác giả đã sử dụng từ “chí chết”. Theo tôi khó có thể có từ nào đưa vào chỗ này hay bằng từ “chí chết”. “Chí chết” nó vừa cụ  thể, vừa khái quát, vừa mộc mạc, vừa sâu sắc.
     Có lẽ cuộc đời chị, với những gì chị đã làm, những gì đã xảy ra với chính bản thân chị là một minh chứng cụ thể cho điều vừa nói ở trên. Và thông qua lời tâm tình, trò chuyện, bày tỏ những tình cảm rất thật đó, Đoàn Thị Lam Luyến thấy rằng cuộc đời mình, chuyện tình cảm của mình với cuộc đời đứa em gái, hình như là một, là lặp lại giống mình. Cũng đầy chông chênh, thất bại và đổ vỡ. Hình như ông trời đã không công bằng với chị và em gái của chị trong cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc cho bản thân. Dù đã yêu hết lòng, yêu cháy bỏng, yêu hết tâm can, với năng lượng tình yêu chị có chị đều dồn hết vào nhưng đổi lại đó là sự đau xót và mất mát, một sự hy sinh vô ích và không có kết quả tốt đẹp. “Để rồi bước trật bước trèo uổng công”.
     Trong bài thơ “Gửi tình yêu” chị cũng từng viết:
Gửi tình yêu vào đất
Được hoa trái đầy cành
Nhưng gửi tình yêu vào người thì lại không thu được những điều ngọt lành như thế.
Ta trao cả cho anh
Một tình yêu cháy bỏng
………
Ta đã gửi cho anh
Một con tim dào dạt
Và anh trả cho ta
Nỗi buồn đau tan nát.
     Dù chông chênh, gập ghềnh là thế nhưng tấm lòng người phụ nữ nói chung, tấm lòng của chị, của em gái chị nói riêng vẫn đợi chờ, mòn mỏi, vẫn trông mong, vẫn hy vọng điều tốt đẹp sẽ đến.
     Cái hay của khổ thơ thứ hai là tác giả đã có một sự so sánh độc đáo. Độc đáo ở chỗ là Đoàn Thị Lam Luyến đã lấy mùa đông để so sánh với mắt, lấy mùa hạ so sánh với trái tim, mùa thu so sánh với tấm lòng. Mắt- đông giá: buồn; trái tim - mùa hạ: rực cháy; tấm lòng-mùa thu: dịu dàng, bao dung; mùa xuân: khởi đầu những điều tốt đẹp, cây đâm chồi nảy lộc và tình yêu rồi cũng sẽ đem lại những lộc biếc mới … nhưng ở đây cũng xa vời, vô vọng. Nhà thơ đã lấy cái rộng lớn của thiên nhiên để so sánh với cái cụ thể, cái hữu hạn của con người, đời người. Để rồi sau đó chị phải thốt lên:
Mà băng tuyết … đến bao giờ cho tan?
      Sự hy sinh trong tình yêu một cách tự nguyện, vô tư nhưng không mang lại điều tốt đẹp. Chính vì vậy nó đã để lại một sự băng giá, một nỗi ám ảnh nặng nề, không bao giờ nguôi ngoai trong tâm hồn .Câu thơ cuối của khổ thơ thứ hai là một câu hỏi tu từ không cần lời giải đáp vì bản thân nó đã hàm chứa câu trả lời. Sự giá băng, sự thất bại, nỗi đau xót, mất mát và hụt hẫng sẽ bám riết suốt cuộc đời của chị và đứa em gái đáng yêu của chị.
Gặp cơ nhỡ em cưu mang
Em đâu biết đến lỡ làng về sau
Em đương lấy sóng làm cầu
Khơi xa làm bến, đáy sâu làm thuyền
     Em đã sống rất thực lòng, sống hết mình bằng chính tình thương và sự bao dung của một trái tim nhân hậu. Nhưng em đâu biết rằng rồi một ngày  mình cũng lỡ làng, rồi lại xót xa, đau khổ. Vì thế những việc em đang làm rồi cũng sẽ vô ích và mong manh.
     Hoá ra cũng chỉ là những khao khát, những khao khát tình yêu cháy bỏng. Thất bại ê chề trong tình yêu giờ chỉ còn cách tự an ủi để mà sống, lấy những khát khao cháy bỏng để làm yên, để sống bình lặng sau những cơn sóng gió tả tơi của cơn bão tình. Tất cả những gì đã làm, dù là duyên đã lỡ làng nhưng sự hy sinh đó cũng chính là việc làm phúc đức ở đời. Coi tình cảm quý hơn vạn lần tiền bạc. Vì tình cảm không thể bán mua, đổi chác được!
Kết thúc bài thơ là một cái vui. Nhưng để có cái vui ấy  phải đánh đổi bằng những cái thất tình, đổ vỡ, những vất vả, gian truân trên con đường kiếm tìm hạnh phúc. Và phải chăng cái vui ấy cũng chỉ là cách nói để tự an ủi mình, sau bao sóng gió, xót xa, đau đớn của một thân phận đàn bà nhỏ bé, yếu đuối, sống hết mình cho tình yêu nhưng toàn gặp những éo le, trắc trở. Nhiều lúc Lam Luyến cũng khắc khoải, hồ nghi lắm. Chị thảng thốt trong nỗi đau của tình ái:
Sinh em mẹ không sinh ngày
Để em như kiếp trời đày thế gian
Đa tình liền với đa đoan
Tơ duyên cứ nối lại càng đứt thêm
                     (Tích tịch tình tang)
 Sự thực là chị đã trải qua hai lần đò nhưng cả hai lần đều dang dở.Vì vậy, để rồi có lúc chị phải cay đắng nhận ra:
Ta trồng mía hoá lau
Chăm lan mà tốt ngải
Nửa đời trong u mê
Nửa đời toàn chiến bại

.
Nguyễn Văn Hoà
.
Nguyennguyenbay.blogspot.com